Người tràng an là gì

Trang Chủ Diễn Đàn > E - CÁC CÂU LẠC BỘ > CLB Học Tập > Học Online >

10:14, 21/07/2019 (GMT+7)

*Chuyên mục Cửa sổ tri thức trên Đà Nẵng cuối tuần số ra ngày 30-6 vừa rồi cho rằng “Tràng An” là tên gọi chỉ Hà Nội xưa. Tuy nhiên, tôi thấy ở tỉnh Ninh Bình cũng có Tràng An. Tại sao lại có sự trùng hợp như thế? (Nguyễn Minh, Hải Châu, Đà Nẵng)

Người tràng an là gì
Buổi sáng Hồ Gươm, Hà Nội. Ảnh: V.T.L

- Tràng An (cũng viết Trường An, Trường Yên) nguyên là tên gọi kinh đô của hai triều đại phong kiến thịnh trị nhất nhì Trung Quốc đều thuộc vùng Tây An: Tiền Hán (206 Trước CN - 8 Sau CN) và Đường (618 – 907). Xuất phát từ tên vùng đất là Tây An, các triều đại này đặt tên kinh đô là “Tràng An” với ước mong triều đại mình được muôn đời bình yên. “Tràng” là cách đọc trại từ “Trường” (lâu dài) của người Việt; “An” đọc trại từ “Yên” (bình an).

Ở nước ta, Ðinh Bộ Lĩnh (924- 979) sau khi dẹp xong mười hai sứ quân và thống nhất đất nước, lên ngôi hoàng đế, đặt tên nước là Ðại Cồ Việt, định đô tại Hoa Lư (Ninh Bình), mở đầu thời kỳ độc lập, tự chủ của dân tộc. Tương truyền, vua Đinh Tiên Hoàng muốn khẳng định kinh đô Hoa Lư cũng bề thế như kinh đô Tràng An của phương Bắc nên sai Nguyễn Bặc thể hiện câu đối, nay còn lưu tại đền Vua Ðinh ở Hoa Lư: “Cồ Việt quốc đương Tống Khai Bảo - Hoa Lư đô thị Hán Tràng An” (Nước Cồ Việt ngang với nhà Tống đời Khai Bảo - Kinh đô Hoa Lư như Tràng An của nhà Hán).

Thế nhưng, đến nay người Hà Nội thường hiểu hai từ “Tràng An” là cụm từ dùng để chỉ thủ đô Hà Nội như câu ca: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.

Tác giả Đỗ Ngọc Yên trong bài “Đi tìm nguồn cội một câu ca” đăng trên giaoducthoidai.vn số Thứ Ba, 15-12-2009, nêu câu hỏi rằng, người Tràng An ở đâu mà gắn bó mật thiết với đức tính thanh lịch, như một sự tất yếu không thể phủ nhận được, giống như mùi thơm của hương hoa nhài vậy?

Tác giả dẫn giải, khi Đinh Tiên Hoàng chọn động Hoa Lư làm Kinh đô, đây vốn là vùng đất ẩm thấp, chật hẹp, vì thế những người dân sống ở đây thật khó để được sống hào hoa và thanh lịch. Cả khi Lý Thái Tổ lên ngôi vua ở Hoa Lư, cư dân ở gần vua cũng không thể thoát nhanh ra khỏi sự lam lũ để sống theo phong cách thanh lịch.

Năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La và đặt tên kinh đô mới là Thăng Long - “Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt, phồn thịnh” (Chiếu dời đô).

Như vậy, trước khi Đại La trở thành kinh đô Thăng Long, với thế đất như thế, đời sống của người dân nơi đây hết sức thuận lợi, họ có cuộc sống an nhàn, thanh lịch. Nói cách khác, cư dân Đại La đã là người thanh lịch, sang trọng, đẹp người, đẹp nết trước khi Lý Thái Tổ dời đô ra đây.

Tác giả nêu một giả thuyết rằng, khi vua Lý dời đô đã đưa cả triều đình và một bộ phận cư dân tinh túy nhất từ Hoa Lư vào đất Đại La. Ngay lần đầu “chạm mặt”, có thể người dân Đại La khi nhìn vào phong thái của người Hoa Lư (Ninh Bình) mới đặt chân đến đã đưa ra những bình phẩm hoặc chê bai nhẹ nhàng như không “hào hoa”, không “thanh lịch”. (Sống ở vùng núi đá của Trường Yên, làm sao có điều kiện thuận lợi để ăn sung mặc sướng, làm sao có không khí thời tiết thuận lợi mà sáng đẹp màu da…?).

Vì thế, rất có thể người Hoa Lư đã phản ứng bằng câu “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Câu này theo cách hiểu trong dân gian có thể là: Chúng tôi tuy không sang trọng như các vị, nhưng dẫu sao chúng tôi cũng thuộc dòng dõi cao sang của vua Lý Thái Tổ (Hoa nhài được hiểu là dòng dõi quyền quý, dân của vua). Chúng tôi tuy không thanh lịch, nhưng dẫu sao chúng tôi cũng thuộc người Tràng An, người của Kinh đô cũ, người của Vua.

Đó là lý giải của tác giả, vì sao Tràng An từ Ninh Bình lại ra tận... Hà Nội!

ĐNCT
 

Kỷ niệm một nghìn năm Thăng Long – Hà Nội, một kinh đô có số tuổi lâu đời nhất nước nhà đang sôi sục, nó như hà hơi thở nóng rực vào mặt tất cả người dân nước Việt. Đâu đâu cũng thấy đang hối hả và rộn ràng, dân sự treo cờ kết hoa, quân sự diễu binh tuần hành. Còn giới trí thức nhân văn thì đóng góp việc gì? Hiển nhiên có khá nhiều việc, nhưng trong những ngày qua, nổi lên việc có khá nhiều cây bút và học giả xới lên và bàn tán về hai câu thơ: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Hai câu thơ này theo thể lục bát khá rõ ràng khá đơn giản, nhưng được nhiều người bàn qua tán lại như một cuộc đấu khẩu trên vòng cung hóc hiểm như không thể nào tìm ra lối thoát hay đáp án chung kết. Có một lần tôi chứng kiến một việc khá điển hình, một đại biểu sừng sừng cầm một tờ giấy đã chuẩn bị trước lên đọc, đại khái mỉa mai rằng: Đừng có tự hào là người Tràng An! Tràng An ở bên Trung Quốc chứ không phải ở Việt Nam đâu, vì vậy đừng có tưởng mình lịch sự như hoa nhài mà kiêu căng, trong khi đó có lắm kẻ ở thủ đô mà nhếch nhác, và thiếu văn hoá…

Cuộc tranh luận về hai câu thơ trên có hai ý chính:

1-Người Tràng An, tức người Hà Nội thanh lịch.
2-Người Hà Nội mà lại kiêu căng như thế à ?

Cuộc tranh luận trên rất giống nhiều cuộc tranh luận văn chương khác, nó thường rất tỉ mẩn, tầm chương trích cú, nhưng lại không có khả năng dứt điểm hay ngã ngũ (chẳng hạn trước đây có cuộc tranh luận về “chín móng”). Thêm một lần nữa có phải chúng ta được chứng kiến khả năng lý luận yếu của học giả Việt Nam (đây chính là đặc điểm đã được nhà nước nêu trong các văn bản). Tại sao vậy? Hôm nay tôi muốn bàn thấu đáo về việc này.

Theo triết gia Kant của Đức thì: “Cái gì không phải là phán đoán thì không phải là trí tuệ”. Học hành sôi kinh nấu sử ư, thu thập các bồ chữ ư? Nhưng gặp việc không đưa ra được phán đoán, dẫn đến không có quyết định, từ đó không có giải pháp, cái học đó chỉ là cái học vô ích, học như xếp đồ trang trí, một tủ sách nhiều như tủ thuốc bắc nhưng không bốc thuốc được, vì căn bệnh còn chưa bắt mạch được. Đây cũng chính là ý kiến của các học giả lớn ở Trung Hoa như Tôn Trung Sơn, Lỗ Tấn, Lâm Ngữ Đường… Họ cho rằng Trung Quốc không có cả triết học lẫn khoa học, vì không có tư duy hệ thống và tuyến tính, mà chỉ có tư duy cầu tính thập cẩm như kiểu “trong âm có dương, trong dương có âm”. Đơn giản, dễ thấy nhất như: trong cả lịch sử dài đằng đẵng như vậy, nhưng Trung Quốc cũng chưa có bộ môn phê bình văn học và nghệ thuật, mà chỉ có “bình” theo kiểu Kim Thánh Thán, tán ngang tán dọc theo lối thưởng ngoạn mà không phải theo nguyên lý, và đánh giá.

Ở ta cũng vậy, nhân dân vẫn gọi các học giả truyền thống theo kiểu Tầu hoặc có lối nghĩ cổ hủ là : Nho học. Sáng sủa thì là túc nho, lẩm cẩm, lọ mọ thì là hủ nho, đại vớ vẩn thì là khuyển nho. Nhưng cho dù túc nho, hay khuyển nho cũng không thể nào có khả năng phán đoán được, vì Nho học làm gì có môn phê bình hoặc có khả năng phán đoán hay thẩm định.

Cụ thể vào việc bàn hai câu thơ trên, rất nhiều người dùng lối ký tự hoặc tầm chương để bàn. Có người còn kỳ công tra cứu cả một đoạn sách sử về địa chí, để thấy chưa bao giờ Hà Nội có tên là Tràng An… Mọi người bàn rất sát sườn, tỉ mỉ, nhưng lại quên mất một điều căn bản rằng: chữ nghĩa luôn luôn bao hàm cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nếu muốn hiểu âm nhạc, chúng ta không thể nào ôm ghì lấy cây đàn để reo lên “ta bắt được âm nhạc rồi!”, cũng không thể tóm lấy bản nhạc rồi la “ta sở hữu âm nhạc”, âm nhạc cũng không là người chơi đàn hay nhạc sĩ sáng tác, mà âm nhạc là cái phải vang lên, khi nó vang lên ta có được nó nhưng cũng là có cái vô biên.

Cụ thể hơn, người ta không thể bàn về ngôn ngữ mà không có bộ môn siêu hình học. Trong triết học có hai môn quan trọng hàng đầu, thậm chí tiên quyết, đó là môn lô-gic học, và môn siêu hình học. Phải nói đây là môn các học giả của ta nói chung là thiếu. Đặc biệt các cây bút nho học thì hầu như là món mới hoặc món sở đoản hoàn toàn.

Cụ thể vào bài thơ:

1-Về địa danh Hà Nội và Tràng An: “Tràng An” là một tên Tầu hoàn toàn. “Tràng” , cũng là “Trường”, theo nghĩa không gian nghĩa là dài, nó thường biểu hiện cho cái thành, vì thành bao gồm tường xây đắp dài bao quanh đơn vị cư trú và đóng quân. Theo nghĩa thời gian , nó là lâu dài. “An”, là nơi sau khi chiếm được hay bình định được, vua chúa đặt là “an” tức là cuộc chiến đã vãn hồi, hay an định. Nó còn là lời chúc phúc cho vùng đất đó hãy được bình an tránh khỏi các nạn can qua binh đao khói lửa. “Trường An” cũng còn có nghĩa là bình an lâu dài.

Nhưng Tràng An ở đây, đặc biệt trong thơ văn được dùng như là nghĩa bóng, nó ám chỉ thủ đô hay các thành phố lớn, có nghĩa là nơi trường thành an lạc lâu dài. Nên câu thơ trên có thể hiểu cụ thể thế này:

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người kinh đô

Câu này đúng ở khắp nơi, cả Việt Nam, lẫn Trung Quốc, và trên toàn thế giới. Nhưng tại sao, người Việt lại không dùng chữ “Kinh đô” mà là chữ “Tràng An”? Bởi vì chữ “Tràng An” là tên riêng, nó biến thành cái đặc thù hơn. Trong văn thơ và nghệ thuật cái đặc thù bao giờ cũng được đón rước hơn cái phổ quát. Người Pháp có nói “nghệ thuật là của tôi, khoa học là của chúng ta”. Nhưng chữ “Tràng An” trong câu thơ trên đã được biến thành cái đặc thù phổ quát, như trong câu “Cái gì của Xê-da hãy đem trả Xê-da”. Xê-da ở đây là bất kỳ ai, chứ đừng có nghĩ đây là hoàng đế La Mã mà hỏng bét.

Câu thơ trên không phải dành cho người Hà Nội, hay là người Hà Nội tự kiêu. Mà phải hiểu rằng nó nêu cao một phẩm chất của người thủ đô. Thủ đô không chỉ là niềm kiêu hãnh của riêng Hà Nội, mà là niềm kiêu hãnh của tất cả thủ đô và những thành phố lớn trên thế giới. Tại Việt nam, chúng ta đã từng có bốn thủ đô: Hoa Lư, thủ đô của nhà Đinh, Hà Nội thủ đô mở đầu với nhà Lý, Huế là thủ đô thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, và Sài Gòn dưới thời Việt Nam cộng hoà… Cả bốn nơi này đều có thể ngâm câu: Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.

Tại sao? Vì thủ đô luôn luôn tập trung về nhiều tinh hoa nhất, nhiều trí thức nhất, nhiều thợ lành nghề nhất, và cung đình là nơi đặt ra cũng như thành tựu nhiều qui tắc văn hoá. Các triết gia nói, văn minh nhân loại được hình thành nơi đô thị. Vì thế không thể sai khi nói: Thủ đô (các thành phố) là thanh lịch hơn thôn quê. Nhưng thủ đô, hay Hà nội, hoặc bất kể Tràng an nào nghĩa bóng hay nghĩa đen, không phải chỉ thuộc con người ở đó. Nếu người cha dặn con rằng: “Con đi lên thủ đô, ở đấy họ giỏi giang, lịch sự lắm…” thì có nghĩa cả cha và con họ đã tham dự vào giá trị siêu hình của thủ đô. Nếu một ông chồng hỏi bà vợ “bà chọn những củ khoai to làm gì?” Bà vợ trả lời “Để mang lên thủ đô bán”. Như vậy ngay cả củ khoai nó cũng tham gia vào giá trị tuyển lựa siêu hình của thủ đô. Giống vậy, tất cả mọi người bằng cách này hay cách khác nhập đô hay đi du lịch về thủ đô, thì chí ít họ đều siêu vượt hơn chính bản thân mình để tham gia vào giá trị siêu hình của thủ đô. Đừng nghĩ câu “Tràng An” là chỉ người thủ đô, mà đó là giá trị hướng tới cũng như tự hào của mọi dân tộc. Thật là cục bộ và cố chấp nếu chúng ta nghĩ nó chỉ thuộc về Hà Nội. Thủ đô là nơi tập trung về để xây nền văn minh. Làm gì có sự tập trung đó nếu không có sự nhập cư?!

2-Hoa nhài: Có người cho nó là hoa dung tục, không xứng đáng để ca ngợi là thanh lịch. Hoa nhài, có hai đặc điểm chính: mầu trắng thanh khiết, và mùi thơm thoang thoảng bền lâu. Mầu trắng biểu tượng cho cao thượng và trinh tiết. Vị thơm biểu hiện cho nội dung sâu sắc của con người. Còn nó dung tục ư? Nó rất thích hợp với đời sống của người thế tục, bởi vì con người còn có dục vọng thì còn là những gì thế tục, tầm thường. Như vậy hoa Nhài, rất thích hợp để ví vào con người.

3-“Chẳng thơm – Dẫu không”: Nhiều người cho đây là câu phủ định, nhưng không phải, đó là một hư từ để càng tăng cường tính khẳng định của lời nói. Người Pháp chẳng hạn, họ rất thường dùng từ “ni” trong câu, để vừa tăng cường tính khẳng định, vừa làm cho nó có độ mờ tế nhị. Chẳng hạn, nếu người Việt nói “Pê-lê mà không đá được bóng à”, thì có nghĩa Pê-lê đá bóng siêu giỏi là việc miễn bàn. Vậy, trong hai câu thơ trên phải hiểu thế này: là hoa nhài thì phải thơm, là người kinh đô thì phải thanh lịch.

Tóm lại, dù người đã ở kinh đô, hoặc đang tới kinh đô, dù người đã thanh lịch hay đang hướng tới thanh lịch thì đều nhắm đến một chuẩn mực cao cấp của một công dân ở kinh đô. Đó là cách hiểu đơn giản của mọi người từ cô bán bún riêu đến anh trí thức. Người ta vẫn nói: Khi chưa học, núi là núi, sông là sông; khi học rồi núi không còn là núi, sông không còn là sông; nhưng khi học xong rồi, thì núi vẫn là núi, sông vẫn là sông. Hy vọng, sau khi chúng ta tranh luận để rồi nên thấy: Dù người thủ đô, hay không thủ đô, thì nền văn hoá thủ đô vẫn sẽ là phẩm chất mà chúng ta tự hào, ngưỡng vọng, và luôn bồi đắp để cho nó mỗi ngày mỗi xứng đáng hơn. Xin cám ơn!

NGUYỄN HOÀNG ĐỨC

(Nguồn: Blog Lê Thiếu Nhơn)