Bảo hiểm thai sản đóng bao lâu được hưởng

Bảo hiểm thai sản đóng bao lâu được hưởng
Bảo hiểm thai sản đóng bao lâu được hưởng

Đóng bảo hiểm bao lâu thì được hưởng chế độ thai sản hay đóng bảo hiểm y tế bao lâu thì được hưởng chế độ thai sản… là thắc mắc thường gặp của khá nhiều người xoay quanh việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con.

Chế độ thai sản là một trong năm chế độ của bảo hiểm xã hội bắt buộc dành cho người lao động. Chế độ thai sản gồm những quy định của Nhà nước để đảm bảo sức khỏe và thu nhập cho người lao động trong thời gian mang thai, sinh con, nhận con nuôi và thực hiện các biện pháp tránh thai. Đóng bảo hiểm xã hội bao lâu thì được hưởng chế độ thai sản là một trong những điều cần biết để có kế hoạch chuẩn bị phù hợp cho tương lai.

Những đối tượng được hưởng chế độ thai sản

Chế độ thai sản là quyền lợi của người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (bài này sẽ gọi tắt là bảo hiểm xã hội). Cụ thể, theo Điều 2 và Điều 30 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, đối tượng được hưởng chế độ thai sản bao gồm:

  • Người làm việc theo hợp đồng lao động thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên
  • Cán bộ, công chức, viên chức
  • Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu
  • Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân
  • Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương

Trái với suy nghĩ của nhiều người chế độ thai sản chỉ liên quan đến phụ nữ, hiện nay, chế độ thai sản quy định quyền lợi dành cho cả lao động nữ và lao động nam.

Những trường hợp người lao động được hưởng chế độ thai sản bao gồm:

  • Lao động nữ mang thai
  • Lao động nữ sinh con
  • Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ
  • Người lao động (bao gồm lao động nam và lao động nữ) nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi
  • Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản
  • Lao động nam có vợ sinh con.

Đóng bảo hiểm xã hội bao lâu thì được hưởng chế độ thai sản phù thuộc vào mỗi trường hợp nói trên.

Đóng bảo hiểm xã hội bao lâu thì được hưởng chế độ thai sản? Quy định đối với trường hợp sinh con, mang thai hộ, nhận con nuôi

Khoản 2 Điều 31 quy định người lao động hưởng chế độ thai sản trong các trường hợp:

  • Lao động nữ sinh con
  • Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ
  • Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi

Người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

Riêng trường hợp lao động nữ sinh con, Khoản 3 Điều 31 quy định nếu cần nghỉ việc sớm để dưỡng thai, cần đáp ứng 3 điều kiện:

  • Có chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền
  • Đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên
  • Đóng đủ bảo hiểm xã hội từ 3 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh con.

Đóng bảo hiểm xã hội bao lâu thì được hưởng chế độ thai sản? Quy định đối với những trường hợp còn lại

Ngoài những trường hợp trên, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định chỉ cần người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì sẽ được chế độ thai sản trong các trường hợp còn lại, bao gồm:

  • Lao động nữ mang thai
  • Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản
  • Lao động nam có vợ sinh con.

Những quy định về thời gian hưởng chế độ thai sản

1. Thời gian hưởng chế độ khi khám thai

Điều 32 quy định, lao động nữ đang mang thai được nghỉ việc để đi khám thai 5 lần, mỗi lần 1 ngày. Được nghỉ 2 ngày làm việc/lần khám thai nếu: Ở xa cơ sở khám chữa bệnh hoặc thai phụ có bệnh lý hoặc thai không bình thường.

Lao động nữ trong những trường hợp này được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền (Điều 33). Thời gian nghỉ tối đa là:

  • 10 ngày nếu thai dưới 5 tuần tuổi
  • 20 ngày nếu thai từ 5 đến dưới 13 tuần tuổi
  • 40 ngày nếu thai từ 13 đến dưới 25 tuần tuổi
  • 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi.

3. Thời gian hưởng chế độ thai sản khi thực hiện các biện pháp tránh thai

Người lao động được nghỉ việc hưởng chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai (Điều 37). Số ngày nghỉ theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền và tối đa là:

  • 7 ngày với lao động nữ đặt vòng tránh thai
  • 15 ngày với người lao động thực hiện biện pháp triệt sản.

4. Thời gian hưởng chế độ thai sản khi sinh con

Đóng bảo hiểm xã hội bao lâu thì được hưởng chế độ thai sản khi sinh con đã được giải đáp ở phần trên. Tuy nhiên, người lao động được tạo điều kiện hợp lý trong một số tình huống, Điều 34 quy định cụ thể về quyền lợi này như sau.

a. Lao động nữ sinh con

Tổng thời gian hưởng chế độ thai sản khi sinh con là 6 tháng, có thể bắt đầu sớm nhất là 2 tháng trước khi sinh. Nếu sinh đôi hoặc hơn, cứ mỗi con người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng.

Nhắc lại rằng để hưởng chế độ này, lao động nữ cần đáp ứng Khoản 2 hoặc 3 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội.

b. Lao động nam có vợ sinh con

Trong 30 ngày đầu sau khi vợ sinh con, lao động nam được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản:

  • 5 ngày làm việc nếu vợ sinh 1 con
  • 7 ngày làm việc nếu vợ sinh con phải phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi
  • 10 ngày làm việc nếu vợ sinh đôi, từ sinh 3 trở lên cứ mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc
  • 14 ngày làm việc nếu vợ sinh đôi và phải phẫu thuật.

Như đã nói, chỉ cần đang tham gia bảo hiểm xã hội thì lao động nam sẽ được hưởng chế độ này.

c. Trường hợp con chết

  • Nếu con dưới 2 tháng tuổi chết: mẹ được nghỉ việc 4 tháng tính từ ngày sinh con
  • Nếu con từ 2 tháng tuổi trở lên chết: Mẹ được nghỉ việc 2 tháng tính từ ngày con chết và không vượt quá thời gian nghỉ chế độ thai sản tại mục a. Thời gian nghỉ không tính vào thời gian nghỉ việc riêng hưởng lương.

d. Trường hợp mẹ chết sau khi sinh con

  • Nếu mẹ đang hưởng chế độ thai sản tại mục a, cha/người nuôi dưỡng trực tiếp được nghỉ việc hưởng phần chế độ thai sản còn lại của mẹ. Nếu đang tham gia bảo hiểm xã hội và không nghỉ việc, cha/người nuôi dưỡng được hưởng song song lương và tiền chế độ còn lại của mẹ.
  • Nếu mẹ tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản tại mục a (theo quy định của Khoản 2 hoặc 3 Điều 31), cha/người nuôi dưỡng trực tiếp được nghỉ việc hưởng chế độ cho đến khi con được 6 tháng tuổi.
  • Nếu chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội, cha được nghỉ việc hưởng chế độ tới khi con được 6 tháng tuổi nếu mẹ chết hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con.

5. Chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ

Theo Điều 35, lao động nữ mang thai hộ được hưởng các chế độ thai sản khi mang thai và sinh con như đã nói trên cho đến khi giao đứa trẻ cho người mẹ, và không vượt quá thời gian hưởng chế độ khi sinh con tại phần 4. Nếu giao đứa trẻ mà thời gian hưởng chế độ chưa được 60 ngày thì người mang thai hộ được nghỉ hưởng chế độ cho đủ 60 ngày.

6. Chế độ thai sản đối với người lao động nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi

Người lao động nam hoặc nữ khi nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi và thỏa các điều kiện tại Khoản 2 Điều 31 thì được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đến khi con được 6 tháng tuổi. Nếu cha và mẹ cùng đáp ứng điều kiện này thì chỉ 1 trong 2 người được nghỉ việc hưởng chế độ. (Điều 36)

Đóng bảo hiểm xã hội bao lâu thì được hưởng chế độ thai sản trong trường hợp 5 và 6, như đã nói, được quy định tại Khoản 2 Điều 31.

7. Trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận con nuôi

Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận con nuôi được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 2 lần tháng lương cơ sở tại tháng sinh/nhận con nuôi.

Trường hợp sinh con mà chỉ có người chồng tham gia bảo hiểm xã hội, việc trợ cấp cũng thực hiện tương tự.

8. Lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con

Sau khi đã hưởng chế độ thai sản khi sinh con được ít nhất 4 tháng, lao động nữ có thể đi làm trước thời hạn nếu có sự đồng ý của người sử dụng lao động, và vẫn hưởng tiền chế độ thai sản cho thời gian còn lại song song với lương.

9. Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản

Trong vòng 30 ngày sau khi hưởng chế độ thai sản cho trường hợp: Sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý hoặc con chết.

Lao động nữ có thể nghỉ thêm nếu sức khỏe chưa phục hồi. Số ngày nghỉ do người sử dụng lao động và BCH công đoàn cơ sở quyết định (nếu đã thành lập), và tối đa là:

  • 10 ngày nếu sinh đôi trở lên
  • 7 ngày nếu sinh phải phẫu thuật
  • 5 ngày trong trường hợp khác.

Mức hưởng chế độ dưỡng sức phục hồi sức khỏe bằng 30% mức lương cơ sở.

Lưu ý: trừ thời gian nghỉ hưởng chế độ đối với lao động nữ khám thai và lao động nam có vợ sinh con, các thời gian nghỉ còn lại đều tính cả ngày nghỉ lễ, Tết, nghỉ hàng tuần.

Mức hưởng chế độ thai sản

Mức hưởng chế độ thai sản không tuân theo điều kiện về đóng bảo hiểm xã hội bao lâu thì được hưởng chế độ thai sản như đã nói ở các phần trước.

Mức hưởng chỉ tính theo số tháng đã đóng bảo hiểm xã hội từ khi bắt đầu đi làm

  • Nếu đã đóng từ đủ 6 tháng trở lên, mức hưởng tháng bằng trung bình lương đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng gần nhất.
  • Nếu chưa đủ 6 tháng, mức hưởng tháng bằng trung bình lương đóng bảo hiểm xã hội của tất cả các tháng đã đóng.

Từ mức hưởng tháng tính được mức hưởng theo thời gian hưởng thực tế

Với các quyền lợi tính bằng ngày hoặc có ngày lẻ:

  • Mức hưởng ngày = mức hưởng tháng/30, nếu thời gian hưởng tính cả ngày nghỉ lễ, Tết, nghỉ hàng tuần.
  • Mức hưởng ngày = mức hưởng tháng/24, nếu thời gian hưởng là ngày làm việc, không tính ngày nghỉ lễ, Tết, nghỉ hàng tuần.

Hồ sơ hưởng chế độ thai sản cần có những gì?

Mỗi một trường hợp hưởng chế độ thai sản có những yêu cầu riêng về loại giấy tờ cần nộp. Bạn có thể tìm thấy các quy định cụ thể về:

  • Nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản
  • Giải quyết hưởng chế độ thai sản
  • Giải quyết hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản.

Theo quy định lần lượt tại Điều 101, 102 và 103 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Lưu ý:

  • Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ gồm đầy đủ các loại giấy tờ quy định cho người sử dụng lao động để được chi trả quyền lợi chế độ thai sản.
  • Nếu người lao động thôi việc trước khi sinh con hoặc nhận con nuôi, cần nộp hồ sơ nói trên cùng sổ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội trong 45 ngày từ ngày cuối cùng hưởng chế độ thai sản.
  • Trường hợp có lý do chính đáng khiến việc nộp hồ sơ bị chậm trễ, cần có văn bản giải trình kèm theo.

Mong rằng qua bài viết trên đây, bạn đã có câu trả lời cho câu hỏi đóng bảo hiểm xã hội bao lâu thì được hưởng chế độ thai sản. Viện nắm rõ điều kiện đóng bảo hiểm xã hội bao lâu thì được hưởng chế độ thai sản cũng như những quy định cụ thể về các trường hợp được hưởng chế độ thai sản sẽ hữu ích không chỉ cho bạn mà những người xung quanh còn chưa hiểu biết nhiều về quyền lợi này.

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.