Đánh giá cán bộ theo 360 độ

Ngày 06/2/2023, Cơ quan Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã triển khai khảo sát đánh giá 360 độ đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý chuyên trách tại Tập đoàn từ cấp Phó Trưởng ban trở lên tại hội nghị trực tuyến tổ chức ở 3 điểm cầu Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Đánh giá cán bộ theo 360 độ

Toàn cảnh buổi triển khai khảo sát đánh giá 360 độ

Đánh giá 360 độ là phương pháp đánh giá đa chiều (cấp trên đánh giá cấp dưới, đồng cấp đánh giá, cấp dưới đánh giá cấp trên và cá nhân tự đánh giá), là kênh thông tin giúp Ban lãnh đạo Tập đoàn có cái nhìn tổng quát về đội ngũ cán bộ, quản lý để điều chỉnh, định hướng năng lực làm việc hiệu quả và tinh thần trách nhiệm. Hình thức khảo sát bằng Phiếu ẩn danh trên Google Drive sẽ đáp ứng yêu cầu bảo mật đối với chủ thể đánh giá, tính khách quan đối với đối tượng được đánh giá và mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý sẽ nhận được phản hồi bí mật từ những người cùng tiếp xúc làm việc xung quanh mình.

Trong đợt khảo sát lần này, đối tượng được đánh giá gồm 29 cán bộ lãnh đạo, quản lý là Trưởng, Phó Ban chức năng Tập đoàn; thành viên Cơ quan điều hành; thành viên chuyên trách HĐQT, Ban Kiểm soát Tập đoàn. Chủ thể tham gia đánh giá gồm 82 người từ cấp chuyên viên trở lên, làm việc chuyên trách tại Tập đoàn. Số điểm đánh giá được phân chia theo tỷ lệ tự đánh giá 25%, cấp trên đánh giá 25%, đồng cấp đánh giá 25%, cấp dưới đánh giá 25%. Nội dung đánh giá tập trung vào 3 tiêu chí: Năng lực chuyên môn, kỹ năng giải quyết vấn đề, trách nhiệm đối với công việc. Phiếu khảo sát bao gồm các câu hỏi được đo lường trên thang điểm đánh giá.

Hệ thống phản hồi 360 độ sẽ tự động lập bảng kết quả gồm: điểm đánh giá của cá nhân, điểm của cá nhân so với phổ điểm từng tiêu chí đánh giá, điểm cá nhân so với phổ điểm chung và gửi kết quả đến từng cá nhân.

Mục tiêu đánh giá để mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý thấy rõ hơn điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, từ đó tự nhìn nhận, xây dựng kế hoạch cải thiện năng lực, kỹ năng giải quyết vấn đề, tinh thần trách nhiệm. Bên cạnh đó, việc tham gia đánh giá đồng nghiệp, đánh giá cấp trên cũng giúp mỗi cá nhân ý thức được trách nhiệm, tầm quan trọng của mình đối với tổ chức, văn hóa tự chủ và trao quyền trong Cơ quan Tập đoàn được thúc đẩy, nâng cao hiệu quả công tác.

Phát biểu tại buổi triển khai, Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường cho biết, Bộ Chính trị vừa ký ban hành Quy định số 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Việc lấy phiếu tiến hành với cán bộ giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp có đơn vị trực thuộc nên Vinatex sẽ tiến hành ở cấp Đảng bộ Tập đoàn. Trong nhu cầu công tác chung, lãnh đạo Tập đoàn rất muốn cập nhật những dữ liệu có tính chất rộng rãi, được đánh giá, thăm dò trong tập thể chuyên viên với những nội dung mang tính chất gợi ý, gợi mở cho lãnh đạo điều hành ở các khu vực để có cơ sở cải thiện, nâng cao chất lượng hoạt động. Chính vì vậy, hôm nay, lần đầu tiên Vinatex áp dụng chương trình đánh giá 360 độ. Những cán bộ được đánh giá lần này dựa theo bốn điểm: cá nhân tự đánh giá, cấp dưới đánh giá, đồng cấp đánh giá và cấp trên đánh giá.

Đánh giá cán bộ theo 360 độ

Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường phát biểu tại buổi triển khai

“Trong lần đánh giá này, Tập đoàn sẽ triển khai đánh giá từ Chủ tịch HĐQT, Ban Kiểm soát, Cơ quan điều hành, Kế toán trưởng và Trưởng, Phó các ban chức năng. Chủ thể tham gia đánh giá gồm 82 chuyên viên của Tập đoàn. Mục tiêu của việc đánh giá lần này không dùng để đánh giá cán bộ, tái bổ nhiệm, bổ nhiệm, xét lương, kỷ luật mà thông qua việc đánh giá giúp các cá nhân sẽ có chương trình tự cải thiện, nâng cao năng lực, trách nhiệm, chuyên môn của mình. Nếu chương trình này có hiệu quả thì tới đây những đồng chí nằm trong quy hoạch cũng sẽ được đánh giá” – Chủ tịch Lê Tiến Trường nhấn mạnh.

Thời gian chương trình đánh giá 360 độ bắt đầu từ sáng ngày 06/02 và hoàn thành trước 12h trưa ngày 07/02/2023.

“Công tác cán bộ là phức tạp nhất, không có cách nào để chấm dứt dư luận được”. Đó là phát biểu của ông Triệu Tài Vinh, bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, tại hội nghị toàn quốc ngành tổ chức xây dựng Đảng diễn ra cuối tuần vừa rồi.

Có lẽ đó là những lời “rút gan rút ruột” từ trải nghiệm của cá nhân ông Vinh ở địa phương mình, nơi từng ồn ào trên báo chí, dư luận về biểu hiện và nghi vấn tình trạng “cả họ làm quan”.

Đọc báo cáo của Ban Tổ chức trung ương, phần nêu nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ, ít nhất có sáu câu hỏi rất thẳng thắn, trong đó chỉ ra những biểu hiện như: thiếu dân chủ trong việc quy hoạch, giới thiệu nhân sự; kẽ hở trong các quy trình bổ nhiệm, đề bạt; quản lý hồ sơ đơn giản, chủ quan; kiểm tra, giám sát lỏng lẻo; phân cấp chưa hợp lý, dễ bị lợi dụng để hợp thức hóa; có tiêu cực, thao túng...

“Để khắc phục vấn đề này, tôi đề nghị trung ương sớm cho ý kiến về đề án thi tuyển lãnh đạo để chúng tôi thực hiện. Thật ra chúng tôi vẫn có thể thực hiện khi chưa có hướng dẫn, ý kiến của trung ương, nhưng nếu làm khi trung ương chưa quyết thì rồi lại cũng có dư luận” - ông Triệu Tài Vinh nêu ý kiến.

Đề xuất này không phải là mới. Nhiều chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo, lão thành đã bền bỉ kiến nghị trong nhiều nhiệm kỳ qua.

“Tại sao mãi mà chúng ta vẫn chưa làm được?” - Trưởng Ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính day dứt với câu hỏi này.

Rồi ông Chính đưa ra gợi ý về việc đánh giá cán bộ theo phương pháp “360 độ”, tức là: “phải đồng thời đánh giá từ trên xuống, từ dưới lên, từ trong ra và từ ngoài vào”.

Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh, sau khi nêu nghịch lý là cá nhân thì toàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng cơ quan, đơn vị lại chỉ hoàn thành nhiệm vụ mức trung bình, đã yêu cầu năm 2017 phải tạo đột phá trong đánh giá cán bộ.

Công tác cán bộ là công tác của Đảng. Đã từ lâu, lợi dụng vào nguyên tắc này, không ít nơi đã đặt công tác cán bộ vào phạm trù bí mật, coi đó là quyền riêng của cấp ủy, thậm chí là quyền riêng của vài ba vị trong thường trực cấp ủy. Điều này đã nảy sinh tình trạng thiếu công khai, thiếu minh bạch, thiếu trách nhiệm giải trình.

Trong thể chế chính trị của chúng ta, cấp ủy là hạt nhân lãnh đạo, nhưng cấp ủy chỉ là một nhóm người.

Nếu công tác cán bộ là đặc quyền của cấp ủy thì có thể sẽ nảy sinh những hậu quả mà dư luận thường đồn đoán như: người của anh - người của tôi, phe này phái nọ, mất đoàn kết nội bộ và nặng nề hơn là lợi ích nhóm, tham nhũng, thao túng chính sách.

Vì vậy, đánh giá cán bộ theo phương pháp “360 độ” như trưởng Ban Tổ chức trung ương đề cập có lẽ là cách tiếp cận cần phải khẩn trương áp dụng.

Nhiều nước trên thế giới thường áp dụng ba phương pháp chính để tìm nhân tài làm lãnh đạo: bầu cử, thi tuyển, bổ nhiệm.

Tất nhiên các phương pháp này phải được thực hiện theo những quy trình, thủ tục chuẩn mực, thực chất, công khai, minh bạch, gắn với trách nhiệm giải trình. Sau đó là cơ chế kiểm soát quyền lực, giám sát, sàng lọc, đào thải.

Chỉ những gì dưới bóng đêm, giữa bọc kín, trong lâu đài đóng cửa mới gây ra những đồn đoán, hoài nghi; còn nếu mọi thứ diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, mọi người có quyền chứng kiến, giám sát, mọi thắc mắc đều được giải trình thì lo gì dư luận không xuôi.