Eternal sunshine of the spotless mind đánh giá

“Ôi lạy Chúa, mình nhất định phải viết mọi cảm xúc này ra ngay trước khi chúng trôi tuột mất” là những gì mình nghĩ ngay sau khi xem Eternal Sunshine Of The Spotless Mind(2004). Một bộ phim được bấm máy từ 10 năm trước và giờ khi xem mình vẫn cảm thấy nó thật tuyệt.

Bộ phim kể lại quá trình Clem và Joel – hai con người đau khổ trong tình yêu, cố xóa đi ký ức về nhau khỏi cuộc đời. Lối kể chuyện của đạo diễn Gondry quả thực thật tài tình. Ông khéo léo đan xen giữa thực tế và những mảnh ký ức của Joel về Clem khiến người xem đôi lúc tự hỏi đâu là thực đâu là ảo. Những mảnh ký ức ấy không được Gondry lồng vào theo trật tự thời gian. Nếu tinh ý, bạn có thể nhận thấy điều ấy khi nhìn màu tóc của Clem. Khi ngọn lửa tình yêu trong cô bùng cháy, tóc của Clem có màu đỏ rực. Khi ngọn lửa ấy nguội dần, tóc của cô chuyển sang màu cam. Và cuối cùng mái tóc biến thành một màu xanh tuyệt vọng và buồn bã, khi cô quyết định rời bỏ Joel.

Eternal sunshine of the spotless mind đánh giá

Lúc mở đầu bộ phim mình đã không hiểu lắm. Nhưng khi kiên nhẫn xem hết bộ phim, mình mới nhận ra Gondry chọn cách mở đầu bộ phim bằng một cái kết rồi lại quay trở về mở đầu như một lời giải thích. Không hiểu sao nhưng mình luôn thích những bộ phim có cách mở đầu như vậy.

Bộ phim hội tụ đầy đủ mọi cảm xúc khi yêu. Hạnh phúc có, giận hờn có, tuyệt vọng có, đau khổ có. Càng xem lại càng thấy mê. Đặc biệt, câu chuyện không chỉ xoay quanh Clem và Joel mà còn hai nhân vật đáng chú ý nữa là Howard và Mary. Cái kết của bộ phim có chút sáng lạn hơn, điều đó phải cảm ơn Mary. Cô đã dũng cảm làm chuyện không hề dễ dàng nhưng mình cho là đúng đắn. Ta sẽ chẳng biết mọi chuyện đi đến đâu khi Clem bà Joel nhận ra nhau nhưng sau khi xem bộ phim xong, ta chắc chắn một điều rằng ký ức về ai đó không thể dễ dàng xóa bỏ dù khi lý trí bạn muốn nhưng con tim lại mách bảo rằng chuyện đó còn làm nó tổn thương hơn. Mình nghĩ đấy cũng là những gì đạo diễn muốn gửi gắm đến người xem.

Eternal sunshine of the spotless mind đánh giá

Bàn một chút về lối diễn xuất của các nhân vật. Jim Carry hoàn toàn thoát khỏi cái bóng vai diễn hài khi tham gia bộ phim này. Cảnh Joel lái xe và khóc, cảnh anh ngồi trầm tư ở bãi biển, diễn rất đạt. Còn Kate Winslet với lối diễn linh hoạt thì khỏi phải chê. Những dụng ý trong cách tạo dựng phim của đạo diễn cũng thật khéo léo như sự thay đổi màu tóc của Clem. Như mặt các nhân vật bị mờ đi khi ký ức bị xóa dần. Nhạc phim cũng chẳng thể chê. Mình rất thích nhạc theme và bài hát khi kết thúc bộ phim.

Tóm lại, thật không uổng phí thời gian khi thức tới giờ này để xem Eternal Sunshine of The Spotless Mind. Và thật may mắn khi tốc độ type của mình cũng khá là nhanh để bắt kịp dòng chảy cảm xúc của bản thân. Thật tuyệt khi chuẩn bị đi ngủ bằng cách xem một bộ phim hay.

*Đây là bản dịch review của Roger Ebert về bộ phim “Eternal Sunshine of the Spotless Mind”. Original review của ông: https://www.rogerebert.com/reviews/eternal-sunshine-of-the-spotless-mind-2004-1

Eternal sunshine of the spotless mind đánh giá
Kate Winslet và Jim Carrey trong “Eternal Sunshine of the Spotless Mind”

Ghé thăm nhà của những người già cả, tôi bước trên hành lang của tầng nhà được dùng để hỗ trợ cho cha mẹ của những bệnh nhân Alzheimer. Một số bệnh nhân có vẻ lo lắng. Một số khác thì trông tức giận. Không hề biết gì về những điều đang diễn ra trong tâm trí họ, tôi tự hỏi liệu những người trông lo lắng và tức giận đấy có ý niệm gì về việc họ là ai và có điều gì đó không ổn hay không. Tôi nhớ lại những con người thờ ơ trong bộ phim “Eternal Sunshine of the Spotless Mind”. Xoá sạch ký ức, họ luôn sống trong thực tại – thứ mà họ chấp nhận bởi vì thực tại là tất cả những gì họ có.

Trong phần kịch bản phim, Charlie Kaufman đã để nhân vật trích dẫn lời của Alexander Pope:

Kẻ ngây thơ vô tội hạnh phúc làm sao!/ How happy is the blameless vestal’s lot!

Quên hết cõi đời bị cõi đời lãng quên./ The world forgetting, by the world forgot.

Ánh dương bất tận của một tâm hồn không chút vướng bận!/ Eternal sunshine of the spotless mind!

Từng lời thỉnh cầu hiển hiện và mọi điều ao ước đạt thành…/ Each pray’r accepted, and each wish resigned…

Alexander Pope

Đoạn này đến từ một bài thơ rất dài mà tôi đồ rằng nhân vật Mary trong phim đã nằm lòng. Khán giả không cần biết điều đó; nhiều người có thể chẳng biết nhiều hơn cô ấy khi cô gọi tác giả là Giáo hoàng Alexander. Cô trích dẫn vì cô đang cố gây ấn tượng với ông chủ mà cô yêu mến. Kaufman có sở trường về việc giải thích một chủ đề theo cách “nhẹ tựa thinh không” trên màn ảnh. Hãy nghĩ đến việc biết bao thông tin của quá trình tiến hoá mà ông đã thể hiện trong phần kịch bản của “Apdation”.

Kaufman, nhà biên kịch tài năng nhất thập niên 2000s, quan tâm hơn hết về tiến trình của suy nghĩ và ký ức. Kịch bản của ông cho bộ phim “Being John Malkovich” (1999) của Spike Jonze liên quan đến cách sử dụng quãng thời gian 15 phút trong tâm trí của một người khác. Hay “Human Nature” (2001) của Michel Gondry liên quan đến thuyết Bản chất hay Môi trường sống ảnh hưởng đến hành vi của con người chúng ta: chúng ta sinh ra đã như vậy, hay chúng ta học hỏi để như vậy? Hoặc “Adaptation” (2002) của Jonze so sánh sự tương phản giữa sự tiến hoá của hoa lan (thứ giả định hình thức tuyệt vời để kiếm sống) với những cặp song sinh – một người được tạo ra từ bản chất của anh ta, người còn lại được viết nên từ môi trường sống. Trong “Confessions of a Dangerous Mind” (2002) của George Clooney, ông để người sáng tạo gameshow Chuck Barris có một cuộc sống hai mặt ẩn dưới danh tính của một sát thủ CIA chết chóc (Barris tin rằng câu chuyện này là có thật). Bộ phim đầu tiên của Kaufman với vai trò đạo diễn – “Synecdoche, New York” (2008) – là thử thách lớn nhất với ông. Ông cố gắng hết mức để kịch tính hoá cách thức mà tâm trí của chúng ta đối phó với những diện mạo khác nhau của chính bản thân mình và cố gắng sắp xếp các khía cạnh của trải nghiệm vào các ngăn riêng biệt mà chúng ta có thể kiểm soát được.

Những thứ vừa kể trên trông giống như là chủ đề của những lớp học về tiến hoá hoặc khoa học thần kinh, nhưng Kaufman và các đạo diễn của ông đã sắp xếp chúng như những bộ phim diễn ra khá rõ ràng theo hướng mà khán giả chúng ta dường như đang theo dõi, cho đến khi chúng ta đạt đến những giới hạn của sự nhận dạng. Giống như “Malkovich”, “Eternal Sunshine of the Spotless Mind” sáng tạo ra một thiết bị tuyệt vời cho những sự khác thường của chính nó, và từ chối một cách khôn ngoan để khỏi phải giải thích điều gì. Tất cả những gì chúng ta biết là việc có một công ty mờ mịt nào đó ở Boston cung cấp cho bạn dịch vụ xóa ký ức về một người cụ thể hoặc bất cứ điều gì khác.

Bộ phim mở đầu bằng một Meet Cute (1). Thật vậy, bộ phim được xây dựng nên bằng những Meet Cute, dù một vài cuộc gặp gỡ cũng không dễ thương gì cho lắm. Một “thanh niên nghiêm túc” rầu rĩ nọ tên là Joel (Jim Carrey) vô cớ bắt một chuyến tàu và gặp Clementine (Kate Winslet) tại một nhà ga – người mà nghĩ rằng họ đã gặp nhau từ trước đây. Anh thì không cho là như vậy. Nhưng cô thì cứ khăng khăng. Anh về nhà cùng cô và họ ngủ cùng nhau. Sự thật là họ đã gặp nhau trước đấy và từng yêu nhau, nhưng chuyện tình của họ kết thúc một cách tồi tệ và cả hai đều có những ký ức bị tẩy xoá.

Điều đó khá là rõ ràng. Và càng trở nên rõ ràng hơn về sau, khi Joel đáng thương phát hiện ra việc Clementine đã làm, và để trả thù, anh quyết định xoá sạch cô khỏi ký ức của mình. Đầu anh được bọc trong một chiếc mũ bảo hộ kim loại có hình thù như quả banh, được kết nối với một máy tính báo động nhỏ được điều khiển bởi một kỹ thuật viên mang tên Stan (Mark Ruffalo) – người nhấm nháp bia với đồng nghiệp là Mary (Kristen Dunst). Họ đang nhảy trên giường với bộ đồ lót trên người thì tâm trí Joel “rời khỏi bản đồ”.

Quá hoảng hốt, Stan gọi cho ông chủ của của mình – Dr. Mierzwiak (Tom Wilkinson) – người cũng trông hoảng hốt như anh ta vậy. Trong chiếc mũ bảo hộ, Joel đấu tranh một cách tuyệt vọng để ngăn cản việc mất hết tất cả ký ức về Clementine. Anh thực sự đã thay đổi suy nghĩ của mình về việc thay đổi suy nghĩ. Đến đây thì Kaufman đã nhảy ra khỏi đường ray và làm cho khán giả chúng ta rơi vào mê cung của thời gian và thực tại. Chúng ta nhìn thấy Joel và Clementine vào những thời điểm khác nhau trước khi cả hai mất hết ký ức về nhau, sau khi cô xoá bỏ nó, và trong suốt quá trình xoá ký ức của anh – khi anh thậm chí cố gắng giấu ký ức về cô bằng cách nguỵ trang cả hai dưới hình dạng của những người bạn chơi cùng nhau thời thơ ấu.

Một số người xem hơi bối rối bởi sự tiến triển của mạch phim thông qua sự sắp xếp thời gian và các địa điểm, nhưng tôi nghĩ những nghịch lý sẽ được lý giải nếu chúng ta nhận ra rằng tất cả mọi thứ đều chỉ diễn ra ở một nơi duy nhất – trong tâm trí của Joel. Sự ngắt quãng được giải thích bằng những ký ức rời rạc của anh khi họ ở bên nhau trước, trong và sau khi xoá sổ ký ức. Sự tiếp nối ở sân ga đầu phim càng gần với mốc thời gian kết thúc phim.

Bây giờ là lúc chúng ta nên gắn kết tất cả mảnh ghép lại với nhau. Gombry và Kaufman sử dụng tính chất của chính điện ảnh để cho phép bộ phim trở nên có ý nghĩa về mặt cảm xúc trong khi phim ảnh thì lúc nào cũng khó hiểu theo bất kỳ cách nào. Chúng ta biết rằng tâm trí chúng ta dễ dàng lĩnh hội và chấp nhận hồi tưởng, ảo giác và những mâu thuẫn thực tế. Thậm chí một đứa trẻ nhỏ xíu biết hồi tưởng lần đầu tiên trong đời cũng có thể hiểu ra thứ gì đang được truyền đạt. Khi những sự kiện bất khả thi xảy đến, chúng ta hiểu rằng chúng là những thứ chủ quan – được tạo ra bởi tâm trí của những người chứng kiến chúng. Điều đó giải thích cho ngôi nhà đổ nát trong “Eternal Sunshine of the Spotless Mind” và ngôi nhà cháy bùng trong “Synecdoche”. Chúng ta biết điều đó tại thời điểm chúng không phải là “thật”, và sau đó chúng ta bỏ lỡ vấn đề nếu cứ đòi hỏi một “lời giải thích”. Những bộ phim như thế này được thực hiện với một cái nhìn sâu sắc về cách thức mà tâm trí biên dịch thông tin.

Kaufman không chỉ đơn thuần là một nhà biên kịch tài tình mà còn là người rất sắc sảo. Để ý đến cách ông sử dụng mạch truyện phụ hài hước (comic subplot) liên quan đến Joel, Catherine và Patrick (Elijah Wood) – một trợ lý văn phòng ngờ nghệch không biết gì – như là điểm đối chiếu cho cốt truyện trung tâm khó nhằn của ông. Và cách mà bác sĩ Mierzwiak có vai trò giống như nhân vật Prospero (2) – nhân vật mang lại sự trang trọng cho một tiền đề phi lý. Nếu chúng ta phàn nàn về những “nhân vật phụ” này, chúng ta có thể cũng phàn nàn về thứ tương tự trong vở kịch của Shakespeare. Thật khó để tập trung vào 2 người trong một tình huống bất khả thi có đến 3 hành động, và thậm chí còn khó hơn để làm việc đó trở nên thú vị, như là một bộ phim như thế này. Kaufman sử dụng sự trợ giúp của yếu tố hài kịch như là một công cụ quan trọng cho bộ phim của ông.

Kịch bản phim của ông đòi hỏi những diễn viên phải giữ mặt bình thản như không khi đứng giữa trung tâm của một trò hề. Không gì tai hoạ bằng việc một diễn viên ra dấu rằng chất liệu phim là hài hước. Việc đó là để khán gải chúng ta quyết định. Đối với nhân vật, đó là cuộc sống của anh ta, và không có điều gì vui vẻ cả. Keaton không bao giờ cho phép mình cười hay nháy mắt; Chaplin đôi khi, nhưng là quá nhiều. Jim Carrey trong “Eternal Sunshine” là một kẻ vô dụng dại khờ từ đầu đến cuối (sad sack throughout), John Cusack trong “Malkovich” thì tha thiết muốn làm điều tốt, và Malkovich tự làm nên một sự nghiệp chính trực; Philip Seymour Hoffman trong “Synecdoche” tuyệt vọng tìm cách nắm giữ bộ máy tinh thần của mình (và bản thân bộ phim không có gì là buồn cười).

Lý do tôi phản ứng mạnh mẽ với chất liệu này là bởi vì nó liên quan đến nỗi ám ảnh của tôi giữa việc chúng ta thực sự là ai với thứ chúng ta vẫn nghĩ là mình. Bí thuật của việc giao tiếp với người khác, tôi nghi ngờ rằng, có thể nằm ở việc giao tiếp với người mà anh ta nghĩ anh ta là như thế. Làm như vậy thì bạn có thể đùa giỡn với một người tuyệt vời và đối xử với một người tầm thường bằng một thái độ kính trọng sâu sắc. Họ sẽ ghi nhận bạn với cái nhìn sâu sắc.

Sự khôn ngoan của “Eternal Sunshine of the Spotless Mind” nằm ở việc bộ phim soi sáng cái cách mà ký ức liên hệ với tình yêu. Chúng ta dễ dàng nhớ về niềm vui hơn là nỗi đau. Tôi nhớ tiếng cười của các y tá tại bệnh viện chứ không phải là những đêm mất ngủ. Một kẻ say rượu nhớ đến những cuộc hoan ca hơn là dư vị khó chịu của thức uống có cồn. Một ứng cử viên chính trị nhớ đến tràng pháo tay tán thưởng. Một kẻ si tình thất bại nhớ đến những lần viên mãn.

Những gì Joel và Clementine bấu víu vào là những khoảnh khắc hoàn hảo khi cuộc sống của họ dường như được đất trời ban phước, và ánh dương sẽ chiếu sáng tình yêu đó mãi mãi. Tôi hy vọng đó là những khoảnh khắc mà một số bệnh nhân được đóng băng. Họ có vẻ bình yên.

——————————————————————————-

(1) Meet Cute: thuật ngữ điện ảnh dùng để chỉ những tình huống hài hước và thú vị mà ở đó hai nhân vật gặp nhau và dẫn đến sự phát triển của một mối quan hệ lãng mạn.

(2) Prospero: là một nhân vật trong vở kịch The Tempest (Giông Tố) của Shakespeare. Bối cảnh chính của vở kịch diễn ra một hòn đảo hoang chỉ có Prospero, vốn là công tước hợp pháp của Milan, sống cùng con gái Miranda. Họ bị lưu đày bởi Antonio, em trai của Prospero, người đã họp mưu với Alonso, vua xứ Naples, để hãm hại Prospero và chiếm ngôi. Xuyên suốt vở kịch là diễn biến những mưu mô của Prospero nhằm lấy lại quyền lực đã mất và tìm cách đưa Miranda lấy lòng Ferdinand, con trai của Alonso, để nàng trở thành hoàng hậu sau này.

P/s:

Roger Ebert là nhà phê bình phim ảnh đầu tiên đoạt giải Pulitzer cho lĩnh vực phê bình. Lý giải cho việc ông nhắc đến bệnh viện và những bệnh nhân trong bài viết vì quãng thời gian này ông phải chống chọi với căn bệnh của mình.