Phương pháp biện chứng là phương pháp nhận thức khoa học

Câu hỏi: Phương pháp là gì? Hãy trình bày các phương pháp nhận thức khoa học.

Trả lời:

1. Phương pháp là gì?

a) Định nghĩa: Phương pháp là hệ thống các yêu cầu đòi hỏi chủ thể phải tuân thủ đúng trình tự nhằm đạt được mục đích đặt ra một cách tối ưu. Trong đời thường, phương pháp được hiểu là cách thức, thủ đoạn được chủ thể sử dụng nhằm đạt mục đích nhất định.

b) Nguồn gốc, chức năng: Quan niệm duy vật duy vật biện chứng không chỉ coi phương pháp có nguồn gốc khách quan, được xây dựng từ những hiểu biết về thuộc tính và quy luật tồn tại trong thế giới mà còn chỉ rõ vai trò rất quan trọng của nó trong hoạt động của con người . Phương pháp là đối tượng nghiên cứu của phương pháp luận. Tư duy khoa học luôn hướng đến việc xây dựng và vận dụng các phương pháp như công cụ tinh thần để nhận thực và cải tạo hiệu quả thế giới. Muốn chinh phục thế giới không thể không xây dựng và vận dụng hiệu quả các phương pháp thích ứng cho từng lĩnh vực hoạt động của con người.

c) Phân loại: Phương pháp khác nhau không chỉ về nội dung yêu cầu mà còn khác nhau về phạm vi và lĩnh vực áp dụng.

• Dựa trên phạm vi áp dụng phương pháp được chia thành: Phương pháp riêng - phương pháp áp dụng cho từng ngành khoa học; Phương pháp chung - phương pháp áp dụng cho nhiều ngành khoa học; Phương pháp phổ biến - phương pháp áp dụng cho mọi ngành khoa học, cho toàn bộ hoạt động nhận thức và thực tiễn của con người. Các phương pháp phổ biến chính là các quan điểm, nguyên tắc của triết học, mà trước hết là của phép biện chứng - phương pháp biện chứng. Các phương pháp biện chứng được xây dựng từ nội dung tri thức chứa trong các nguyên lý, quy luật, phạm trù của phép biện chứng duy vật, và chúng tác động trong sự hỗ trợ lẫn nhau.

• Dựa trên lĩnh vực áp dụng, phương pháp được chia thành: Phương pháp hoạt động thực tiễn - phương pháp áp dụng trong lĩnh vực hoạt động thực tiễn cải tạo thế giới của con người (bao gồm các loại phương pháp cơ bản như phương pháp hoạt động lao động sản xuất và phương pháp hoạt động chính trị – xã hội); Phương pháp nhận thức khoa học - phương pháp áp dụng trong quá trình nghiên cứu khoa học. Có nhiều phương pháp nhận thức khoa học khác nhau có quan hệ biện chứng với nhau. Trong hệ thống các phương pháp nhận thức khoa học, mỗi phương pháp đều có vị trí nhất định, áp dụng hiệu quả cho mỗi loại đối tượng nghiên cứu nhất định; vì vậy không được coi các phương pháp có vai trò như nhau hay cường điệu phương pháp này hạ thấp phương pháp kia, mà phải biết sử dụng tổng hợp các phương pháp.

2. Các phương pháp nhận thức khoa học

Phương pháp nhận thức khoa học bao gồm các phương pháp nhận thức khoa học ở trình độ kinh nghiệm và các phương pháp nhận thức khoa học ở trình độ lý thuyết.

a) Các phương pháp nhận thức khoa học ở trình độ kinh nghiệm

Để xây dựng, khẳng định hay bác bỏ một giả thuyết khoa học; để củng cố, hoàn chỉnh các lý thuyết khoa học cần phải tiến hành phương pháp quan sát khoa học, phương pháp thí nghiệm khoa học.

+ Quan sát khoa học: Quan sát khoa học là phương pháp nghiên cứu kinh nghiệm thông qua tri giác có chủ đích (theo chương trình lập sẵn) của chủ thể (nhà khoa học) để xác định các sự kiện (thuộc tính, quan hệ) của khách thể (sự vật, hiện tượng) riêng lẻ trong điều kiện tự nhiên vốn có của nó. Để hỗ trợ cho các giác quan, để nâng cao độ chính xác và tính khách quan của kết quả quan sát, các nhà khoa học thường sử dụng các phương tiện, công cụ ngày càng tinh vi, nhanh nhạy.

+ Thí nghiệm khoa học: Thí nghiệm khoa học là phương pháp nghiên cứu kinh nghiệm thông qua tri giác có chủ đích (theo chương trình lập sẵn) của chủ thể (nhà khoa học) để xác định các sự kiện (thuộc tính, quan hệ) của khách thể (sự vật, hiện tượng) riêng lẻ trong điều kiện nhân tạo, nghĩa là có sử dụng các phương tiện vật chất để can thiệp vào trạng thái tự nhiên của khách thể, để buộc nó bộc lộ ra những thuộc tính, quan hệ cần khảo sát dưới dạng “thuần khiết”.

Nhờ vào thí nghiệm khoa học, người ta khám phá ra những thuộc tính, quan hệ của khách thể mà trong điều kiện tự nhiên không thể phát hiện ra được. Thí nghiệm khoa học bao giờ cũng dựa trên một ý tưởng, một giả thuyết hay một lý thuyết khoa học nhất định, và được tổ chức rất chặt chẽ, tinh vi từ khâu lựa chọn thí nghiệm, lập kế hoạch, tiến hành, thu nhận và lý giải kết quả thí nghiệm. Thí nghiệm khoa học là kiểu hoạt động cơ bản của thực tiễn khoa học. Nó có vai trò rất quan trọng trong việc chỉnh lý làm chính xác hóa, khẳng định hay bác bỏ một giả thuyết hay một lý thuyết khoa học nào đó. Nó là cơ sở, động lực của nhận thức khoa học và là tiêu chuẩn để kiểm tra tính chân lý của tri thức khoa học.

b) Các phương pháp nhận thức khoa học ở trình độ lý thuyết

+ Phương pháp thống nhất giữa phân tích và tổng hợp

Phân tích là phương pháp phân chia cái toàn bộ ra thành từng bộ phận để đi sâu nhận thức các bộ phận đó. Còn tổng hợp là phương pháp thống nhất các bộ phận đã được phân tích nhằm nhận thức cái toàn bộ.

Phân tích và tổng hợp là hai phương pháp nhận thức đối lập nhưng thống nhất với nhau giúp tìm hiểu đối tượng như một chỉnh thể toàn vẹn. Sự thống nhất của phân tích và tổng hợp không chỉ là điều kiện tất yếu của sự trừu tượng hóa và khái quát hóa mà còn là một yếu tố quan trọng của phương pháp biện chứng. Không có phân tích thì không hiểu được những cái bộ phận cấu thành cái toàn bộ, và ngược lại, không có tổng hợp thì không hiểu cái toàn bộ như một chỉnh thể được tạo thành như thế nào từ những cái bộ phận nào. Vì vậy, muốn hiểu thực chất của đối tượng mà chỉ có phân tích hoặc chỉ có tổng hợp không thôi thì chưa đủ mà phải kết hợp chúng với nhau. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nghiên cứu nhất định, bản thân mỗi phương pháp vẫn có ưu thế riêng của mình.

+ Phương pháp thống nhất giữa quy nạp và diễn dịch

Quy nạp là phương pháp suy luận đi từ tiền đề chứa đựng tri thức riêng đến kết luận chứa đựng tri thức chung. Còn diễn dịch là phương pháp suy luận đi từ tiền đề chứa đựng tri thức chung đến kết luận chứa đựng tri thức riêng. Quy nạp và diễn dịch là hai phương pháp nhận thức đối lập nhưng thống nhất với nhau giúp phát hiện ra những tri thức mới về đối tượng.

Sự đối lập của quy nạp và diễn dịch thể hiện ở chỗ: Quy nạp được dùng để khái quát các tài liệu quan sát, thí nghiệm nhằm xây dựng các giả thuyết, nguyên lý, định luật tổng quát của khoa học, vì vậy quy nạp, đặc biệt là quy nạp khoa học, có giá trị lớn trong khoa học thực nghiệm. Diễn dịch được dùng để cụ thể hóa các giả thuyết, nguyên lý, định luật tổng quát của khoa học trong các điều kiện tình hình cụ thể, vì vậy diễn dịch, đặc biệt là phương pháp giả thuyết – diễn dịch, phương pháp tiên đề, có giá trị lớn trong khoa học lý thuyết.

Sự thống nhất của quy nạp và diễn dịch thể hiện ở chỗ: Quy nạp xây dựng tiền đề cho diễn dịch, còn diễn dịch bổ sung thêm tiền đề cho quy nạp để thêm chắc chắn. Sự thống nhất của quy nạp và diễn dịch là một yếu tố quan trọng của phương pháp biện chứng. Không có quy nạp thì không hiểu được cái chung tồn tại trong cái riêng như thế nào, và ngược lại, không có diễn dịch thì không hiểu cái riêng có liên hệ với cái chung ra sau. Vì vậy, muốn hiểu thực chất của đối tượng mà chỉ có quy nạp hoặc chỉ có diễn dịch không thôi thì chưa đủ mà phải kết hợp chúng với nhau. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nghiên cứu nhất định, bản thân mỗi phương pháp vẫn có ưu thế của riêng mình.

+ Phương pháp thống nhất lịch sử và lôgích

Lịch sử là phạm trù dùng để chỉ quá trình phát sinh, phát triển và tiêu vong của sự vật trong tính đa dạng, sinh động của nó. Còn lôgích là phạm trù dùng để chỉ tính tất yếu - quy luật của sự vật (lôgích khách quan) hay mối liên hệ tất yếu giữa các tư tưởng (lôgích chủ quan) . Phương pháp lịch sử là phương pháp đòi hỏi phải tái hiện lại trong tư duy quá trình lịch sử – cụ thể với những chi tiết của nó, nghĩa là phải nắm lấy sự vận động, phát triển lịch sử của sự vật trong toàn bộ tính phong phú của nó. Phương pháp lôgích là phương pháp đòi hỏi phải vạch ra bản chất, tính tất nhiên – quy luật của quá trình vận động, phát triển của sự vật dưới hình thức trừu tượng và khái quát của nó, nghĩa là phải loại bỏ cái ngẫu nhiên, vụn vặt ra khỏi tiến trình nhận thức sự vận động, phát triển của sự vật .

Phương pháp lịch sử và phương pháp logic là hai phương pháp nghiên cứu đối lập nhau nhưng thống nhất biện chứng với nhau giúp xây dựng hình ảnh cụ thể và sâu sắc về sự vật. Bởi vì, muốn hiểu bản chất và quy luật của sự vật thì phải hiểu lịch sử phát sinh, phát triển của nó, đồng thời có nắm được bản chất và quy luật của sự vật thì mới nhận thức được lịch sử của nó một cách đúng đắn và sâu sắc. Khi nghiên cứu cái lịch sử, phương pháp lịch sử cũng phải nắm lấy “sợi dây” lôgic của nó để thông qua đó mà phân tích các sự kiện, biến cố lịch sử. Còn khi tìm hiểu bản chất, quy luật, phương pháp lôgic cũng không thể không dựa vào các tài liệu lịch sử để uốn nắn, chỉnh lý chúng. Tuy nhiên, tuỳ theo đối tượng và nhiệm vụ nghiên cứu mà nhà khoa học có thể sử dụng phương pháp nào là chủ yếu. Song, dù trường hợp nào cũng phải quán triệt nguyên tắc thống nhất lôgích và lịch sử và khắc phục chủ nghĩa chủ quan tư biện, cũng như chủ nghĩa kinh nghiệm mù quáng.

+ Phương pháp thống nhất giữa trừu tượng và cụ thể (phương pháp đi từ cái trừu tượng đến cái cụ thể trong tư duy)

Cái cụ thể là phạm trù dùng để chỉ sự tồn tại trong tính đa dạng . Cái trừu tượng là phạm trù dùng để chỉ kết quả của sự trừu tượng hóa tách một mặt, một mối liên hệ nào đó ra khỏi cái tổng thể phong phú đa dạng của sự vật. Vì vậy, cái trừu tượng là một bộ phận, một mặt của cái cụ thể, là một bậc thang trong quá trình xem xét cái cụ thể (khách quan). Từ những cái trừu tượng tư duy tổng hợp lại thành cái cụ thể (trong tư duy).

Nhận thức khoa học là sự thống nhất của hai quá trình nhận thức đối lập: Từ cụ thể (cảm tính) đến trừu tượng và Từ trừu tượng đến cụ thể (trong tư duy). Từ cụ thể (cảm tính) đến trừu tượng là phương pháp đòi hỏi phải xuất phát từ những tài liệu cảm tính thông qua phân tích xây dựng các khái niệm đơn giản, những định nghĩa trừu tượng phản ánh từng mặt, từng thuộc tính của sự vật. Từ trừu tượng đến cụ thể (trong tư duy) là phương pháp đòi hỏi phải xuất phát từ những khái niệm đơn giản, những định nghĩa trừu tượng thông qua tổng hợp biện chứng đi đến cái cụ thể (trong tư duy) .