Anh chỉ hay Thuyết minh về nhân vật Ngô Tử Văn trong Truyền Chuyện chức phán sự đền Tản Viên

Phân tích nhân vật Ngô Tử Văn trong "Chuyện chức phán sự đền Tản Viên" lớp 10 hay

Chia sẻ

Hướng dẫn làm bài văn phân tích nhân vật Ngô Tử Văn trong "Chuyện chức phán sự đền Tản Viên" lớp 10 bạn đọc có thể tham khảo

Các bài viết liên quan tới chủ đề nhân vật Ngô Tử Văn, "Chuyện chức phán sự đền Tản Viên" đáng chú ý:

  • Dàn ý phân tích nhân vật Ngô Tử Văn trong "Chuyện chiếc phán sự đền Tản Viên"
  • Soạn bài Chuyện chức phán sự đền Tản Viên lớp 10
  • Tả nhân vật trong truyện cổ tích
  • Cảm nhận anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa lớp 9

"Truyền kì mạn lục" là tác phẩm duy nhất của danh sĩ Nguyễn Dữ, gồm 20 truyện, được xem là áng "thiên cổ kì bút". Trong 20 truyện Nguyễn Dữ viết, truyện nào cũng thể hiện một quan điểm chính trị, một thái độ nhân sinh, một ý tưởng đạo đức của ông. Đó là những mong muốn của Nguyễn Dữ về một xã hội mọi người được sống yên bình trong nền đức trị, trong sự công bằng, trong tình cảm yêu thương nhân ái giữa con người với con người... Giá trị lớn của tác phẩm "Truyền kỳ mạn lục" chính là ở những nội dung nhân văn sâu sắc. "Chuyện chức phán sự đền Tản Viên" là một truyện tiêu biểu. Đó là câu chuyện về một người trí thức Ngô Tử Văn tính tình ngay thẳng, ghét sự gian tà, qua đó Nguyễn Dữ ca ngợi người ngay thẳng, khẳng định niềm tin vào chính nghĩa, công lí sẽ thắng gian tà. Trong chương trình Ngữ Văn 10 có đề văn phân tích nhân vật Ngô Tử Văn trong "Chuyện chức phán sự đền Tản Viên" đòi hỏi người viết phải khắc họa rõ được đặc điểm nổi bật của nhân vật Ngô Tử Văn đồng thời nêu bật được ý đồ người viết khi xây dựng hình tượng Ngô Tử Văn. Dưới đây là bài văn phân tích nhân vật Ngô Tử Văn trong "Chuyện chức phán sự đền Tản Viên" để mọi người có hình dung rõ hơn khi làm dạng bài này.

BÀI LÀM VĂN SỐ 1 PHÂN TÍCH NHÂN VẬT NGÔ TỬ VĂN TRONG "CHUYỆN CHỨC PHÁN SỰ ĐỀN TẢN VIÊN"

Nguyễn Dữ là một danh sĩ thời Lê sơ, thời nhà Mạc và là tác giả của "Truyền kỳ mạn lục", một tác phẩm truyền kỳ nổi tiếng tại Việt Nam được coi là áng "thiên cổ kì bút". "Chuyện chức phán sự đền Tản Viên" là một trong số hai mươi truyện viết bằng chữ Hán, tiêu biểu trong "Truyền kì mạn lục". Truyện đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật chính Ngô Tử Văn với tinh thần khẳng khái, cương trực và giàu lòng dũng cảm.

"Truyền kì mạn lục" được viết bằng tản văn xen lẫn biền văn và thơ ca, từ khúc, cuối mỗi truyện thường có lời bình của tác giả. Nội dung tác phẩm có giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc. Tác giả lấy xưa để nói nay, lấy cái "kì" để nói cái "thực". "Chuyện chức phán sự đền Tản Viên" là một trong những truyện tiêu biểu trong tập "Truyền kì mạn lục" khẳng định tính dân tộc, tinh thần yêu nước và ý chí chiến đấu cho chính nghĩa thông qua việc xây dựng thành công nhân vật Ngô Tử Văn.

Mở đầu truyện, Nguyễn Dữ giới thiệu lai lịch Ngô Tử Văn với cách giới thiệu quen thuộc, truyền thống trong văn học cổ gồm tên, quê quán, tính tình: "Ngô Tử Văn tên là Soạn, người huyện Yên Dũng đất Lạng Giang. Chàng vốn khảng khái, nóng nảy, thấy sự tà gian thì không thể chịu được, vùng Bắc người ta vẫn khen là một người cương trực". Cách giới thiệu trực tiếp, ngắn gọn tạo cho người đọc ấn tượng về Ngô Tử Văn - một trí thức khảng khái, dũng cảm. Sự dũng cảm ấy thể hiện ngay ở việc đốt đền của chàng. Lí do Tử Văn đốt đền bởi tức giận không chịu được cảnh yêu tà tác oai tác quái hại dân. Chàng đã dám đứng lên trừ yêu diệt quái giúp dân làng. Trước khi đốt đền, chàng đã chuẩn bị kĩ lưỡng: "tắm gội sạch sẽ, khấn trời". Tử Văn làm việc ghê gớm một cách cẩn trọng, công khai, xuất phát từ một ý thức rõ ràng, muốn lấy lòng trong sạch, muốn lấy thái độ chân thành của mình để được trời đồng tình, ủng hộ. Sau khi đốt đền, mọi người đều lắc đầu lè lưỡi, chỉ có chàng vẫn ngất ngưởng tự nhiên bởi chàng tin vào việc chính nghĩa mình làm. Ngô Tử Văn hiện lên là một trí thức cương trực, là hình ảnh của kẻ sĩ vì dân.

Sự cương trực của chàng càng được thể hiện rõ ràng qua cuộc đối thoại với hồn ma Bách hộ họ Thôi, qua cuộc đối chất ở Minh ti,... Sau khi đốt đền, Tử Văn bị hồn ma làm cho sốt rét. Sau đó khi gặp thì hồn ma mắng mó, đe dọa và quyết kiện chàng tại Phong đô. Trái ngược với sự tức giận của hồn ma, Tử Văn vẫn mặc kệ, ngồi ngất ngưởng tự nhiên. Với bản tính rất kiên cường, chàng không sợ những lời đe dọa, chàng luôn tự tin vào việc mình làm là chính nghĩa. Bởi vậy, trong cuộc gặp gỡ với Thổ công, khi Thổ công nói sẽ giúp đỡ, cung cấp sự thật, chứng cớ thì Tử Văn càng quyết tâm làm việc nghĩa tới cùng.

Tử Văn bị bắt xuống Minh ti rùng rợn với những tên quỷ Dạ Xoa, đều mắt xanh tóc đỏ, hình dáng nanh ác, nhưng Tử Văn không hề sợ ma quỷ. Khi bị Diêm Vương buộc tội, Tử Văn kêu oán, sau đó chàng vạch mặt tên bại tướng bằng lời lẽ cứng cỏi: "Nếu nhà vua không tin lời tôi, xin tư giấy đến đền Tản Viên để hỏi, không đúng như thế, tôi xin chịu thêm tội nói càn". Trải qua một cuộc xung đột đầy đối chất, cuối cùng lòng nghĩa khí của Tử Văn đã thắng lợi vẻ vang. Qua cuộc đối chất ở âm phủ, Ngô Tử Văn hiện lên là một người ngay thẳng, là người tiêu biểu cho kẻ sĩ nước Nam: cương trực, dám đấu tranh vì lẽ phải tới cùng.

Đặc biệt, lời bình cuối truyện của người viết càng tô đậm thêm vẻ đẹp của Ngô Tử Văn: "Người ta thường nói: Cứng thì gãy, kẻ sĩ lo không cứng mà thôi, còn gãy, không gãy là việc trời. Sao nên đoán trước là sẽ gãy mà chịu đổi cứng ra mềm? Ngô Tử Văn chỉ là một anh áo vải. Duy giữ được cái cứng nên dám đốt cháy đền tà, bẻ gãy yêu quỷ, chỉ một hành động mà cái tức của thần, của người đều được rửa sạch, vì thế mà rạng danh với Minh Tào, rồi được trao chức vị để đền công, thật là xứng đáng. Làm kẻ sĩ chớ kiêng sợ sự cứng cỏi". Lời bình như đề cao thêm sự cứng cỏi trong con người Ngô Tử Văn. Đó là cái cứng cỏi vì chính nghĩa, dù có nhất thời chịu khuất, nhưng chắc chắn được mọi người ủng hộ và nhất định sẽ chiến thắng nhờ có sự ủng hộ ấy.

Với cốt truyện được kết cấu như một xung đột đầy kịch tính có mở đầu, có xung đột, có phát triển, có đỉnh điểm và có kết thúc, cách xây dựng nhân vật theo hai tuyến thiện và ác, kết hợp sử dụng các yếu tố kì ảo, truyện đã xây dựng thành công nhân vật Ngô Tử Văn cương trực, thẳng thắn, là hình ảnh của kẻ sĩ nước Việt bất khuất, chính trực. Thông qua nhân vật Ngô Tử Văn, Nguyễn Dữ khéo léo thể hiện niềm tin vào công lí, chính nghĩa thắng gian tà, thiện thắng ác.

Ngô Tử Văn là một nhân vật đại diện cho chính nghĩa, là kết tinh vẻ đẹp của kẻ sĩ cương trực, yêu nước, thương dân. Ta hiểu vì sao "Chuyện chức phán sự đền Tản Viên" nói riêng và "Truyền kì mạn lục" nói chung được xem là "thiên cổ kì bút" của cả dân tộc.

BÀI VĂN MẪU SỐ 2 PHÂN TÍCH NHÂN VẬT NGÔ TỬ VĂN

"Chuyện chức phán xự đền Tản Viên" là một trong số những truyện hay, tiêu biểu của "Truyền kì mạn lục" (ghi chép tản mạn những truyện lạ truyền ở đời). Truyện xây dựng thành công nhân vật Ngô Tử Văn, một con người chính trực, khảng khái, dám đứng lên tiêu diệt cái xấu để bảo vệ nhân dân, qua đó thể hiện tư tưởng chủ đề của tác phẩm.

Ngô Tử Văn là nhân vật chính của truyện. Khác với một số truyện trong đó Nguyễn Dữ trình bày lai lịch và hành trình số phận nhân vật từ đầu đến cuối, Chuyện chức phán sự đền Tản Viên chỉ chọn một thời điểm có ý nghĩa nổi bật nhất để bộc lộ đầy đủ tính cách nhân vật. Chuyện giống như một màn kịch ngắn. Mở màn là sự xuất hiện của Ngô Tử Văn với hành động châm lửa đốt ngôi đền thiêng. Hành động chính là sự châm ngòi nổ cho một cuộc chiến đấu giữa chàng và hồn ma tên tướng giặc bại trận.

Đây cũng là cuộc chiến đấu ngay từ đầu đã thể hiện sự gay go quyết liệt. Cũng ngay từ đầu tính cách của Ngô Tử Văn đã bộc lộ khá rõ. Tính cách của chàng thể hiện qua lời lẽ khá rõ: “Chàng vốn khảng khái, nóng nảy, thấy sự tà gian thì không thể chịu được, vùng Bắc người ta vẫn khen là một người cương trực”. Tính cách ấy càng được phát họa rõ nét qua hành động, cử chỉ của nhân vật: “Tử Văn rất tức giận, một hôm tắm gội chay sạch, khấn trời rồi châm lửa đốt đền. Mọi người đều lắc đầu, lè lưỡi, họ lo sợ thay cho Tử Văn, nhưng Tử Văn vung tay không cần gì cả”. Phản ứng của Tử Văn trước thói xấu, thói ác nhanh và mạnh như thuốc súng. Hành động “tắm gội chay sạch” trước khi đốt đền, “vung tay không cần gì cả” sau khi đốt đền, chứng tỏ Tử Văn đã quyết đấu, quyết sống mái với kẻ gian tà, dù đó là đối thủ ai cũng phải kinh sợ.

Tuyên chiến với một kẻ thù đầy sức mạnh hiểm ác, lúc đầu Tử Văn “đơn thương độc mã”, nhưng Tử Văn tin vào việc làm và sức mạnh chính nghĩa của mình. Hành động “vẫn cứ ngồi ngất ngưởng tự nhiên” của Tử Văn trước lời đe dọa của tướng giặc không phải là hành động bất cần của kẻ liều mà là hành động tự tin của người nắm được chính nghĩa. Câu hỏi của Tử Văn với Thổ công: “Hắn có thực là tay hung hãn có thể gieo vạ cho tôi không?” không phải là cau hỏi của kẻ hoang mang lo sợ mà là câu hỏi của người muốn “biết địch, biết ta” để giành thắng lợi.

Trong cuộc chiến đấu, Tử Văn có được sự trợ giúp của Thổ công. Nhưng với một người bị đánh đuổi khỏi nơi ở của mình, không dám đấu tranh đến cùng “phải đến nương tựa đền Tản Viên”, “phải tạm ẩn nhẫn mà ngồi xó một nơi” thì Tử Văn trông mong gì nhiều ở “ngoại viện”? Cho nên, về cơ bản Tử Văn không có âm phù, dương trợ. Trong khi đó cuộc đấu của chàng ngày càng gay go, quyết liệt. Khi đối chất cùng tướng giặc, Tử Văn hoàn toàn tin mình chính nghĩa và chàng có thêm sức mạnh. Nhưng lúc ở chốn thâm cung, chàng khẳng định điều này đâu phải dễ. Do chỉ nghe một bên nguyên, Diêm Vương – vị quan tòa xử kiện, người cầm cán cân công lí cũng đã có lúc tỏ ra hồ đồ. Chính khi đứng trước búa rìu pháp luật, Tử Văn càng tỏ rõ chàng là người có khí phách. Chàng không chỉ “kêu to”, khẳng định “Ngô Soạn này là kẻ ngay thẳng ở trần gian”, chàng còn dũng cảm vạch mặt tên bạo tướng gian tà với lời lẽ “rất cứng cỏi, không chịu nhún nhường chút nào”. Giữa chốn công đường nơi âm phủ, tính cách Tử Văn vẫn là bộc trực, khẳng khái, vẫn một quyết tâm sắt đá. Chàng chiến đấu đến cùng vì lẽ phải. Cứ từng đòn từng bước, Ngô Tử Văn đã đánh lui tất cả sự phản công, kháng cự của kẻ thù, cuối cùng đánh gục hoàn toàn viên tướng giặc. Ngô Tử Văn chính là hình tượng tiêu biểu của kẻ sĩ cương trực, khảng khái, kiên quyết chống gian tà.

Sự chiến thắng của Ngô Tử Văn sau nhiều ngày gian nguy, thử thách có ý nghĩa khẳng định niềm tin chính nhất định thắng tà. Mặc khác, Ngô Tử Văn còn là đại diện cho kẻ sĩ nước Việt, còn tên hung thần vốn là một tên tướng giặc Minh xâm lược, bị bại trận, bỏ xác ở nước ta nhưng cái hồn gian ác vẫn tiếp tục quẫy nhiễu nhân dân. Đề cao nhân vật Ngô Tử Văn, truyện có ý nghĩa thể hiện tinh thần dân tộc mạnh mẽ, sự đấu tranh triệt để với cái ác để bảo vệ nhân dân, bảo vệ chính nghĩa.