Hôn nhân tan vỡ vì sao

Một cuộc hôn nhân hạnh phúc phải có sự vun đắp từ cả hai phía. Nếu một trong hai người không còn xem trọng mối quan hệ này nữa thì sự đổ vỡ hạnh phúc gia đình hoàn toàn có thể xảy ra.

Hôn nhân là sự gắn kết đặc biệt giữa hai con người vốn từng xa lạ. Nó chính là tổ ấm, là nơi nương tựa của mỗi người khi trưởng thành. Tuy nhiên, cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng. Dưới đây là 7 dấu hiệu cho thấy cuộc hôn nhân của bạn đang gặp vấn đề.

1. Cuộc trò chuyện hàng ngày trở thành “khẩu chiến”

Dạo gần đây bạn thường xuyên cảm thấy bị tổn thương bởi nhiều hành động và lời nói của đối phương. Mọi cuộc thảo luận bỗng dưng biến thành một cuộc chiến vì bạn cảm thấy quan điểm của mình không được người ấy lắng nghe. Cả hai bạn bắt đầu khơi gợi lại những lỗi lầm trong quá khứ của nhau để săm soi, trách móc.

Thông thường, sau nhiều năm chung sống với người bạn đời, chúng ta ngừng tích cực lắng nghe và bắt đầu đưa ra các giả định như người ấy đã thay đổi, người ấy chẳng còn tôn trọng mình nữa… Các giả định này có rất nhiều điểm không chính xác bởi chúng hình thành dựa trên cảm xúc và góc nhìn chủ quan một phía.

Do đó, không tích cực lắng nghe có thể khiến cuộc hôn nhân của bạn dần đi vào bế tắc. Hai bạn đang mong muốn suy nghĩ của mình được đối phương lắng nghe nhưng không ai chịu hiểu cho nhau để hướng tới một giải pháp có hiệu quả.

Hãy nỗ lực để thực hiện kỹ năng lắng nghe tích cực bằng cách thể hiện sự tôn trọng thông điệp mà người nói đưa ra. Bạn cần thu thập thông tin trong quá trình nghe, tránh phản ứng bằng những câu nói gây ảnh hưởng đến tinh thần của đối phương và cố gắng tìm ra giải pháp để cả hai đều thỏa mãn.

Hôn nhân tan vỡ vì sao

Ảnh: Anthony Tran

2. Có rất nhiều khoảng lặng trong hôn nhân

Dạo gần đây, bạn rất hay im lặng vì cảm thấy không có gì để nói và việc thảo luận về các vấn đề hôn nhân của mình với người khác trở thành một việc thú vị. Tuy nhiên, vợ/chồng của bạn nên là người nhận được sự tin tưởng của bạn thông qua việc trò chuyện với nhau mỗi ngày, cho bạn lời khuyên hay tìm cách giúp bạn khắc phục những khó khăn trong cuộc sống. Sự thân mật tình cảm này chính là nền tảng của một cuộc hôn nhân bền vững.

Khi bạn chọn người khác để sẻ chia, bạn sẽ vô tình phủ nhận vai trò của bạn đời. Theo Tiến sĩ Shirley Glass và Jean Staeheli, tác giả của sách Không chỉ là bạn bè, việc chia sẻ những chuyện đáng chú ý trong ngày của bạn hoặc những rắc rối trong hôn nhân với một đối tượng khác chính là đang xây dựng một bức tường ngăn cách giữa bạn và vợ/chồng. Càng nhiều rào cản giữa hai bạn, hôn nhân càng đi vào ngõ cụt.

3. những yếu tố tiêu cực xuất hiện

Theo nhà nghiên cứu tâm lý John Gottman, cuộc hôn nhân của bạn chắc chắn sẽ gặp trục trặc nếu xuất hiện 4 yếu tố tiêu cực sau:

Phê bình tiêu cực

Phê bình là đưa ra đánh giá về những phần tốt và phần xấu của một cái gì đó. Tuy nhiên, khi phê bình vợ/chồng mình, bạn thường chỉ nhắm đến những điều chưa tốt. Bạn phàn nàn về chiếc áo sơmi mới của chồng vì nó quá đắt, chỉ trích gay gắt vợ mình khi cô ấy nấu canh hơi mặn… Thay vì nhìn nhận mọi thứ ở góc độ khách quan, bạn chỉ nhìn thấy lỗi lầm của họ và không có bất kỳ sự cảm thông nào.

Phòng thủ quá mức

Khi nghe bất cứ lời góp ý nào từ đối phương, bạn cũng có xu hướng phòng thủ tuyệt đối. Bạn tự biện minh cho mình bằng cách cố tình gạt bỏ tất cả những lý lẽ chính đáng của họ cho dù bạn biết mình đang sai. Bạn luôn có cảm giác mình bị tấn công và cần phải phòng thủ một cách quyết liệt. Thật không may, điều này sẽ khiến đối phương cảm thấy bạn không hề nghiêm túc và rất ích kỷ. Sự phòng thủ hiếm khi dẫn đến những giải pháp tốt trong các tình huống.

Khinh thường

Bạn hay chế giễu bạn đời vì một số điều kiện của họ không bằng mình như tiền lương, hoàn cảnh gia đình, địa vị… Điều này làm cho đối phương cảm thấy tự ti và cho rằng bạn không tôn trọng họ.

Phản ứng dữ dội

Khi vợ/chồng bạn từ chối đi đâu đó cùng bạn, gọi điện không nghe máy vì họ đang bận… bạn sẽ phản ứng rất gay gắt bằng cách lớn tiếng hoặc có những hành động thiếu lịch sự. Trong một mối quan hệ, khi việc “ném đá” như thế này đã bắt đầu, nó có thể nhanh chóng trở thành một thói quen xấu và khó dừng lại.

Hôn nhân tan vỡ vì sao

Ảnh: Athony Tran

4. Chuyện ân ái không còn mặn nồng

Tình dục không chỉ tốt cho cảm xúc mà còn giúp duy trì sự bền vững của hôn nhân. Quan hệ tình dục thường xuyên với bạn đời giúp cải thiện sự tự tin của cả hai. Khi “yêu”, cả hai bạn đặt niềm tin vào nhau và điều đó giúp gia tăng sự thân mật. Sự sẻ chia và thấu hiểu trong “chuyện ấy” tạo ra mong muốn gần gũi và gắn bó với bạn đời, dẫn đến sự hài lòng trong mối quan hệ được cải thiện. Do vậy, thiếu vắng chúng sẽ khiến hôn nhân trở nên nguội lạnh.

5. Không có nhiều thời gian dành cho nhau

Thay vì dành thời gian cho nhau thì bạn lại bận rộn với các cuộc vui ngoài xã hội và thậm chí ngay khi ở nhà, bạn cũng làm việc riêng ở một góc nào đó. Nếu bạn tránh việc dành thời gian cho người bạn đời của mình, cả hai bạn sẽ bị mất kết nối và ngày càng xa nhau hơn. Khoảng cách này khiến đối phương hiểu rằng bạn không còn xem trọng mối quan hệ.

Mọi sinh vật đều cần được chăm sóc. Không được chăm sóc và nuôi dưỡng, chúng sẽ chết. Cũng giống như đứa trẻ, thú cưng hoặc cây trồng trong nhà, mối quan hệ hôn nhân của bạn sẽ không thể tồn tại nếu thiếu sự chăm sóc và vun đắp.

Hôn nhân tan vỡ vì sao

Ảnh: Clara

6. Không làm gì để cứu vãn cuộc hôn nhân

Tất cả các cặp vợ chồng đều trải qua thời kỳ “khủng hoảng” trong hôn nhân. Tuy nhiên, nếu thời kỳ đó kéo dài hơn hai năm mà không có dấu hiệu cải thiện, có lẽ đã đến lúc bạn tìm đến một chuyên gia tư vấn hôn nhân. Nếu không còn thiết tha với mối quan hệ này nữa thì một kết thúc trong êm đẹp có lẽ là hướng giải quyết tốt nhất cho cả hai.

7. Mơ mộng về một cuộc sống không có bạn đời

Thường xuyên tưởng tượng về một cuộc sống không có vợ/chồng cũng là một dấu hiệu cho thấy bạn không còn thiết tha với mối quan hệ hôn nhân nữa. Bạn biến cuộc hôn nhân của mình thành cuộc sống độc lập của hai người xa lạ bằng cách đưa ra các quyết định về các vấn đề trong gia đình như bạn đang độc thân. Bạn không còn cân nhắc ý kiến ​​hay nguyện vọng của đối phương. Cho dù bạn có quyết định duy trì mối quan hệ hay không, bạn vẫn đang ngầm gửi tín hiệu cho người ấy biết rằng bạn chẳng còn xem trọng sự tồn tại của họ nữa.

CHÚNG TA NÊN LÀM GÌ?

Hôn nhân tan vỡ vì sao

Ảnh: Vince Flemming

Hãy dành một chút thời gian ngay bây giờ và nhắm mắt lại. Chỉ tập trung vào hơi thở của bạn và tiếp tục làm như vậy cho đến khi bạn cảm thấy mình thật sự tĩnh tâm. Trong trạng thái này, hãy tự hỏi, cuộc hôn nhân của mình có hạnh phúc thật sự không?

Lúc này, chính trực giác của bạn sẽ nói lên sự thật. Bề ngoài, bạn cố tình phủ nhận mọi dấu hiệu cho thấy rạn nứt đang xảy ra nhưng trực giác của bạn thì không. Hãy trung thực với chính mình. Càng để lâu thì càng có nhiều vấn đề không thể khắc phục được.

Sau khi đã đối mặt với sự thật, bạn hãy tiếp tục tự hỏi chính mình những câu như “Mình có còn muốn gắn bó với người ấy nữa không?”, “Mình có thể làm gì để cứu vãn cuộc hôn nhân này?”… Sau khi suy nghĩ xong, hãy tự đưa ra quyết định thật đúng đắn bạn nhé!

Hôn nhân tan vỡ vì sao

Ảnh: Wu Jianxiong

Nhóm thực hiện

Lược dịch: Thu Trang

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: The Minds Journal

Tại Mỹ, tỷ lệ ly hôn ở những người trên 50 tuổi đã tăng gấp đôi từ năm 1990 đến năm 2010.

Trong xã hội ngày nay, những cuộc chia tay ở tuổi trung niên dần phổ biến hơn so với các thế hệ trước. Susan L. Brown, giám đốc Trung tâm Quốc gia về Nghiên cứu Hôn nhân và Gia đình tại Đại học Bowling Green State ở Ohio, Mỹ nhận xét: "Những người lớn tuổi ngày nay ít có khả năng sẵn sàng tiếp tục cuộc sốn hôn nhân rỗng tuếch. Hôn nhân trong thời đại này hướng đến hạnh phúc cá nhân nhiều hơn so với các thập kỷ trước. Lứa tuổi trung niên đặt kỳ vọng rất cao vào những điều tạo nên thành công trong hôn nhân".

Vậy thủ phạm chính dẫn đến ly hôn ở lứa tuổi tóc đã hoa râm là gì?

Sự không chung thủy

Bà Brown, nhà sáng lập và vận hành website chuyên về ly hôn ở tuổi trung niên (Midlife Divorce Recovery), cho rằng một trong những lý do lớn nhất dẫn đến ly hôn hoa râm là sự không chung thủy. Đây là lựa chọn của một trong hai đối tác khi phát hiện nửa kia phụ bạc mình, khiến họ không còn ý định níu kéo dù vì bất cứ lý do nào. Brown cho rằng việc ly hôn giúp cho cuộc sống của mình trở nên độc lập hơn và có nhiều điều tích cực hơn, ví dụ như sự vui vẻ, những những mục đích mới...

Vấn đề tiền bạc

Trong cuộc khảo sát "Căng thẳng ở Mỹ" năm 2020 do Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ thực hiện, 64% người trưởng thành cho biết tiền bạc là nguồn căng thẳng đáng kể trong cuộc sống của họ. Mỗi người có một cách quản lý tiền bạc khác nhau nên dễ nảy sinh mâu thuẫn.

Karen Covy, luật sư ly hôn ở Chicago, cho biết không phải lúc nào vấn đề tiền nong giữa vợ chồng cũng bao gồm việc có bao nhiêu tiền. Đó còn là quan điểm tiền có ý nghĩa thế nào với vợ/chồng, những quan điểm đó có mâu thuẫn nhau hay không? Ví dụ, đối với người thích tiêu tiền, tiền bạc tương đương với tự do; trong khi đối với người tiết kiệm, tiền đại diện cho sự an toàn. Người hay tiêu tiền coi những người tiết kiệm là keo kiệt, trong khi những người tiết kiệm có thể coi những người hay tiêu tiền là lãng phí. Một xung đột phổ biến khác là một người ở nhà làm nội trợ, người kia kiếm tiền cho gia đình, cuối cùng giữa hai người nảy sinh mâu thuẫn căng thẳng về quan điểm tài chính. Sau nhiều năm, khi mâu thuẫn tích tụ bùng nổ, hai phía khó tránh sự đổ vỡ.

Thiếu giao tiếp

Nghiên cứu hành vi của các cặp vợ chồng do Viện Gottman thực hiện chỉ ra có bốn phong cách giao tiếp gây ra sự kết thúc của một mối quan hệ, đó là chỉ trích, khinh thường, phòng thủ và "ném đá". Trong mối quan hệ vợ chồng, khi một trong những lối ứng xử này xuất hiện, giữa hai người hình thành sự xa cách và tâm lý không tin cậy, dần là nguyên nhân dẫn đến chia tay.

Tổ ấm trống rỗng

Mùa hè năm 2019, khi hai con gái đã lớn, anh Dan Tricarico - người Mỹ, 57 tuổi, nhận ra rằng vợ chồng anh đã thực sự không còn cần đến nhau nữa. Anh nhận thấy trong mối quan hệ, khi hai người di chuyển theo những hướng khác nhau và có những ưu tiên khác nhau, giữa họ dần không còn điểm chung nào. Đó là lúc tổ ấm, thứ hai người cùng vun đắp trở nên trống rỗng và mất đi mọi giá trị cảm xúc.

Khi một trong hai người không còn tìm thấy sự ấm áp trong ngôi nhà từng xây đắp sau nhiều năm, xu hướng rời đi đó sẽ hình thành. Đây có thể là khởi đầu cho việc một trong hai phía tìm một tình yêu mới, khiến hôn nhân tan vỡ.

Các vấn đề không được giải quyết trong quá khứ

Những mâu thuẫn, bất đồng quan điểm tồn đọng suốt nhiều năm không được giải thích có thể giống như một đám lửa âm ỉ, một lúc nào đó sẽ bùng phát, cháy dữ dội và làm tan vỡ hôn nhân.

Bernadette Murphy, 58 tuổi, một phụ nữ Mỹ đã thông báo ly hôn năm 2021, sau nhiều năm sống với chồng. Cô nói bạn bè rất sốc khi vợ chồng cô tuyên bố ly hôn. Tuy nhiên, chỉ cô và chồng biết lý do tại sao họ đi đến lựa chọn này sau nhiều lần nung nấu ý định. Cô nhận xét giữa hai người có sự khác biệt về quan điểm sống và luôn không hợp nhau, dẫn đến rất nhiều vấn đề không được giải quyết trong quá khứ.

Theo các nhà tâm lý học, những vấn đề không được giải quyết trong suốt thời gian chung sống có thể gây ra sự ức chế tâm lý, tổn thương cảm xúc, khiến hạnh phúc hiện tại bị đe dọa. Trong khi đó, tuổi trung niên là khoảng thời gian mỗi người tạm biệt một giai đoạn của cuộc đời, đồng thời chào đón một giai đoạn khác. Do đó, việc thừa nhận, giải quyết các vấn đề chưa được giải quyết giúp giải phóng bản thân mỗi người khỏi những ràng buộc, kìm hãm họ khỏi sự thoải mái trọn vẹn.

Thùy Linh (Theo AARP)