Người Việt Nam đầu tiên mang lá cờ tổ quốc đến Nam Cực là ai

Đó là Tiến sỹ Nguyễn Trọng Hiền, khoa học gia thuộc Cơ quan hàng không vũ trụ Hoa Kỳ (NASA), người đang ngày đêm cùng đồng nghiệp tìm câu trả lời cho câu hỏi: Vũ trụ bắt nguồn từ đâu, vô cùng hay hữu hạn…?

Anh cũng là người Việt Nam đầu tiên cắm và chiêm ngưỡng lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong cái giá lạnh –600C ở Nam Cực.

Con đường chinh phục không gian

Người Việt Nam đầu tiên mang lá cờ tổ quốc đến Nam Cực là ai

TS Nguyễn Trọng Hiền tại “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ VI tổ chức tại Hà Nội đầu tháng 8 (Ảnh: TienPhong)

Trước khi ra sân bay, TS Nguyễn Trọng Hiền mới có dịp thư thả ngồi trò chuyện với chúng tôi. Gần 1 tuần tham dự “Gặp gỡ Việt Nam” ở Hà Nội, thời gian biểu của anh kín đặc với các báo cáo, gặp gỡ các nhà khoa học, nghiên cứu sinh, sinh viên trong nước. Khó có thể hình dung được rằng người đàn ông Việt Nam nhỏ bé, đeo kính, để tóc dài với chất giọng đặc sệt Đà Nẵng ngồi trước mặt chúng tôi kia lại đang theo đuổi một công trình nghiên cứu sâu và rộng đến thế trong Cơ quan hàng không vũ trụ Hoa Kỳ. Ngay từ khi còn là học sinh cấp 2 ở Đà Nẵng, Hiền đã mê Vật lý. Anh đọc rất nhiều sách liên quan đến Vật lý, Thiên văn học. Nhà vật lý Einstein và những công trình của ông được anh tìm đọc nhiều nhất. Hiền cũng rất ngưỡng mộ Giáo sư, Viện sỹ Vật lý Nguyễn Văn Hiệu, lúc ấy là Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ VN. Năm 1981, thời điểm gần tốt nghiệp cấp 3, anh sang Mỹ định cư theo sự bảo lãnh của người anh.

Chân ướt chân ráo đến thành phố Los Angeles (bang California) với vốn tiếng Anh đủ để đi học, Hiền nộp đơn vào khoa Vật lý trường Đại học Berkeley (University of California at Berkeley).

Tốt nghiệp, anh tiếp tục theo học bậc Tiến sỹ tại ĐH Princeton với chuyên ngành nghiên cứu bức xạ nền vũ trụ. Anh là người Việt Nam đầu tiên nhận bằng Tiến sỹ tại đại học này. Ngay sau đó, Hiền qua Chicago và trở thành nghiên cứu sinh sau Tiến sỹ (post doc) chuyên ngành Vật lý thiên văn của ĐH Chicago. Về làm giảng viên đặc biệt tại ĐH Camegie Mellon được một năm rưỡi, Hiền chuyển sang làm việc tại Phòng thí nghiệm phản lực (Jet Propulsion Laboratory-JPL). Phòng này thuộc NASA ở thành phố Pasadena nhỏ bé ngay sát Los Angeles, với cương vị khoa học gia nghiên cứu chuyên sâu (research scientist) của Phân ban Vật lý Thiên văn. Anh còn là thành viên của Nhóm chuyên ban Vũ trụ học. Cần biết rằng JPL có khoảng 5.000 nhân viên, đa số là các kỹ sư và kỹ thuật viên, chỉ có một số ít là khoa học gia. Ở JPL, công việc của TS Hiền là phụ trách mảng nghiên cứu chế tạo thiết bị chụp các bối cảnh thiên văn vũ trụ. Dự án mới nhất anh đang thực hiện là nghiên cứu chế tạo kính thiên văn cho đài thiên văn vũ trụ hợp tác giữa NASA và Cơ quan không gian châu Âu (ESA), dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2007.

“Tôi tâm đắc nhất là sự phát triển của vũ trụ, đặc biệt là giai đoạn phôi thai qua việc đo đạc tính bất đẳng hướng của bức xạ nền vũ trụ và sự cấu thành của các vật thể thiên văn lúc vũ trụ vừa tạo thành" – TS Hiền bộc bạch.

"Điều tôi mong mỏi là hiểu được một cách xác đáng hay phát hiện được những cơ chế vật lý trong kỷ nguyên cấu thành này vốn xảy ra cách đây từ 10 đến 15 tỷ năm”.

Bức xạ nền vũ trụ được giới khoa học xem là di chỉ vô giá để tiếp cận vũ trụ từ thủa ban sơ cách nay đến 14 tỷ năm. Vũ trụ trong thời khắc ấy được biết đến với cái tên vụ nổ “Big Bang”. Lúc ấy, toàn cõi vũ trụ chỉ có thuần một trường bức xạ điện từ với nhiệt độ rất cao. Sự giãn nở của vũ trụ theo thời gian đã làm cho bức xạ nền nguội đi. Chỉ gần 3 phút sau vụ nổ Big Bang, năng lượng bức xạ được chuyển thành vật chất dưới dạng các hạt cơ bản. Những hạt này kết hợp tạo nên nguyên tử nhẹ rồi tích tụ bằng tương tác hấp dẫn và dần dà hình thành nên vũ trụ ngày nay với những vì sao, thiên hà, lỗ đen… Bước vào thiên niên kỷ mới, các nhà nghiên cứu xác định rằng vũ trụ hầu như đẳng hướng và phẳng. Đây là đặc điểm nổi bật mà lý thuyết lạm phát đã tiên đoán 20 năm trước đó. Theo lý thuyết này, Big Bang là lúc vũ trụ được thổi bùng lên từ một chất điểm với tốc độ nhanh hơn ánh sáng.

Điều này đã đẩy các nhà quan trắc thiên văn lao vào một cuộc săn lùng mới: truy tìm chứng tích của lạm phát trong đặc tính phân cực của bức xạ nền.

Nói nôm na, câu hỏi mà TS Hiền cùng các khoa học gia NASA khác phải có nhiệm vụ trả lời là: Trước vụ nổ Big Bang, cái gì đã làm nên vũ trụ này? Vũ trụ là vô cùng hay hữu hạn? Đến giờ, loài người mới chỉ biết rằng vũ trụ ban đầu là một khối rất nóng và giãn nở dần sau vụ nổ Big Bang. TS Hiền khẳng định nếu đo đạc được tính bất đẳng hướng của bức xạ nền vũ trụ thì nhóm của anh sẽ là những người đo được đầu tiên vì những thiết bị do các khoa học gia thuộc nhóm của anh chế tạo có độ chuẩn xác cao nhất. Đó sẽ là nền tảng vững chắc để giải đáp cho những câu hỏi mà loài người vẫn cứ mãi đi tìm trong vũ trụ bao la. Anh không nói bao giờ thành quả ấy sẽ đạt được, nhưng đó sẽ là một “tương lai rất gần”. Nếu thành công, đây sẽ là một cuộc cách mạng thực sự của quá trình nghiên cứu không gian.

Tự may quốc kỳ cắm xuống Nam Cực

Là một phần của quá trình nghiên cứu, 2 trạm đo đạc đã được lắp đặt tại Nam Cực. TS Hiền đã đến đây 3 lần. Lần đầu tiên anh đến Nam Cực vào năm 1992. Chứng kiến những lá cờ của các cường quốc tung bay trên bầu trời Nam Cực trắng xoá, anh không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến quê nhà. Ý định cắm lá cờ đỏ sao vàng bên cạnh những lá cờ kia đã hình thành trong anh từ lúc đó. Cơ hội đã đến 1 năm sau khi anh thực hiện chuyến công tác Nam Cực thứ 2 vào tháng 12/1993. Trước chuyến đi, anh đã liên hệ về gia đình ở Đà Nẵng gửi sang cho anh lá cờ Tổ quốc.

Tuy nhiên, đến tận lúc khởi hành, anh vẫn không nhận được lá cờ vì người nhà sợ những kẻ quá khích người Việt sẽ gây phiền toái cho anh. Đến Nam Cực, chợt thấy lá cờ CHLB Đức có 3 màu đỏ, vàng, đen, anh xin 1 lá và lấy 2 mảnh đỏ và vàng tự tay may thành lá cờ Tổ quốc cắm xuống Nam Cực.

TS Hiền chỉ dám nhận là “một trong những người Việt Nam đầu tiên đến Nam Cực”, nhưng các tư liệu mà chúng tôi thu thập được cho đến giờ đều chứng minh rằng, TS Nguyễn Trọng Hiền là người Việt Nam đầu tiên đến Nam Cực và cắm lá quốc kỳ xuống vùng đất ấy.

“Tôi yêu đất nước tôi, tôi yêu những anh hùng nước tôi”. Nghe TS Hiền thốt ra câu nói ấy mới thấy hết được tình cảm của người con xa xứ với quê nhà.

Chẳng thế mà lần nào về nước anh cũng tìm cơ hội để được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng mà anh luôn ngưỡng mộ và kính trọng. Tiếc là anh mới chỉ được gặp Đại tướng một lần khi về nước tham dự “Gặp gỡ Việt Nam” năm 2004. Dẫu vậy, những lời dặn dò của Đại tướng với người con xa xứ đã thôi thúc anh nhiều hơn trong kế hoạch góp sức giúp nền khoa học nước nhà.

Anh không trả lời câu hỏi của tôi về kế hoạch ấy của mình, nhưng mấy ngày tiếp xúc với các nhà khoa học ở “Gặp gỡ Việt Nam”, tôi biết rằng anh là ứng cử viên nặng ký nhất mà GS-TSKH Vật lý Trần Thanh Vân nhắm tới và giao trọng trách của mình cho anh bởi năm nay giáo sư tuổi đã cao, yếu đi nhiều.

GS-TSKH Trần Thanh Vân là nhà khoa học Việt Nam rất nổi tiếng tại Pháp, người đã có công lao rất lớn đối với nền Vật lý nước nhà thông qua việc tổ chức liền 6 cuộc “Gặp gỡ Việt Nam”, đưa những nhà Vật lý nổi tiếng thế giới, trong đó có nhiều khoa học gia đoạt giải Nobel đến VN để giới khoa học trong nước có điều kiện tiếp xúc, trao đổi, lĩnh hội những thành tích mới nhất của nền Vật lý thế giới.

Hiện TS Hiền đang cộng tác rất tích cực với Hội Thiên văn Vũ trụ VN, các phòng nghiên cứu, đặc biệt là phòng thiên văn khoa Vật lý (ĐH Sư phạm Hà Nội)… Anh cũng đang xúc tiến cùng các nhà khoa học trong nước thành lập một cơ sở đào tạo cho các em học sinh.

Không chính thức công bố, nhưng một đồng nghiệp của TS Hiền cho biết anh đang hướng tới việc trong tương lai sẽ cùng các nhà khoa học trong và ngoài nước thành lập ra một cơ sở đào tạo cho các em học sinh trong nước và cộng tác chung trong một chương trình nghiên cứu lâu dài. Trong số 6 cuộc “Gặp gỡ Việt Nam”, TS Hiền về nước tham dự đến phân nửa.

Hiện nay, anh đang sống hạnh phúc cùng vợ (là đồng hương Đà Nẵng) và cô con gái 4 tuổi ở thành phố Pasadena. Kể từ khi ba mất năm 1999, hầu như năm nào anh cũng về nước với gia đình, bè bạn. “Tôi không muốn xa cách gia đình, bạn bè và đất nước tôi” - TS Hiền nói.

Hải Hà

Theo Tiền Phong

.

Cập nhật lúc: 07:18, 29/03/2018 (GMT+7)

Tính tình quyết đoán, phong cách năng động, tràn đầy nhiệt huyết nhưng cũng không kém phần dịu dàng…, đó là cảm nhận khi gặp chị Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc Trung tâm Hành động và liên kết vì môi trường và phát triển Việt Nam (Change).

Người Việt Nam đầu tiên mang lá cờ tổ quốc đến Nam Cực là ai
Chị Hoàng Thị Minh Hồng.

Đam mê bảo vệ môi trường, người phụ nữ này từng 2 lần chinh phục Nam Cực và là người Việt Nam đầu tiên đặt chân lên Nam Cực. Hơn 20 năm từ chuyến thám hiểm đầu tiên đến vùng đất quanh năm băng tuyết, mắt chị Minh Hồng vẫn sáng lên khi kể về chuyến đi “gây sốc” trong đời.

* 2 lần chinh phục Nam Cực

Năm 1997, chị Minh Hồng là đại diện Việt Nam duy nhất trong nhóm thám hiểm Nam Cực (được tài trợ bởi Tổ chức Bảo vệ Nam Cực, Tổ chức 2041) cùng với 34 thanh niên ưu tú đến từ 24 quốc gia.

Người Việt Nam đầu tiên mang lá cờ tổ quốc đến Nam Cực là ai
Chị Hoàng Thị Minh Hồng (trái) cùng bạn bè quốc tế cắm cờ Việt Nam trên vùng băng tuyết Nam Cực.

Chị Minh Hồng kể lúc 16 giờ (giờ địa phương) ngày 16-1-1997, đoàn thám hiểm khởi hành rời cảng Ushuaia (điểm cực Nam của đất nước Argentina) trên con tàu Professor Khromov trực chỉ Nam Cực. Sau 3 ngày vượt biển, lúc 9 giờ 30 ngày 19-1-1997, tàu cập bờ và các thành viên đặt bước chân đầu tiên lên châu Nam Cực. 21 giờ 30 ngày 20-1, trong bộ áo dài xanh, chị Minh Hồng đã cắm quốc kỳ Việt Nam trên nền băng tuyết, đánh dấu người Việt Nam đầu tiên đặt chân lên lục địa quanh năm băng tuyết này.

Đã 2 lần đặt chân đến Nam Cực (chuyến thứ 2 đi năm 2009), nhưng mỗi lần nhắc đến nơi đây chị Minh Hồng đều thấy hồi hộp. Chị chia sẻ Nam Cực rất đẹp, đẹp một cách kỳ lạ và huyền ảo, một vẻ đẹp hoang sơ chưa bị xâm hại bởi con người. Mặt biển ở đây luôn đóng một lớp băng bởi nhiệt độ thường xuyên ở -20C. Nam Cực cũng có những vịnh hở và nước biển tối đen vì giá lạnh. Ở Nam Cực bình minh ở đây diễn ra rất chậm.

“Những ngày ở đây, chúng tôi không được mang nước nóng lên Nam Cực; ai muốn uống trà, cà phê thì trở về tàu. Nam Cực không có nhà vệ sinh, ai có nhu cầu phải trở về tàu. Trưởng đoàn nói không có bất kỳ một hành động gây ô nhiễm nào được phép diễn ra ở đây” - chị Minh Hồng kể.

Hiện ước mơ lớn nhất của chị là một ngày gần đây sẽ tổ chức chuyến thám hiểm trở lại Nam Cực cho những thanh niên Việt Nam có chung chí hướng bảo vệ môi trường. Và việc đó vẫn đang được chị âm thầm chuẩn bị.

* Đổi thay từ một chuyến đi …

“Chuyến thám hiểm Nam Cực đầu tiên kéo dài 6 tuần với sự thiếu thốn, cô lập, phải chống chọi với thời tiết băng giá cùng những cơn bão tuyết ập đến bất ngờ; đặc biệt là được gặp những người bạn quốc tế đầy nhiệt huyết với môi trường, được cùng chia sẻ những thông tin, dữ liệu về tầng ozone, về hiệu ứng nhà kính, về sự nóng lên toàn cầu…, tôi như vỡ òa kinh ngạc. Bởi thời điểm đó, những khái niệm ấy còn rất xa lạ với tôi, miền đất Nam Cực xa xôi này liên quan gì đến Việt Nam, nó như chuyện viễn tưởng… Rồi tận mắt chứng kiến băng tan do nhiệt độ trái đất nóng lên, tôi đã bị sốc” - chị Minh Hồng kể.

Trở về từ Nam Cực, mọi thứ thay đổi, cuộc đời cũng thay đổi, chị Minh Hồng bỏ việc ở tờ báo Vietnam Investment Review đang cho thu nhập khá cao để lao vào các hoạt động môi trường. “Lúc đó, một mình tôi chạy đi chạy lại gầy dựng phong trào, bỏ tiền túi thuê hội trường, bao cả quán cà phê để mời học sinh, sinh viên, bạn bè đến nghe về Nam Cực, về biến đổi khí hậu, về sự nóng lên của trái đất… Nhiều người nói tôi... hâm” - chị tâm sự.

Để được tiếp cận thông tin, kiến thức làm nóng ước mơ của mình, chị Minh Hồng nhận lời làm việc cho Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF). Nhưng ước mơ có những dự án môi trường của riêng mình cho Việt Nam luôn đau đáu trong chị. Công việc ở WWF ổn định, thu nhập cao, được đi nước ngoài... cũng chỉ giữ chân chị được 7 năm.

Rời khỏi WWF với “vốn liếng” khá dày về kiến thức, kinh nghiệm và mối quan hệ với các tổ chức, mạng lưới bảo vệ môi trường thế giới, đặc biệt là sự kết nối với những cựu thành viên trong 2 chuyến đi Nam Cực đã hun đúc thêm “máu lửa”, nới rộng thêm vòng tay bảo vệ hành tinh xanh.

Giờ đây, chị Minh Hồng đã là nhà hoạt động môi trường được nhiều tổ chức môi trường trong và ngoài nước biết đến. Hiện chị làm Giám đốc của Change, là thủ lĩnh Phong trào 350 (Phong trào chống biến đổi khí hậu toàn cầu) và WildAid Việt Nam (Tổ chức cứu trợ hoang dã) với nhiều hoạt động đa dạng. Song, những dự án lớn của Change tập trung vào 2 lĩnh vực “không thể chần chừ” là chống biến đổi khí hậu và bảo vệ động vật hoang dã.

Để thực hiện đam mê, tìm kiếm tài trợ cho các dự án xanh, phát triển năng lượng tái tạo, chống biến đổi khí hậu…, chị Minh Hồng phải hy sinh nhiều thời gian dành cho gia đình và bản thân. “May mắn là chồng tôi, dù là dân kinh doanh nhưng “nhiễm” máu mê môi trường của vợ, nên tạo điều kiện tốt nhất để tôi được làm việc mình yêu thích” - chị Minh Hồng cười mãn nguyện cho biết.

* Tôi sống “xanh” hơn

Hơn 20 năm sau chuyến thám hiểm Nam Cực đầu tiên, 15 năm miệt mài với những hoạt động bảo vệ môi trường, từ khi chưa biết biến đổi khí hậu là gì, đến nay ngoài những dự án toàn cầu, chị Minh Hồng đang gầy dựng phong trào “sống xanh”, một trào lưu sống mới, hiện đại.

Người Việt Nam đầu tiên mang lá cờ tổ quốc đến Nam Cực là ai
 

“Khi tôi khởi động phong trào “I change” (Tôi thay đổi) kêu gọi thực hành lối sống thân thiện với môi trường, nhiều người thắc mắc “sống xanh” là trở lại cuộc sống lạc hậu, thiếu thốn như: không dùng máy lạnh, không tắm nước nóng để đỡ tốn điện, không đi xe ô tô để giảm khí thải, không ăn nhiều thịt… Sống thế thì… “vất” quá” - chị Minh Hồng chia sẻ.

Rồi chị giải thích “Sống xanh” là tối giản tiện ích phục vụ bản thân, là tiêu dùng khôn ngoan; bắt đầu từ những việc đơn giản như: tắt máy xe khi chờ đèn đỏ từ 25 giây trở lên, sử dụng năng lượng tái tạo, bơm căng bánh xe để đỡ tốn xăng, sử dụng hóa mỹ phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, tái chế và tiết giảm đồ dùng từ nhựa, dùng một lượng thức ăn vừa đủ, không để nhiệt độ máy lạnh thấp rồi phải đắp thêm chăn, mặc thêm áo ấm…

“Sống xanh” không hề làm giảm chất lượng cuộc sống của con người mà trái lại nó giúp ta tiết kiệm. Và hơn hết, hành tinh này sẽ chết dần nếu không có hành động nhỏ bé đó.

Phương Liễu