Đánh giá monster của tác giả naoki năm 2024

Tôi chính thức đưa phim thành tình yêu hạng nhì của tôi, tất nhiên tôi không thể bỏ chàng, chàng đã tốt với tôi và chàng tuyệt vời tới thế. Chàng còn giúp tôi kiếm tiền nữa, tôi vẫn yêu chàng, tha thiết như trước, và chắc vẫn để chàng giúp tôi kiếm tiền. Chàng là đại gia và có tình yêu bao la, không yêu chàng sao được? Nhưng người ta chỉ có thể lấy một chàng làm chồng thôi. Tôi lấy một chàng khác, ít đòi hỏi từ tôi hơn, nghèo hơn, cô đơn hơn. Đàn ông trong mộng của tôi đại khái cũng là thế.

Nhưng chuyện về tôi thì chỉ có vậy. :)

Gần đây, khi tình cờ lê la trong forum NXB Kim Đồng, tôi mua lại được bộ truyện Monster từ một bạn trẻ nọ, người nhất định chỉ lấy tôi 60.000D cho cả bộ sách, phải nói đó là chuyện vui nhất trong cái tháng nhiều chuyện quái gở này. Tuổi thơ của tôi lớn lên cùng đủ loại truyện tranh. Bắt đầu từ truyện tàu, Thủy Hử, Tây Du Ký, Phong Thần, Tam Quốc Diễn Nghĩa… khi tôi mới biết đọc (thực ra sau đó một chút, vì tôi biết đọc khá sớm, khoảng 4 tuổi gì đấy – sống ở nông thôn thì có gì để giải trí với từ ngữ ngoài học chúng?). Sau này, thì tất nhiên tôi có Doraemon, Bảy viên ngọc rồng… Lớn thêm chút nữa, gia đình tôi bắt đầu có hàng nghìn cuốn truyện tranh, thượng vàng hạ cám, của đủ các nhà xuất bản, truyện tranh của Tàu, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản (tất nhiên rồi) và một số của Mỹ… Tôi không đọc truyện của Marvel và các bạn Pháp-Bỉ nhiều vì khi đó quanh nhà không có sẵn. Tuy nhiên, tôi không phải là một mangaphile. Từ rất sớm, tôi đã không còn thích cách vẽ mắt to miệng bé của manga rồi. Khi đó tôi đã lớn lên, đã học được chút văn chương trưởng giả vào người, nên tôi đâm ra khá khó tính khi đọc truyện tranh. Trong cả mấy nghìn cuốn truyện tranh đấy, tôi chỉ được độ vài trăm cuốn và không bao giờ động đến các cuốn còn lại. Vậy nên, dù sống giữa đám truyện tranh chồng chất ấy, tôi cũng chẳng biết nhiều về chúng hơn hầu hết mọi người. Tôi không hề biết Osamu Tezuka thì có gì đặc biệt hay Mitsuru Adachi thì có gì mà oách hơn những các mangaka khác. Với tôi, thì truyện tranh vào lúc ấy đúng chỉ là một thứ để giải trí không hơn.

Tuy nhiên, Monster đã thay đổi quan điểm của tôi, hay đúng hơn, Naoki Urasawa đã thay đổi cách nhìn của tôi về truyện tranh. Dẫu rằng sau Monster, tôi hầu như không còn đọc bộ manga nào với sự say mê đó nữa, thì với bộ truyện này, tôi đã thực sự tin rằng truyện tranh là một thể loại nghệ thuật.

Bây giờ nhìn lại, tôi nhận ra rằng ngoài em gái tôi, tôi hầu như chưa thấy cô nàng nào thực sự thích Monster. Bộ truyện tranh này được xếp vào nhóm truyện tranh cho đàn ông từ 18 tới 35 tuổi. Tôi vốn vẫn thích những gì được viết ra cho đàn ông, có lẽ một phần tôi thuộc cung Thiên Bình. Monster không hẳn là một bộ truyện tranh chính trị, nhưng bối cảnh chính của câu chuyện là thời kỳ Đông Đức – Tây Đức với thái độ phê phán thấy rõ về chế độ xã hội tại Đông Đức trước khi bức tường Berlin sụp đổ. Chính vì vậy, tôi vẫn luôn luôn tự hỏi tại sao nó lại được xuất bản ở Việt Nam dễ dàng tới vậy. Có lẽ là vì trước đây người ta vẫn cho rằng truyện tranh đều giống như Doraemon cả. Vào lúc này mọi chuyện đã rất khác rồi.

Chính là vì bối cảnh chính là nước Đức (dù hai nhân vật chính của truyện lại là người gốc Tiệp Khắc và Nhật Bản) nên tôi tự nhiên phải nghĩ tới Faust khi đọc truyện. Trong Monster có hai đứa bé sinh đôi mà người ta không bao giờ thực sự biết tên là gì. Chúng là sản phẩm của một cuộc thí nghiệm để xem con người có thể thực sự biến thành thứ gì trong những môi trường giáo dục khắc nghiệt để tạo ra những thiên tài, điệp viên và chiến binh tại các cô nhi viện Tiệp Khắc và Đông Đức. Sau nhiều sự kiện, một đứa trở thành quái vật không tung tích (Johan), một đứa mất trí nhớ và sống cuộc đời vui vẻ tại Berlin (Nina). Cách xây dựng nhân vật nhị trùng, hai mà một, một mà hai này không mới. (Sau này phim Black Swan cũng là một biến thể.) Tuy nhiên, Monster hấp dẫn và phức tạp hơn thế, bởi có sự xuất hiện của một (hay đúng hơn là rất nhiều) nhân vật khác, bác sĩ Tenma.

Người ta luôn biết rằng khi một con người có hai tính cách thiện và ác xuất hiện trong một tác phẩm, thì tất nhiên cái thiện sẽ tìm cách khống chế cái ác và đỉnh cao luôn là tìm cách thắng (giết) nó (Black Swan cũng vậy). Trong truyện, Johan lúc 9 tuổi, sau khi giết chết cha mẹ nuôi, đã đưa súng cho Nina, chỉ tay vào đầu mình vào nói rằng hãy bắn anh đi, bắn vào chính giữa trán. Nina đã bắn.

Nhưng Johan không chết, vì bác sĩ Tenma (khi đó còn trẻ, mới gặp một cú sốc và bắt đầu nhận thức lại về cuộc đời nhưng không hề biết gì về quá khứ của Johan) cho rằng sinh mạng con người là bình đẳng, và bất chấp mọi điều để cứu sống cậu bé. Câu chuyện đã bắt đầu từ đây, bởi Johan đã sống lại, và từ đó cậu ta không ngừng gây ra hết thảm họa này tới thảm họa khác, tìm cách thủ tiêu tất cả những người biết tới sự tồn tại của mình và em gái, tìm cách cho tất cả những kẻ có quyền lực biết thế nào là địa ngục và quan trọng nhất là tìm cách để kéo bác sĩ Tenma vào cùng con đường đi tới ngày tận diệt của chính mình. Tenma vứt bỏ mọi thứ để bắt đầu cuộc săn đuổi con quái vật này, thứ mà anh cho rằng chính mình đã hồi sinh. Nina cũng đuổi theo Johan để ngăn chặn anh trai mình, ngăn chặn Tenma giết người và cũng là để tìm mọi cách khôi phục lại trí nhớ.

Nếu nhìn về mặt con người nhị trùng, thiện và ác, bóng tối và ánh sáng… thì Monster thoạt tiên rất rõ. Người ta dễ dàng nhìn thấy hai phe: những kẻ xấu và những người tốt. Johan đứng đầu phe ác, Tenma đứng đầu phe thiện. Tuy nhiên, bản thân Johan cũng đã là một con người phân đôi, bởi cậu không phải là kẻ sinh ra đã là con quái vật, có một con quái vật đã lọt vào cậu khi cậu tìm mọi cách để bảo vệ em gái mình. Johan trên thực tế không phải là đứa bé được đưa đi thí nghiệm và chứng kiến tất cả những thứ kinh hoàng trong hệ thống đào tạo con người tại Tiệp Khắc và Đông Đức, nhưng vì tình yêu với đứa em gái, cậu đã biến tất cả thành ký ức của mình. Cuộc chiến đấu giữa Tenma và Johan, trên thực tế chỉ là cuộc chiến đấu của Johan với chính cậu, và của Tenma với chính anh. Johan vì yêu thương em gái quá đà mà nhận tất cả sự tàn khốc vào người, trở thành quái vật, còn Tenma vì hướng tới sự lương thiện và nhân văn cực đoan, cuối cùng đã tiếp tay cho điều ác. Rốt cục thì sinh mạng con người có bình đẳng không? Cái thiện có tiêu diệt cái ác không? Johan và Tenma đều trở thành thần tượng của người đọc truyện vì họ đều đứng đầu ở hai thái cực khác nhau của chủ nghĩa anh hùng cá nhân (ở một mặt nào đó, Johan chắc sẽ có đông fan hơn bởi cá tính nhập nhằng, bởi sự thần thánh hóa của Naoki Urasawa về một con quái vật có khả năng và bộ mặt và đôi lúc là cả trái tim của Chúa trời này – Trong khi đó, Tenma là anh hùng kiểu Atticus trong To Kill A Mocking Bird – một người vĩ đại trong vẻ ngoài bình thường.)

Nina được xây dựng như nửa kia của Johan, nhưng vai trò của cô trong cuộc chiến thiện ác trong một cá thể này bị đẩy xuống hàng hai, cô là một câu chuyện khác – câu chuyện của một người bị rút sạch ký ức ra khỏi đầu và đánh mất ý thức về bản ngã của mình. Cô lương thiện, trong sáng bởi vì có kẻ đã nhận hết phần ác ra khỏi cô, nhưng cùng lúc đó cô chẳng biết mình là ai nữa. Cuộc săn đuổi của cô với Johan, thực ra chỉ là chuyện cô đi tìm lại cái ác của chính mình, bởi vì người ta không thể tồn tại mà không có phần đó được. (Thực ra hành trình của Johan cũng là hành trình đi tìm bản ngã, bởi lẽ cậu chính là con “quái vật không tên” như một cuốn picture book được kể lại trong Monster – nhưng điều cậu sợ nhất là một ngày nào đó cậu sẽ “ăn thịt” mất em gái mình, nên chuyện đi tìm bản ngã của cậu rốt cuộc lại là một chuỗi những giết chóc, nhằm biến mình thành “không tên” thự c sự).

Trong truyện còn một nhân vật khác nữa xuất hiện từ đầu tới cuối là thanh tra Lunge, người luôn cho rằng Tenma là kẻ giết người (trong những vụ thực ra do Johan giật dây kẻ khác gây ra). Lunge là điển hình cho kiểu nhân vật duy lý trí, chỉ biết tới công việc, chỉ tuân theo logic. Lunge đóng vai trò kẻ săn đuổi Tenma để câu chuyện thêm phần gay cấn, để Tenma không có đường quay lại (vì ngoài chuyện tiêu diệt Johan như tiêu diệt cái ác, thì anh cũng cần chứng minh cậu ta có thật để khẳng định mình vô tội), nhưng vì với ông ta thiện ác hay quái vật ban đầu chỉ là chuyện vớ vẩn. Cái ông ta cần biết chỉ là sự thật. Và vì ông ta ít tình cảm nhất, duy lý nhất, nên dù khởi đầu muộn hơn, ông ta vẫn đi nhanh nhất, ông ta tới được chốn tận cùng thế giới đầu tiên, trước cả Johan, Tenma, Nina (hay một nhân vật khác nữa, Grimmer – người được sinh ra trong cái ác nhưng đã trở thành kẻ thiện tuyệt đối – một siêu nhân). Vậy thì cái gì dẫn đường cho bạn đi tới cái đích bạn muốn, tới sự thật? Trái tim hay Khối óc?

Nói chung, tôi mà viết về cái này thì còn dài dằng dặc. Bởi vì Monster không phải là một câu chuyện, mà là đan cài của hàng trăm câu chuyện khác nhau (chỉ trong 24 tập sách). Vấn đề quỷ và người trong một cá thể xưa cũ là chủ đề lớn nhất, nhưng chỉ là một trong nhiều chủ đề khác được Monster đề cập tới. Chưa kể, Monster là một bộ truyện tranh có tính điện ảnh cực kỳ cao (nhưng sẽ vô cùng khó để người ta làm ra được một bộ phim truyện chỉ dài vài tiếng từ nó). Tính điện ảnh ở đây nằm trong cách kể chuyện (lôi cuốn, hấp dẫn theo mọi thứ lý thuyết củaHollywood) và cách vẽ, tôi nghĩ các nhà làm phim sau này chỉ cần cứ thế mà làm thôi, chẳng cần phải vẽ storyboard mà làm gì. Điều này cũng dễ hiểu, vì Urasawa là fan lớn của Tezuka (mà lại còn sinh ra sau).

Tôi lại nói rất dài dòng về Monster thêm một lần nữa trong blog này, vì quả thực Naoki Urasawa chính là nguồn cảm hứng viết của tôi lúc này. Khi đang viết 20th Century Boys, ông đã phải nhập viện trị liệu vì sái bả vai – hậu quả của việc hàng chục năm ngồi vẽ truyện tranh liên tục. Tôi tự hỏi không hiểu người ta vẫn hiểu thế nào về đam mê sáng tạo, nhưng việc một người miệt mài vẽ tới sái bả vai là một người đam mê sáng tạo thực sự, chẳng có gì nghi ngờ nữa. Trong một bài phỏng vấn, ông nói khi sáng tác, ông chẳng sợ gì cả, không sợ người ta không hiểu mình, bởi vì nếu ông thấy truyện của mình hấp dẫn, thì tự khắc người đọc cũng sẽ thấy nó hấp dẫn, ông hiểu thì người ta sẽ hiểu. Điều ông muốn, không phải là ở chỗ người ta có dễ dãi mua nó hay không, mà là nỗi băn khoăn thực sự rằng tác phẩm của mình có phải là một kiệt tác hay không. Ông bất chấp việc hàng triệu fan phản đối khi ông thay đổi cốt truyện của mình theo hướng khác, như Bob Dylan vẫn hát rock’n’roll dù hàng trăm khán giả la ó dưới kia.

Nhờ ông, tôi thấy yên tâm khi khởi sự viết tất cả những gì mình muốn mà chẳng sợ gì cả. Dẫu cái phần cho rằng mình đang viết ra một kiệt tác thì tôi xin nhường lại cho riêng Naoki mà thôi. Tất cả chúng ta đều có Johan trong người và giờ đã đến lúc cho Tenma đuổi theo hắn.