Bệnh chốc lây là gì

Chốc lở là bệnh về da phổ biến ở trẻ em từ 2 – 5 tuổi, hiếm gặp ở người lớn. Theo các chuyên gia, đây là một bệnh truyền nhiễm, có khả năng lây lan nhanh nếu như không áp dụng các biện pháp phòng ngừa khi tiếp xúc với người bệnh.

Bệnh chốc lở (impetigo contagiosa) là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Streptococcus (liên cầu khuẩn) hoặc Staphylococcus (tụ cầu khuẩn) gây nên, thường bắt gặp ở trẻ em trong khoảng 2 – 5 tuổi. Ban đầu, trên da của trẻ xuất hiện các sẩn (vết sưng nhỏ), sau đó chúng tiến triển thành mụn nước tại vị trí gần miệng và các chi. Theo thời gian, các mụn nước này trở nên lớn hơn, rỉ nước và bắt đầu vỡ, tạo thành lớp màng màu vàng bao phủ trên bề mặt da.

Bệnh chốc lây là gì
Chốc lở là bệnh về da phổ biến ở trẻ em từ 2 – 5 tuổi, hiếm gặp ở người lớn.

Một loại khác của chốc lở nhưng ít phổ biến hơn đó là trên bề mặt da hình thành mụn nước chứa đầy chất lỏng màu vàng. Khi vỡ ra, chúng tạo thành lớp màng màu nâu bám chặt trên bề mặt da.

Nhiều người thường nhầm lẫn bệnh chốc lở và loét da. Khác với bệnh chốc lở, loét da thực chất là một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng, xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào sâu bên trong da, tạo thành vết loét chứa dịch hay mủ gây đau đớn.

Bệnh chốc lây là gì

Ban đầu, người bị chốc lở xuất hiện các mụn nước gây kích ứng, ngứa da, những mụn này có thể phát triển thành mủ. Thời gian ủ bệnh thường kéo dài một đến ba ngày đối với streptococcus và khoảng bốn đến mười ngày đối với staphylococcus.

Do triệu chứng bệnh khá đặc trưng nên bệnh chốc lở có thể được chẩn đoán thông qua việc quan sát các biểu hiện lâm sàng mà không cần xét nghiệm hoặc áp dụng phương pháp phân lập xác định vi khuẩn từ các tổn thương da.

Chốc lở là một bệnh truyền nhiễm và rất dễ lây lan nếu như tiếp xúc trực tiếp vào thương tổn hay gián tiếp bằng cách chạm vào vật dụng như quần áo, khăn trải bàn, ra trải giường, đồ chơi… của người bệnh đã qua sử dụng.

Bệnh chốc lở chủ yếu lây nhiễm thông qua tiếp xúc trực tiếp từ người sang người. Lây nhiễm gián tiếp ít gặp hơn và chủ yếu là do tiếp xúc với khăn trải giường, quần áo hoặc đồ chơi bị nhiễm bởi các cá nhân bị nhiễm bệnh.

Tham gia một số môn thể thao đòi hỏi tiếp xúc thân thể cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh chốc lở, phổ biến nhất là đấu vật, kế đó là bóng đá và bóng bầu dục.

Thông thường, bệnh chốc lở có thể tự khỏi trong vòng 2 tuần. Tuy nhiên, thời gian trên có thể được rút ngắn nếu như người bệnh được điều trị bằng kháng sinh tại chỗ. Kháng sinh đường uống có thể được chỉ định nếu như tình trạng chốc lở trở nên nghiêm trọng. Sau 24 – 48 giờ dùng thuốc kháng sinh, bệnh có thể không lây nhiễm.

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh chốc lở phổ biến là:

  • Sống nơi đông đúc, kém vệ sinh: Môi trường sống đông đúc như trường học, cơ sở chăm sóc trẻ em hoặc nơi kém vệ sinh sẽ khiến cho bệnh dễ dàng lây nhiễm từ người này sang người khác.
  • Thời tiết ấm, ẩm: Thời tiết nóng ẩm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi phát triển. Mùa hè là thời điểm bệnh chốc lở phát triển và lây lan mạnh nhất.
  • Do cấu trúc da bị phá vỡ: Vi khuẩn có thể lây lan từ người sang người dễ dàng hơn nếu như da bị tổn thương.

Nếu trẻ bị sốt hoặc tình trạng thương tổn trên da không có biểu hiện thuyên giảm sau khoảng hai đến ba ngày điều trị, bạn nên liên hệ với bác sĩ. Nếu trẻ xuất hiện phát ban và tổn thương trên da phát triển nhanh chóng, da đỏ, chạm vào thấy đau, bạn cũng nên liên hệ với bác sĩ khẩn cấp để được tư vấn biện pháp khắc phục.

Bệnh chốc lây là gì
Nếu tình trạng chốc lở kéo dài sau khoảng hai đến ba ngày điều trị mà không cải thiện, bạn nên liên hệ với bác sĩ

Để tránh bị lây nhiễm bởi chốc lở, cần lưu ý một số điều sau:

  • Nếu như trong gia đình có người nhiễm bệnh, cần tránh tiếp xúc trực tiếp (ôm, nắm tay, chạm vào da…) hay tiếp xúc gián tiếp (dùng chung vật dụng cá nhân, ga trải giường…) để tránh bị lây nhiễm.
  • Giặt sạch quần áo, khăn của người bệnh.
  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng có tính sát khuẩn.
  • Vệ sinh thân thể để loại bỏ những vi khuẩn gây hại có thể trú ẩn trên da.

Chốc lở là bệnh truyền nhiễm, có thể lây lan nếu như tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với vật dụng của người bệnh. Để tránh phải hiện tượng trên, bạn nên sớm áp dụng biện pháp phòng ngừa trong sinh hoạt hằng ngày nếu như có tiếp xúc với người bệnh để tránh bị tổn hại đến sức khỏe.

Bệnh chốc (impetigo) là một nhiễm khuẩn nông thường gặp ở da, đặc trưng bởi mụn mủ, bọng nước và các vết trợt đóng vảy tiết màu mật ong. Thuật ngữ chốc hóa (impetiginisation) được dùng để chỉ các nhiễm trùng nông thứ phát của một vết thương hoặc một tình trạng da nhất định. Khi thương tổn loét sâu được gọi là chốc loét (ecthyma).
Nguyên nhân, bệnh sinh Nguyên nhân gây chốc là tụ cầu vàng và/hoặc liên cầu. – Chốc không có bọng nước (nonbullous impetigo) có thể gây ra bởi liên cầu tan huyết beta nhóm A, tụ cầu và/hoặc liên cầu xâm nhập vào các vết thương nhỏ trên da, ở đó có các protein giúp vi khuẩn gắn chặt vào tổ chức. – Chốc bọng nước (bullous impetigo) thường do độc tố bong da của tụ cầu (exfoliatin A-D) tác động vào cầu nối desmoglein 1 của các tế bào gai ở thượng bì, làm bóc tách lớp nông của thượng bì, tạo hình ảnh giống pemphigus vảy lá. – Chốc loét thường do liên cầu nhưng có thể phối hợp với tụ cầu vàng, xảy ra trên cơ địa suy giảm miễn dịch, người già, người mắc bệnh mạn tính. Chốc thường gặp ở trẻ em, bé trai nhiều hơn bé gái. Ở người lớn, có thương tổn chốc khi miễn dịch kém. Bệnh hay gặp vào mùa hè, phổ biến ở các nước đang phát triển, điều kiện sống thiếu vệ sinh, dân cư đông. Chốc hay gặp sau một số bệnh da như viêm da cơ địa, ghẻ, thủy đậu, vết đốt do côn trùng, bỏng nhiệt, viêm da.

Triệu chứng lâm sàng

Chốc hay gặp ở vùng da hở như mặt, tay, chân, nhưng cũng gặp ở thân mình và các phần khác của cơ thể. Bệnh xuất hiện với một thương tổn đơn độc hoặc nhiều thương tổn. Người bệnh có thể sốt, mệt mỏi, nổi hạch. – Chốc không có bọng nước thường bắt đầu là một dát hồng, tiến triển thành mụn nước, bọng nước hóa mủ nhanh, mau chóng dập vỡ để lại các vết xước đóng vảy tiết màu vàng mật ong. Khi vảy tiết bong ra để lại nền da đỏ ẩm, khi lành để lại dát thâm. Nếu không được điều trị, bệnh có thể tự lành sau 2-4 tuần mà không có sẹo. Thương tổn có thể lan rộng ra các vùng khác do tự lây nhiễm, do cào gãi. Bất kỳ vùng da nào trên cơ thể đều có thể bị nhưng mặt và các chi hay bị nhất. Thương tổn có thể ngứa nhẹ hoặc không có triệu chứng, có hoặc không có quầng đỏ bao quanh. Hạch ngoại vi thường to. Bệnh nhân có thể có chấn thương nhẹ, côn trùng đốt, ghẻ, thủy đậu, viêm da cơ địa tại vị trí bị chốc.   – Chốc loét bắt đầu giống như chốc không bọng nước nhưng tiến triển thành những vết loét hoại tử lõm giữa, chậm lành, để lại sẹo. – Chốc bọng nước khởi phát với mụn nước nhỏ, lớn dần thành bọng nước. Bọng nước nông, dễ vỡ, kích thước nhỏ hoặc lớn, chứa dịch vàng, trong, sau chuyển sang vàng đậm, vỡ trong 1 đến 3 ngày, để lại viền da mỏng xung quanh dát đỏ ẩm ướt, khi lành không có sẹo. Xung quanh bọng nước có thể có quầng đỏ hoặc không.Thương tổn hay gặp ở mặt, thân mình, các chi, mông, sau đó lan ra các đầu xa do tự lây nhiễm. Khác với chốc không bọng nước, chốc bọng nước có thể có thương tổn ở niêm mạc má, ít lây hơn, hạch vùng không to.

Các biến chứng của chốc

– Sốt tinh hồng nhiệt (Scarlet fever) – Hội chứng bong vảy da do tụ cầu – Viêm tủy xương – Nhiễm trùng huyết – Vảy nến thể giọt – Viêm quầng – Viêm mô bào – Hồng ban đa dạng – Mày đay

Chẩn đoán bệnh chốc

Chẩn đoán chốc chủ yếu dựa vào các đặc điểm lâm sàng như đã mô tả ở trên. Ngoài ra, có thể làm một số xét nghiệm như nhuộm soi, nuôi cấy vi khuẩn, công thức bạch cầu (có tăng bạch cầu trung tính), mô bệnh học.

Đặc điểm mô bệnh học bệnh chốc

– Chốc không bọng nước: có tụ cầu gram dương, mụn mủ chứa bạch cầu trung tính trong thượng bì, xâm nhập viêm dày đặc ở trung bì nông. – Chốc bọng nước: thượng bì bị tách ở lớp hạt mà không có hiện tượng viêm, không có vi khuẩn, có hiện tượng ly gai, xâm nhập viêm nhẹ ở trung bì nông. Hình ảnh mô bệnh học giống pemphigus vảy lá. – Chốc loét: vết loét sâu, có cầu khuẩn bắt màu gram trong trung bì.

Điều trị chốc

Theo các bước như sau: – Rửa thương tổn, nhẹ nhàng loại bỏ vảy tiết – Dùng các thuốc sát trùng (povidone iodine, hydrogen peroxide, chlorhexidine) hoặc mỡ kháng sinh bôi tại chỗ (acid fusidic, mupirocin). – Che phủ vùng da thương tổn Nếu chốc lan rộng có thể sử dụng kháng sinh toàn thân (flucloxacillin, cefuroxim).

Phòng ngừa bệnh tái phát

– Dùng mỡ kháng sinh bôi lỗ mũi – Dùng sữa tắm diệt khuẩn – Điều trị các nguồn nhiễm khuẩn                    

Đề phòng lây bệnh cho người khác

– Tránh tiếp xúc gần gũi với người khác – Cho trẻ nghỉ học cho tới khi vảy tiết đã khô – Dùng khăn mặt riêng

– Thay quần áo và giặt hàng ngày

Bệnh chốc lây là gì

Bệnh chốc lây là gì

Bệnh chốc lây là gì

Bệnh chốc lây là gì

Bệnh chốc lây là gì

Bài và ảnh: Bác sỹ Trần Thị Huyền

Đăng tin: Phòng CNTT&GDYT