Xin tỳ nghĩa là gì

Tì-kheo hay Tỳ-kheo (chữ Nho: 比丘) là danh từ phiên âm từ chữ bhikkhu trong tiếng Pali và chữ bhikṣu trong tiếng Phạn, có nghĩa là “người khất thực”, hay còn gọi là Bí Sô (苾芻), Phức Sô (煏芻), Bị Sô (僃芻), Tỷ Hô (比呼); ý dịch là Khất Sĩ (乞士), Khất Sĩ Nam (乞士男), Trừ Sĩ (除士), Huân Sĩ (董士), Phá Phiền Não (破煩惱), Trừ Cẩn (除饉, trừ đói khát), Bố Ma (怖魔, làm cho ma quân sợ hãi); là một trong 5 chúng hay 7 chúng. Từ này chỉ cho người nam xuất gia và thọ giới Cụ Túc. Đối với người nữ thì gọi là Tỳ Kheo Ni (s: bhikṣuṇī, p: bhikkhunī, 比丘尼).

Theo Đại Trí Độ Luận (大智度論) quyển 3, ngữ nghĩa của từ Tỳ Kheo có 5 loại:

  1. Khất Sĩ (乞士): hành trì pháp môn khất thực để làm cho cuộc sống của bản thân được thanh tịnh, trong sạch.
  2. Phá phiền não (破煩惱): đoạn trừ phiền não, hay còn gọi là phá ác (破惡).
  3. Xuất gia nhân (出家人): là người thật sự xuất gia, ra khỏi 3 ngôi nhà của phiền não, thế tục và Ba Cõi.
  4. Tịnh trì giới (淨持戒): hành trì giới pháp thanh tịnh.
  5. Bố ma (怖魔): làm cho ma quân sợ hãi. Đặc biệt, Khất Sĩ là người nuôi sống bản thân bằng việc xin ăn. Sĩ (士) ở đây có nghĩa là người đọc sách.

Tại Trung Quốc, người sinh sống bằng việc ăn xin được gọi là Khất Cái (乞丐), chứ không phải Khất Sĩ, khiến người ta thấy muốn tránh xa, khinh thường. Nhưng trường hợp Khất Sĩ của Ấn Độ thì có học vấn và đạo đức, được mọi người tôn kính.

Đức Phật chế rằng tài sản của người xuất gia là ba y và một bình bát. Hạnh nguyện đi khất thực cũng là một hình thức tu hành, nhằm đoạn trừ tâm tham lam, dẹp bỏ tự ngã, kiêu mạn, cống cao, sân hận, nóng nảy; nuôi dưỡng tâm từ bi, tu tập hạnh bình đẳng, bố thí thiện nghiệp.

Như cổ đức thường dạy rằng: “Nhất bát thiên gia phạn, cô tăng vạn lí du, vị liễu sanh tử sự, khất hóa độ xuân thu (一鉢千家飯、孤僧萬里遊、爲了生死事、乞化度春秋, bình bát cơm ngàn nhà, cô tăng vạn dặm chơi, liễu trọn chuyện sanh tử, xin khắp qua tháng ngày).”

Hay như Hòa Thượng Bố Đại (布袋, Futei, ?-916) ở Huyện Phụng Hóa (奉化縣), Minh Châu (明州), được xem như là hóa thân của đức Phật Di Lặc, có bài kệ rằng: “Nhất bát thiên gia phạn, cô thân vạn lí du, thanh mục đổ nhân thiểu, vấn lộ bạch vân đầu (一鉢千家飯、孤身萬里遊、青目覩人少、問路白雲頭, bình bát cơm ngàn nhà, thân chơi muôn dặm xa, mắt xanh xem người thế, mây trắng hỏi đường qua).”

Đại Ngu Lương Khoan (大愚良寬, Daigu Ryōkan, 1758-1831), vị tăng của Tào Động Tông Nhật Bản, cũng có làm bài thơ rằng: “Nhất bát thiên gia phạn, cô du vạn lí xuân, tích kinh Tam Giới mộng, y phất cửu cù trần, tự linh vô sự tẩu, bảo dục thăng bình thần (一鉢千家飯、孤游萬里春、錫驚三界夢、衣拂九衢塵、自怜無事叟、飽浴昇平辰, bình bát cơm ngàn nhà, thân chơi vạn dặm xuân, tích chấn Ba Cõi mộng, áo phất chốn hồng trần, tự thân lão vô sự, ăn no hát nghêu ngao).”

Theo quan điểm nguyên thủy, chỉ có những người sống viễn ly mới có thể đạt được Niết-bàn. Hoạt động chính của những vị này là thiền định và giảng dạy giáo pháp, không được thụ hưởng cuộc đời và chịu sống lang thang không nhà. Giới luật của Tỳ kheo là đời sống phạm hạnh, mẫu mực, thiểu dục tri túc, không vợ con và thực hành từ bi, được đề ra trong Luật tạng.

Cuộc sống cơ hàn của Tỳ kheo được thể hiện trong chiếc áo cà-sa của các vị đó, gồm có ba phần (Tam y, (sa. tricīvara) và do vải vụn kết lại. Vật dụng hàng ngày chỉ gồm bát khất thực, dao cạo, kim chỉ, đồ lọc nước và gậy kinh hành. Tỳ kheo không được nhận tiền bạc hay các vật dụng khác. Thức ăn là do sự cúng dường.

Các vị Tỳ kheo sống chung với nhau trong một đoàn thể gọi là Tăng đoàn, gồm bốn vị Tỳ kheo trở lên. Trong mùa mưa, các vị đó thường buộc phải an trú trong một tịnh xá (zh. 精舍, sa., pi. vihāra), gọi là an cư kiết hạ để tính tuổi hạ. Lý do là vì nếu đi lại trong mùa mưa, các vị có thể gây tai hại cho động vật và cây cối. Vì vậy, các vị chỉ được rời tu viện vì lý do đặc biệt trong mùa này.

Mùa An cư được chấm dứt bằng buổi lễ Tự tứ (zh. 自恣, sa. pravāraṇā), trong đó các vị cùng sống chung trong một trú xứ, trao đổi kinh nghiệm tu tập, hoằng truyền chánh pháp, kiểm điểm lại lỗi lầm hay thiếu sót với nhau.

Qua năm tháng, Tỳ kheo ít đi vân du, các vị sống nhiều trong các tu viện, tuy nhiên, tục đi hành hương chiêm bái vẫn còn được giữ đến ngày nay. Ngày nay, các Tỳ kheo phần lớn vẫn còn giữ tập tục như hồi đức Phật còn tại thế, đặc biệt là Nam tông, nhưng mặt khác, họ phải thích nghi với đời sống xã hội và điều kiện địa lý.

Ví dụ như các Tỳ kheo Trung Quốc thường hay làm công việc đồng áng, đó là điều mà Tỳ kheo ngày xưa không được làm vì sợ giết hại sinh mệnh côn trùng. Trong một vài trường phái của Tây Tạng và Nhật Bản, Tỳ kheo có thể lập gia đình, có vợ con. Các quy định về khất thực cũng thay đổi nhiều qua thời gian.

2. Năm đặc tính của Tỳ-kheo

Tỳ-kheo hay còn gọi là Bí Sô, Bí Sô là tên của một loài cỏ thơm mọc trên núi tuyết xứ Ấn Độ, nay vẫn còn loài cỏ ấy. Cỏ Bí Sô thơm cả thân và lá lúc còn non xanh cho đến già úa vẫn còn thơm. Mùi thơm dễ chịu không gay gắt. Thông thường các loài cỏ có thân mảnh khảnh chỉ mọc ở đồng bằng ruộng nương hay núi thấp, không thể mọc trên núi tuyết. Đằng này loài cỏ Bí Sô lại mọc ở núi tuyết quanh năm. Thân của nó chẳng những không bị hao mòn, rục rả bởi tuyết, trái lại luôn nảy nở, mọc tràn lan ra tứ phía suốt 4 mùa tuyết phủ.

Theo sách “Phiên Dịch Danh Nghĩa” có ghi loài cỏ Bhikkhu (Bí Sô) có năm đặc tính, đó là: Thể tánh nhu nhuyến, dẫn mạn bàng bố, hinh hương viễn văn, năng liệu đông thống và bất bối nhật quang.

Thể tánh nhu nhuyến: Là thể chất mềm mại, ví dụ cho việc thân, khẩu, thuần thục, điều phục mọi thô xấu. Thể tánh này được biểu thị cho thể tánh của giới Tăng sĩ Phật giáo một khi đã xuất gia rồi thì tính tình được nhu mì, dịu dàng, luôn khiêm cung, ái ngữ, chánh trực, hoan hỷ, thuận hòa, bao dung, không thô tháo, luôn nhã nhặn, không hung dữ, thật thà, tự nhiên, bình đẳng, không nghi ngờ,… Tất cả đều do thân, khẩu, ý an trú trên dòng tâm chánh niệm, tỉnh thức sau khi đã được tu tập và hành trì giới luật chín chắn.

Dẫn mạn bàng bố: Mạn nghĩa là mọc tràn ra, mọc dài ra. Bàng nghĩa là mọc tràn lan cùng khắp. Hai đặc tính ấy được chỉ cho chư Tăng sĩ trong Phật giáo thường đi khắp đó đây để hoằng dương chánh pháp hóa độ chúng sinh bằng đôi chân của mình; dụ cho vị Tỷ kheo thuyết pháp giáo hóa mọi người không bao giờ mệt mỏi, không tuyệt dứt với hạnh nguyện lợi tha của mình.

Hinh hương viễn văn: Mùi thơm của cỏ Bí Sô bay xa khắp không gian. Được chỉ cho giới xuất gia trong Phật giáo một khi đã thọ Tỷ kheo giới, ai cũng có giới đức trang nghiêm thanh tịnh ở bản thân. Cho nên ai gặp cũng thích, cũng thương mến kính trọng, cúng dường. Nhất hạng là những vị danh Tăng có đạo cao đức trọng, nền văn hóa Phật giáo lớn trong tâm, được quần chúng khắp thế giới nghe đến, liền khởi tâm hâm mộ, ngưỡng vọng và tiếp xúc, lễ bái, v.v…Như Pháp Cú kinh dạy: “Hương của các loại hoa không ngược bay chiều gió, chỉ có hương của người đức hạnh, ngược gió khắp tung bay”.

Năng liệu đông thống: Loài cỏ này có tác dụng dùng để chữa bệnh tật, là một vị thuốc chữa trị chứng đau nhức cơ thể. Dụ cho vị Tỷ kheo có khả năng đoạn trừ mọi bất an, đau khổ, phiền não của thân tâm. Tất cả chư Tăng, Ni trong Phật giáo đều có khả năng chữa trị được các thứ bệnh phiền não, tâm thần, cơ thể bằng thần lực tâm thức và các dược thảo.

Bất bối nhật quang: Loài cỏ này không bao giờ bị che khuất bởi ánh sáng mặt trời, nó luôn tìm ánh sáng của mặt trời để hướng đến. Loại cỏ này không mọc ngược lại với ánh sáng mặt trời. Đó là đặc tính của cỏ Bí Sô luôn luôn hướng về mặt trời. Mặt trời ở ngã nào, thân và lá cỏ Bí Sô hướng theo ngã đó. Ở đây được biểu thị cho chư Tỷ kheo thường tư duy chánh kiến, luôn hướng về ánh sáng mặt trời trí tuệ là đạo lý của Đức Phật. Tăng, Ni trong Phật giáo không bao giờ dám đi ngược lại ánh sáng chánh pháp Phật. Thân tâm luôn luôn thấy chơn chánh, nói năng chơn chánh, nhớ nghĩ chơn chánh và lúc nào cũng an trú trong giới và định một cách thường hằng dù cho sống trong môi trường, hoàn cảnh thuận duyên hay nghịch duyên vẫn theo chánh pháp. Bằng không có thể sẽ bị đi ngược lại ánh sáng chánh pháp Phật.

Năm ý nghĩa của loại cỏ Bí sô tương ứng với năm đức của nghĩa Tỳ kheo. Tỳ kheo thành tựu năm đức ấy là thành tựu trọn vẹn ý nghĩa của một người mang trọng trách “thừa Như Lai sứ, hành Như Lai sự”, mang sứ mệnh “tục diệm truyền đăng” đem ánh sáng Phật pháp gieo rắc làm lợi lạc mọi người. Vì đó mà lấy tên Bí sô chỉ cho Tỳ kheo cũng phải có đủ năm đức tính cao quý.

Vì thế cho nên Đức Phật chọn danh từ Tỳ kheo (Bhikkhu) tên của loài cỏ thơm để đặt tên cho các thiện nam, tín nữ xuất gia thành Tăng, Ni ai cũng được gọi là Tỳ kheo sau khi thọ đại giới như vậy, là vì Ngài thấy rằng giới luật và giáo lý của Ngài ai xuất gia tu hành đúng theo giới luật và Phật pháp đều được có đủ 5 đặc tính như loài cỏ thơm Bí Sô.

Tâm Hướng Phật/Tổng hợp!

Tôi sẽ bắt đầu bàn qua phương ngữ theo thứ tự alphabet, giải thích ngữ nghĩa và đặt từ ấy trong văn cảnh cụ thể để bạn đọc tiện theo dõi. Có những từ về âm vị, người Quảng Nam nói đúng theo âm vị các vùng miền khác nhưng ngữ nghĩa thì rặt Quảng Nam. Chúng tôi cũng đưa các từ này vào trong phương ngữ Quảng Nam.

  • Phương ngữ Quảng Nam - Bài 1: Đi tìm gốc gác của phương ngữ

Ang: Đơn vị đo lường, tương đương 30 lít. Ang được đan bằng nan tre, có hình khối chữ nhật, thường được dùng để đong gạo, lúa.

Miếng ruộng này gặt được khoảng mười ang lúa.

Nhà tôi có một cái ang

Gặt lúa cả làng đổ lại còn lưng

(Vè Quảng Nam).

Ảng: Một đồ dùng để chứa nước, thường được đúc bằng xi-măng. Ảng có miệng to, đáy nhỏ, dưới đáy có ba chân, được trổ một lỗ lù để thoát nước.

Rồi, không để cho vợ hỏi lôi thôi nữa, ông Trùm ra ảng múc một miếng nước súc miệng.

(Hai tuồng hát bội - Vũ Đức Sao Biển).

Ba xăng khao: Tào lao, ăn nói vớ vẩn.

Thằng X là thằng ba xăng khao.

Bá láp, bá xàm: Nói năng bậy bạ, sai trái. Không có nghề ngỗng gì rõ ràng.

Thôi đừng nói bá láp bá xàm nữa.

Bá nghệ bá tri, vị chi bá láp.

Bá vơ: Tào lao. Không đáng tin.

Thằng đó nói toàn chuyện bá vơ.

Bàn hình: Máy chụp ảnh. Sở dĩ máy ảnh được phong lên thành “bàn” bởi ngày xưa, chiếc máy Leika do Đức sản xuất rất to lớn, cồng kềnh. Người chụp đứng sau nó, phủ tấm vải đen trùm đầu rồi mới ra hiệu sẽ chụp ảnh. Ngày nay, máy ảnh kỹ thuật số đã gọn nhẹ rồi nhưng nó vẫn được bà con vùng quê Quảng Nam gọi là… bàn hình. Gọi vậy cho vui!

Anh đem cái bàn hình chụp cho em một tấm ảnh đi.

Bàn thọa: Hộc bàn.

Cha để giấy tờ của con trong cái bàn thọa nớ.

Bành chát, bành sư, bành sư chát: Cái gì to lớn quá khổ.

Củ khoai từ bành sư, nặng tới mười ký.

Cái gì của ông Phó Bảy cũng quá khổ, cũng rùng rợn, cũng to bành sư chát.

(Con cá vược - Vũ Đức Sao Biển).

Bảy đáp: Danh từ chung chỉ những người chuyên mổ heo.

Không thương ai bằng thương anh bảy đáp,

Ảnh làm heo rồi mình có tim, có cật mình ăn.

(Hát ru con Quảng Nam).

Bảy đáp táp… heo.

(Thành ngữ Quảng Nam).

Bị: Cái túi áo (dính liền với áo).

Chị lựa những trái sim chín nhất, to nhất bỏ vào bị cho em.

Bủng: Trạng thái của người bị phù thủng.

Tiết đông thiên, ông Út ổng bủng.

Chè hẻ: Trạng thái ngồi mà không khép hai đùi lại.

Hắn ngồi chè hẻ coi đá banh.

Chùm hum: Trạng thái nhiều người đứng vào một chỗ.

Làm cái chi mà bay đứng chùm hum vậy?

Chuổi: Cây chổi quét nhà.

Mi cầm cái chuổi suốt cái nhà coi!

Chừ: Bây giờ.

Chớ chừ ông đi mô?

(Hai tuồng hát bội – Vũ Đức Sao Biển).

Cúp: Hớt tóc (phiên âm động từ couper trong tiếng Pháp).

Anh Sáu là thợ cúp.

Cược: Đi rồi.

Sau vụ nớ, hắn bỏ làng cược luôn.

Dá: Nhứ để dọa nhưng chưa đánh (hư chiêu).

Một cái dá bằng ba cái đánh.

(Thành ngữ Quảng Nam).

Dặn: Bận rộn.

Tôi dặn quá, không đến chơi với anh được.

Diều: Cái bầu chứa thóc gạo trong thực quản của gà vịt, trước khi đưa các loại thức ăn đó xuống mề. Với người thì có nghĩa là bao tử.

Con Út hắn về ních no một diều rồi đi mất.

Diếc: Một loại cá nước ngọt, vảy trắng, thường về ruộng sau mùa lụt. Tiếng lóng “cá diếc” để chỉ bộ sinh dục phụ nữ.

Cá diếc nấu với rau răm.

Hắn đi coi hát bội chỉ để bắt mấy con cá diếc.

Dị: Xấu hổ, mắc cỡ.

Ăn mặc hở hang rứa mà không biết dị.

Hôm qua, em đi vô toa-lét, lúc ra lại quên kéo phẹc-mơ-tuya. Trời ơi, dị chi mà hắn dị!

Diễn: Trạng thái của chiếc nón lá đẹp, nhìn thích mắt. Diễu cợt một ai đó về một việc khá buồn cười.

Chiếc nón này diễn lắm.

Sau lần té xuống sông, hắn cứ bị mấy anh thanh niên diễn hoài.

Dợm: Định.

Tôi dợm đứng lên nhưng hắn bỏ đi rồi.

Dớn: Tên một loài rau họ tảo, mọc ven bờ sông, bờ suối các huyện miền cao.

Mùa này cành rau dớn,

Ngọt ngào tươi hơn hớn,

Chờ bàn tay em hái dâng cho người.

(Xuân ca vô tận - Vũ Đức Sao Biển).

Dũm: Loại nắp nhỏ làm bằng đất sét nung để đậy hũ mắm (tĩn mắm) rồi khằn lại bằng xi-măng hay mật rỉ đường.

Mặt hắn thun lại như cái nắp dũm.

Đà: Đã.

Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm

Rượu Hồng đào chưa nhấm đã say

Bạn về nằm nghĩ gác tay

Hỏi nơi mô ơn trượng nghĩa dày cho bằng đây.

(Ca dao Quảng Nam).

Trang hồng kim hải ra hoa,

Trổ bông mùa phượng cũ đà hồ phai.

(Mùa phượng cũ – Bùi Giáng).

Đầu dầu: Đầu trần, không đội nón.

Trời nắng chang chang mà mi đi đầu dầu rứa Tèo!

Đùi: Trạng thái của vật dụng không còn bén nữa. Nam Bộ: Lụt.

Cái dao ni đùi rồi.

Đủm: Khúc. Ngắn ngủn. Ngắn.

Mía được chặt ra thành từng đủm.

Người chi mà đầu đuôi có một đủm.

Đường đượng: Trạng thái của cái lưng to, mập mạp.

Ăn uống cho lắm rồi cái lưng đường đượng.

Giỏ: Vật dụng đan bằng tre để đựng cá. Nam Bộ: Đụt.

Câu một ngày, chỉ lèo tèo mấy con cá trong giở.

Giú: Giấu. Che giấu.

Trò mô giú quyển sách của trò X thì đưa ra.

Cái chuyện động trời như rứa tại răng mi giú cho hắn?

Gù (gò): Tán, tán tỉnh. Nói dịu dàng để lung lạc người khác.

Mi lại đây, tau bày cho cách gù gái.

Hắn gù răng không biết mà mượn được bà Hai đến 6 triệu đồng.

Hầm hinh: Trạng thái của đồ vật chông chênh, không cân đối chắc chắn, người đứng lên có thể té ngã.

Cái bàn đang hầm hinh, đừng có đứng lên đó.

Hỷ: Nhé, nhá. Vậy (thường đứng cuối câu).

Anh về em hỷ.

Đang ở mô rứa hỷ?

Mạnh giỏi không hỷ?

Hoang: Nghịch ngợm. Nói bậy bạ chuyện tình dục. Thích tình dục.

Cái thằng đó hắn nói hoang lắm.

Mới 30 tuổi, ông đã có bốn đứa con. Đúng là hoang sớm.

Họ: Người ta. Đại danh từ nhân xưng ngôi thứ nhất. Hàm ý nũng nịu và giận dỗi.

Đi đâu mà bỏ họ ở nhà một mình?

Hung: Quá.

Như rứa thì đúng hung rồi.

Hử: (Hả) Thường đứng cuối câu hỏi, hàm ý giận dữ.

Mi có nhớ mi hứa với tau cái gì không, hử?

Hường: Màu hồng.

Kẻo dung nhan mùa phượng cũ phai hường.

(Bùi Giáng)

Kỵ: Đám giỗ.

Gặp ngày kỵ, con cháu mới về.

Kỳ: Hồi.

Người kỳ xưa đâu có ăn nói lạ lùng như rứa.

Khí: Con người, đồ vật chẳng ra gì.

Thằng khí nớ không làm được việc chi hết.

Cái xe khí này mà chạy răng được?

Khía cạnh: Nói châm chọc.

Thôi, ông đừng khía cạnh tôi nữa.

Khính: Chẳng ra gì (hàm ý khinh bỉ).

Cái đồ làm ăn như khính!

Khò: Cái gì được kết dính lại bằng lửa.

Đào vàng ba năm, anh X chỉ kiếm được mấy chỉ vàng khò.

Khỏ: Cầm cây đánh vào đầu.

Sẵn cây thước, tau khỏ cho một cái.

Khu đĩ: Chỗ vách nhà nhọn, hình tam giác đỡ lấy hai mái nhà.

Nước lụt lên rất nhanh khiến nhiều bà con phải trổ khu đĩ thoát ra, leo lên ngồi trên mái nhà.

 Khù: Khờ, không biết gì.

Ba mươi tuổi mà hắn vẫn khù như con nít.

Kinh: Quá.

Chu, cái ông ni dễ thương kinh!

(Quảng Nam hay cãi - Vũ Đức Sao Biển).

Lả: Không đứng đắn, không nghiêm túc.

Làm con gái thì đừng có lả.

Con nớ ăn nói lả lắm.

Lộn thin lộn mồng: Đầu óc hồ đồ, lộn lạo các thứ không nhớ ra.

Mi đi chơi, tau sẽ đánh cho mi lộn thin lộng mồng!

Lung: Quá đỗi nghịch ngợm.

Bọn trẻ nít giỡn như voi lung.

Lù đu: Không phát triển, không lớn, không cao lên được.

Vùng đất cát lại thiếu nước nên trồng cây chi cũng lù đu.

Mười tám tuổi rồi mà hắn lù đu như rứa đó.

Lụy: Trạng thái của cá voi chết.

Nghe nói ngoài biển có Ông lụy.

Mà: Làm bộ, che mắt một ai đó.

Mi coi chừng hắn mà mắt mi.

Mắc tịt: Mắc cỡ. Xấu hổ.

Mặc xà lỏn mà đi ngoài đàng, không biết mắc tịt.

Mằn: Sờ sẫm. Mân mê.

Tối ba mươi Tết, Tết ba mươi,

Chồng mằn ngực vợ, vợ cười tươi.

Ông bà phán hỏi: Làm chi rứa?

- Vui!

(Thơ yết hậu dân gian Quảng Nam).

Mít: Dốt. Chịu thua, không trả lời được.

Anh hỏi tới chữ nghĩa thì tui mít.

Cái thằng nớ đi học nhưng vẫn mít như không đi học.

Mỵ: Lạ lùng, không giống ai.

Chớ mi làm cái chi mà mỵ rứa mi?

Mo đài: Vật dụng múc nước, làm bằng tàu cau, hai đầu bẻ lại trông giống một khối hình thang. Người nghèo Quảng Nam làm mo đài để múc nước giếng tắm giặt hay tát nước trong lòng ghe thuyền ra.

Bước xuống đò, ông cầm ngay cái mo đài tát nước rồi cầm cái dầm trước kìm cho đò đứng yên để khách lên.

(Ông Trưởng Nhơn - Vũ Đức Sao Biển).

Mỏi: Trạng thái đói.

Mì tôm anh Tám Quảng Nam,

Khi mô mỏi bụng vô làm một tô.

(Ca dao đời mới Quảng Nam).

Nậu: Người sống trong một địa phương nhất định.

Em chừ nậu rỗi quê mùa,

Có thương xin anh chớ bỏ bùa thuốc em.

(Ca dao Quảng Nam).

Ngẳng: Nghịch ngợm.

Tính thằng đó ngẳng lắm.

Ngặt: Khó. Khó khăn (trong Ngặt nghèo).

Anh nói cái chi nghe ngặt quá.

Nhằm: Đúng, không sai.

Mi nói rứa mà nhằm đó.

Nhắp: Câu bằng cách kéo miếng mồi di động trên mặt nước. Nam Bộ: Câu rê.

- Nực cười chú nhắp cá trê,

Nhắp qua nhắp lại đi về cái giỏ không.

- Hứ, cằm chi cằm chẳng có lông?

Không nhiều thì ít chớ không cái nỗi gì?

(Hát đối đáp dân gian Quảng Nam).

Ni: Này. Bên này.

Mi cầm giùm tau cái ni.

Một dòng nước trong. Đôi bờ thương nhớ. Ơi người bên nớ. Có nhớ bên ni?

(Hoài niệm Trường Giang - Vũ Đức Sao Biển).

Nớ: Đó. Kia. Bên kia.

Con đứng chỗ nớ đợi cha nghe.

Mi làm cái chi mà nhộn rứa, thằng nớ?

Nhà cha mẹ tôi bên nớ.

Ngơm: Đẹp đẽ. Làm ra bộ đẹp đẽ.

Đi lễ tiệc chi mà ăn bận ngơm rứa ta?

Ông ấy mặc áo đỏ, làm như mình ngơm lắm!

Hắn đi chơi, bỏ áo vô quần tây coi rất ngơm.

Ngủm: Chết.

Ông X đã ngủm củ tỏi rồi.

Nguồn: Vùng núi. Nơi phát tích của một dòng sông.

Em có hẹn với nguồn xưa kể lại,

Chuyện phiêu bồng yêu cánh mộng lên cao.

(Lời của nguồn xưa – Bùi Giáng).

Ai về nhắn với bạn nguồn,

Mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên.

(Ca dao Quảng Nam).

Nén: Một loại củ làm gia vị, màu trắng, tròn cỡ đầu ngón tay út, vị cay. Loại này được khử dầu mỡ, mùi rất thơm.

Củ nén mà ướp cá chuồn,

Ăn vô một miếng người buồn cũng vui.

(Ca dao Quảng Nam).

Óng: Mất dấu.

Hắn bỏ đi óng rồi.

Ô: Đơn vị đo lường, được tiện bằng gỗ mít, dung tích khoảng 3 lon gạo. Ô được dùng để đong các thứ thực phẩm dạng hạt, có nhiều ở Quảng Nam trước năm 1975. Hiện nay, bà con đo lường bằng lít (3 lon) hay ký (4 lon).

Ổng bịnh mà mỗi bữa ăn hết một ô gạo cháo!

Phàm: Quá cỡ.

Thằng nớ ăn nói rất phàm.

Phỉnh: Gạt. Nói gạt.

Ra ngõ, phỉnh bà già;

Về nhà, phỉnh con nít.

(Thành ngữ Quảng Nam)

Quắn: Thun lại. Tên một loại ốc sông nước lợ.

Cha tôi đánh tôi ba roi, muốn quắn đít.

Tôi lội sông bắt được một mớ ốc quắn.

Răng: Sao.

Làm răng mà ngủ đêm nay được?

Rệp đốt không bằng nhớ đốt gan (và tim)

(Bùi Giáng)

Máu xương lổ đổ biết mần răng đợi bóng sáng hôm sau tuyết trắng như sầu băng thương nhớ.

(Xuân xanh - Bùi Giáng).

Ri: Như thế này.

Em về có hỏi răng ri rứa,

Nhắm mắt đưa chân có bận liều.

(Bờ trần gian - Bùi Giáng).

Rượng: Trạng thái phát triển tình dục. Đi chơi.

Mới có mười mấy tuổi mà đã muốn rượng đực rồi.

Hồi hôm, mi đi rượng ở đâu?

Sè sẹ: Khẽ khàng. Nhè nhẹ để không gây ra tiếng động.

Tôi sè sẹ mở cửa, bước ra ngoài hiên đêm.

Sô: Nổi nóng (Phiên âm chữ “chaud” trong tiếng Pháp).

Nghe hắn nói, tau nổi sô muốn đạp cho một đạp.

Suốt: Quét (nhà).

Suốt nhà lông mốt, lông hai,

Suốt nhà như rứa như chưa suốt nhà.

(Hát ru con Quảng Nam).

Tai: (Động từ) Tát vào tai, vào màng tang.

Tau tai đầu mi bây chừ.

Tê: Kia. Đằng kia.

Bên tê sông đã là vùng giải phóng của ta.

Mi tìm chị mi hả? Ở đằng tê kìa.

Tề: Kìa. Làm cho cái gì ngắn lại.

Coi tề! Coi tề! Con mẹ nữ hoàng Cléopatre nõn nường của xứ Ai Cập du dương đã xuất hiện đó tề.

(Anthony and Cleopatra của Shakespeare - Trăng Tỳ hải - Bùi Giáng dịch).

Để tôi tề bớt cái cán cuốc ni.

Tóm: Cột lưỡi câu. Dùng nhợ hay cước cột lưỡi câu.

Phải tóm cho kỹ thì lưỡi câu mới khỏi tuột.

Tòa loa: Trạng thái văng vải ra tứ tung.

Chuyện có một chút mà hắn nói ra tòa loa tam đợi.

Tuối: Tối.

Trời sắp tuối, đàn gà nhảy lên chuồng.

Thụi: Đấm bằng tay (quyền) hay còn có nghĩa cái túi áo.

Tui thụi cho nó mấy thụi.

Bỏ kẹo vào thụi của em đi.

Thùng diêm: Hộp quẹt. Ngày trước, bà con dùng hộp quẹt giấy, có nhiều que đầu gắn diêm sinh hoặc cái hộp quẹt bằng vỏ nhôm, có tim bấc dùng dầu lửa. Nay, loại các loại hộp quẹt này không còn phổ biến; bà con chuyển sang dùng quẹt gas nhưng vẫn gọi cái hộp quẹt ngày xưa là thùng diêm.

Ông cho mượn cái thùng diêm một chút.

Trớ: Né, tránh.

Lỗi của hắn sờ sờ mà hắn còn trớ được.

Trù trừ: Trạng thái còn dắn đo, không dứt khoát.

Việc gấp như vậy, còn trù trừ chi nữa?

Ú: Mập, tròn vo.

Ú na ú nần.

Em ăn cái chi mà càng ngày càng ú,

Đến nỗi đi đường hai vú nó rung rinh?

(Hát ghẹo dân gian Quảng Nam).

Ủm: Ôm vào lòng.

Để mẹ ủm con nghe.

Chu cha, không có con gái mình ủm một xí.

Úp: Chụp một tấm hình.

Ông úp cho tui bao bóng đi.

Ưng: Vừa ý, đồng ý.

Mi có ưng thằng đó không?

Tòa xử vậy, tôi ưng lắm rồi.

Ve: Ve vãn, dụ dỗ.

Nhứt đốn tre, nhì ve gái.

(Thành ngữ Quảng Nam).

Xàng xê - (động từ): Ưỡn ẹo qua lại nhằm gợi tình. Chàng ràng trước mặt một ai đó.

Đờn cầm đờn sắt đờn ca,

Đờn sáu dây anh cũng gảy giao hòa,

Đờn chi anh chơi cũng đủ,

Duy chỉ có đờn bà anh chưa chơi!

Anh đến đây xin dặn em đôi lời,

Nếu anh không cống líu,

Xin em thời đừng có xàng xê.

(Một cách chơi chữ trong hát đối đáp dân gian Quảng Nam).

Xâu: Sưu (trong từ ghép sưu thuế) hay còn dùng chỉ phụ nữ có nguyệt kỳ.

Dẫu mà ăn quán, ngủ đàng,

Đình trung miễu võ thiếp với chàng cũng sướng thân,

Lo chi xâu thuế hai phần.

(Vè Quảng Nam).

Bữa nay con có xâu, nhớ đừng làm việc nặng.

Xí: Một chút. Nhỏ xíu xiu.

Con đợi cha chút xí nghe.

Cái chuyện một xí mà sinh ra cãi lẫy um trời.

Y: Chẵn, đúng vậy hay còn có nghĩa một kiểu cổ áo xưa ở Quảng Nam.

Tôi đã nhận 300 ngàn đồng y.

Chuyện ông nói xảy ra y sì sì.

Tai ta nghe tiếng bạn có đôi,

Đập bàn tay xuống chiếu thôi rồi còn chi.

Bộ nút vàng đã tra áo cổ y.

Mười hai bến nước biết bến mô thì đục trong.

(Ca dao Quảng Nam).

___________________
Bài 3: Bản sắc văn hóa vùng miền

Tôi nhiều lần đi công tác về Quảng Nam, ít được nghe giới trẻ dùng phương ngữ trong văn nói thông thường. Điều này cũng dễ hiểu bởi thời đại chúng ta là thời đại của giao lưu ngôn ngữ rộng rãi trên cả nước. Thế nhưng, tôi vẫn giữ quan điểm phương ngữ là cái hồn văn hóa dân gian của một địa phương và nếu vì một lý do gì đó, ta làm mai một phương ngữ đi thì có nghĩa là ta đánh mất truyền thống. Vì vậy, tôi ghi lại một số phương ngữ để bạn trẻ nhớ lại lời ăn tiếng nói của ông cha mình.

VŨ ĐỨC SAO BIỂN