Quy luật của cách mạng Việt Nam

Những quan điểm phê phán, phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở nước ta nằm trong chiến lược tổng thể của “diễn biến hòa bình” diễn ra có lúc công khai, lúc ngấm ngầm, có lúc rộ lên, có lúc âm ỉ kéo dài, nhưng tựu trung lại thường diễn ra vào những thời điểm “nhạy cảm chính trị” như trước các cuộc bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Đại hội Đảng, các ngày Lễ lớn hoặc các thời điểm Đảng, Nhà nước ta đưa ra lấy ý kiến góp ý của nhân dân về các văn bản quan trọng của Đảng và Nhà nước.
Chúng ta đang trong năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, chuẩn bị tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (dự kiến diễn ra tháng 01/2021 mà tháng 9 năm 2019 vừa qua Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Báo cáo chính trị đối với cán bộ lão thành) và, hiện nay chúng ta đang thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và thực hiện chủ đề năm 2019 “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", thực hiện rộng rãi Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường công tác xây dựng Đảng, phòng chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong nội bộ cán bộ đảng viên và phòng chống "tự diễn biến, tự chuyển hóa" trong nội bộ, nhằm huy động ý kiến đóng góp của đảng viên trong việc đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, nhằm hoàn thiện chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đây là thời điểm “nhạy cảm chính trị”, là “mảnh đất màu mỡ” mà các thế lực thù địch thường tập trung công phá, do vậy, để đề cao tinh thần cảnh giác, chúng ta cần nắm được những vấn đề có tính quy luật trong quá trình đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, qua đó khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Đấu tranh để bảo vệ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội  ở Việt Nam được hiểu là việc vạch trần bản chất, âm mưu và thủ đoạn của các lực lượng thù địch cố tình xuyên tạc, bôi nhọ, hòng phủ nhận chủ nghĩa xã hội và các biện pháp, cách thức để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đó cũng là sự nghiệp bảo vệ và làm rõ bản chất khoa học, cách mạng và nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần làm sáng tỏ hơn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đó là cuộc đấu tranh giai cấp trên lĩnh vực chính trị - tư tưởng và qua việc phê phán các quan điểm sai trái, thù địch để tạo nên sự đồng thuận xã hội, sự thống nhất về ý chí, tư tưởng và đội ngũ trong toàn Đảng, toàn dân tộc vì thắng lợi của sự nghiệp xây dựng CNXH ở Việt Nam.    Theo chúng tôi, những vấn đề có tính quy luật trong quá trình đấu tranh khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta với các quan điểm sai trái, thù địch bao gồm:

Một là, cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng - lý luận giữa CNXH nhằm khẳng định con đường đi lên CNXH, với các khuynh hướng, trào lưu phi XHCN muốn phủ nhận con đường đi lên CNXH ở nước ta thực chất là phản ánh cuộc đấu tranh trên lĩnh vực kinh tế - chính trị.

Các thế lực thù địch cho rằng, Mác - Ăngghen - Lênin sáng lập ra hệ tư tưởng XHCN trong điều kiện giữa thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, hiện nay Đảng cộng sản Việt Nam áp đặt hệ tư tưởng đó vào trong xã hội Việt Nam ở thế kỷ XXI là không phù hợp, do vậy để thoát khỏi “vòng kim cô” đó phải từ bỏ hệ tư tưởng.

Thực tế chứng minh là, bất cứ một đảng cầm quyền nào cũng phải có hệ tư tưởng cho riêng mình, đảng tư sản có hệ tư tưởng tư sản, đảng cộng sản có hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa (XHCN), một khi đảng rời bỏ hệ tư tưởng sẽ dẫn đến hai hậu quả, thứ nhất là đảng sẽ bị tan rã, khi đó các đảng viên rời bỏ đảng, gia nhập các đảng khác, nhóm khác, như trường hợp các đảng cộng sản ở Đông Âu và Liên Xô trước đây…thứ hai, đảng sẽ mất vai trò lãnh đạo, đảng thoái hóa, biến chất, đổi màu theo khuynh hướng khác như một số đảng cộng sản chuyển thành đảng dân chủ xã hội. 

Khi chúng ta đấu tranh bảo vệ vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản thì phản ánh trong chính trị là cuộc đấu tranh giữa khuynh hướng một đảng cộng sản lãnh đạo với khuynh hướng muốn cổ súy cho đa nguyên, đa đảng, muốn xuất hiện nhiều đảng phái khác nhau nhằm chia sẻ vai trò lãnh đạo với đảng cộng sản, nhưng với chúng ta muốn xây dựng thành công và đi đến CNXH thì nhân tố quyết định, điều kiện bắt buộc phải có đảng cộng sản lãnh đạo – đó là vấn đề mang tính nguyên tắc chính trị XHCN. Việc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng và vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản thực chất là bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân trên lĩnh vực kinh tế - chính trị, vì đảng cộng sản là đội tiền phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, có lợi ích thống nhất với nhân dân lao động, còn các thế lực thù địch muốn xóa nhòa đấu tranh hệ tư tưởng giữa hai chế độ tư bản chủ nghĩa (TBCN) với CNXH thực chất là muốn xóa bỏ đấu tranh giai cấp nhằm duy trì  nông dân và công nhân theo kiểu nô lệ về chính trị và làm thuê về kinh tế mà thôi.

Hai là, cuộc đấu tranh nhằm khẳng định con đường đi lên CNXH ở nước ta với các quan điểm phủ nhận con đường đó, là cuộc đấu tranh giữa hai mặt đối lập, đối kháng nhau.

Đây là một hình thức khác của cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa tư bản (CNTB) và các khuynh hướng cơ hội cải lương với CNXH, nó gắn liền với cuộc đấu tranh giữa giai cấp tư sản với giai cấp công nhân, cuộc đấu tranh này đã xuất hiện trong lòng xã hội tư bản và diễn ra ngay trong thời kỳ quá độ và trong xã hội XHCN, cuộc đấu tranh này chỉ kết thúc khi xây dựng thành công chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi thế giới. Trong xã hội tư bản, một bên là lực lượng sản xuất đã xã hội hóa do giai cấp công nhân làm đại biểu mâu thuẫn đối kháng với sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất do giai cấp tư sản làm đại diện, cuộc đấu tranh giữa hai hình thức sở hữu là tư hữu với công hữu (mặt kinh tế), và cuộc đấu tranh trên lĩnh vực chính trị giữa một bên là giai cấp công nhân đấu tranh xóa áp bức, với một bên là giai cấp tư sản muốn duy trì chế độ áp bức bóc lột lao động làm thuê, giai cấp tư sản muốn duy trì chế độ sở hữu tư nhân; giai cấp công nhân muốn xóa bỏ sở hữu tư nhân; giai cấp tư sản muốn duy trì thống trị về tư tưởng, công nhân muốn xóa bỏ mọi hình thức thống trị; tư sản muốn duy trì lợi nhuận thông qua bóc lột giá trị thặng dư, công nhân muốn xóa bỏ mọi hình thức bóc lột…đây là cuộc đấu tranh của hai mặt đối lập, mâu thuẫn đối kháng nhau, việc các thế lực thù địch CNXH phê phán phủ nhận con đường đi lên CNXH là nhằm mục tiêu duy trì chế độ tư hữu, duy trì áp bức bóc lột lao động làm thuê bởi mục tiêu của CNXH là xóa bỏ chế độ tư hữu, thiết lập chế độ công hữu.

Ba là, cuộc đấu tranh nhằm khẳng định con đường đi lên CNXH ở nước ta với các quan điểm phủ nhận con đường đó, là cuộc đấu tranh vừa mang tính dân tộc vừa mang bản chất quốc tế.


Bởi vì, cuộc đấu tranh đó diễn ra trong mỗi dân tộc đồng thời diễn ra trên phạm vi toàn cầu, đấu tranh giữa con đường đi lên CNXH với các quan điểm phủ nhận con đường đó là cuộc đấu tranh giai cấp trên bình diện lý luận - tư tưởng, mà đấu tranh giai cấp trong một dân tộc là một bộ phận của quốc tế, đấu tranh giai cấp chi phối tính dân tộc, trong Tuyên ngôn đảng cộng sản C. Mác khẳng định: “trước hết giai cấp vô sản mỗi nước phải thanh toán xong giai cấp tư sản nước mình đã”[1] Cuộc đấu tranh này chỉ kết thúc khi nào CNCS được xác lập trên phạm vi toàn cầu, sự thắng lợi của chế độ XHCN ở mỗi dân tộc chỉ là bước đầu, vì trên thực tế CNXH đã giành thắng lợi ở một số nước nhưng sau đó lại rơi vào thất bại điển hình như ở Đông Âu, Liên Xô.

Hiện nay, ở Việt Nam nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khoá VII (1-1994) Đảng ta đã xác định đến nay vẫn hiện hữu. Văn kiện Đại hội XII Đảng ta xác định: "Bốn nguy cơ mà Đảng ta chỉ ra vẫn tồn tại, nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước khu vực và trên thế giới; nguy cơ “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm chống phá nước ta; "tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; sự tồn tại và những diến biến phức tạp của tệ quan liêu tham nhũng, lãng phí..."[2]

Văn kiện Đại hội XII Đảng ta cũng chỉ ra rằng: “Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng còn thấp, thậm chí có nơi mất sức chiến đấu... Chậm khắc phục những hạn chế của công tác tư tưởng như thiếu sắc bén, chưa thuyết phục. Đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” còn bị động, hiệu quả chưa cao”. Sau khi CNXH ở Đông Âu, Liên Xô sụp đổ, một số nhà tư tưởng phương Tây hí hửng tuyên bố về sự cáo chung của CNXH và dự báo sự sụp đổ của các nước XHCN còn lại thì việc chúng ta khẳng định tính đúng đắn của con đường đi lên CNXH, đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái phủ nhận con đường đi lên CNXH ở nước ta và xây dựng chế độ xã hội XHCN thành công bước đầu ở nước ta, cùng với Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Cu Ba,…đang đổi mới thành công, và những bước tiến của phong trào cánh tả ở nhiều nước Mỹ La tinh trong trào lưu hướng tới chủ nghĩa xã hội; đặc biệt, việc ngày 07/6/2019, 192/193 nước nhất trí tín nhiệm bầu Việt Nam vào Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 là bằng chứng góp phần khẳng định sức sống của CNXH, góp phần vào việc lựa chọn hướng đi, con đường để vượt qua mô hình phát triển đang khủng hoảng hiện nay trên thế giới.

Như vậy, việc phê phán những quan điểm phủ nhận con đường đi lên CNXH ở nước ta là khẩn thiết, nên, cần quán triệt những vấn đề mang tính quy luật mà các quan điểm sai trái, thù địch hay vận dụng chống chúng ta, nhằm đề cao tinh thần cảnh giác chống lại những quan điểm sai trái, thù địch, qua đó khẳng định sự nghiệp đổi mới theo con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn như Đảng ta đã khẳng định: Nhìn tổng thể, qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

TS. Ngô Hoàng Anh - CN. Trần Thị Thương 


(Trường Chính trị  tỉnh Kon Tum)

 

[1] C.Mác-Ph Ăngghen toàn tập, Nxb CTQG Hà Nội, 1995, tập 4 - tr.619

[2] ĐCSVN - Văn kiện ĐHĐBTQ lần thứ XII, VPTW Đảng, H. 2016, tr. 19

 Từ khóa: sự nghiệp, khẳng định, xã hội, chủ nghĩa, tinh thần, quan điểm, thù địch, sai trái, cảnh giác, phê phán, phủ nhận, khẩn thiết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn