2 em hiểu thế nào về cầu mọi người sống phải thượng tôn pháp luật

Nhiều cá nhân khi ra trước tòa mới cảm thấy hối hận vì tại sao mình không dũng cảm đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà mình làm việc, để cuối cùng chính bản thân cũng bị cuốn vào vòng xoáy của việc vi phạm pháp luật, nhận kết cục cay đắng. Nhìn rộng hơn ra xã hội, chúng ta thấy có những người miệng luôn yêu cầu phải “thượng tôn pháp luật”, nhưng lại không thực sự tôn trọng pháp luật, nhờn pháp luật, thái độ thách thức pháp luật, đứng ngoài pháp luật, theo cái cách như thể ta đây là "bất khả xâm phạm", không ai làm gì được. Tất cả những nhận thức và hành vi sai trái đó cần được điều chỉnh nhằm bảo đảm một xã hội lấy pháp luật làm nền tảng để duy trì kỷ cương, trật tự.

2 em hiểu thế nào về cầu mọi người sống phải thượng tôn pháp luật

Ảnh minh họa

“Thượng tôn pháp luật” giờ trở thành câu cửa miệng, khá phổ biến trong xã hội. Tuy nhiên, để hiểu rõ về tinh thần thượng tôn pháp luật, có đủ hiểu biết, đủ tâm thế và tính tự giác để thực hiện nó thì cần cả một quá trình. Tinh thần thượng tôn pháp luật là hành lang để mọi cá nhân, tổ chức dựa vào đó mà hành động nhằm bảo đảm tính đúng đắn, tự phát hiện những lệch chuẩn của mình và những người xung quanh để điều chỉnh.Các đại án như "Mobifone mua AVG"; thâu tóm công sản tại Đà Nẵng hay “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại PVN, PVC... đều có điểm chung là ý muốn của người đứng đầu đã bao trùm lên cả tập thể, lấn át tập thể, dẫn dắt cả tập thể tới sai phạm pháp luật. Người đứng đầu trong các vụ án trên có biết mình vi phạm pháp luật không? Chắc chắn họ biết! Nhưng vì tự tin vào khả năng “một tay che cả bầu trời” nên cố tình chỉ đạo, dẫn dắt cả tập thể tới chỗ vi phạm pháp luật, để đem lại những lợi ích cho cá nhân họ. Thế còn những người khác trong tập thể ban thường vụ, ban cán sự đảng, đảng ủy, ban giám đốc... đã bị kỷ luật Đảng, bị pháp luật xử lý có biết rằng, các nghị quyết, quyết định mà mình tham gia bàn bạc, xây dựng là vi phạm nguyên tắc, quy định của Đảng, vi phạm pháp luật để gây nên hậu quả nghiêm trọng không?... Có thể nói: Họ rất khó chối bỏ trách nhiệm của mình! Từng cá nhân trong các tập thể vi phạm pháp luật nói trên đều có lỗi ở những mức độ khác nhau khi đã không phát hiện được, không ngăn cản, không góp ý, khuyên can, thậm chí có cả những trường hợp đồng lõa với sai phạm. Họ đã không đóng góp để xây dựng được một bộ máy lãnh đạo, quản lý lành mạnh tại cơ quan, địa phương.  

Trước hết, tinh thần thượng tôn pháp luật phải được thực thi nghiêm trong bộ máy nhà nước. Một bộ máy nhà nước lành mạnh là một bộ máy mà trong đó các quyết sách phải được thực thi một cách nghiêm minh, nhất quán từ trên xuống dưới, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của cá nhân công chức hay người lãnh đạo. Bộ máy ấy cũng phải có khả năng miễn nhiễm và đào thải sai phạm pháp luật nhờ cơ chế kiểm soát nội bộ được vận hành hiệu quả, cộng với nhận thức cao của các cá nhân, để ngăn chặn được các hành vi vi phạm ngay từ bên trong. Trong bộ máy ấy, mọi cá nhân, mọi bộ phận cấu thành đều phải hiểu rõ được chức trách, nhiệm vụ của mình. Chính việc hiểu rõ, thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, có trách nhiệm, có đủ dũng khí sẽ khiến cán bộ, đảng viên có thể phát hiện, ngăn cản những việc làm trái pháp luật, để không dễ bị dẫn dắt, dọa dẫm, kể cả những ý đồ vi phạm pháp luật có xuất phát từ những người ở vị trí lãnh đạo, quản lý trong cơ quan, tổ chức, địa phương.

Tuy nhiên, để luật pháp được thượng tôn thì không chỉ những nhà cầm quyền phải nắm pháp luật, hiểu pháp luật, thực hiện đúng quy định của pháp luật mà mọi người dân cũng phải hiểu biết về pháp luật và nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật. Điều 16, Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện rõ ý này: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”. Người dân biết luật và tôn trọng pháp luật thì sẽ tránh được các hành vi vi phạm pháp luật. Biết luật, nắm chắc luật cũng giúp người dân có nhiều cơ hội giám sát hoạt động của cơ quan chính quyền và giám sát xã hội. Họ sẽ nhận biết được điều gì là sai trái trong hoạt động của cơ quan nhà nước và điều gì sai trái trong xã hội.

Vụ việc xâm phạm đất quốc phòng ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội thời gian qua cho thấy rõ ý nghĩa của việc tôn trọng, tuân thủ pháp luật. Bên cạnh một số cán bộ địa phương làm sai quy định của Nhà nước đã bị xử lý thì những người dân bị thúc giục bởi lòng tham, bởi sự thiếu hiểu biết, đã dẫn tới những hành động vi phạm pháp luật. Trong đó, có cả những đối tượng cầm đầu cố tình vi phạm pháp luật, kích động, thách thức pháp luật để hòng trục lợi. Vì vậy, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân hiện nay là vô cùng cần thiết trong công cuộc đưa đất nước phát triển. Cần phải làm cho người dân  hiểu  rõ rằng: Suy cho cùng, pháp luật cũng là để phục vụ người dân, tạo ra môi trường xã hội an toàn, dân chủ, công bằng, văn minh, để người dân an cư lạc nghiệp. Không ai có quyền vì lợi ích riêng, lợi ích nhóm mà chà đạp lên luật pháp.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, việc đề cao vai trò, tính tối thượng của Hiến pháp, pháp luật là tất yếu khách quan. Cương lĩnh xây dựng đất nước, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Vì vậy, việc nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, gắn với tổ chức thi hành pháp luật, nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là những đòi hỏi bức thiết. Tinh thần thượng tôn pháp luật cùng với một hệ thống pháp luật hoàn thiện thống nhất sẽ là động cơ mạnh mẽ giúp cỗ máy nhà nước vận hành trơn tru, từ đó mới có thể đưa đất nước phát triển. Muốn vậy, từng cán bộ, đảng viên cần phải thực hiện tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, đóng góp tích cực vào việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật. Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật vừa cần có tầm nhìn tổng thể, dài hạn, vừa cần cụ thể hóa đầy đủ, kịp thời các quy định của Hiến pháp; thể chế hóa các chủ trương của Đảng thành quy định của luật, đặc biệt là về tổ chức bộ máy nhà nước; bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Cùng với đó, cán bộ, đảng viên cần chú trọng, tăng cường hơn nữa việc triển khai, xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành luật để các luật được ban hành sớm đi vào cuộc sống.

Thứ hai, cần phát huy vai trò chủ động, tích cực, tính tự giác và trách nhiệm nêu gương của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong học tập, nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, đặc biệt trong tuân thủ và chấp hành pháp luật để mọi người dân tin tưởng, noi theo. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong thực thi công vụ, gắn với giáo dục đạo đức liêm chính, trách nhiệm giải trình. Thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phải có đủ dũng khí để nhận diện, đấu tranh với những vi phạm pháp luật trong cơ quan, đơn vị, trong các nội dung công việc mà mình tham gia.

Thứ ba, tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người thân, bạn bè, đồng nghiệp, bảo đảm rằng người thân của mình cũng tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật.

Một quốc gia phát triển bền vững cần được xây dựng trên nền tảng pháp lý vững chắc, trong đó tinh thần thượng tôn pháp luật phải được đặt lên hàng đầu. Tinh thần đó phải trở thành nền tảng trong hoạt động của bộ máy nhà nước và của cả hệ thống chính trị, phải trở thành nếp sống văn hóa thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi cộng đồng xã hội, mỗi người dân.

Theo QĐND điện tử

Phải hiểu như thế nào là "Thượng tôn pháp luật"?

“Thượng tôn pháp luật” là cách sử dụng từ Hán Việt, mà khi được diễn đạt thuần túy theo từ ngữ tiếng Việt, thì có nghĩa là “pháp luật là trên hết”; và nếu được diễn đạt theo thuật ngữ trong ngành luật học, thì là “sự nghiêm minh của pháp luật”. “Thượng tôn pháp luật” trong tiếng Anh là “Strictly abide by the laws” hàm ý là tất cả mọi thành phần trong xã hội của một quốc gia, lãnh thổ phải tôn trọng và chấp hành triệt để luật pháp của quốc gia, lãnh thổ đó. Một khi luật pháp đã được ban hành, thì toàn xã hội phải lấy nó làm chuẩn mực để hành xử theo cho phù hợp, không phân biệt thành phần, địa vị xã hội, không một ai có quyền “ngồi trên” pháp luật cả.

Ở góc độ là người dân thường, tính thượng tôn pháp luật thể hiện ở việc người dân nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật được ban hành. Tuy nhiên, để đạt được kết quả mong muốn này, người dân phải được biết và hiểu rõ các quy định được ban hành, để từ đó họ mới có thể chấp hành tốt.

Để người dân được biết và hiểu rõ, thì luật pháp sau khi được ban hành phải được phổ biến công khai, bằng nhiều phương tiện truyền tải, và trong một khoảng thời gian đủ dài để tất cả các thành phần trong xã hội có cơ hội được biết và hiểu rõ.

Đồng thời, để tạo điều kiện cho người dân được biết và hiểu rõ, thì luật pháp được ban hành phải đơn giản, dễ hiểu, và không được mập mờ, chồng chéo, rắc rối, khó hiểu, dễ gây hiểu sai, hiểu nước đôi, từ đó dẫn đến việc giải thích, áp dụng không thống nhất, trái ngược nhau.

Có biết và hiểu rõ về luật pháp được ban hành, thì người dân mới có thể tôn trọng và chấp hành tốt theo nó. Đây là tính “thượng tôn pháp luật” dưới góc nhìn của “phó thường dân”.

Dưới góc độ “các quan”, tính “thượng tôn pháp luật” thể hiện ở việc ban hành và thi thực thi (áp dụng) pháp luật vào đời sống xã hội phải đúng đắn và công bằng, mà kết quả mong muốn là tạo ra công lý thật sự cho toàn xã hội (xin tham khảo thêm bài viết “Phải hiểu như thế nào là công lý (justice)” mình đã chia sẻ trước đây).

Dưới góc độ này, việc thực thi pháp luật (áp dụng) vào đời sống xã hội có lẽ là khâu quan trọng nhất, mà trong đó, yếu tố con người (người thực thi pháp luật) đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Luật pháp được ban hành, nếu không được áp dụng vào đời sống xã hội, thì nó ban hành cũng là chỉ để cho vui, để ngắm, và là luật pháp “chết”. Sẽ càng nguy hiểm hơn, nếu việc áp dụng của nó bị biến tướng, bị lợi dụng để trục lợi, vì lợi ích nhóm, hay do người ban hành và người thực thi pháp luật không đủ trình độ chuyên môn, thiếu kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn... và do vậy, luật pháp sẽ trở thành một thức vũ khí giết người, nó sẽ triệt tiêu hoàn toàn tính “thượng tôn pháp luật” của trong một hệ thống pháp luật, xã hội.

Chính vì vậy, những người áp dụng (thực thi) luật pháp vào đời sống xã hội sẽ đóng giữ một vai trò đặc biệt quan trọng để tính “thượng tôn pháp luật” được phát huy tối đa vai trò của nó.

“Thượng tôn pháp luật” còn phải được theo hiện trong mối tương quan giữa người chấp hành pháp luật (người dân) và người thực thi pháp luật (các “quan”). Mối tương quan này phải bình đẳng, công bằng, theo đó, các “quan” chỉ công tâm thực thi quyền hạn theo chức trách, nhiệm vụ được pháp luật trao cho, mà không bị bất cứ thế lực nào khác chi phối. Bên cạnh đó, người chấp hành pháp luật (người dân) cũng phải được đảm bảo các quyền dân chủ,và chỉ làm đúng theo những gì pháp luật quy định. Người thực thi pháp luật phải có trách nhiệm giải thích, hướng dẫn người chấp hành pháp luật làm theo đúng thủ tục, quyền hạn, nghĩa vụ do pháp luật quy định. Có như vậy, thì mới đảm bảo được “tính thượng tôn pháp luật” trong một hệ thống pháp luật, xã hội của quốc gia, lãnh thổ.

Tóm lại, có thể thấy tính “thượng tôn pháp luật” là một giá trị được tạo ra bởi sự vận hành đúng chức năng của hệ thống các “mắt xích” ban hành pháp luật - thực thi (áp dụng) pháp luật - chấp hành pháp luật, dựa trên nền tảng các quyền cơ bản về dân chủ và nhân quyền. Nếu một trong các “mắt xích” hoạt động sai, bị lỗi, thì tính “thượng tôn pháp luật” sẽ không được đảm bảo và duy trì, đó gọi là “thượng bất nghiêm, hạ tắc loạn”.