Soạn thảo văn bản tư vấn pháp luật

Tư vấn, hỗ trợ pháp lý thường xuyên cũng là một nhu cầu cấp thiết đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hiện nay. Thực tế cho thấy việc sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý thường xuyên vừa ngăn ngừa được các rủi ro pháp lý, vừa tiết kiệm thời gian và chi phí, đồng thời góp phần thay đổi thói quen trong hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp, hướng đến sự chuyên nghiệp và bền vững.

Tư vấn, hỗ trợ pháp lý thường xuyên cũng là một nhu cầu cấp thiết đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hiện nay. Thực tế cho thấy việc sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý thường xuyên vừa ngăn ngừa được các rủi ro pháp lý, vừa tiết kiệm thời gian và chi phí, đồng thời góp phần thay đổi thói quen trong hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp, hướng đến sự chuyên nghiệp và bền vững. Nắm bắt được nhu cầu trên, Văn phòng luật sư Lê Thu Thủy và Cộng sự đã xây dựng và cung cấp gói dịch vụ tư vấn pháp lý thường xuyên liên quan đến mọi khía cạnh hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp. Bao gồm:

  • Cập nhật, cung cấp các quy định mới của pháp luật liên quan đến lĩnh vực hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp
  • Hỗ trợ rà soát, hoàn thiện các văn bản quản trị nội bộ, các hệ thống form, mẫu dùng cho công tác quản trị nội bộ và giao dịch kinh doanh của tổ chức, doanh nghiệp
  • Giải đáp hoặc cho ý kiến pháp lý (bằng miệng hoặc bằng văn bản) về các vấn đề liên quan đến hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp
  • Hỗ trợ soạn thảo các văn bản, công văn, thư từ trao đổi giữa tổ chức, doanh nghiệp với khách hàng/đối tác và/hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền
  • Hỗ trợ soạn thảo các hợp đồng kinh tế, thương mại, dân sự để tổ chức, doanh nghiệp ký kết với khách hàng/đối tác hoặc rà soát, chính sửa dự thảo hợp đồng do khách hàng/đối tác gửi cho tổ chức, doanh nghiệp
  • Thay mặt hoặc cùng tổ chức, doanh nghiệp tham gia đàm phán, ký kết hợp đồng với khách hàng/đối tác
  • Đại diện doanh nghiệp trong quá trình làm việc với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc bên thứ ba liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.

Soạn thảo văn bản tư vấn pháp luật

Văn bản tư vấn pháp luật là một trong những văn bản không thể thiếu đối với luật sư nói riêng và nhiều người công tác trong lĩnh vực tư vấn pháp luật nói chung. Một văn bản tư vấn pháp luật hoàn chỉnh có cấu trúc như thế nào, yêu cầu các đề mục và nội dung ra sao không được luật hoá trong các văn bản pháp luật mà do chính luật sư hoặc người tư vấn pháp luật sáng tạo ra. Bài viết dưới đây của Phamlaw sẽ cung cấp cho bạn đọc các thông tin liên quan đến cấu trúc thông thường của văn bản tư vấn pháp luật.

  1. Phần mở đầu

– Phần này cần giới thiệu Logo của tổ chức hành nghề luật (Công ty/Văn phòng Luật sư).

– Tiếp đó là các phần: Tiêu đề, ngày tháng, họ tên, địa chỉ, số điện thoại, fax, email của người nhận.

Lưu ý nếu khách hàng là tổ chức thì cần đề tên người nhận gồm tên người đại diện theo pháp luật và tên đầy đủ của tổ chức đó.

-Tiếp theo là lời chào và khẳng định ngắn gọn về phạm vi tư vấn.

II. Phần giữa

Phần giữa của một văn bản tư vấn pháp luật thường bao gồm các nội dung sau:

– Tóm tắt nội dung sự việc và yêu cầu tư vấn

– Liệt kê các tài liệu mà khách hàng cung cấp

– Liệt kê các văn bản quy phạm pháp luật áp dụng hoặc các phương tiện giải thích bổ trợ

– Phân tích sự việc

– Giải pháp và khuyến nghị của luật sư

1. Tóm tắt nội dung sự việc

– Tóm tắt ngắn gọn nội dung vụ việc dựa trên những thông tin, tài liệu mà khách hàng đã cung cấp.

– Sắp xếp các sự việc theo trình tự thời gian, loại bỏ các chi tiết dài dòng, chỉ nêu các sự kiện chính có ý nghĩa pháp lý.

– Sau khi hoàn thành việc tóm tắt, cần phải xác định lại các vấn đề khách hàng cần tư vấn.

Trong phần này, thông thường luật sư phải liệt kê các tài liệu mà khách hàng cung cấp và tóm tắt sự việc dựa trên những thông tin, tài liệu mà khách hàng cung cấp. Khi mô tả tóm tắt sự việc, cần lưu ý chắt lọc để loại bỏ những chi tiết rườm rà và chỉ nêu những sự kiện có ý nghĩa pháp lý. Cách mô tả khoa học nhất là sử dụng bảng sơ đồ theo dòng thời gian và dòng sự kiện.

2. Liệt kê các tài liệu mà khách hàng cung cấp

– Cần phải liệt kê cẩn thận và đầy đủ những thông tin, tài liệu khách hàng đã cung cấp liên quan đến vấn đề cần tư vấn mà người tư vấn đã kiểm tra để đưa ra câu trả lời của mình nhằm bảo lưu việc giới hạn phạm vi tư vấn.

+ Việc đưa ra các quy định về giả định, bảo lưu của người tư vấn nhằm hạn chế rủi ro cũng như loại trừ trách nhiệm của người tư vấn nếu khách hàng cung cấp không đúng, không đủ các tài liệu vụ việc (vô ý hoặc cố ý), gây ảnh hưởng tới hướng tư vấn.

+ Vấn đề cần bảo lưu bao gồm: Quy định về phạm vi tư vấn dựa trên thông tin khách hàng cung cấp và phạm vi tư vấn dựa trên cơ sở pháp luật hiện hành.

– Ghi chép chuẩn xác tên, số, ngày tháng của từng tài liệu và phải sắp xếp theo thứ tự liệt kê phù hợp.

Trường hợp có quá nhiều tài liệu thì có thể phân nhóm liệt kê như tài liệu khách hàng cung cấp, tài liệu của cơ quan nhà nước, tài liệu của người liên quan…

3. Liệt kê các văn bản quy phạm pháp luật áp dụng hoặc các phương tiện giải thích bổ trợ:

– Đây là một nội dung quan trọng làm tăng tính chính xác và trọng lượng cho lập luận, phân tích của người tư vấn. Người tư vấn không được tư ý khẳng định nếu không có căn cứ pháp lý rõ ràng để chứng minh.

– Liệt kê các văn bản quy phạm pháp luật có thể áp dụng để đưa ra ý kiến pháp lý.

– Ngoài ra người tư vấn có thể đưa ra các phương thức giải thích bổ trợ khác như trao đổi với các cơ quan nhà nước hữu quan, sử dụng các án lệ, kết luận có tính chất chuyên môn của giám định viên, kiểm soát viên…

Trong mục này, luật sư liệt kê các văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng để giải quyết vụ việc của khách hàng. Mục đích của việc liệt kê tài liệu này nhằm chỉ cho khách hàng thấy căn cứ pháp lý mà luật sư dựa vào đó để đưa ra ý kiến. Ngoài việc liệt kê các văn bản pháp luật, cũng nên kể thêm các phương tiện giải thích bổ trợ. Chẳng hạn, liên quan đến một vấn đề khách hàng hỏi mà luật pháp không rò ràng, luật sư thường gửi công văn hỏi ý kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, công văn trả lời được xem như một trong các căn cứ pháp lý cho ý kiến của luật sư.

4. Phân tích sự việc

– Đây là nội dung chính và gần như quan trọng nhất của một văn bản tư vấn pháp luật.

– Khi phân tích sự việc, người tư vấn cần làm rõ sự việc trên các góc độ: góc độ thực tiễn, góc độ pháp lý, xác định các lỗ hổng (khoảng trống) của pháp luật.

– Sau khi phân tích sự việc, cần viết những lập luận của mình ra theo trình tự logic.

Để có thể đi đến câu trả lời hoặc đề xuất giải pháp, luật sư phải suy nghĩ, lập luận, áp dụng các quy tắc pháp lý vào trường hợp cụ thể của khách hàng. Cuối cùng, phải viết ra những lập luận đó theo một trình tự logic. Trước khi trả lời hoặc đưa ra giải pháp cho khách hàng, luật sư cần giải thích lý do tại sao mình lại đề xuất như vậy. Không nhất thiết là luật sư phải đưa ra một giờ học về kiến thức pháp luật mà chỉ cần đưa ra những thông tin đủ để cho vấn đề được sáng tỏ. Có thể sử dụng các phương pháp biện luận diễn giải hoặc quy nạp, trong đó thường áp dụng phương pháp tam đoạn luận.

5. Đưa ra giải pháp và lời khuyên

– Đây được coi là phần quan trọng nhất của một văn bản tư vấn pháp luật. Đương nhiên việc người tư vấn đưa ra giải pháp và lời khuyên sẽ giúp người có yêu cầu tư vấn định hướng được sự việc của mình sẽ giải quyết như thế nào. Nếu không có phần này rõ ràng việc gì mà người có nhu cầu phải đến để được tư vấn.

– Từ những phân tích ở trên có thể đánh giá các giải pháp dựa trên các tiêu chí như mức độ rủi ro dưới góc độ pháp lý, rủi ro dưới góc độ thương mại để khách hàng có thể lựa chọn phương án giải quyết tốt nhất.

– Sau đó bên tư vấn sẽ nêu kết luận và đề xuất phương án giải quyết một cách ngắn gọn và dễ hiểu. Bởi thông thường, tâm lý khách hàng sẽ muốn nhìn thấy kết quả tư vấn ngay nên khi viết thư tư vấn, có thể đưa ý kiến tư vấn ngắn gọn trước (trình bày theo hướng diễn dịch) sau đó xuống các phần dưới sẽ viết cụ thể ý kiến sau.

– Cuối cùng bên tư vấn sẽ phân tích chi tiết và kỹ lưỡng các kết luận và các phương án giải quyết đã nêu ở trên. Lưu ý:

+ Không được để suy nghĩ của cá nhân áp đặt quá nhiều vào giải pháp và lời khuyên, cần chú ý đưa ra những giải pháp và lời khuyên có lợi nhất cho người được tư vấn trên cơ sở tuân thủ các quy tắc về tư vấn pháp luật như không trái pháp luật,…

+ Không được đưa ra những giải pháp hoặc lời khuyên đối với những phần mà mình không chắc chắn. Đối với phần mình chưa chắc chắn cần phải nói rõ với người được tư vấn.

6. Lưu ý chung:

Trong phần giữa của một văn bản tư vấn pháp luật, bên tư vấn cần phải đảm bảo các yêu cầu sau:

– Tính logic: Cần trình bày trong một trật tự lôgic, thường sẽ được sắp xếp theo trật tự thời gian: vấn đề nảy sinh trước thì cần đề cập trước.

– Tính súc tích: Tránh diễn đạt dài dòng, không nhắc lại hai ba lần cùng một sự việc và tránh nói đến những điều không liên quan đến vấn đề mà khách hàng đặt ra. Tuy nhiên, không nên diễn đạt quá ngắn gọn bởi nó có thể làm khách hàng không hiểu được ý của bên tư vấn.

– Tính chính xác: Phải đảm bảo độ chính xác của ngôn từ, tránh sử dụng từ nhiều nghĩa. Mục đích của tiêu chí này là nhằm đảm bảo việc người đọc hiểu đúng ý của người soạn thảo. Một văn bản tư vấn pháp luật không rõ ràng có thể làm khách hàng hiểu nhầm, dẫn tới những thiệt hại mà bên tư vấn phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Ngoài ra tính chính xác còn được thể hiện ở hình thức thể hiện văn bản. Thông thường, để làm cho văn bản bớt nặng nề, dài dòng, người ta hay sử dụng cách viết tắt những cụm từ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Tuy nhiên, việc viết tắt chỉ được chấp nhận nếu người soạn thảo đã quy ước cách viết đó ngay từ đầu văn bản.

– Ngôn ngữ thích hợp, lịch sự: Ngôn ngữ bên tư vấn sử dụng phải là ngôn ngữ trang trọng, lịch sự, thể hiện đạo đức nghề nghiệp. Cần lưu ý đến việc sử dụng thuật ngữ chuyên môn, nếu thuật ngữ này quá chuyên biệt khiến khách hàng không thể hiểu được thì bên tư vấn nên dùng một từ phổ thông có nghĩa tương đương hoặc định nghĩa hay giải thích thuật ngữ đó. Nhìn chung, tùy thuộc vào đối tượng khách hàng (là một cá nhân thông thường hoặc là người có kiến thức pháp luật), bên tư vấn cần phải điều chỉnh ngôn ngữ cho phù hợp.

– Kỹ thuật trình bày văn bản: Cần viết mỗi ý chính là một đoạn văn. Việc chia đoạn và xuống dòng theo từng ý sẽ giúp cho người đọc dễ dàng nắm bắt nội dung của văn bản. Một nguyên tắc mà người soạn thảo cần phải biết là mỗi trang đánh máy phải được chia tối thiểu làm hai đoạn.

III. Phần kết thúc

– Đưa ra nội dung bảo lưu ý kiến pháp lý và giới hạn trách nhiệm của luật sư.

Ví dụ: “Ý kiến pháp lý được chúng tôi đưa ra trên cơ sở các thông tin, tài liệu và yêu cầu tư vấn của Công ty phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam. Chúng tôi không có trách nhiệm xác minh tính xác thực của các thông tin, tài liệu này và không chịu trách nhiệm trong trường hợp các thông tin, tài liệu này không đảm bảo tính đầy đủ, trung thực, chính xác”.

– Đưa ra nội dung về tính riêng biệt và bảo mật của ý kiến pháp lý.

Ví dụ: “Ý kiến pháp lý này chỉ được gửi tới Công ty cho riêng mục đích của Công ty liên quan tới nội dung được yêu cầu tư vấn. Công ty được quyền sử dụng Ý kiến pháp lý này để làm việc với bên có liên quan trực tiếp đến vụ việc. Ngoài mục đích vừa nêu, Công ty hoặc bất kỳ bên thứ ba nào khác không được sử dụng Ý kiến pháp lý này làm căn cứ hoặc sử dụng cho mục đích khác, trừ khi được chúng tôi xem xét và có ý kiến đồng ý bằng văn bản”.

Trân trọng cảm ơn!

Công ty Luật TNHH Phamlaw

Giám đốc

(Ký, đóng dấu)

Trên đây là nội dung tư vấn của Phamlaw về cấu trúc thông thường của văn bản tư vấn pháp luật. Nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của Phamlaw qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508.