Tàu Cát Linh - Hà Đông quầy đầu như thế nào

Cuối tuần vừa rồi, mình đã có dịp làm một vòng tàu điện trên cao Cát Linh – Hà Đông, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của cả nước được đưa vào vận hành chính thức.

Mục tiêu chính của mình là đi thử tàu điện trên cao lần đầu vận hành ở Việt Nam, một “dự án thập kỷ” của ngành giao thông và đây cũng là cơ hội để mình trải nghiệm khả năng chụp ảnh đa dạng (camera góc rộng, góc siêu rộng và zoom xa) của chiếc Galaxy Z Fold3. Vì vậy, những hình ảnh chia sẻ trong bài này đều được chụp từ các camera trên chiếc điện thoại gập của Samsung. Nhìn chung, các camera của chiếc Fold3 có thể chụp ảnh khá tốt, đáp ứng được nhu cầu cho bài ảnh báo chí cả về độ sắc nét, màu sắc và không gian đa dạng của bối cảnh chụp.

 

Toàn tuyến đường tàu trên cao có chiều dài 13,5km với 12 ga. 

Tuyến Cát Linh – Hà Đông có tổng chiều dài 13,5km với 12 nhà ga. Nếu các bạn ngồi một mạch từ đầu ga Cát Linh đến Hà Đông thì tổng thời gian chỉ hết khoảng 23 phút thôi, trong đó riêng thời gian đón trả khách ở mỗi ga kéo dài khoảng 45 giây rồi. Tuy nhiên, mình đi để trải nghiệm và chụp ảnh nên thích ga nào là xuống, thậm chí đi ra ngoài khu vực xung quanh ga để cà phê hoặc ăn vặt.

 

Vé giấy 30.000 đồng đi tẹt ga cả ngày, lên xuống thoải mái tất cả các chuyến và các ga.

Giá vé lên tàu mình thấy khá rẻ, có lẽ được nhà nước trợ giá và có thể mua linh hoạt. Giá vé đi chặng ngắn chỉ 8.000 đồng, 15.000 đồng đi toàn chuyến, còn nếu mua vé 30.000 đồng (vé giấy) thì bạn có thể đi trong cả ngày thoải mái ra vào các ga bất kỳ thời điểm nào. Vé có thể mua ở các máy bán vé tự động hoặc mua trực tiếp tại quầy bán vé ở các ga.

 

Người đi tàu có thể mua vé tại quầy, riêng vé giấy 30.000 đồng chỉ bán tại quầy.

 

Ở giai đoạn đầu, các máy bán vé tự động đều có nhân viên hỗ trợ người đi tàu.

 

Máy nhận nhiều mệnh giá từ 1000 đồng đến 100.000 đồng.

Máy bán vé tự động chấp nhận nhiều loại tiền mệnh giá từ 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng đến tối đa là tờ 100.000 đồng và trả lại tiền thừa cho khách. Lưu ý là tiền cũ quá thì máy sẽ không nhận đâu nhé. Mình thấy có bạn nhét tờ tiền 5.000 trông hơi cũ và nhàu thì máy nhận vào rồi lại nhả trả lại. Trong những ngày đầu bán vé chính thức, các ga đều bố trí nhân viên hỗ trợ hành khách tại các điểm bán vé tự động.

 

Ga Cát Linh có diện tích cực kỳ rộng rãi.

 

Ga Láng chỉ là ga nằm dọc trên tuyến cũng có diện tích khá rộng rãi.

Mình khởi hành từ ga Cát Linh, điểm đầu của tuyến đường tàu trên cao. Các bạn đi xe đạp và xe máy đến đây có thể gửi xe ở bãi xe ở tầng 1 của ga. Ga cuối Yên Nghĩa cũng có điểm giữ xe ở bến xe Yên Nghĩa. Một số ga còn lại trên tuyến cũng có những điểm gửi xe đạp và xe máy quy mô nhỏ, được bố trí gần ga.

 

Mỗi ga đều có thang cuộn tự động đi lên nhẹ nhàng.

 

Người khuyết tật có thang máy riêng ở các ga.

Các ga đều rộng rãi và có 3 tầng. Riêng ga Cát Linh có diện tích xây dựng lên tới 18.000 mét vuông, các ga còn lại khác thì khoảng 4000 mét vuông. Mỗi ga đều có thang cuốn tự động, thang bộ và thang máy dành riêng cho người khuyết tật. Có thể nói là việc đi lại khá nhẹ nhàng. Mỗi ga đều có nhà vệ sinh ở tầng hai. Các bạn lưu ý điểm này nhé vì trên tàu chỉ có 4 toa, không có nhà vệ sinh.

 

Nhiều người Hà Nội lần đầu tiên được trải nghiệm quẹt thẻ ra vào ga tàu.

Sau khi mua vé, hành khách quẹt thẻ (vé đi theo chặng hoặc toàn tuyến là thẻ từ) hoặc vé giấy (đi thoải mái cả ngày) ở các cửa ra vào. Đây là trải nghiệm mới mẻ với người dân Hà Nội chưa từng có cơ hội đi tàu điện công cộng ở nước ngoài.

 

Hành khách chờ lên tàu được nhân viên nhà ga cảnh báo đứng trong hành lang an toàn trong vạch kẻ vàng.

 

Cảnh báo có kẽ hở giữa tàu và hành lang đường tàu.

 

Hình ảnh các cảnh báo cho hành khách in trên cửa bên trong.

Không chỉ có không gian rộng rãi, các ga đều có nhân viên và hệ thống loa cảnh báo an toàn trong suốt hành trình cho khách đi tàu từ lối lên thang cuốn, khu vực lên cửa tàu, hành lang an toàn đường và trong quá trình đi tàu. Đặc biệt, hành lang an toàn gần đường tàu chạy luôn có nhân viên nhà ga túc trực, nhắc nhở một số hành khách mải mê chụp ảnh bước qua vạch an toàn. Có thể nói, đơn vị vận hành đã làm chỉn chu việc đảm bảo an toàn trong hành trình đi tàu của người dân.

 

Thời gian di chuyển giữa mỗi ga chỉ mất gần 2 phút.

 

Tàu chạy khá êm, ngồi thoải mái hơn nhiều xe buýt.

 

Tàu chạy êm quá, tranh thủ chụp giúp cô bé cùng toa tấm ảnh selfie từ camera sau của chiếc Galaxy Z Fold3. 

Mỗi đoàn tàu có tổng cộng 4 toa, mỗi toa chở tối đa 240 hành khách nên tổng mỗi chuyến có thể chở 960 hành khách. Hôm mình đi trải nghiệm thấy khá đông nhưng vẫn rộng rãi, chỉ có một vài người không còn ghế ngồi phải đứng. Hơn nữa, tàu chạy khá êm, cảm giác dễ chịu hơn nhiều so với đi xe buýt và còn được "free" thêm những khung cảnh Hà Nội từ trên cao.

 

Tần suất chuyến tàu rất nhiều, chỉ 6-15 phút lại có một chuyến.

 

Nên thoải mái chụp ảnh, lỡ chuyến nay thì còn nhiều chuyến khác.

Trong khi đó, thời gian di chuyển giữa mỗi ga diễn ra rất nhanh, chưa đến 2 phút đâu. Tần suất các chuyến tàu cũng khá nhanh, khoảng 6-15 phút một chuyến tùy theo khung giờ trong ngày. Có thể nói với những người đi làm tiện cung đường của tuyến đường sắt trên cao này thì đây là lựa chọn di chuyển rất tiện lợi, vừa nhanh vừa rẻ lại vừa dễ chịu nữa.

 

Một người một góc.

 

Selfie do bạn bấm như thế này mới gọi chuyên nghiệp.

 

Cô bé này còn nhờ cả bạn trai selfie bằng camera sau trên chiếc Galaxy Z Fold3.

 

Tạo dáng như trai Hồng Kông thập niên 90.

Không chỉ là phương tiện di chuyển tiện lợi cho người dân thủ đô, tuyến đường sắt trên cao này hiện tại còn là điểm “check in, sống ảo” hấp dẫn cho giới trẻ. Trong suốt dọc hành trình, đâu đâu mình dễ dàng bắt gặp hình ảnh các anh chị em, nam thanh nữ tú tạo dáng chụp hình.