Ý nghĩa truyện của chuột và người

"Của chuột và người" là một cuốn truyện vừa của John Steinbeck, nhà văn Mỹ đoạt giải Nobel văn học năm 1962. Lần đầu tiên tôi đọc cuốn truyện này là vào trước năm 1975, không rõ là năm nào. Lúc ấy, tôi còn đang học cấp 2, đâu khoảng 13, 14 tuổi gì đó, và không thực sự hiểu câu truyện này lắm. Tôi chỉ nhớ ấn tượng rõ nét nhất của tôi về cuốn sách này là nhân vật Lennie to con nhưng ngốc nghếch, một thằng khờ đúng nghĩa nhưng rất dễ thương, rất thích chơi với những con vật nho nhỏ, mềm mềm như thỏ, chuột, và hầu như lúc nào cũng dấu trong người một con chuột (thường là đã chết) để vuốt ve thỏa thích. Chỉ có vậy thôi, còn toàn bộ câu truyện thì tôi không ấn tượng gì lắm, và dường như tôi đã bỏ dở không đọc đoạn chót. Sau này, khi trưởng thành vào học tại ĐH Tổng hợp TP HCM Khoa Ngữ văn nước ngoài (ngành Anh văn) sau năm 1975 (tôi vào đại học năm 1978) thì tác giả John Steinbeck với các tác phẩm của ông lại nằm trong danh sách các tác giả mà bọn tôi được học.  Chính vào lúc ấy - ở tuổi 20 - tôi đã đọc lại đầy đủ và kỹ lưỡng cuốn tiểu thuyết này, hiểu nó một cách sâu sắc, và nhận ra rằng cuốn truyện không dài của John Steinbeck về một thằng khờ có tên Lennie và người bạn thân thiết (đồng thời cũng là người bảo vệ, che chở) của cậu ta là một lời tố cáo rất sâu sắc những bất công, sự tàn bạo và bất nhân tồn tại trong xã hội Mỹ vào thời ấy. Cuốn tiểu thuyết này được dịch ra tiếng Việt lần đầu tiên là vào năm 1967, 30 năm sau khi tác phẩm ra đời, bởi hai dịch giả ở miền Nam là Hoàng Ngọc Khôi và Nguyễn Phúc Bửu Tập. Chính các dịch giả này đã là "thủ phạm" đã dịch cái tựa "of mice and men" ra thành "của chuột và người", mà có người cho là chưa chính xác. Chưa chính xác, bởi vì giới từ "of" trong cái tựa dường như không hề có nghĩa sở hữu (của), mà có nghĩa là "liên quan đến" hoặc "về". Thì rõ ràng cuốn tiểu thuyết ấy là nói về những con chuột và những người đàn ông mà lại. Cho nên những dịch giả sau này có sửa cái tựa lại thành "Về chuột và người". Đúng hay sai chưa bàn đến vội, nhưng vì cái tựa đã được các dịch giả đầu tiên dịch ra thành "của chuột và người" rồi nên cách dịch này đã được mọi người quen và chấp nhận, thậm chí lại thấy hay (chính tôi trước đây cũng nghĩ "của" là sai, nhưng vẫn thích vì thấy nó ... hay hay vì có gì đó có vẻ bí hiểm). Mãi cho đến sau này tôi mới biết từ "của" ở đây không hề sai mà còn rất đắt, vì cái tựa đã được đặt theo một câu thơ mà bạn sẽ được đọc trong những phần giới thiệu cuốn sách dưới đây, mà các bạn nào chưa đọc và không biết nhiều về cuốn tiểu thuyết này có thể đọc tạm để hiểu:

http://vietsciences.free.fr/biographie/artists/writers/steinbeck.htm

Năm 1937, John Steinbeck cho ra đời cuốn tiểu thuyết “Về Chuột và Người” (Of Mice and Men). Đây là câu chuyện bi thương giữa hai công nhân di cư gắn bó với nhau. Cuốn tiểu thuyết này đã được Câu Lạc Bộ Sách Trong Tháng (Book-of-the-Month Club) chọn lựa và tác giả John Steinbeck được Hội Văn Học (The Best Literary Society) ca ngợi tại thành phố New York. Sau đó nhà văn tới sống tại Hạt Bucks (Bucks county) thuộc tiểu bang Pennsylvania để cộng tác với George Kaufman trong việc đưa tác phẩm lên sân khấu, với kết quả là tác phẩm “Về Chuột và Người” đã thành công theo kịch nghệ hơn là về mặt tiểu thuyết, đã giật được Giải Thưởng Phê Bình Kịch New York (the New York Drama Critic Circle ‘s Award) ngay từ vòng bỏ phiếu đầu tiên rồi sau đó kịch bản này được chuyển thành một cuốn phim hấp dẫn.



Để viết ra các cuốn tiểu thuyết, John Steinbeck thường phải sống, làm việc và hiểu rõ về loại người mà nhà văn muốn mô tả. Vì vậy ông đã đi tới tiểu bang Oklahoma trong khi vở kịch “Về Chuột và Người” đang được trình diễn trên sân khấu Broadway. John Steinbeck tham gia cùng các di dân trên con đường hướng về California, cư ngụ với họ tại Hoovervilles, xin việc làm giống như họ, hòa đồng vào loại người trôi dạt này để hiểu rõ các đặc tính của họ. John Steinbeck đã thăm viếng nhiều trại di dân, quan sát hoàn cảnh làm việc của họ và mô tả các cảnh ngộ của những người thiếu may mắn này.

http://www.tinhte.vn/threads/moi-ngay-mot-quyen-sach-hay.1180028/page-9


“Của chuột và người”, viết vào khoảng năm 1933. John Steinbeck, muốn nêu lên cảnh trớ trêu của những số phận trong xã hội đương thời là:

Từ ước muốn đến hiện thực người ta đều vấp phải những hoàn cảnh, những trở ngại cay đắng của đời thường, không thể nào thực hiện được. Những nhân vật trong cuốn “Của chuột và người” này đều là nhân chứng của câu thơ của Robert Burns mà John Steinbeck lấy làm chủ đề tư tưởng: “Những dự tính hoàn hảo của chuột và người thường không thực hiện được”

But Mousie, thou art no thy lane
In proving foresight may be vain:
The best laid Schemes o’mice an’ men.
Gang aft a-gley
An’ lea’e us nought but grief an’ pain
For promised joy

Ai đã đọc “Chùm nho phẫn nộ” hẳn cần phải đọc thêm “Của chuột và người” để thấy được sự bi thống, thảm thiết của lớp người nông dân nô lệ, những con người đầy những đặc tính bản chất tốt đẹp bị đẩy vào những bước đường cùng. Làm sao họ có thể có được một trang trại nhỏ? Làm sao họ có thể chung sống êm ấm với nhau, với sự yêu thương thật sự trong khi họ là kiếp làm thuê? Kiếp người trôi nổi theo sự nghèo khó.

Có một giai thoại xảy ra xung quanh tác phẩm này. Sau lần xuất bản đầu tiên (1937), “Của chuột và người” đã có tiếng vang lớn. Sau đó tác phẩm được chuyển thể thành kịch và được diễn rất lâu đến mức kỷ lục trên sân khấu và được khán giả yêu thích đòi hỏi diễn lại trong nhiều năm, thì cũng là lúc bản thảo gốc của nó, bị con chó Roby vốn được Steinbeck rất chiều chuộng nhai nát nhừ.

Steinbeck đã đùa, nói hóm hỉnh tâm sự với một người bạn: “Con Toby của tôi quả là nhà phê bình sâu sắc nhất về tác phẩm này!”. Nhưng các nhà nghiên cứu văn học Mỹ lại đánh giá “Của chuột và người” là “Khuôn mẫu kỳ diệu nhất của tiểu thuyết Hoa kỳ trong thập niên 1930-1939”.

Nếu đến đây các bạn cảm thấy thích thú với cuốn tiểu thuyết và muốn đọc trọn cả cuốn thì xin tìm đọc bản dịch đầu tiên ở đây: http://vietmessenger.com/books/?title=cuachuotvanguoi&page=1. (Các bạn vào link nói trên rồi search: "của chuột và người" thì sẽ ra sách). Ngoài ra, các bạn cũng có thể đọc thêm bản dịch của Đào Văn Bình, dịch vào năm 2010 (?), và thử so sánh chất lượng của hai bản dịch, tại đây: http://www.cattien.us/ebook.aspx?sel=49. Có thể sẽ phát hiện ra những khác biệt thú vị.

"Của chuột và người" ... Tại sao hôm nay tôi lại nhớ đến tác phẩm này nhỉ? Tôi không rõ. Trái tim có những lý lẽ mà lý trí không thể hiểu được, tôi nhớ ai đó đã để lại một câu danh ngôn như vậy. Trái tim tôi đêm nay không ngủ yên, và tôi cũng cùng thức với nó. Chỉ còn vài tiếng nữa là phiên tòa xử hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha sẽ diễn ra. Không hiểu nó sẽ diễn ra như thế nào, và kết cục ra sao. Tôi nghĩ không ai muốn - kể cả những người sẽ ngồi ở ghế xét xử - kết cục của phiên tòa giống như kết cục của cuốn tiểu thuyết "của chuột và người": tất yếu vì dường như không còn cách nào khác, nhưng sẽ làm cho trái tim của độc giả đau thắt. Tôi nhớ đến một câu nói mà tôi đã đọc được trên facebook về vụ việc này: Chỗ của các em sinh viên với khuôn mặt trong sáng như thế không phải là ở trong tù.

Vâng, chỗ của các em (bằng lứa tuổi con cái của tôi) phải là ở trên giảng đường, và những gương mặt trong sáng, tự tin và lạc quan với tấm lòng yêu nước sôi sục dường ấy - dù không đúng theo ý của Đảng CSVN và Nhà nước VN -  lẽ ra phải những gương mặt đại diện cho đất nước trong giai đoạn hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam hiện nay, mới thực xứng đáng. Tôi hoàn toàn không muốn khi biết kết quả của phiên tòa ngày mai, tôi và mọi người VN khác sẽ phải đau đớn kêu lên: tại sao, tại sao - như tôi đã kêu thầm sau khi đọc xong cuốn "Của chuột và người" năm tôi 20 tuổi - tuổi của các em Phương Uyên, Nguyên Kha sắp ra trước vành móng ngựa hôm nay, để trả lời về tội yêu nước không theo đúng định hướng của Đảng và NN.

Ôi, "những dự tính hoàn hảo nhất của chuột và người" ...

Ý nghĩa truyện của chuột và người


Sau khi đọc “Của chuột và người”, tôi có tình cờ đọc được một bài phân tích “Của chuột và người” rất chi tiết, rất hàn lâm về bản năng và cái tôi của hai nhân vật chính trong truyện. Tôi cũng khá ưng hướng nhìn của người phân tích, tuy vậy chủ ý cá nhân thì tôi vẫn thích cách phân tích theo hướng nhân học và văn vẻ hơn đôi chút.

Đa số đánh giá đều nói nếu đã đọc Chùm Nho Phẫn Nộ thì cũng phải đọc thêm cả Của Chuột và Người của John Steinbeck để phần nào nắm được bối cảnh Mỹ trong thập niên 1930-1940 và hiểu được nghệ thuật tiểu thuyết Mỹ cùng thời kì đó. Tôi thấy người đọc thường hay so sánh giữa hai tác phẩm Chùm Nho Phẫn Nộ và Của Chuột và Người bởi lẽ, như thường đánh giá, cả hai đều muốn nói lên ý nghĩa tự do của con người, đề cập đến tiềm năng của tinh thần và mối liên kết giữa cá nhân với tập thể. Nhưng đối với riêng tôi, mặc dù tán thành đã đọc một trong hai thì nên đọc nốt quyển còn lại, nhưng không phải để “nắm được toàn cảnh” như người ta thường nói – bởi lẽ nếu chỉ để “nắm được toàn cảnh” thì một tác phẩm Chùm Nho Phẫn Nộ là đã đủ rồi – mà để đối chiếu sự đối lập giữa hai tác phẩm. Nếu chú ý, ta có thể thấy Chùm Nho Phẫn Nộ về mặt khái quát là đại diện cho cả một thời kì và số phận của những con người trong thời kì đó đấy, nhưng mang nặng chất hiện thực nặng nề thì Chùm Nho Phẫn Nộ vẫn mang nỗi thương cảm, sự gắn bó và niềm hi vọng luôn được duy trì trong tình trạng leo lét giữa tình người và gia đình. Của Chuột và Người khác hẳn. Cũng như cái tên và theo thiển ý của tôi là mang nghĩa: con người cũng chỉ như loài chuột, “Những dự tính hoàn hảo của chuột và người thường không thực hiện được”, tác phẩm này cay nghiệt hơn, vô vọng hơn, vì không chỉ chủ yếu hướng về một cá nhân, sự “cô độc”, và sự buông trôi phó mặc thời vận. Bên cạnh đó, cấu trúc kết thúc lặp lại mở đầu tạo nên cảm tưởng thời gian xoay vòng và vô vọng không lối thoát, kết hợp với giọng văn khách quan tường thuật khiến Của Chuột và Người mang một thứ xúc cảm buông thả thờ ơ. Chính với tôi, đó là những điểm nổi bật hơn cả của Của Chuột và Người.

Nội dung câu chuyện thì rất đơn giản thôi. Nó kể lại vỏn vẹn ba ngày trong cuộc đời của hai công nhân lao động thuê George Milton và Lennie Small ở một trang trại hẻo lánh vùng Salinas, California. Geogre nhỏ người tinh ranh, Lennie bự con nhưng đần độn, chỉ thích mân mê những vật mềm mại dễ thương, nhưng vì sức mạnh quá khủng khiếp và sống hoàn toàn bằng bản năng thú vật, Lennie thường xuyên vô tình phá hỏng hoặc giết chết những con vật bé nhỏ hay những món đồ xinh đẹp. Trước khi đến trang trại ở Salinas, Lennie từng làm việc cùng Geogre ở một trang trại khác, nhưng vì Lennie quá thích vạt áo mềm mại của một cô gái, anh ta bám ghì lấy nó khiến cô gái hoảng hồn và gây nên một sự hiểu lầm lớn, khiến cả 2 phải bỏ chạy ngay trong đêm. Ở trang trại mới, họ quen với những công nhân mới: lão Candy làm thuê lụm khụm, tay nài ngựa đen tàn phế Crooks, một người làm thuê tên Slim, con trai chủ trại Curly,… Curly gây sự với Lennie thì Lennie bự con hơn hắn ta, nhưng khi Geogre ra lệnh cho Lennie đánh trả thì Lennie đã vô tình làm gãy tay Curly, và khiến vợ Curly thích thú. Hôm sau khi Geogre đi uống rượu với Slim, Lennie đã lỡ bóp chết con chó được cho và trốn đi, nhưng vợ của Curly lân la tán tỉnh và để Lennie sờ mái tóc mượt mà của ả. Lennie quá thích thú mân mê mái tóc đến mức hành động có chút thô bạo khiến cô ta sợ hãi phản kháng, và vì quá hốt hoảng Lennie cũng lỡ bay bẻ cổ giết luôn ả ta. Quá hoảng sợ, Lennie chạy trốn như Geogre dặn. Khi mọi người trở về phát hiện ra và bắt đầu săn lùng Lennie, Geogre đã đến chỗ Lennie, nhắc lại giấc mơ, bắn chết Lennie thật nhẹ nhàng và sau đó cùng Slim đi uống rượu…

Tôi đồng tình với cách các nhà phân tích cho rằng Geogre và Lennie là hai biểu tượng ý thức và vô thức trong con người - ở đây hiển nhiên Geoger là ý thức và Lennie là vô thức. Lennie sống, nói đúng hơn là tồn tại một cách hoàn toàn bản năng và thú vật, chỉ có thoả mãn hoặc không thoả mãn, và hoàn toàn không thể thấu hiểu được bất cứ điều xấu xa hay tốt đẹp nào do mình gây ra hay chứng kiến xung quanh. Lennie gần như hoàn toàn bị điều khiển bởi Geogre. Hướng phân tích rằng thực ra chính Geogre mới là người cần Lennie, cũng như ý thức cần vô thức, và tình bạn không vụ lợi giữa Geogre và Lennie là hình thức ý thức bảo vệ vô thức cũng khá là thuyết phục, nhưng cá nhân tôi lại nhìn nhận ở khía cạnh nông cạn hơn: Lennie là ước mơ hão huyền thuộc về bản năng của Geogre – cả 2 đều mơ về một mảnh vườn, một ngôi nhà, vật nuôi thực phẩm tự cung và quyền tự do không ai bắt bẻ được. Và việc Lennie liên tục bắt Geogre tả lại giấc mơ đó cũng như việc Geogre luôn kể tỉ mỉ lại ước mơ chính là hình ảnh ẩn dụ của việc Geogre lang thang cầu bơ cầu bất nhưng tận thẳm thâm tâm từ trong vô thức, anh luôn muốn có một chỗ được an ổn, và luôn nhắc nhở chính mình, luôn bảo vệ cái “vô thức Lennie” đó như bảo vệ thứ ảo tưởng ý nghĩa duy nhất trong đời anh. Nhưng cũng không ít lần Geogre phát khùng với Lennie vì Lennie chỉ tối ngày làm hỏng chuyện, chỉ hão huyền và mù quáng, và nếu không có Lennie, không có cái ước mơ trong vô thức, thì anh đã có thể dễ dàng đi uống rượu kiếm gái mà sống một cuộc sống buông thả đi cho rồi. Theo phân tích tôi đọc được thì người ta viết rằng cuộc sống tự do cho riêng mình, có bạn gái, không có Lennie, mới là ao ước thực của Geogre. Nhưng tôi không cho là như vậy. Có vẻ tôi có cái cảm giác rằng thực ra Geogre muốn tự làm chủ vận mệnh của mình, chứ không muốn tiếp tục bị bản năng khống chế nữa. Lennie chính là ao ước thực của Geogre, cũng như ruộng vườn và cuộc sống tự làm chủ mình chính là ao ước thực sự của Geogre, nhưng trước bối cảnh xã hội, Geogre hiểu được ao ước nguyên thuỷ của mình chỉ là ảo tưởng hão huyền mà thôi, và nếu không có cái ảo tưởng hão huyền đó, anh ta có thể có cuộc sống tự do thuộc về mặt lý trí. Nói cách khác, tôi cho rằng Geogre muốn bỏ đi gông xiềng của ảo tưởng để sống tự do. (Tức là anh ta đổi ao ước thực của mình để có tự do về mặt lý trí. Càng viết càng rối….)

Thế nên, hành động giết Lennie cuối cùng không chỉ là đơn thuần là việc giải thoát cho Lennie khỏi cuộc sống không phù hợp với Lennie – nếu Lennie tiếp tục sống thì chỉ gây ra tai hoạ chứ không thể làm việc gì cho nên hồn cả; đó còn là hành động kết liễu giấc mơ trước hiện thực, chọn lựa cuộc sống trôi nổi bằng lý trí của Geogre. Đó là hành động giải thoát mình khỏi ảo tưởng không bao giờ thành hiện thực để tập trung sống chỉ vì bản thân giữa thời kì khổ ải. Nhưng đây cũng chẳng phải cuộc đấu tranh thiện ác, bởi Geogre cũng đâu có thiện và Lennie cũng đâu có ác. Khi phân tích một con người, không thể dùng tâm lý học nói chung và những lý thuyết đơn thuần theo motif phân loại để đánh giá kiểu này được. Phải dựa trên hoàn cảnh và con người được nói đến. Thiển ý cá nhân tôi là, đây là cuộc đấu giữa hiện thực-ảo tưởng, lí trí-vô thức; bởi ra có thể thấy rõ ràng Geogre nghĩ cho mình nên chẳng thể được coi là cái thiện, cũng như Lennie làm điều xấu nhưng hoàn toàn không ý thức được điều xấu thì làm sao có thể đánh giá là cái ác? Cuộc đấu đó chỉ đơn thuần là sự lựa chọn mà thôi. Thế nên cái cuộc chiến chính John Steinbeck nói đến, “cuộc đấu tranh vĩnh cửu của con người”, “trong cuộc chiến bất phân thắng bại” chỉ là cuộc đấu tranh với chính những mâu thuẫn của mình mà thôi.

Ngoài những điều lan man nghe có vẻ tâm linh và bác học ở trên ra, những ý nghĩa đơn giản hơn của tác phẩm Của chuột và người được thể hiện khá rõ ràng. Trong suốt thời kì Đại Khủng Hoảng, khi con người sống không bằng con chuột trên đất Mỹ, số phận lang bạt của những kẻ làm thuê buộc họ trở nên cay nghiệt, cô độc, bất chấp mọi điều để sống cuộc sống tha hoá. Không giống như sự đồng tâm hiệp lực, sự đùm bọc lẫn nhau và tình người khổ đau dưới vực thẳm của Chùm nho phẫn nộ, những nhân vật trong Của chuột và người đều hoàn toàn cô độc, bất cần, nhưng thẳm sâu đều mang những vết thương của thời đại: Candy sợ bị bỏ rơi khi trở nên vô dụng, Crooks bị coi khinh vì là người da đen tàn tật,… Những kiếp người trôi nổi không hi vọng, giống như Geogre “bắn chết” giấc mơ của mình.

Có thể tác phẩm mang nhiều ý nghĩa như vậy mà cũng có thể nó chẳng mang nhiều ý nghĩa đến như thế. Rốt cuộc chỉ có trí liên tưởng của độc giả mới có thể định nghĩa cho nó được mà thôi. Thế nhưng không thể phủ nhận được tầm quan trọng của bộ đôi tiểu thuyết Của Chuột và Người cùng với Chùm Nho Phẫn Nộ của John Steinbeck, không chỉ nó chúng đại diện cho trường phái tiểu thuyết kiểu Mỹ, chúng còn là những tài liệu lịch sử tường thuật quan trọng về thời kì Đại Khủng Hoảng ở đất nước vốn mang đầy “giấc mơ”.