9/12 là ngày gì

Ngày quốc tế PCTN 09/12 là dịp để thế giới khẳng định quyết tâm chung trong cuộc chiến chống tham nhũng toàn cầu

(Thanhtravietnam) – Nhân ngày Quốc tế phòng, chống tham nhũng 09/12, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng đã dành cho ThanhtraVietnam cuộc trao đổi ngắn về ý nghĩa của ngày Quốc tế phòng, chống tham nhũng và những kết quả mà Thanh tra Chính phủ đã đạt được trong lĩnh vực hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng thời gian qua.

9/12 là ngày gì

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng


PV: Xin đồng chí cho biết ý nghĩa của ngày Quốc tế phòng, chống tham nhũng 9/12 và chúng ta đã có những hoạt động thiết thực gì để hưởng ứng ngày đặc biệt này?

Đồng chí Trần Đức Lượng:Năm 2001, Liên hợp quốc đã có nghị quyết về việc xây dựng một văn kiện mà trong đó có sự cam kết của tất cả các quốc gia trên thế giới để khẳng định một quyết tâm chung trong cuộc chiến chống tham nhũng, bởi một lý do cấp bách lúc này nạn tham nhũng đã trở thành vấn nạn toàn cầu, nó làm cản trở sự phát triển kinh tế xã hội và đặc biệt làm tổn thương tới những người mà người ta hay dùng từ là “những người yếu thế” - những người nghèo.

Đến năm 2003, Dự thảo Công ước của Liên Hiệp quốc về Phòng, chống tham nhũng đã đạt được sự đồng thuận sau khi vượt qua 07 vòng đàm phán. Theo yêu cầu chung thì Công ước này đã được tổ chức cho các quốc gia ký kết từ ngày 09 – 11/12/ 2003 tại Mexico, và theo các chuyên gia  quốc tế  tổng kết đánh giá thì đây là Công ước lần đầu tiên có nhiều quốc gia tham gia ký kết nhất và nhiều tổ chức đóng vai trò làm quan sát viên nhất. Đồng thời, Liên Hiệp quốc đã để ra một khoảng thời gian gọi là để ngỏ trong vòng 02 năm, từ 09/12/2003- 09/12/2005 để các quốc gia chưa ký có thể tham gia ký kết, phê chuẩn.

Cũng nhân những sự kiện đặc biệt diễn ra liên quan đến dấu mốc ngày 9/12 như đã nói ở trên, và để thống nhất hành động trên toàn cầu trong cuộc chiến Chống tham nhũng, Liên hợp quốc đã quyết định lấy ngày 09/12 là ngày Quốc tế về phòng, chống tham nhũng để biểu thị một quyết tâm chính trị toàn thế giới, đồng thời cũng là thời điểm để tập hợp lực lượng, rà soát và đánh giá lại những bước tiến, những giải pháp mới và cũ trong công tác phòng, chống tham nhũng. Hiện nay, ngày càng có nhiều nước trên thế giới hưởng ứng ngày này để tuyên chiến với nạn tham nhũng cũng như thực hiện quyết tâm chính trị và đưa ra những giải pháp và hành động cụ thể.

Tại Việt Nam, tham nhũng đã được xác định là một trong 4 nguy cơ đe dọa kéo lùi sự phát triển. Đảng và Nhà nước ta ngay từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước đã xác định tham nhũng đã làm tổn hại đến sự phát triển của đất nước. Nên trong các chương trình hành động, công tác của Chính phủ vấn đề cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng luôn luôn là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục.

Vào thời điểm ngày 09/12, ở Việt Nam chúng ta cũng hòa chung với không khí trên toàn thế giới và dành sự quan tâm và tuyên truyền đặc biệt để giúp cho toàn xã hội, toàn bộ hệ thống chính trị thấy rõ vai trò, trách nhiệm của từng thành tố xã hội trong phòng, chống tham nhũng, đây cũng đồng thời là dịp trao đổi, giới thiệu kinh nghiệm trong quản lý nói chung và phòng, chống tham nhũng nói riêng. Chúng ta đã tổ chức nhiều chuỗi các sự kiện như: Đối thoại với các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ về phòng, chống tham nhũng; tổ chức các hội thảo bàn giải pháp phòng ngừa tham nhũng ở từng lĩnh vực cụ thể (đất đai, tín dụng - ngân hàng, giáo dục, y tế …). Qua những hoạt động này đã giúp chúng ta có thể tìm kiếm được những giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nói chung và phòng, chống tham nhũng nói riêng.

PV: Có thể nói thời gian vừa qua chúng ta đã có những bước tiến đáng kể trong hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng, vậy đồng chí đánh giá như thế nào về hiệu quả hợp tác quốc tế cả song phương và đa phương trong phòng, chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ Việt Nam?

Đồng chí Trần Đức Lượng: Với tư cách một cơ quan của Chính phủ và sau khi ký kết và phê chuẩn Công ước thì được giao nhiệm vụ là cơ quan đầu mối trong hợp tác quốc tế về  phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ đã chủ động hòa nhập, hội nhập với thế giới về  công tác phòng, chống tham nhũng và đã thu được những kết quả rất đáng kể trong công tác này, cụ thể:

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng và đại diện các đối tác phát triển tham dự một Hội nghị do Ban Quản lý các dự án của Thanh tra Chính phủ tổ chức

Về hợp tác đa phương: Thanh tra Chính phủ đã giúp Chính phủ tham gia các diễn đàn của 4 tổ chức lớn là Liên hợp quốc; Sáng kiến châu Á - Thái Bình dương; Sáng kiến ADB- OECD; Thanh tra châu Á… qua những diễn đàn này chúng ta đã có cơ hội được trao đổi, học hỏi kinh nghiệm với bạn bè quốc tế đồng thời cũng giới thiệu những kinh nghiệm, những thành quả mà chúng ta đã đạt được trong lĩnh vực này.

Về hợp tác song phương, Thanh tra Chính phủ Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác với gần 10 quốc gia trong khu vực và trên thế giới như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào, Campuchia, Malaysia, Indonexia, Ai Cập… và tới đây Thanh tra Chính phủ chủ trương tiếp tục ký kết thỏa thuận hợp tác với các nước như: Áo, Philippine… là các nước đã có những kinh nghiệm tốt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, chúng ta có các chương trình dự án được thực hiện với sự hỗ trợ tích cực của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Châu Á, các quốc gia như: Thụy Điển, Hà Lan, Đan Mạch, Anh, Canada…

Qua đây, có thể khẳng định rằng quan hệ hợp tác song phương và đa phương đã mang lại những hiệu quả tích cực như: ta có thể tranh thủ được sự hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính, chuyên gia… từ đó có thêm kinh nghiệm để góp phần hoàn thiện và nâng cao chất lượng trong các công tác: đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ; kinh nghiệm trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; kinh nghiệm tuyên truyền để tạo được những hiệu ứng xã hội tốt trong phòng, chống tham nhũng.../.