Tiêm ung thư cổ tử cung bao nhiêu tuổi năm 2024

Khi nghe đến vi rút HPV lây truyền qua đường tình dục, chúng ta thường liên tưởng đến các đối tượng có đời sống tình dục “phóng khoáng” và thiếu các biện pháp an toàn. Thực tế, việc HPV lây truyền qua đường tình dục rất phổ biến. Trung bình, 4 trong 5 phụ nữ sẽ nhiễm ít nhất 1 lần trong đời (1).

Tiêm ung thư cổ tử cung bao nhiêu tuổi năm 2024

(Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, không phải chỉ những người đã từng quan hệ tình dục mới có thể nhiễm HPV, nhiều bé gái vị thành niên lẫn phụ nữ chưa quan hệ tình dục vẫn bị nhiễm vì nhiều nguyên nhân khác.

Theo một nghiên cứu trên 474 trẻ em gái độ tuổi 15-16 chưa từng quan hệ tình dục, tỷ lệ nhiễm vi rút HPV ở các bé lên đến 8,4% và có 5,3% bé nhiễm các týp HPV nguy cơ cao, có khả năng diễn tiến thành ung thư. Nguyên nhân được xác định đến từ việc vệ sinh vùng sinh dục kém (2).

*Vi rút HPV nguy cơ cao thường gặp (týp 16, 18) được cho là nguyên nhân của hơn 70% trường hợp ung thư cổ tử cung (3).

Tiêm ung thư cổ tử cung bao nhiêu tuổi năm 2024

(Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, một số bé gái có xu hướng quan hệ tình dục sớm trong khi bố mẹ vẫn tin là con của mình vẫn còn nhỏ. Ngay sau lần quan hệ tình dục lần đầu tiên đó, nguy cơ nhiễm HPV đã gia tăng đáng kể vì HPV là vi rút có thể dễ dàng lây truyền qua tiếp xúc niêm mạc trực tiếp (sinh dục-sinh dục) (4).

Ngoài ra, vi rút HPV còn có thể lây nhiễm khi dùng chung đồ dùng cá nhận tại cùng niêm mạc sinh dục như đồ lót, đồ bơi, khăn tắm…

Việc chủng ngừa sớm giúp bảo vệ con bạn trước khi chúng có cơ hội tiếp xúc với các nguồn lây HPV- nguyên nhân gây nên nhiều loại ung thư trong đó có ung thư cổ tử cung.

VI RÚT HPV CÓ THỂ LÂY TRUYỀN QUA NHIỀU CÁCH KHÁC NHAU

Đường tình dục

• Quan hệ tình dục

• Tiếp xúc tay, miệng với cơ quan sinh dục

Không qua đường tình dục

• Do sử dụng chung đồ vật nhiễm HPV

• Lây truyền từ mẹ sang con

• Đáng ngại hơn, các bé gái dù chưa có quan hệ tình dục cũng có nguy cơ phơi nhiễm khi tiếp xúc với đồ lót, đồ bơi của người đã nhiễm HPV

PHÒNG BỆNH HƠN TRỊ BỆNH BẰNG VIỆC DỰ PHÒNG HPV CHO CON BẠN

Dù đã có nhiều phương pháp để tầm soát sớm những tổn thương tiền ung thư do vi rút HPV, nhưng các loại ung thư khác liên quan HPV như: ung thư âm hộ, âm đạo, hậu môn hay hầu họng,… vẫn chưa có cách thức tầm soát hiệu quả. Các loại ung thư này thường diễn tiến âm thầm, không được phát hiện cho đến khi bắt đầu có triệu chứng và ảnh hưởng đến sức khỏe. Việc chủ động tiêm phòng có thể ngăn ngừa những bệnh lý ung thư này phát triển.

VẮC XIN PHÒNG HPV ĐƯỢC NHIỀU TỔ CHỨC Y TẾ UY TÍN TRÊN THẾ GIỚI KHUYẾN CÁO

Tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin ngừa HPV ở trẻ cũng được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Ủy ban Tư vấn về Thực hành Chủng ngừa (ACIP) Hoa Kỳ nhấn mạnh. Theo đó, WHO cho rằng nhóm đối tượng mục tiêu chính trong việc tiêm vắc xin ngừa HPV nên là trẻ em gái 9-14 tuổi trước khi có sinh hoạt tình dục (3).

TIÊM VẮC XIN NGỪA HPV, ĐỘ TUỔI NÀO LÀ PHÙ HỢP?

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế Việt Nam, việc tiêm vắc xin ngừa HPV được chỉ định cho trẻ em gái và phụ nữ tuổi từ 9 tuổi. Và độ tuổi từ 9-14 chính là “tuổi vàng” để tiêm ngừa HPV. Trái với suy nghĩ của nhiều người rằng phụ nữ trưởng thành mới cần quan tâm đến HPV, thực tế, nhóm đối tượng nên được ưu tiên tiêm vắc xin ngừa HPV là bé gái trước khi có sinh hoạt tình dục (5).

THỜI GIAN BẢO VỆ CỦA VẮC XIN NGỪA HPV LÀ BAO LÂU? CÓ CẦN TIÊM NHẮC LẠI KHÔNG?

Thông qua các nghiên cứu lâm sàng trước và sau lưu hành của vắc xin HPV cho thấy tại thời điểm hiện tại, thời gian bảo vệ của vắc xin đề đạt trên 10 năm. Bên cạnh đó, các mô hình toán học còn chứng minh khả năng bảo vệ của vắc xin có thể lên đến 35 năm (1).

Một số bố mẹ lo lắng việc tiêm vắc xin ngừa HPV sớm sẽ làm giảm hiệu lực. Tuy nhiên, kể từ khi triển khai các thử nghiệm lâm sàng để đánh giá hiệu lực bảo vệ của vắc xin, các bằng chứng khoa học cho thấy kháng thể bảo vệ chống lại vi rút HPV vẫn duy trì ở nồng độ cao và không có sự suy giảm theo thời gian. Trẻ em gái được khuyên nên tiêm đủ ba mũi theo phác đồ 0-2-6 tháng và không cần thiết phải tiêm lại sau khi hoàn thành 3 mũi tiêm.

TIÊM VẮC XIN HPV CHO CON LIỆU CÓ AN TOÀN?

Vắc xin ngừa vi rút HPV đã được sử dụng rộng rãi ở hơn 140 quốc gia trên thế giới (6).

Theo Ủy ban tư vấn toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới về tính an toàn của vắc xin (GACVS), vắc xin HPV được nhìn chung là an toàn. Các phản ứng sau tiêm thường nhẹ và tồn tại trong thời gian ngắn.

Tiêm ung thư cổ tử cung bao nhiêu tuổi năm 2024

(Ảnh minh họa)

Con bạn đã tiêm vắc xin ngừa HPV chưa?

Nếu con bạn chưa tiêm vắc xin ngừa HPV - ung thư cổ tử cung ở “độ tuổi vàng” từ 9-14 tuổi, bé vẫn còn trong thời hạn tiêm phòng theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Hãy chủ động hiểu về vi rút HPV và các bệnh lý ung thư nguy hiểm do HPV gây ra! Liên hệ với các bác sĩ hoặc trung tâm y tế gần nhất để tìm hiểu về dự phòng HPV cho con gái cũng như bản thân các mẹ nhé.

*Bài viết nằm trong chương trình truyền thông cộng đồng của Hội Y học Dự phòng Việt Nam, được tài trợ bởi MSD vì mục đích giáo dục. VN-HPV-00348 02062023

Tài liệu tham khảo

1/ “Hướng dẫn dự phòng và kiểm soát ung thư cổ tử cung”, Số 2402/ QĐ-BYT

2/ Catherine F. Houlihan et.al, Prevalence of Human Papillomavirus in Adolescent Girls Before Reported Sexual Debut, The Journal of Infectious Diseases, 2014, 210:837–45

3/ https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/human-papillomavirus-(hpv)-and-cervical-cancer (truy cập 20/2/2021)

4/ Braaten KP et al.Human Papillomavirus (HPV), HPV-Related Diseases, and the HPV Vaccine, Rev Obstet Gynecol. 2008;1:2–10

5/ https://www.who.int/immunization/sage/meetings/2016/october/1_HPV_vaccine_background_document_27Sept2016.pdf (truy cập 20/2/2021)

6/ Baloch Z, Yasmeen N, Li Y, et al. Knowledge and Awareness of Cervical Cancer, Human Papillomavirus (HPV), and HPV Vaccine Among HPV-Infected Chinese Women. Med Sci Monit. 2017;23:4269–4277. Published 2017 Sep 4. doi:10.12659/msm.903370