Trần mạnh hùng là ai

CNQP&KT - GAET là tên giao dịch quốc tế của Tổng công ty Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp quốc phòng (CNQP) nhưng đã thực sự trở thành một thương hiệu có uy tín trong Quân đội. Điều đó đã được khẳng định bằng những đóng góp của doanh nghiệp với ngành CNQP và đất nước.

Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống đơn vị (27/6/1962-27/6/2022), trong “Gặp gỡ - Đối thoại” kỳ này, phóng viên Tạp chí CNQP và Kinh tế cùng Đại tá, TS. Trần Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Kinh tế Kỹ thuật CNQP, ôn lại hành trình 6 thập niên “Lấy Tín tạo Tầm” của GAET.

NHIỆM VỤ CỐT LÕI LÀ CÔNG TÁC BẢO ĐẢM CHO NGÀNH CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG

Phóng viên (PV): Đọc qua cuốn kỷ yếu của đơn vị, tôi thấy GAET có rất nhiều lần điều chuyển, hợp nhất, sáp nhập, thay đổi phiên hiệu… Cụ thể là Tổng công ty có bao nhiêu lần “thay tên, đổi họ” và chức năng, nhiệm vụ có gì thay đổi so với ngày đầu thành lập, thưa đồng chí?

Đại tá, TS. Trần Mạnh Hùng: Nói một cách vắn tắt nhất thì tiền thân của Tổng công ty GAET là Cục Vật tư nhiên liệu, ra đời cách đây tròn 60 năm. Trải qua nhiều lần điều chuyển, sáp nhập, qua 5 cơ quan chủ quản và 12 lần thay đổi tên gọi, nhưng nhiệm vụ cốt lõi của đơn vị vẫn là công tác đảm bảo phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và nền kinh tế dân sinh.

Còn nói kỹ hơn về chức năng, nhiệm vụ thì GAET hiện là doanh nghiệp quốc phòng - an ninh hoạt động đa ngành, trong đó tập trung vào các lĩnh vực thương mại quân sự; kinh doanh và cung ứng vật liệu nổ công nghiệp, rà phá bom mìn, vật nổ; sản xuất hàng quốc phòng và kinh tế; kinh doanh thương mại… đáp ứng các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, góp phần xây dựng ngành CNQP hiện đại và phát triển kinh tế đất nước.

Trần mạnh hùng là ai

Đại tá, TS. Trần Mạnh Hùng.   Ảnh: PV

PV: Trước khi đề cập tới “thì tương lai”, xin đồng chí cho biết về “thì quá khứ” của GAET. Cụ thể là trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đơn vị đã có những đóng góp gì đối với Quân đội và đất nước?

Đại tá, TS. Trần Mạnh Hùng: Những năm đầu thập niên 1960 của thế kỷ trước, Quân đội ta được các nước XHCN viện trợ ngày càng nhiều vật tư kỹ thuật. Việc quản lý, cung ứng vật tư kỹ thuật phục vụ các đơn vị chiến đấu và sản xuất quốc phòng cũng ngày càng trở nên cấp bách. Trước thực tế đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp đã ký quyết định thành lập Cục Vật tư nhiên liệu, trực thuộc Tổng cục Hậu cần, tiền thân của Tổng công ty GAET ngày nay. Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bất chấp mọi nguy hiểm, cán bộ, chiến sĩ Cục Vật tư nhiên liệu đã không quản hiểm nguy bám tàu, bám cảng để tiếp nhận vật tư hàng hóa, bảo quản và cung ứng kịp thời cho các đơn vị. Cùng với đó, Cục cũng thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng như: tiếp nhận vận chuyển 2 trạm sản xuất oxy lưu động vào chiến trường; tiếp nhận và vận chuyển trang - thiết bị phục vụ tuyến đường Trường Sơn; tiếp quản, thu hồi chiến lợi phẩm ở vùng mới giải phóng; sản xuất bóng nilong bơm khí làm chướng ngại vật bảo vệ bầu trời Thủ đô, ngăn cản máy bay địch hoạt động ở tầng thấp… Với những chiến công trong cung ứng thiết bị, vật tư, hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ Quân đội, các kho thuộc Cục Vật tư nhiên liệu đã nhiều lần được Đảng, Nhà nước khen thưởng, trong đó có 2 Huân chương Chiến công.

PV: Sau ngày thống nhất đất nước, công tác bảo đảm của đơn vị có gì thay đổi?

Đại tá, TS. Trần Mạnh Hùng: Về cơ bản là vẫn thực hiện công tác bảo đảm vật tư, hàng hóa phục vụ các đơn vị toàn quân. Sau đó, để phù hợp với tình hình, đơn vị chủ yếu thực hiện chức năng mua sắm, tạo nguồn quản lý, cung ứng vật tư kỹ thuật cho ngành Kỹ thuật toàn quân. Tháng 3/1989, sau khi Tổng cục CNQP và Kinh tế được thành lập, đơn vị trở thành đầu mối quản lý vật tư cho ngành CNQP. Từ đó đến nay, trong tiến trình đổi mới, sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp quân đội, Bộ Quốc phòng quyết định điều chuyển một số đơn vị khó khăn về trực thuộc GAET (lúc đó là Công ty Vật tư CNQP), đơn vị ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Cũng từ thời điểm này, chức năng, nhiệm vụ của đơn vị thể hiện rõ trên hai lĩnh vực: hoạt động thương mại quân sự và kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp. Ngoài ra, phát huy thế mạnh ngành nghề của các đơn vị thành viên, Tổng công ty còn thực hiện nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) khác. Có thể nói, với những nỗ lực, cố gắng của cán bộ, công nhân viên, người lao động, Tổng công ty ngày càng phát triển lớn mạnh. Doanh thu, lợi nhuận của Tổng công ty tăng qua các năm; đời sống cán bộ, công nhân viên, người lao động ngày càng được cải thiện.

PV: Được biết, ngày 9/5/1997, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư thăm hỏi, động viên ngành Vật tư CNQP, mà GAET là thành tố nòng cốt. Vậy đồng chí tâm huyết điều gì qua những lời căn dặn của Đại tướng?

Đại tá, TS. Trần Mạnh Hùng: Cán bộ, công nhân viên ngành Vật tư CNQP nói chung và Tổng công ty GAET nói riêng rất tự hào khi được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư thăm hỏi động viên. Trong thư, Đại tướng không chỉ ghi nhận những đóng góp của công tác bảo đảm vật tư trong Quân đội, mà còn chỉ rõ: “Phải cố gắng nhiều hơn nữa, không ngừng nâng cao năng lực trí tuệ, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm vật tư phục vụ xây dựng nền quốc phòng ngày càng phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Tôi nghĩ, những lời căn dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất có ý nghĩa, còn nguyên giá trị thực tiễn đối với những người làm công tác bảo đảm trong Quân đội.

“Phải cố gắng nhiều hơn nữa, không ngừng nâng cao năng lực trí tuệ, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm vật tư phục vụ xây dựng nền quốc phòng ngày càng phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

 (Đại tướng Võ Nguyên Giáp)

PHÁT HUY NHỮNG THẾ MẠNH ĐẶC THÙ

PV: Thương mại quân sự là hoạt động có tính đặc thù và không phải ai cũng tỏ tường. Đồng chí có thể cho biết về hoạt động mang tính chủ đạo này của GAET?

Đại tá, TS. Trần Mạnh Hùng: Hoạt động quân sự, quốc phòng luôn được Tổng công ty xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Do đó, Tổng công ty tập trung vào những  lĩnh vực chính: thực hiện mua sắm trang - thiết bị mới, hiện đại phục vụ Quân đội huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; cải tiến, nâng cấp một số loại vũ khí, trang - thiết bị quân sự; hoạt động chuyển giao công nghệ phục vụ Quân đội huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; hoạt động thương mại hướng tới xuất khẩu các sản phẩm CNQP do Việt Nam sản xuất.

Đối với công tác chuyển giao công nghệ, GAET là cầu nối tiến hành chuyển giao công nghệ, kỹ thuật hiện đại từ nước ngoài nhằm thay thế các dây chuyền công nghệ, máy móc, thiết bị kỹ thuật lạc hậu, góp phần đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa dây chuyền sản xuất trong các nhà máy quốc phòng. Với lợi thế của một doanh nghiệp quân đội có bề dày truyền thống, kinh nghiệm trong việc quản lý, xuất nhập khẩu, kinh doanh sản phẩm quốc phòng, Tổng công ty đã tạo dựng được uy tín và mối quan hệ thương mại bền vững với nhiều đối tác trên thế giới. Có thể nói, đây là yếu tố quan trọng tạo nên thế mạnh trong hoạt động thương mại quân sự của Tổng công ty GAET. Những năm qua, Tổng công ty đã tích cực tìm kiếm, tạo dựng, ký kết hàng trăm hợp đồng thương mại quân sự quan trọng; chủ động tham mưu có hiệu quả đối với việc lựa chọn đối tác, nguồn hàng đảm bảo uy tín, chất lượng trong cung cấp vật tư, trang - thiết bị, chuyển giao dây chuyền công nghệ cho các dự án trong Quân đội.

 PV: Vậy việc tư vấn, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ trong thời gian qua đã đạt kết quả cụ thể như thế nào, thưa đồng chí?

Đại tá, TS. Trần Mạnh Hùng: Thời gian qua, GAET là đơn vị tư vấn việc nhận chuyển giao công nghệ, kỹ thuật hiện đại từ nước ngoài nhằm thay thế, hiện đại hóa các dây chuyền công nghệ trong các nhà máy quốc phòng. Có thể kể đến một số dự án mà Tổng công ty đã thực hiện thành công, như: Dây chuyền sản xuất súng bộ binh thế hệ mới của Nhà máy Z111; Dây chuyền sản xuất thuốc nổ nhũ tương của Nhà máy Z121; Dây chuyền đạn pháo; Hệ thống sàn nâng và dịch chuyển tàu của Tổng công ty Ba Son… Năm 2018, GAET đã ký kết thành công hợp đồng khung xuất khẩu chi tiết sản phẩm quốc phòng do Nhà máy Z111 sản xuất trị giá hàng chục triệu USD. Đây là thành công bước đầu trong quá trình hiện thực hóa chủ trương, định hướng của Bộ Quốc phòng đối với hoạt động xuất khẩu sản phẩm quốc phòng.

Đến nay, GAET đã có quan hệ hợp tác với hàng trăm đối tác, khách hàng tại hơn 50 quốc gia trên thế giới ở nhiều lĩnh vực khác nhau, góp phần quan trọng trong thực hiện chiến lược quốc phòng bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Trần mạnh hùng là ai

Thủ trưởng Bộ Quốc phòng kiểm tra sản phẩm hộp sắt bảo quản đạn do Nhà máy Z179, thuộc Tổng công ty GAET, sản xuất (năm 2021). Ảnh: HỒNG HẠNH

PV: Là đầu mối duy nhất của Bộ Quốc phòng được giao nhiệm vụ xuất, nhập khẩu, cung ứng vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) phục vụ nền kinh tế quốc dân, GAET đã đạt kết quả như thế nào trong những năm qua?

Đại tá, TS. Trần Mạnh Hùng: Tổng công ty là đầu mối duy nhất của Bộ Quốc phòng được giao nhiệm vụ xuất nhập khẩu, cung ứng VLNCN trên toàn quốc phục vụ cho các ngành xây dựng, thủy lợi, thủy điện, giao thông, khai khoáng với nhiều công trình trọng điểm quốc gia, như: đường Hồ Chí Minh; hầm đường bộ Hải Vân, hầm đường bộ qua đèo Cả, đèo Cù Mông; mở rộng hầm đường bộ Hải Vân; các dự án của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn điện lực Việt Nam... Ngoài ra, Tổng công ty cũng tích cực phát triển thị trường, mở rộng hợp tác, liên doanh, liên kết, xuất khẩu VLNCN sang Lào. Với thị phần chiếm 27,5% thị trường vật liệu nổ toàn quốc, sản lượng tiêu thụ năm sau cao hơn năm trước, khoảng hơn 40.000 tấn thuốc nổ/năm.

Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ kinh doanh, cung ứng VLNCN, Tổng công ty còn đẩy mạnh hoạt động khoan nổ mìn trọn gói, góp phần nâng cao năng lực cung ứng VLNCN, tăng sản lượng tiêu thụ; đẩy mạnh việc cung ứng dịch vụ cho các đối tác trong lĩnh vực Dầu khí.

Trong 60 năm xây dựng, phát triển GAET đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: 3 Huân chương Chiến công hạng Nhì (năm 1983, 1997, 2002); Huân chương Quân công hạng Nhì (năm 1984); Huân chương Tự do Itxala hạng Nhì của Lào (năm 1985); Huân chương Chiến công hạng Nhì (năm 2002); Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2005); Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất (năm 2007); Danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lao động (năm 2010); Huân chương Quân công hạng Ba (năm 2012); Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2016)... Đúng dịp kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống, Tổng công ty tiếp tục được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì.

(Nguồn: Phòng Chính trị, Tổng công ty GAET)

XÂY DỰNG NGÀNH NGHỀ KINH DOANH CỐT LÕI

PV: Tiến trình tái cơ cấu, sắp xếp lại doanh nghiệp được Tổng công ty thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

Đại tá, TS. Trần Mạnh Hùng: Thực hiện Quyết định của Bộ Quốc phòng và xuất phát từ tình hình thực tiễn, thời gian qua, Tổng công ty GAET đã cơ cấu lại bộ máy theo hướng tinh, gọn, hợp lý; rút gọn các cơ quan, đơn vị trực thuộc hoạt động không hiệu quả gắn với điều chỉnh tổ chức, lực lượng; nghiên cứu sáp nhập, cơ cấu lại các đơn vị có cùng chức năng, ngành nghề. Tổng công ty trực tiếp điều hành hoạt động SXKD, thực hiện nhiệm vụ dẫn dắt, định hướng và kiểm soát chặt chẽ các đơn vị thành viên thông qua chiến lược kinh doanh, tài chính, nhân sự chủ chốt, đầu tư, đào tạo, cải tiến công nghệ tiên tiến... Đặc biệt, chúng tôi ưu tiên đầu tư phát triển doanh nghiệp dựa trên ba trụ cột ngành nghề có triển vọng phát triển, có khả năng cạnh tranh cao là thương mại quân sự; kinh doanh, cung ứng VLNCN; rà phá bom mìn, vật nổ. Còn các công ty, chi nhánh khác có thế mạnh về đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, vận tải, sản xuất cơ khí… sẽ nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động, trở thành các “vệ tinh” của Tổng công ty, tham gia phát triển thành chuỗi cung ứng, dịch vụ.

Tôi cho rằng, cơ cấu tổ chức của GAET hiện nay là tương đối phù hợp, bao gồm các phòng quản lý, các phòng kinh doanh xuất nhập khẩu, chi nhánh, xí nghiệp, công ty cổ phần, hoạt động liên doanh… có chức năng ngành nghề đều xoay quanh nhiệm vụ cốt lõi của Tổng công ty phân bố cân đối, hợp lý đáp ứng thị trường khu vực, vùng miền. Tất cả nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Trần mạnh hùng là ai

Thi công dịch vụ nổ mìn dưới nước tại Cảng Dung Quất, Quảng Ngãi. Ảnh: CTV 

PV: Vậy đâu là những khó khăn, thách thức đối với đơn vị?

Đại tá, TS. Trần Mạnh Hùng: Điều dễ nhận thấy nhất là dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị, nhất là việc thực hiện các hợp đồng thương mại quân sự, thông quan hàng hóa, cung ứng vận chuyển VLNCN… Việc thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển CNQP đến năm 2030 và những năm tiếp theo cũng đặt ra những yêu cầu mới đối với GAET về nâng cao hoạt động thương mại quân sự, lựa chọn đối tác, chất lượng vật tư, trang - thiết bị phục vụ nghiên cứu, sản xuất các loại vũ khí mới... Nhà báo cũng đã biết, đối với các doanh nghiệp quân đội nói chung và Tổng công ty GAET nói riêng, tỷ trọng hàng quốc phòng hằng năm thường không cao, do đó, các doanh nghiệp phải nỗ lực rất lớn trong sản xuất các mặt hàng kinh tế hoặc tiến hành các hoạt động thương mại, dịch vụ… Đó là nhiệm vụ không dễ dàng trong bối cảnh các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ luôn bị cạnh tranh gay gắt trên thị trường.

Đối với GAET, khách quan mà nói, công tác nhân sự cũng cần phải tiếp tục được bổ sung, kiện toàn. Thực tế, tỷ lệ lao động trực tiếp ở GAET không nhiều, chủ yếu là lực lượng làm nhiệm vụ thương mại, dịch vụ, đòi hỏi phải có trình độ nhất định. Thế nhưng, số cán bộ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, giàu kinh nghiệm, nhất là ở những ngành nghề đặc thù như thương mại quân sự, nổ mìn, rà phá bom mìn… lại chưa nhiều. Vấn đề này cũng là thách thức đối với đơn vị. Đồng thời, việc rà soát, bổ sung các quy chế, quy định nội bộ cần phải tiếp tục điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn để tạo động lực khuyến khích cho người lao động và tăng cường công tác quản lý ngày càng chặt chẽ trong hoạt động SXKD.

PV: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 của Tổng công ty đã đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gì để GAET tiếp tục phát triển?

 Đại tá, TS. Trần Mạnh Hùng: Có thể nói, trong những năm qua, Tổng công ty GAET đã tạo dựng được thương hiệu và khẳng định vị thế vững chắc trên thị trường trong và ngoài nước. Để GAET tiếp tục phát triển trong thời gian tới, lãnh đạo, chỉ huy Tổng công ty đã xây dựng Chiến lược phát triển trong 5 năm tới; đồng thời Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tổng công ty lần thứ V nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, theo đó, xây dựng GAET là doanh nghiệp quốc phòng - an ninh có uy tín, tối ưu hóa các nguồn lực sẵn có, phát huy hiệu quả trong SXKD. Xây dựng ngành nghề kinh doanh cốt lõi của Tổng công ty là thương mại quân sự, đối ngoại quốc phòng; kinh doanh VLNCN và dịch vụ nổ mìn trọn gói; khảo sát, rà phát bom mìn, vật nổ. Phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu cơ bản đạt mức tăng trưởng bình quân trên 5%/năm, riêng doanh thu tăng 7%/ năm trở lên. Tích cực triển khai thực hiện và kiện toàn tổ chức biên chế theo Quyết định của Bộ Quốc phòng; xây dựng Đảng bộ Tổng công ty vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức; giữ vững và phát huy vai trò lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng trong mọi hoạt động của đơn vị.

PV: Xin hỏi, cán bộ, công nhân viên của GAET hôm nay học tập những gì từ các thế hệ đi trước?

Đại tá, TS. Trần Mạnh Hùng: Tôi nghĩ, Tổng công ty GAET phát triển vững chắc như ngày hôm nay là nhờ có sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, thường xuyên của Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Tổng cục CNQP qua các thời kỳ; đặc biệt là sự đoàn kết, nỗ lực đặt nền móng vững chắc của thế hệ cha anh đi trước. Kế thừa những giá trị tốt đẹp đó, cán bộ, công nhân viên và người lao động Tổng công ty hôm nay lĩnh hội tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm và niềm đam mê của các bậc tiền bối cùng với khát vọng ý chí vươn lên, sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn, thử thách của thế hệ trẻ ngày nay đã tạo nên uy tín, giá trị thương hiệu GAET ngày một vươn xa không chỉ trong Quân đội mà cả ở tầm quốc gia và quốc tế.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

LÊ BÁ ANH (Thực hiện)