Tư duy bảo thủ là gì

Tại Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, Đảng ta cũng chỉ rõ “bảo thủ” là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị. Hiện nay, các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương đã và đang tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2019. Khi phân tích về nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, nhiều đơn vị, địa phương cũng chỉ rõ đó là tình trạng chậm đổi mới cả trong tư duy và hành động, hay nói cách khác là căn bệnh bảo thủ còn khá nặng... Trước yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng, việc nhận diện những biểu hiện cụ thể, nguyên nhân và hậu quả của tư tưởng bảo thủ, trên cơ sở đó xác định và tiến hành các chủ trương, biện pháp đấu tranh hiệu quả, góp phần đưa đất nước phát triển là việc rất quan trọng.

Bảo thủ - "sợi dây cột chân cột tay người ta"

Theo Đại từ điển tiếng Việt, bảo thủ được hiểu là "duy trì cái cũ, cái hiện tồn, không muốn tiếp nhận cái mới". Còn theo cách hiểu thông thường, bảo thủ là duy trì cái cũ, bảo vệ cái cũ, cái đã lỗi thời, lạc hậu; không chịu tiếp thu cái mới, cái hay, cái tiến bộ, chống lại những tư duy mới, hành động mới trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế-xã hội... Trên thực tế những biểu hiện của tư tưởng bảo thủ được thể hiện, bộc lộ dưới rất nhiều dạng, nhiều khía cạnh. Có những biểu hiện chỉ thoáng qua người ta đã biết, nhưng có những biểu hiện không phải ai cũng dễ nhận ra, do đó việc nhận diện đúng tư tưởng bảo thủ để đấu tranh khắc phục là việc làm cần thiết.

Danh ngôn có câu: “Một trí óc bảo thủ là một trí óc đang chết dần”. Tác hại mà tư tưởng bảo thủ gây ra với mỗi tập thể, mỗi xã hội là rất rõ ràng. Tác hại của tư tưởng bảo thủ sẽ càng lớn khi nó được áp đặt vào người khác, áp đặt vào tập thể. Do đó sẽ rất nguy hại nếu người mang tư tưởng bảo thủ giữ chức vụ cao, nhất là những người giữ vai trò chủ trì, chủ chốt ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Chuyện kể rằng có một công ty nọ chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu, công ty phát triển khá nhanh do thường xuyên đầu tư hiện đại máy móc, trang thiết bị kỹ thuật, đổi mới mẫu sản phẩm, ký được nhiều hợp đồng với nhiều nước trên thế giới... Sau những thành công ấy, giám đốc công ty hả hê và càng ngày càng cảm thấy thoã mãn với sự nghiệp của mình. Ông ta cho rằng mẫu mã trước đây đã khẳng định được vị trí, tìm được chỗ đứng trong khách hàng nên không cần phải thay đổi nữa, chỉ cần duy trì mẫu mã cũ cũng đủ sức phát triển... Thực chất đó chính là biểu hiện của tư tưởng bảo thủ và hệ quả đã thấy rõ, công ty của ông ta dần dần bị tụt hậu, không theo kịp sự phát triển của thời đại, hàng hóa của công ty trở thành lỗi thời, lạc hậu, không ký được hợp đồng, khách hàng cũng mất dần; các đối thủ cạnh tranh vượt lên. Chẳng bao lâu công ty may mặc của ông giám đốc nọ đã bị phá sản...

Từ câu chuyện trên, suy rộng ra cho chúng ta thấy tính chất nguy hại của tư tưởng bảo thủ đối với sự phát triển của xã hội. Nhận thức rõ những ảnh hưởng tiêu cực của tư tưởng bảo thủ, trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đặc biệt đến việc đấu tranh ngăn chặn tư tưởng bảo thủ. Trong Thư gửi đồng bào và cán bộ xã Nam Liên (nay là xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), ngày 13-2-1962, khi đề cập đến công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Tư tưởng bảo thủ là như những sợi dây cột chân cột tay người ta, phải vất nó đi. Muốn tiến bộ thì phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ dám làm”. Trong nhiều bài viết, bài nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích rõ tác hại của tư tưởng bảo thủ. Người ví nó như sợ dây trói buộc, ngăn cản sự tiến bộ của con người, ngăn cản sự phát triển của tập thể.

Tư duy bảo thủ là gì

Ảnh minh họa/TTXVN.


Đổi mới là đòi hỏi tất yếu

Trên thực tế vẫn có rất nhiều người đang cố thủ trong các vỏ bao bọc của lề thói cũ, tư duy và chủ nghĩa kinh nghiệm. Vấn đề này cũng đã được Đảng ta chỉ rõ trong nhiều văn kiện. Ngoài những yếu tố khách quan như tàn dư của chế độ phong kiến, thực dân; ảnh hưởng của cơ chế quan liêu bao cấp một thời; là sự khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên... chúng ta cần phải thấy một trong những nguyên nhân chủ quan dẫn đến căn bệnh bảo thủ là do nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn hạn chế. Do chưa nhận thức rõ vấn đề và những đòi hỏi từ thực tế nên chúng ta đã chậm đổi mới trong cả tư duy và hành động; giáo dục và đào tạo không bắt kịp với xu thế phát triển của thời đại... Từ thực trạng tình hình, Đảng ta đã nhận rõ đổi mới tư duy là quy luật tất yếu của cách mạng, của công cuộc đổi mới. Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Đảng ta khẳng định rằng: "Chỉ có đổi mới tư duy thì mới thấy đúng và thấy hết sự thật, thấy hết những nhân tố mới để phát huy, những sai lầm để sửa chữa"... Chính sự quyết tâm đấu tranh với tư tưởng bảo thủ, đổi mới mạnh mẽ, toàn diện đất nước mà chúng ta có được những bước tiến dài như ngày hôm nay. Có thể khẳng định, hơn ba mươi năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp phát triển của nước ta, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Trước những đòi hỏi mới của tình hình, nhất là ở thời Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cái mới, cái tiến bộ không ngừng nảy sinh phủ định cái cũ, cái lạc hậu và chính sự ra đời của cái mới, sự triệt tiêu của cái cũ giúp cuộc sống của chúng ta không ngừng vận động, phát triển, thì cuộc đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi tư tưởng bảo thủ, không ngừng đổi mới, sáng tạo càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chỉ rõ: “Phải biết rằng tình hình khách quan thay đổi hàng giờ hàng phút, một chủ trương của ta hôm nay đúng, hôm sau đã không hợp thời, nếu ta không tỉnh táo kiểm điểm những tư tưởng hành vi của ta để bỏ đi những cái quá thời, sai hỏng, nhất định ta sẽ không theo kịp tình hình, ta sẽ bị bỏ rơi, bị các bạn tỉnh táo nhanh nhẹn hơn vượt đi trước... Không chịu tự phê bình, không chỉ trích thì không bao giờ tấn tới được”(*). Tuy nhiên, đổi mới không có nghĩa là chúng ta phủ định sạch trơn cái ra đời trước, kinh nghiệm của những người đi trước. Nhưng nếu chúng ta cứ bình chân nằm ôm khư khư đống kinh nghiệm ấy mà không tìm tòi, đổi mới, sáng tạo thì nhất định chúng ta sẽ tụt hậu, đặc biệt trong xã hội hiện đại, khoa học, công nghệ phát triển như vũ bão, tri thức mới không ngừng ra đời như hiện nay.

Kiên trì đấu tranh bằng nhiều giải pháp

Bảo thủ là một tư tưởng đã ăn sâu, bám rễ, trở thành thuộc tính cố hữu trong cách nghĩ, cách làm và tư duy của cán bộ, đảng viên và người dân. Mặt khác, phản ứng lại sự tấn công của cái mới, cái tiến bộ vốn là thuộc tính của tư tưởng bảo thủ. Để bảo vệ mình, người mang tư tưởng bảo thủ luôn tìm ra đủ phương cách. Do đó đấu tranh khắc phục tư tưởng bảo thủ không phải là công việc đơn giản và dễ thực hiện trong một sớm một chiều. Muốn chữa trị căn bệnh bảo thủ, chúng ta phải có quyết tâm cao, kiên trì tiến hành đồng bộ, thường xuyên, liên tục, bằng nhiều giải pháp.

Thực tế cho thấy tình trạng mang nặng tư tưởng bảo thủ, trì trệ, không mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm ở một bộ phận cán bộ, đảng viên đang là lực cản lớn đối với quá trình phát triển của đất nước ta. Để khắc phục tình trạng ấy, chúng ta cần phải đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục. Thực tế đã chứng minh tuyên truyền, giáo dục là một trong những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi căn bệnh bảo thủ. Để làm được điều đó, trước hết chúng ta phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục trong các cơ quan, đơn vị, trường học; nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là của cơ quan cấp trên, cán bộ chủ trì các cơ quan, đơn vị, bởi những người này mang nặng tư tưởng bảo thủ thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tập thể. Cùng với đó, chúng ta phải bảo vệ nhân tố mới, cổ vũ tư tưởng đổi mới, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; tính linh hoạt, sáng tạo cả trong tư duy và hành động. Việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức để chống tư tưởng bảo thủ phải được xác định là việc làm thường xuyên, liên tục, ở mọi cấp, mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề, mọi lứa tuổi, đối tượng... Đối với từng nhóm đối tượng phải lựa chọn nội dung, hình thức và biện pháp tuyên truyền sao cho phù hợp, hiệu quả, trong đó cần nêu cao vai trò của báo chí, truyền thông.

Mặt khác, như đã nêu ở trên, một trong những nguyên nhân dẫn đến tư tưởng bảo thủ là do trình độ nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân còn hạn chế. Thực tế cho thấy, với bất cứ một nền kinh tế-xã hội nào muốn duy trì sự tồn tại và phát triển cần phải có một nguồn lực nhất định, trong đó nguồn lực quan trọng và quyết định nhất là con người. Do vậy, để đẩy lùi căn bệnh bảo thủ, chúng ta cần nâng cao trình độ dân trí. Muốn nâng cao trình độ nhận thức, nâng cao dân trí thì không có cách nào khác là phải đầu tư cho giáo dục và đào tạo, hay nói cách khác là đầu tư cho con người. Trình độ nhận thức của cán bộ, đảng viên, trình độ dân trí được nâng cao, sẽ giúp chúng ta từng bước hạn chế và đi đến xóa bỏ được tư tưởng bảo thủ, trì trệ cả trong tư duy và hành động.

KIM LÂN

___________________________

(*) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1995, t.4, tr.26.


Nguồn: qdnd.vn

Lần đầu tiên mình biết đến khái niệm growth mindset và fixed mindset là lúc đi trợ giảng môn Tư duy hiệu quả cho thầy Tuyên. Dưới đây là một cách định nghĩa về 2 kiểu tư duy này:

Fixed mindset (Tư duy bảo thủ): Những người sở hữu Fixed mindset tin rằng các khả năng, phẩm chất và đặc điểm của một người là cố định và không thể phát triển hơn nữa theo thời gian. Những người có tư duy cố định tin rằng thành công của một người là kết quả của tài năng đơn thuần, không cần nỗ lực thêm nữa. Do đó, họ có xu hướng phấn đấu để thành công, tránh thất bại bằng mọi giá. Họ bảo thủ, cũng như miễn cưỡng để thay đổi và phát triển. Một người có Fixed mindset sẽ liên tục tìm cách chứng tỏ bản thân nhằm khẳng định trí thông minh vốn có của họ.

Growth mindset (Tư duy cầu tiến): Mặt khác, tư duy cầu tiến được định nghĩa qua niềm tin của một người rằng họ có thể học hỏi và cải thiện các khả năng và năng lực của họ thông qua sự nỗ lực và vượt qua thất bại. Những người sở hữu Growth mindset sẽ tiếp nhận thất bại và thách thức như những cơ hội để phát triển và trau dồi thêm phẩm chất và tài năng hiện có của họ. Họ luôn nỗ lực cải thiện bản thân, tự nhận thức được những điểm yếu và thiếu sót của mình, qua đó đón nhận những thách thức mới và đón nhận thất bại một cách tích cực.

Nguồn: https://blog.trginternational.com/vi/vi-sao-growth-mindset-se-la-yeu-to-quyet-dinh-thanh-cong-cua-ban

Lúc đó, mình đọc khái niệm và nghĩ rằng mình chắc chắn là người có growth mindset, mình là người cởi mở đón nhận những thất bại và thách thức.

Sau đó 2 năm, có một giai đoạn mình rất phân vân về định hướng công việc của bản thân, không biết mình có thực sự hợp với nghề giáo viên hay là nên đầu tư thời gian cho một nghề mới phù hợp hơn. Thế rồi có một suy nghĩ cứ vang lên trong đầu mình: “Mình có khả năng giảng dạy khá nhưng chẳng bao giờ đạt đến mức độ xuất sắc hay trở thành một ngôi sao trong lĩnh vực này được. Mình có thể đạt được tối đa là 8 điểm, chứ chẳng bao giờ đạt đến 9.5 hay 10 điểm. Kiểu tính cách của mình có vẻ không thực sự phù hợp lắm với nghề giáo viên.” Mình cứ nhai đi nhai lại điệp khúc này trong đầu, và cảm thấy rất thất vọng về khả năng của bản thân và không còn động lực cố gắng. Mình đi dạy nhưng không còn nhiều nhiệt huyết như những học kỳ trước đó. Mình nản chí, đổ lỗi cho môi trường xung quanh và muốn nghỉ việc, bỏ cuộc.

Thế rồi lại có một cơ duyên khiến mình học lại về growth mindset một lần nữa. Lúc này, mình xem được video clip của Giáo sư tâm lý học Carol Dweck – người đã dành cả cuộc đời nghiên cứu về động lực và các yếu tố dẫn đến thành công của con người và đưa ra 2 khái niệm mindset nói trên. Lúc nghe những phân tích của giáo sư, mình chợt nhận ra rằng tình trạng tiêu cực hiện nay của mình là vì mình đang có fixed mindset. Mình cũng bị thuyết phục bởi kết quả nghiên cứu của giáo sư, rằng khi người ta thay đổi mindset, người ta hoàn toàn có thể phát triển vượt bậc. Thế là mình thôi không nghĩ về chuyện “ngôi sao giảng dạy” nữa, mình thay nó bằng suy nghĩ: “Ừ, nếu tiếp tục nỗ lực trau đồi thì mình sẽ dần dần tiến bộ và giỏi hơn trong nghề nghiệp. Mình có thể tiến rất xa so với bản thân mình ở hiện tại”. Và chỉ cần thay đổi suy nghĩ đó, tự dưng những cảm xúc và thái độ sống của mình thay đổi theo, mình lại có động lực để tiếp tục tiến về phía trước.

Mình nhận ra có rất nhiều người, kể cả những học trò rất thông minh của mình có fixed mindset. Họ có khả năng nhìn ra những điểm tiêu cực của vấn đề và có điểm chung là không tin vào sự thay đổi của bản thân, người khác hay môi trường xung quanh. Chính vì điều đó, họ hay chỉ trích, cảm thấy bất mãn, thất vọng, bất lực và bỏ cuộc. Điều đó cũng ngăn cản họ khám phá những bài học trong thử thách và phát triển bản thân.

Thực ra thì chuyện chúng ta có fixed mindset cũng là điều hết sức bình thường, bản năng của con người trước một việc không như ý là sẽ có xu hướng chỉ trích hơn là tìm hiểu vấn đề. Thậm chí có thể chúng ta có growth mindset ở khía cạnh này, nhưng lại fixed mindset ở khía cạnh khác. Cho nên, mình sẽ luôn luôn tự rà soát bản thân mình trong từng sự việc, xem xét từng suy nghĩ của mình về vấn đề để xem chúng ta có fixed mindset hay growth mindset.

Câu hỏi có tác dụng định hướng tư duy nên việc chúng ta thường xuyên đặt câu hỏi gì trong đầu khi đối diện các sự việc là điều ảnh hưởng rất lớn đến cách chúng ta nhìn nhận vấn đề. Câu hỏi chỉ trích sẽ thường dẫn tới fixed mindset (Ai là người có lỗi? Tại sao mình lại tệ hại thế? Tại sao những người xung quanh lại ngốc nghếch như vậy?). Câu hỏi tìm hiểu thì giúp phát triển growth mindset (Mình học được gì từ sự việc này? Có cách nào khác để nhìn nhận vấn đề không? Bây giờ, cách tốt nhất để cải thiện tình hình là gì?). Cuốn sách “Thay câu hỏi, đổi cuộc đời” sẽ có thể chỉ ra và giúp bạn rèn luyện growth mindset từ những câu hỏi như vậy.

Chuyện đến đây là hết.

1/11/2019
(Tác giả: Đinh Thị Thanh Ngọc)