Đánh giá sách dám bị ghét

Dám bị ghét không có nghĩa là muốn bị người khác ghét, chủ động làm người khác ghét hay tự cô lập bản thân

Đánh giá sách dám bị ghét

Dám bị ghét, một quyển sách rất nổi tiếng được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam năm 2018, đã được bán hơn 3,5 triệu bản tại Nhật Bản vào cùng thời điểm, đồng thời là một trong những tác phẩm bán chạy nhất toàn cầu. Nội dung quyển sách thông qua đối thoại kiểu đặt câu hỏi của Plato để truyền đạt học thuyết Tâm lý học Cá nhân của Alfred Adler đến bạn đọc. Nhiều năm qua đã có nhiều bài tóm tắt, đánh giá, hướng dẫn ứng dụng quyển sách này, nhưng sẽ thật khó để “thấm” một quyển sách nếu chúng ta không thật sự hiểu nhiều về nó.

Theo quan điểm cá nhân tôi, đây là một quyển sách hay và khó đọc dù có thể tạm liệt kê vào dòng sách “self-help”, tuy nhiên self-help này lạ lắm, đọc nhanh để “chạy KPI” cho kịp hết những trang sách thì không khó, nhưng để thật sự liên kết được và hiểu các trích dẫn khác liên quan đến khái niệm, danh nhân Triết học hoặc Tâm lý học thì đòi hỏi người đọc sẽ cần có trước một lượng kiến thức nền hoặc phải dành thêm thời gian tra cứu, so sánh nhiều văn bản khác nhau trong khi đọc.

Tập hiểu sâu rất quan trọng, cái lợi của việc “mất thời gian” này là các bạn sẽ biết thật sự mình đang được tiếp cận với các nguồn kiến thức nào từ đó bổ sung vào những cái hiểu đã có, tạo nên một sự hiểu sâu sắc hơn, và đây cũng là cách để học một kiến thức mới. Và nếu bạn cho phép tôi (cùng với sự hiểu biết nhỏ bé của mình), có thể hỗ trợ bạn một phần nào đó để hiểu sâu hơn “Dám bị ghét” thì nội dung bài viết này là dành cho bạn. Cùng bắt đầu nhé!

1- Những đồng tác giả chất lượng:

Chúng ta hãy cùng tập thói quen tìm hiểu về nguồn gốc trước khi tiếp cận bất kỳ kiến thức nào. Hãy luôn đặt câu hỏi, những tác giả này đã đủ tin cậy để bạn lựa chọn học hỏi hay chưa?

“Dám bị ghét” được đồng chấp bút bởi hai tác giả người Nhật. Kishimi Ichiro (1956) là một nhà triết học có đam mê đặc biệt với Triết học Hy Lạp cổ. Đồng thời ông cũng là người có những nghiên cứu chuyên sâu về tâm lý học trường phái Alfred Adler, đã từng xuất bản nhiều sách về nội dung này. Hiện nay ông đang giảng dạy về tâm lý học tại Osaka và có phòng khám tâm lý riêng tại Kyoto. Người thứ hai là Koga Fumitake (1973), một nhà văn chuyên nghiệp đã đạt được nhiều giải thưởng danh giá, sở trường của ông là các tác phẩm đối thoại. Ông đã vận dụng thể đối thoại trong Triết học Hy Lạp cổ để viết nên quyển sách này sau nhiều buổi viếng thăm, học hỏi và trao đổi cùng Kishimi Ichiro về trường phái tâm lý học Alfred Adler.

Vậy, tính chuyên môn của sách đã được đảm bảo bởi những tay viết lão luyện trong chính lĩnh vực mà họ dày công nghiên cứu.

2- Triết học thì có liên quan gì trong một quyển sách về Tâm lý học?

Triết học là bộ môn đi tìm lời giải cho những câu hỏi lớn về con người, thế giới quan, vị trí con người trong thế giới quan và các vấn đề có kết nối với chân lý. Nếu có một lĩnh vực có thể bao trùm tất cả mọi lĩnh vực khoa học thì đó chính là Triết học. Mọi ngành khoa học đều bắt nguồn từ Triết học, sau khi đã đủ lớn mới dần tách ra và trở thành những lĩnh vực phát triển riêng biệt. Không chỉ riêng những ngành xã hội như tâm lý, xã hội, ngôn ngữ, kinh tế mà còn bao gồm cả những ngành tự nhiên như khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo,… cũng có vai trò quan trọng của Triết học trong quá trình phát triển.

Tâm lý học được công nhận là một ngành khoa học độc lập vào năm 1879, cách đây 144 năm, rất non trẻ so với bề dày lịch sử phát triển của các ngành khoa học khác. Trước đó, người ta vẫn dùng Triết học nói chung để bàn về Tâm lý học. Trong đó gồm Triết học phương Đông, nổi bật có thể kể đến là Phật giáo (cách đây 2600 năm), Nho Giáo của Khổng Tử, Đạo giáo của Lão Tử,… đối với Triết học Phương Tây, nổi bật là thời Hy Lạp (cách đây 2500 năm) và thời Phục Hưng. Trong phạm vi “Dám bị ghét” chúng ta sẽ tập trung vào Triết học Hy Lạp với hai trụ cột lớn là Socrates và Plato - những cái tên đã nhiều lần được đề cập trong quyển sách. Vậy họ là ai?

Socrates là được xem là một trong các nhà Triết học vĩ đại nhất mọi thời đại, ông nổi tiếng với câu nói: “Tôi chỉ biết một điều là tôi không biết gì cả”. Tuy nhiên dưới đế chế xã hội đương thời, Socrates bị kết án tử hình và đã phải uống thuốc độc vì tội làm bại hoại tư tưởng của các thanh niên thành Athens. Những học thuyết của Socrates không được ông tự tay viết lại, mà đúng hơn được viết và truyền lại đến chúng ta như ngày nay là thông qua một người vừa là bạn vừa là học trò của ông - Plato.

Plato nổi tiếng với phong cách đối thoại nhằm khơi gợi người khác tự tìm đáp án cho chính những câu hỏi của họ, ông là người hướng dẫn trợ giúp người đang cần nước đến bên dòng sông, còn việc chọn có uống nước hay không sẽ là trách nhiệm lựa chọn của cá nhân người đó. Phong cách đối thoại của Plato được ứng dụng đến ngày nay, đặc biệt là trong lĩnh vực Tâm lý học vì nó không mang tính chất giáo điều, giáo huấn người khác và đưa ra lời khuyên trực tiếp mà từ những câu hỏi dẫn dắt có thể giúp đối phương tự tìm ra câu trả lời cho bản thân họ.

Hai triết gia này là đại diện nổi bật của chủ nghĩa duy tâm trong Triết học, nghĩa là ý thức quyết định vật chất, những gì bạn nhận biết về thế giới này là chủ quan do chính bạn tâm bạn vẽ ra, trình độ tâm thức bạn đến đâu, thì bạn nhìn được thế giới đến mức đấy. Xuyên suốt trong “Dám bị ghét” chúng ta sẽ thấy màu sắc bao phủ của Triết học, quan điểm và phong cách của Socrates, Plato. Nhưng đây vẫn chỉ là tinh thần, chưa phải là nhân vật chủ đạo của “Dám bị ghét”.

3- Alfred Adler là ai mà tác phẩm này lại dành 333 trang ra để truyền đạt về học thuyết của ông?

Không chỉ riêng “Dám bị ghét”, rất nhiều tựa sách nổi tiếng khác cũng viết về học thuyết của ông, hoặc dựa trên học thuyết của ông để viết về những ứng dụng của tâm lý học trong đời sống, có thể kể đến là Dale Carnegie với tác phẩm “Đắc nhân tâm”, “Quẳng gánh lo đi mà vui sống”, hoặc Stephen Covey với tác phẩm “Bảy thói quen của người thành đạt”. Nếu bạn đã từng đọc qua những tác phẩm nổi bật này, thì giờ đây bạn sẽ được tiếp cận với người khởi nguồn gốc của các tư tưởng đó - Alfred Adler.

Alfred Adler sinh năm 1870 tại Áo, ông là bác sĩ tâm thần người gốc Do Thái, trước đó từng là bác sĩ nhãn khoa và bác sĩ đa khoa. Ông là một trong ba người khổng lồ của Tâm lý học ngang hàng với Sigmund Freud và Carl Jung. Alfred Adler qua đời sớm ở tuổi 67 sau khi đã có những đóng góp to lớn cho ngành Tâm lý học thông qua học thuyết “Tâm lý học Cá nhân”.

3.2- Mâu thuẫn giữa Alfred Adler và Sigmund Freud:

“Alfred Adler là một trong ba người khổng lồ của Tâm lý học ngang hàng với Freud và Jung” - Trích “Dám bị ghét”

Sigmund Freud là một tên tuổi lớn trong ngành Tâm lý học, là cha đẻ của trường phái “Phân tâm học”. Ông lý giải các hiện tượng tâm lý của con người phần lớn những suy nghĩ, cảm xúc, hành vi của mỗi người đều do hoạt động của “vô thức” quyết định, đó là những khao khát thầm kín nhất của mỗi người (kể cả tiêu cực hoặc tích cực), và đặc trưng trong đó là các giai đoạn phát triển tính dục. Theo Sigmund Freud, vô thức vẫn đang hoạt động âm ỉ và có ảnh hưởng lên mỗi chúng ta mặc dù bản thân mỗi người không ý thức được sự tồn tại của tầng vô thức này.

Sinh thời, Alfred Adler được Sigmund Freud mời tham gia vào nhóm và mời trở thành Chủ tịch của tổ chức phân tích tâm lý Vienna. Alfred Adler từng có một số điểm tương đồng với quan điểm của Sigmund Freud. Tuy nhiên đến khi Alfred Adler đề cập về bản năng phấn đấu và tự do ý chí của mỗi cá nhân mới là yếu tố quyết định thì ông và Sigmund Freud chính thức trở thành hai trường phái đối lập, sự chất vấn và chỉ trích giữa hai phe liên tục diễn ra.

Lý thuyết của Alfred Adler thể hiện rõ ràng quan điểm cuộc sống của bạn là ở tại đây, ngay bây giờ. Những gì diễn ra trong quá khứ không quyết định việc bạn quyết định lựa chọn lối sống nào cho hiện tại và tương lai. Ông tin vào ý chí tự do của mỗi người là vô tận, ai cũng là kiến trúc sư riêng của cuộc đời mình, được quyền hạnh phúc trong tự do mà không bị ảnh hưởng bởi quá khứ.

“Thuyết mục đích” và Thuyết nguyên nhân” là hai nội dung được đề cập xuyên suốt “Dám bị ghét”. Đây là khái niệm đại diện cho lý thuyết của Sigmund Freud và Alfred Adler. Với Sigmund Freud là “thuyết nguyên nhân”, những nguyên nhân từ quá khứ quyết định những hành vi hiện tại. Với Alfred Adler là “thuyết mục đích”, mục đích trong tương lai quyết định hành vi ở hiện tại. Trong mỗi tình huống cần phân tích tâm lý, Sigmund Freud sẽ trả lời cho câu hỏi “nguyên nhân của việc này là gì”, còn Alfred Adler sẽ trả lời câu hỏi “mục đích của việc này là gì”. Alfred Adler đánh giá “quan điểm luận” của Sigmund Freud là “chủ nghĩa hư vô” sẽ làm con người ta mãi chỉ biết ngoảnh lại quá khứ mà không thể tiến lên được. Alfred Adler đánh giá mọi thứ dưới góc nhìn của “tổng thể luận”, con người gồm suy nghĩ, cảm xúc, hành vi là một thể thống nhất, không tách rời.

Jung được đề cập trong câu trích dẫn trên là Carl Jung, ông là học trò của Sigmund Freud, nhưng sau đó ông cũng tự tách ra là một trường phái tâm lý học riêng do những mâu thuẫn với Sigmund Freud. Có thể nói tóm gọn, học thuyết của Sigmund Freud mang hơi hướng tính dục, Jung là huyền học, còn đối với Alfred Adler ông hướng đến ý chí tự do cá nhân.

Theo bạn, bạn lựa chọn tin tưởng vào lý thuyết của ai hơn?

4- Tiếp tục luận về mối liên kết với Triết học:

Tạm dừng câu chuyện hấp dẫn về mối quan hệ giữa các nhân vật cây cao bóng cả trong ngành Tâm lý học, chúng ta sẽ tiếp tục quay lại với sự liên kết giữa Triết học và nội dung quyển sách này.

Nếu bạn đã từng tìm hiểu về Chủ nghĩa khắc kỷ thì sẽ dễ dàng hiểu được một quan điểm chủ đạo của Alfred Adler “mọi muộn phiền đều bắt nguồn từ quan hệ giữa người với người” và cách để hóa giải điều này đơn giản chỉ là “phân chia nhiệm vụ”. Chúng ta cần xác định rõ ranh giới giữa những gì bản thân mình có thể thay đổi và những gì thuộc vai trò của người khác mà cá nhân chúng ta không thể can thiệp vào sự thay đổi đó. Không kiểm soát những gì ngoài tầm kiểm soát, không cố làm những điều trái với quy luật tự nhiên là mấu chốt để được hạnh phúc.

“Dám bị ghét” có đề cập đến một số từ ngữ Triết học cần được hiểu đúng so với các ý nghĩa phổ biến thông thường.

Đầu tiên là khái niệm về “thiện” và “ác”. Đây là hai từ thường dùng để mô tả về đạo đức của con người, tuy nhiên trong tiếng Hy Lạp cổ, “thiện” (agathon) có nghĩa là “có lợi” cho bản thân, “ác” (kakon) nghĩa là “không có lợi” cho bản thân. “Dám bị ghét” có trích dẫn câu nói của Socrates: “không ai muốn làm điều ác”, vậy nếu hiểu đúng, câu này có nghĩa là không ai muốn làm điều bất lợi cho bản thân mình.

Mỗi việc mà một người làm, dù dưới vỏ bọc là sự hào quang hay bất hạnh thì đều đang mang “thiện” đối với chính người đó. Ví dụ người có lối sống hikikomori (tạm hiểu: người đang ở ngoài lao động, không có việc làm, học hành hay tương tác với XH bên ngoài, chỉ ở suốt trong phòng), dù chúng ta nhìn vào có thể người đó đang rất chật vật, đau khổ và cần sự trợ giúp xã hội, nhưng thật ra đó là lối sống do họ chọn và duy trì vì nó “thiện” đối với họ (một giả thuyết là người đó đang trả thù bố mẹ, vì bố mẹ đã gây ra lỗi lầm nào đó với họ trong quá khứ, người đó muốn bố mẹ họ cảm thấy tội lỗi vì trạng thái hiện tại của mình).

Một khái niệm khác là “từ bỏ”. Đây thường là một từ chỉ trạng thái bi quan khi phải rời bỏ một điều gì đó. Tuy nhiên trong Phật pháp, “từ bỏ” (akirame) có gốc là “đế”, nghĩa là “sự sáng tỏ”, khi bạn nhìn thấu được chân lý rồi thì không có gì là bi quan cả.

Định nghĩa các khái niệm này đúng theo ngữ cảnh sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn những câu chuyện tác giả đang truyền đạt.

5- Những hiểu nhầm xoay quanh:

Bất kỳ một học thuyết nào dù phát triển đỉnh cao đến đâu sẽ đều có mặt đối lập, hoặc bị hiểu nhầm, hoặc sẽ gây nhiều tranh cãi. Chúng ta hãy cùng soi chiếu một góc cạnh khác dễ gây hiểu nhầm trong Tâm lý học Cá nhân của Alfred Adler.

Trong quá trình chuyển ngữ, có nhiều người hiểu nhầm từ “Cá nhân” trong tên học thuyết, họ cho rằng đây là một học thuyết cá nhân mang tính vị kỷ, chỉ biết đến bản thân mình, trốn tránh trách nhiệm với thế giới xung quanh, đẩy con người vào thế bị xã hội cô lập hoặc tự xa lánh xã hội.

Thực ra, từ “Cá nhân” có gốc tiếng Anh là “Individual” với hàm nghĩa con người là một tổng thể không thể phân tách được, kể cả từ phần tử nhỏ nhất là nguyên tử, không thể nói cảm xúc điều phối hành vi hay hành vi điều phối cảm xúc mà cái “tôi” to lớn, tổng thể cuối cùng sẽ quyết định điều đó và mỗi người đều tự do ý chí trong lựa chọn này. Ví như, khi bạn đang tức giận với con mình nhưng bất ngờ có cuộc gọi đến từ sếp, cơn giận của bạn lập tức được điều chỉnh, bạn bắt máy với một thái độ rất nhẹ nhàng; như vậy, không thể kết luận là cơn giận ảnh hưởng hành vi hay hành vi ảnh hưởng cơn giận, cơn giận là có tồn tại nhưng cái “tôi” to lớn sẽ quyết định tổng thể bạn muốn gì, và bạn được tự do lựa chọn hành vi tùy vào mục đích cá nhân.

Một mô tả khác của định nghĩa này có thể hiểu là, dù cá nhân là cá nhân, bạn là nhân vật chính của đời bạn, nhưng bạn chỉ là một phần tổng thể của xã hội, bạn không phải là nhân vật chính của thế giới mà chỉ là một phần trong đó. Theo Alfred Adler, nếu muốn sống hạnh phúc, bạn đừng chỉ tập trung vào niềm vui hay nỗi đau của chính mình, vì như thế là không hài hòa với tự nhiên, mà hãy lấy gốc là cái toàn thể lớn hơn, có tinh thần cống hiến cho người khác, làm lợi cho xã hội, như vậy bạn sẽ có hạnh phúc chân thật. Tuy nhiên phải hết sức lưu ý, cống hiến khác với hi sinh, hai khái niệm này rất dễ nhầm lẫn. Hãy cống hiến và đừng hi sinh.

Và một hiểu nhầm khác dễ xảy ra với tựa đề quyển sách này - “Dám bị ghét”, chúng ta đừng chỉ đọc và nhớ tựa đề, dám bị ghét không có nghĩa là muốn bị người khác ghét, chủ động làm người khác ghét mình, tự cô lập bản thân, càng không phải là lối sống buông thả, mặc kệ đúng sai hay vô trách nhiệm. Dám bị ghét là một thái độ sống tự do, dám thoát khỏi những ràng buộc sai lầm giữa người và người. Và để biết đâu là sai, đâu là đúng, chúng ta hẳn phải luôn rèn luyện trí tuệ và sự sáng suốt mỗi ngày.

Như tôi đã có nhận định từ trước, đây không phải là quyển sách dễ đọc, dễ hiểu, dễ áp dụng nhưng nếu là độc giả lần đầu tiên tiếp cận, các bạn cũng không cần quá căng thẳng. Hãy cứ giữ cho mình một tâm thế luôn tò mò và sẵn sàng mở lòng học hỏi với những kiến thức mới. Một thời gian sau (vài tháng hoặc có thể là vài năm) hãy quay lại và đọc toàn vẹn quyển sách này một lần nữa, nếu cảm thấy những con chữ này đã “thấm” với mình hơn thì xin chúc mừng bạn vì lúc này năng lực nội tại của bạn đã phong phú hơn trước rồi. Đọc sách cũng như một hành trình vậy, có thể đáp án chưa có được ngay vào lúc này, mà bạn cần đi thêm một đoạn nữa để thấy được nó!