Mục tiêu của chính sách thu hồi đất

Thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đây là một giải pháp lớn để thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội. Các trường hợp Thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đã được Luật đất đai 2013 quy định rất chi tiết và cụ thể, hoàn thiện hơn so với Luật đất đai cũ năm 2003. Vậy Thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng cụ thể như thế nào?

Cơ sở pháp lý: Luật đất đai 2013

Mục tiêu của chính sách thu hồi đất

Tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại: 1900.6568

1. Thu hồi đất:

1.1. Thu hồi đất là gì?

Thu hồi đất được hiểu là việc mà Nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người được Nhà nước trao quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất của người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai theo quy định của pháp luật.

Ví dụ: hộ gia đình, cá nhân được giao đất, cấp đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ nhưng tự ý chuyển nhượng cho người khác sinh sống ngoài khu vực rừng phòng hộ, mặc dù pháp luật có quy định rõ người sử dụng đất sinh sống ngoài khu vực rừng phòng hộ thì không được nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất đối với phần đất đang thuộc khu vực rừng phòng hộ. Trường hợp này, các bên trong quan hệ tặng cho, chuyển nhượng đang cố tình làm trái quy định của pháp luật. Đây là một trường hợp mà Nhà nước được quyền thu hồi đất.

1.2. Khái niệm về thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng:

Căn cứ dựa trên góc độ pháp lý và dựa trên khái niệm thu hồi đất, ta có thể đưa ra khái niệm thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng như sau:

Thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng được hiểu là việc dựa trên các quy định của pháp luật Nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người được nhà nước trao quyền sử dụng đất hay nhà nước quyết định thu lại đất của người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai để phục vu cho nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội trên cơ sở giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm cho mọi người, xã hội đều được hưởng những giá trị đất đai mang lại sau khi bị thu hồi theo quy định của pháp luật đất đai.

1.3. Sự cần thiết phải quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, công cộng:

Hiện nay đối với việc việc thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội đóng vai trò quan trọng và mang lại những lợi ích và nguồn lợi nhuận cao cho doanh nghiệp, nhà đầu tư cơ hội phát triển từ việc được giao đất thực hiện dự án, nhưng đồng thời làm mất đi tư liệu sản xuất, nhà ở của người bị thu hồi đất. bên cạnh đó dựa trên hiệu quả kinh tế, quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng để tạo động lực cơ sở vật chất cho quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, việc thu hồi đất nhằm mục đích phát triển kinh tế – xã hội là cần thiết, xuất phát từ những nguyên nhân cụ thể đó là:

Một là, ở Việt Nam đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu (Hiến pháp năm 2013). Nhà nước thực hiện quyền của chủ sở hữu thông qua việc quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất; quyết định chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất, hoặc người được trao quyền sử dụng đất tạo ra. Như vậy, thu hồi đất là phạm trù không thể thiếu trong toàn bộ các quyền của chủ sở hữu đất đai do Nhà nước làm đại diện.

Thứ hai đó là đối với thực hiện quy định về việc thu hồi đất để thực hiện các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị, dự án tái định cư… sẽ làm tăng thêm giá trị của đất, không chỉ những nơi có đất bị thu hồi, mà còn những khu vực “vệ tinh” của dự án. Theo đó, đây sẽ là trách nhiệm của Nhà nước trong việc thực hiện chính sách quản lý đất đai, điều tiết giá trị tăng thêm từ đất thông qua việc dịch chuyển vị trí đất trong các dự án phát triển kinh tế – xã hội, chuyển các loại đất khác thành đất thực hiện dự án.

2. Thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng:

Tại Điều 62. Thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng

Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trong các trường hợp sau đây:

1. Thực hiện các dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư mà phải thu hồi đất;

2. Thực hiện các dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư mà phải thu hồi đất, bao gồm:

a) Dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế; khu đô thị mới, dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA);

b) Dự án xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương; trụ sở của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; công trình di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, công viên, quảng trường, tượng đài, bia tưởng niệm, công trình sự nghiệp công cấp quốc gia;

Xem thêm: Điều kiện, trình tự thủ tục thu hồi đất, cưỡng chế thu hồi đất mới nhất năm 2022

c) Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia gồm giao thông, thủy lợi, cấp nước, thoát nước, điện lực, thông tin liên lạc; hệ thống dẫn, chứa xăng dầu, khí đốt; kho dự trữ quốc gia; công trình thu gom, xử lý chất thải;

3. Thực hiện các dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận mà phải thu hồi đất bao gồm:

a) Dự án xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội; công trình di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, công viên, quảng trường, tượng đài, bia tưởng niệm, công trình sự nghiệp công cấp địa phương;

b) Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật của địa phương gồm giao thông, thủy lợi, cấp nước, thoát nước, điện lực, thông tin liên lạc, chiếu sáng đô thị; công trình thu gom, xử lý chất thải;

c) Dự án xây dựng công trình phục vụ sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư; dự án tái định cư, nhà ở cho sinh viên, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ; xây dựng công trình của cơ sở tôn giáo; khu văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí phục vụ công cộng; chợ; nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng;

d) Dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới; chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn; cụm công nghiệp; khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung; dự án phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng;

đ) Dự án khai thác khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, trừ trường hợp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn, khoáng sản tại các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ và khai thác tận thu khoáng sản.

Theo đó Thực hiện các quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng là một trong những giải pháp lớn tạo động lực cho việc phát triển kinh tế – xã hội thông qua các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế và đối với các dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn, cụm công nghiệp… Các trường hợp thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế được quy định từ Luật Đất đai năm 2003, hoàn thiện theo Luật Đất đai năm 2013.

Xem thêm: Thủ tục, hồ sơ hoàn công công trình xây dựng mới nhất

Những quy định này là cơ sở pháp lý quan trọng cho quá trình hoàn thiện pháp luật theo hướng phù hợp với cơ chế quản lý kinh tế thị trường, việc tổ chức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Nhà nước nhằm tạo quỹ “đất sạch” phục vụ cho các dự án đầu tư, cũng như khuyến khích nhà đầu tư tạo quỹ đất thông qua việc tự thỏa thuận với người bị thu hồi đất đã bảo đảm ngày càng tốt hơn lợi ích hợp pháp của người bị thu hồi đất.

Bên cạnh đó khi thực hiện đối với quá trình thu hồi đất để phát triển kinh tế đến nay đã bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc, như nhiều doanh nghiệp không có năng lực tài chính, lợi dụng quy định này để “chạy dự án”, đầu cơ “giữ đất”, làm phát sinh những “dự án treo” ở nhiều nơi, gây lãng phí tài nguyên đất. Vì vậy, cần phải hoàn thiện các quy định pháp luật chưa bảo đảm mục đích phát triển kinh tế – xã hội.

Việc thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trong Luật Đất đai 2013 quy định đây là một trong những chế định quan trọng và việc này nó hướng tới giải quyết mối quan hệ về lợi ích giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư. Tuy nhiên, các chế định này theo Luật Đất đai năm 2013 vẫn chưa dự liệu được hết các tình huống bảo đảm sự hài hòa lợi ích của các bên. Theo đó nên vấn đề thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng cần được tiếp tục quan tâm, nghiên cứu chuyên sâu để bảo đảm tính toàn diện và đầy đủ hơn.