Cách chính phục Hội đồng đánh giá đề tài

Cách chính phục Hội đồng đánh giá đề tài
Tại phần 1 của loạt bài đặc biệt 09, Cộng đồng RCES đã nhắc tới những nội dung quan trọng mà các giám khảo trong Hội đồng phản biện thường quan tâm, đó cũng chính là những gì tác giả nên khai thác để “show off” sản phẩm khi báo cáo. Trong phần 2 hôm nay, chúng mình hãy cùng đi sâu vào phân tích những nội dung này để chuẩn bị thật tốt và “đáp ứng sự mong chờ” của các giám khảo trong Hội đồng phản biện nhé!

1. Tính cấp thiết của đề tài/Lí do chọn đề tài

Đây là nội dung không thể thiếu trong toàn văn công trình (dạng văn bản), cũng như trong phần báo cáo công trình. Ở nội dung này tác giả phải nêu bật được tại sao đề tài này là vấn đề cần thiết phải nghiên cứu ở thời điểm báo cáo và thuyết phục được BGK đó chính là lí do mình lựa chọn thực hiện nghiên cứu. Đây là bước đầu tiên cần xác định để thực hiện công trình, và cũng là phần đầu tiên trong bài báo cáo. Để nội dung này được thực sự thuyết phục, tác giả có thể bắt đầu với thực trạng hoặc bối cảnh thực tế để “làm đà” nêu bật lên tính cấp thiết. Những con số “biết nói” hay đánh giá từ những nhà thực tiễn/những học giả có ảnh hưởng trong lĩnh vực nghiên cứu cũng chính là điểm nhấn nên sử dụng để làm nội dung này nổi bật.

2. Mục tiêu và câu hỏi nghiên cứu

Đây là nội dung nên đưa ra ngay sau phần (1) ở trên. Sau khi đã thể hiện được tầm quan trọng của việc cần nghiên cứu đề tài, tác giả cần phải chỉ ra được công trình nghiên cứu được thực hiện với (những) mục tiêu gì và để trả lời cho (những) câu hỏi nào. Đây cũng chính là nội dung tác giả cần đối chiếu và đưa ra kết luận ở phần cuối của bài báo cáo.

3. Phương pháp nghiên cứu

Ở nội dung này, tác giả cần cho Hội đồng biết công trình được thực hiện thông qua phương pháp nghiên cứu nào (ví dụ: định tính, định lượng, kết hợp cả định tính và định lượng, v.v …) và mô tả ngắn gọn về phương pháp thực hiện (ví dụ: sử dụng phương pháp định tính thông qua việc tìm hiểu và tổng hợp các tài liệu nghiên cứu của các tác giả đã từng thực hiện về chủ đề liên quan đến đề tài, … hay sử dụng phương pháp định lượng thông qua kiểm định mô hình nào đó để tìm ra sự ảnh hưởng của các biến, …)

4. Các định nghĩa/lí thuyết quan trọng (đặc biệt với các đề tài mới)

Nếu tác giả thực hiện công trình nghiên cứu với những đề tài mới và có những định nghĩa có thể không phải ai cũng biết (trong phạm vi Hội đồng giám khảo); tác giả nên giải thích những định nghĩa quan trọng này trước khi chuyển qua các nội dung tiếp theo. Việc này rất quan trọng vì nếu giám khảo còn chưa hiểu về đề tài tác giả thực hiện thì sẽ rất khó nắm bắt ý trình bày ở phần sau. Trong khi đó, với những đề tài có những định nghĩa không quá mới thì có thể bỏ qua vì các giám khảo trong cùng Hội đồng cùng chuyên môn đều hiểu rõ về các định nghĩa cơ bản của lĩnh vực đó. Ngoài ra, các lí thuyết quan trọng cũng nên được tác giả đề cập qua trước khi chuyển sang các nội dung tiếp theo.

5. Giả thuyết và mô hình nghiên cứu

Nội dung này được trình bày nhằm đưa ra giả thuyết nhóm nghiên cứu đặt ra cho câu hỏi nghiên cứu và mô hình nghiên cứu sử dụng trong bài. Nếu tác giả thực hiện nghiên cứu định lượng, mô hình nghiên cứu cần chú ý giải thích các biến được sử dụng trong mô hình. Tác giả sẽ đối chiếu các nội dung này sau khi tìm ra kết quả nghiên cứu để kiểm định giả thuyết và mô hình.

6. Mô tả cách thức thu thập số liệu

Nội dung này đặc biệt quan trọng đối với các nghiên cứu sử dụng số liệu sơ cấp (từ nguồn khảo sát thực tế). Tác giả cần phải nêu được các thông tin cơ bản như thiết kế nghiên cứu, thu thập số liệu ở đâu, thời gian khi nào, cách thức thu thập, … để thể hiện tính tin cậy trong việc thu thập số liệu, bởi đây là nguồn tác giả phải trực tiếp thực hiện chứ không phải lấy lại từ các nguồn khác.

7. Mô tả dữ liệu

Tác giả cần đề cập tới thông tin mẫu thu được là bao nhiêu, trong đó có bao nhiêu quan sát hợp lệ hay không hợp lệ (đối với nghiên cứu sử dụng số liệu khảo sát thực tế). Ngoài ra, tùy từng bài nghiên cứu với đối tượng khác nhau, tác giả nên mô tả dữ liệu để giám khảo có thể hiểu rõ hơn về nguồn gốc của dữ liệu sử dụng, ví dụ như mô tả nhân khẩu học, phân loại các nhóm đối tượng thuộc mẫu, … (đối với cả nghiên cứu sử dụng số liệu sơ cấp hay thứ cấp).

8. Kết quả nghiên cứu

Có thể nói đây là nội dung vô cùng quan trọng của công trình nghiên cứu. Khi trình bày kết quả nghiên cứu, tác giả cần chỉ ra những kết quả tìm được nhằm trả lời câu hỏi như mối liên hệ hay mức độ ảnh hưởng giữa các biến, thực trạng vấn đề, … (tùy vào câu hỏi nghiên cứu) và kiểm định các giả thuyết đã được trình bày trước đó. Đối với nghiên cứu định lượng, tác giả nên đưa ra kết quả phân tích Cronbach’s Alpha hay 1 số phân tích cần thiết khác trước khi đi tới kết quả hồi quy. Sau khi đưa ra kết quả và kiểm định giả thuyết, tác giả có thể giải thích hay bình luận về kết quả này, tuy nhiên cần cân đối thời gian với các nội dung trước đó và sau đó để không bị cháy giờ.

9. Khuyến nghị

Từ những kết quả tìm ra, trong phần này, tác giả sẽ đưa ra những khuyến nghị cho đối tượng nghiên cứu hoặc các đối tượng liên quan. Tác giả cần chú ý nên gắn kết quả nghiên cứu với khuyến nghị để thể hiện tính khoa học và có căn cứ trong trình bày, tránh tình trạng đưa ra một loạt khuyến nghị mà không liên quan đến kết quả hay đối tượng nghiên cứu. Đây sẽ là điểm trừ cho phần báo cáo nếu điều này xảy ra.

10. Kết luận

Đây là nội dung kết thúc phần báo cáo công trình trước Hội đồng. Điều đầu tiên, tác giả cần phải so sánh lại với nội dung (2) và kết luận nghiên cứu có trả lời được câu hỏi nghiên cứu và hoàn thành được mục tiêu nghiên cứu đã đặt ra không. Nếu công trình nghiên cứu không trả lời được câu hỏi nghiên cứu, tức là nghiên cứu chưa thành công trong phạm vi bài nghiên cứu. Ngoài ra, tác giả có thể đề cập đến một số nội dung trong phần này như đóng góp của nghiên cứu (về mặt khoa học, thực tiễn), một số hạn chế và hướng phát triển. Tác giả cần làm nổi bật đóng góp của nghiên cứu, tuy nhiên cũng không nên quá đề cao (thể hiện trong cách nói) vì có thể gây ấn tượng không tốt với giám khảo. Trong khi đó, phần hạn chế nên đề cập rất “nhẹ nhàng”, tránh đánh giá quá thấp công trình của mình.

Trên đây là một số nội dung quan trọng và thường được các giám khảo quan tâm trong các phần báo cáo công trình NCKH của sinh viên. Tuy nhiên, với mỗi công trình, các phần này lại có tầm quan trọng khác nhau, phụ thuộc vào ý tưởng của tác giả khi báo cáo. Tác giả cần cân đối thời gian trình bày các nội dung này để đảm báo báo cáo không vượt quá thời lượng cho phép và đảm bảo mục tiêu của phần báo cáo chuẩn bị. Hi vọng qua phần 2 của loạt bài “Báo cáo và bảo vệ công trình NCKH”, bạn đã có thêm sự tham khảo để chuẩn bị thật tốt về nội dung báo cáo trước khi giờ G sắp diễn ra.

Đừng quên theo dõi những phần tiếp theo của loạt bài đặc biệt “Lời chúc may mắn ngày báo cáo công trình” với một số TIPS báo cáo ấn tượng và làm khác biệt công trình vào 20h hàng ngày trên fanpage của Cộng đồng RCES (bắt đầu từ 11/04) bạn nhé!

Cộng đồng sinh viên kinh tế nghiên cứu khoa học (RCES)

Cách chính phục Hội đồng đánh giá đề tài
Tiếp nối các phần trước của loạt bài được các nhóm mong chờ nhất trước giờ G báo cáo, Cộng đồng RCES sẽ mang tới cho bạn một số nội dung hữu ích liên quan đến nội dung bảo vệ công trình nghiên cứu trước Hội đồng phản biện. Đây được coi là nội dung cực kì quan trọng để các giám khảo có sự đánh giá về mức độ làm chủ tri thức của sinh viên. Nếu trong phần báo cáo công trình, nếu nhóm nghiên cứu thể hiện tốt và lấy được thiện cảm từ Hội đồng, chỉ cần làm tốt phần bảo vệ này nữa thôi, dù kết quả như thế nào chúng ta cũng hoàn toàn có thể hài lòng vì “chúng ta đã cố gắng hết sức”.

Trong phần bảo vệ công trình, bên cạnh những đánh giá, nhất xét về công trình; các giám khảo trong Hội đồng sẽ đưa ra những câu hỏi “làm khó” các tác giả, nhằm kiểm tra mức độ hiểu chắc và sâu về nội dung nghiên cứu chính các bạn thực hiện.

Các giám khảo có thể đưa ra từng câu hỏi một, hoặc đưa ra tất cả các câu hỏi cùng lúc. Với kiểu thứ 2, nhóm nghiên cứu cần nhanh chóng ghi chép các câu hỏi ngay vào giấy để chuẩn bị trả lời. Các câu hỏi đầy “thách thức” để test các nhóm rất đa dạng, có thể kể tới một số loại như câu hỏi tại sao thực hiện đề tài; câu hỏi về cơ sở lí luận, câu hỏi về mô hình, mẫu nghiên cứu, các câu hỏi trong bảng hỏi; câu hỏi giải thích các kết quả nghiên cứu hay tính mới của đề tài … Tuy các câu hỏi rất đa dạng, nhưng nếu bạn đã từng tham dự các Hội đồng báo cáo thì sẽ có một số câu hỏi được các giám khảo “hỏi đi, hỏi lại” với tất cả các nhóm nghiên cứu. Làm thế nào để biết đó là những câu hỏi nào? Bạn hãy từ từ đọc tiếp và đợi ở cuối bài viết. Còn ngay sau đây là một số TIPS có thể sẽ hữu ích cho phần phản biện của bạn sắp tới:

#1: Cố gắng suy nghĩ thật nhanh và không để thời gian chờ đợi bạn

Với tất cả những câu hỏi được đặt ra liên quan trực tiếp đến đề tài bạn nghiên cứu, bạn không nên để thời gian các giám khảo chờ quá lâu. Hãy cố gắng phản xạ nhanh và trả lời câu hỏi ngay khi bạn nhận được. Điều này thể hiện rằng bạn rất tự tin và không có gì phải do dự trước những thách thức từ các giám khảo. Chắc chắn đây sẽ là một điểm cộng lớn!

#2: Nếu không trả lời được, tốt hơn hết bạn nên sử dụng quyền cứu trợ “bỏ qua”

Tại sao “bỏ qua lại là quyền cứu trợ” trong trường hợp này? Hãy chú ý nếu rơi vào trường hợp này, đừng cố lí giải theo “lí” của bạn để tìm mọi cách vượt qua câu hỏi NẾU “bạn không chắc chắn” hoặc không biết. Việc đưa ra những lí lẽ không thuyết phục và có phần “cố gắng dù em không chắc chắn” sẽ làm mất điểm của bạn với hội đồng. Thay vào đó, việc xin phép Hội đồng tìm hiểu vấn đề này sau chính là cách tốt nhất để vượt qua câu hỏi và tránh để lại ấn tượng không tốt với hội đồng. Các thầy cô cũng sẽ thông cảm nếu vấn đề đó nhóm nghiên cứu chưa tìm hiểu sâu tới và đó chính là những gì các bạn cần tiếp tục trau dồi và tìm hiểu sau.

#3: Trả lời ngắn gọn, đi thẳng vào câu hỏi và không “đi đường vòng”

Đừng đi đường vòng trước những câu hỏi phản biện! Điều các giám khảo chờ bạn là câu trả lời đi thẳng vào câu hỏi. Hãy trả lời ngắn gọn, rõ ý để thuyết phục giám khảo nhé. Khi trải qua một hành trình dài và nghiền với công trình rồi, việc của chúng mình giờ chỉ là “tuôn chảy” thôi.

#4: Khiêm tốn trong từng câu trả lời

Cảm nhận của giám khảo về nhóm nghiên cứu rất quan trọng. Chính vì vậy, hãy cố gắng không làm mất điểm trong từng câu trả lời với các giám khảo. Hãy khiêm tốn từng câu trả lời của mình, vì bạn đang bảo vệ một công trình nghiên cứu khoa học chứ không phải đề cao công trình của mình. Hãy trả lời với tông giọng trầm, nhẹ nhàng và không nên để cảm giác “như đang đấu khẩu” với các giám khảo nhé!

#5: Cám ơn các giám khảo cho mỗi câu hỏi và sau phần bảo vệ

Hãy cảm ơn các giám khảo với mỗi câu hỏi, vì đó chính là những câu hỏi giúp nhóm bạn tự đánh giá bản thân của mình về mức độ am hiểu và tự tin về chính công trình của bạn. Bên cạnh đó, hãy cảm ơn vì những nhận xét, góp ý và những câu hỏi của Hội đồng sau khi phần bảo vệ kết thúc. Điều này sẽ giúp nhóm bạn để lại ấn tượng tốt hơn với các vị giám khảo.

Quay trở lại với câu hỏi làm thế nào để biết đó là những câu hỏi “lặp đi, lặp lại” là những câu hỏi nào, để có thể chuẩn bị sẵn cho mọi câu hỏi đến từ Ban giám khảo? Hãy tới những Hội nghị báo cáo trực tiếp để “mắt thấy, tai nghe và đầu ghi nhớ”. Việc tham dự những Hội nghị báo cáo trước khi nhóm bạn báo cáo sẽ giúp bạn biết được quy trình báo cáo và bảo vệ, những câu hỏi mà bạn mong chờ để có thể chuẩn bị tốt hơn cho phần bảo vệ, cũng như học hỏi và rút kinh nghiệm từ những “sự cố” mà nhóm bạn có thể gặp phải nếu không tham dự những buổi báo cáo đó. Và sau đó, không còn điều gì quan trọng hơn là chuẩn bị thật tốt để tự tin trong từng câu trả lời của mình.

Vì vậy, nếu nhóm nghiên cứu của bạn không phải là nhóm bảo vệ công trình đầu tiên thì nhóm nên đến sớm để theo dõi “toàn bộ diễn biến” của những phần bảo vệ của các nhóm trước đó!

Cộng đồng sinh viên kinh tế nghiên cứu khoa học (RCES)