Mầu nhiệm nhập thể là gì

Hễ khi thời tiết chuyển sang hanh khô, se lạnh do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc, thì cũng là lúc người tín hữu Kitô chuẩn bị đón mừng lễ Giáng Sinh, kính nhớ việc Con-Thiên-Chúa  đến lần thứ nhất với loài người. Và qua đó, các tín hữu cũng hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày cánh chung. Do đó, ai ai cũng sốt sắng và hân hoan cõi lòng.

Chúng ta, qua nhiều năm hay gần cả đời tin theo Chúa. Biết bao lần chứng kiến Chúa đến gian trần qua cử hành phụng vụ lễ Giáng Sinh. Chúa cũng chờ đợi ở mỗi người một câu trả lời dứt khoát: Con-Thiên-Chúa là ai? Ngài có phải là giải pháp, là nguyên lý tối hậu cho sự sinh tồn của mỗi người chúng ta hay không? Ngài có thật là không ở xa mỗi người chúng ta? Ở rất gần,  ở thật gần chúng ta, nhưng sao nhiều khi chúng ta lại dò dẫm, mò mẫm để tìm thấy Ngài? (x. Cv 17,26-28) Sao lại vất vả, khó khăn đến thế?!Hiện tại Chúa là ai đối với chúng ta? Nếu chấp nhận câu trả lời giống như thánh Phêrô xưa kia đã từng (x. Mt 16,15-16), bạn và tôi sẽ sống thế nào cho Ngài?Hằng ngày có nhiều biến cố xảy ra khiến bạn và tôi phải trở về với giải-pháp-Giêsu: Ngài là ai đối với đức tin của chúng ta trong trường hợp này, trường hợp nọ? Ngài có phải là một Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta trong trí não lẫn tâm hồn hay không? Hãy chọn Ngài để Ngài giúp chúng ta giải quyết những khó khăn, lao nhọc mà chúng ta  phải đương đầu!

... Bất cứ điều gì đến từ Thiên Chúa đều đòi hỏi một tâm hồn cởi mở và trung tín!

Chúng ta không thể sống với niềm hy vọng và niềm vui vào lúc cuối-thời-gian, trừ khi chúng ta sống trong tình trạng luôn chuẩn bị và sẵn sàng. Chúng ta phải tỉnh táo và cẩn thận, vì như Thánh Phêrô tông đồ nói, "thù địch của anh em là ma quỷ như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé" (x. 1Pr 5,8).

Bởi đó, Chúa Giêsu nói "Vậy anh em phải cảnh giác, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời... Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người" (x. Lc 21,34-36). Ðó là điều chúng ta được kêu gọi để sống trong Thần Khí của Chúa Giêsu.

Đứng hiên ngang, ngẩng đầu lên, là thái độ của người trưởng thành về tâm linh khi đối diện với những thách đố của cuộc sống. Những sự kiện xảy ra trong đời sống hàng ngày là nguồn mạch phong phú để suy tư và cảm nghiệm về ngày Chúa Giêsu lại đến.

Nhưng có thể nào chúng ta cưỡng lại sự cám dỗ và sống hiên ngang tin tưởng trong thế gian, không bao giờ bị mất nền tảng tâm linh, luôn luôn ý thức rằng "trời và đất sẽ qua đi" nhưng lời của Chúa Giêsu sẽ không qua đi (x. Lc 21,33).

Chúng ta hãy trở nên giống Mẹ Maria, luôn một lòng tin tưởng ở sự trung tín của Thiên Chúa thực hiện lời hứa ban Đấng-Cứu-độ cho dân Người, qua sự đáp lời sứ thần "Vâng, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói" (x. Lc 1,38).

Trong một cách hoàn toàn đơn thuần, Mẹ đã hợp tác qua sự vâng lời, đức tin, niềm hy vọng, và đức ái bừng cháy trong công trình của Ðấng-Cứu-Thế mang lại đời sống siêu nhiên cho các linh hồn. Với lý do này Mẹ Maria chính là Mẹ của chúng ta trong trật tự của ân sủng. Ðức Maria còn là gương mẫu tối thượng của đức tin chân chính. Chỉ đức tin đó mới thấu hiểu được những phương cách nhiệm mầu của quyền năng vô tận của Thiên Chúa đối với loài người.

Chúa Kitô là Ngôi Lời Thiên Chúa, Ðấng đã đến từ trời, được sinh bởi Ðức Trinh Nữ Maria qua quyền năng của Chúa Thánh Thần, và trở nên một con người. Ðiều này đã xảy ra trong một nơi chốn và một thời gian nhất định. Nhưng hàng ngày khi Giáo hội cử hành thánh lễ, Chúa Kitô cũng lại đến từ trời, cầm lấy bánh và rượu, và bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần, Người trở nên của ăn và thức uống cho chúng ta.

Thế thì, qua bí tích Thánh Thể, sự-nhập-thể của Thiên Chúa vẫn tiếp tục xảy ra ở bất cứ đâu và bất cứ thời gian nào.Có lúc chúng ta ao ước: "Phải chi tôi được sống với Chúa Kitô vào thời các tông đồ!". Nhưng bây giờ Chúa Kitô gần gũi với chúng ta hơn cả các tông đồ. Ngày nay Người là lương thực hàng ngày cho mỗi người chúng ta!

Nhưng trên hết tất cả, điều đó có nghĩa chúng ta thực sự chấp nhận một chân lý. Đó là: Chúa Giêsu đã đến trần gian này, và mỗi ngày vẫn đang sống trong chúng ta và đang hoàn thành sứ vụ của Người trong và qua chúng ta. Sự nhận biết Ðức Kitô đang sống trong chúng ta chính là thần khí giúp chúng ta khẳng định mầu nhiệm của sự nhập thể trong lịch sử.

Lạy Chúa Giêsu, con tin Ngài là Con-Thiên-Chúa và là Thiên-Chúa-thật. Ngài đến để ở- cùng-chúng-con, chia sẻ những gánh nặng của kiếp người, và hơn hết là để "gánh xóa tội trần gian". Xin cho con tin và yêu Chúa nhiều hơn nữa, khi mỗi lần con mừng lễ Giáng Sinh!

CÁT BIỂN

3405

86. Hỏi: Hai tiếng “Nhập Thể” có nghĩa là gì?

Thưa: Hội thánh dùng từ “Nhập Thể” để gọi mầu nhiệm của sự kết hợp tuyệt vời của thần tính và nhân tính trong Ngôi vị thần linh duy nhất của Ngôi Lời. Ðể thực hiện công cuộc cứu rỗi chúng ta, Con Thiên Chúa đã hóa thành “xác thể” (Ga 1,14), trở thành con người thật. Ðức tin vào mầu nhiệm Nhập thể là dấu chỉ phân biệt của niềm tin Kitô giáo.

87. Hỏi: Ðức Giêsu Kitô vừa là Thiên Chúa thật, vừa là người thật như thế nào?

Thưa: Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật, không thể tách rời nhau trong sự duy nhất của Ngôi vị Thiên Chúa của Người. Chính Người là Con Thiên Chúa, là Ðấng “được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Ðức Chúa Cha”, Người thật sự trở thành con người, trở thành anh em của chúng ta, tuy không ngừng là Thiên Chúa, là Ðức Chúa của chúng ta.

(Trích Bản Toát Yếu Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, bản dịch của HĐGM Việt Nam, 2011).

Nhập thể là hóa thành xác phàm, hóa thành nhục thể, đó là hành động khiêm nhường nhất. Nghĩa là Ngôi Hai Thiên Chúa hằng hữu, toàn năng, vô tận và bất biến đã tự nguyện làm người và cũng có những yếu đuối thể lý của nhân loại. Ngài tự hạn chế trong thân xác nhân loại, cũng cảm thấy đau đớn và bệnh tật, và với linh hồn của nhân loại cũng làm cho Ngài cảm thấy đau khổ, cô đơn, ưu sầu. Bởi tác động của Chúa Thánh Thần, Con Thiên Chúa xuống thế làm người ngay khi Đức Mẹ khiêm nhường nói lời “xin vâng” (Lc 1:38), vì Đức Mẹ tin tưởng rằng “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1:37). Thiên tính của Đức Kitô có từ đời đời, chỉ có nhân tính của Ngài bắt đầu từ khi Ngài nhập thể. Không bao giờ chúng ta có thể hiểu hết Mầu nhiệm Nhập thể, nhưng chúng ta phải tin kính và tôn thờ.

“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1:14). Đức Kitô là người như chúng ta về mọi phương diện, ngoại trừ tội lỗi. Ngài không thể phạm tội vì Ngài là Thiên Chúa toàn thiện. Nhưng về các phương diện khác thì Ngài cũng như chúng ta: Ngài có thân xác, có linh hồn, có ý muốn của một con người. Hầu như chúng ta không thể hiểu được điều này theo lý luận của con người. Thánh Gioan Chrysostom nói: “Tôi biết Con Thiên Chúa trở nên con người, nhưng tôi không biết như thế nào”. Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ từ hư vô, Ngài cũng khả dĩ tạo nên Mầu nhiệm Nhập thể.

Con Thiên Chúa được thụ thai trong lòng Đức Trinh nữ Maria và trở nên Con Người nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi Thiên Chúa cùng hợp tác trong Mầu nhiệm Nhập thể, nhưng chỉ có Ngôi Hai làm người khi hóa thành nhục thể. Nhập thể là công việc đặc biệt của Tam vị Nhất thể. Chúa Ba Ngôi hình thành linh hồn và cơ thể nhân loại nơi Ngôi Hai Thiên Chúa: Đức Giêsu Kitô, một Thiên-Chúa-Con-Người. Quyền năng Chúa Thánh Thần tạo nên Mầu nhiệm Nhập thể, vì Ngôi Ba Thiên Chúa là Tình Yêu của Chúa Cha và Chúa Con, Ngôi Ba Thiên Chúa đặc biệt diễn tả Tình yêu ấy. Mầu nhiệm Nhập thể là ví dụ tối cao và điển hình về Tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Đúng là Chúa Con nên nhập thể, hơn là Chúa Cha hoặc Chúa Thánh Thần, vì Chúa Con xuất phát từ Chúa Cha và được Chúa Cha sai đến trần gian. Chúa Con là hoa trái của Ơn Cứu Độ và gởi Chúa Thánh Thần đến. Như vậy qua Chúa Con chúng ta trở thành dưỡng tử của Thiên Chúa.

Chúa Con được thụ thai và hóa thành nhục thể từ khi Sứ thần Gabriel truyền tin cho Đức Maria, thế nên Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Trinh nữ Maria là một thôn nữ nhu mì và giản dị sinh sống tại Nadaret, thuộc miền Galilê. Một hôm, Sứ thần hiện ra với Đức Maria và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Chị” (Lc 1:28).

Thôn nữ Maria quá đỗi kinh ngạc, nhưng Sứ thần đã trấn an: “Thưa Chị Maria, xin đừng sợ, vì Chị đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây Chị sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao” (Lc 1:30-32). Sự kiện trọng đại này được gọi là Truyền tin, lễ kính vào ngày 25-3.

Đức Mẹ biết Sứ thần được Thiên Chúa sai đến, nên Đức Mẹ liền thưa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Thiên Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1:38). Ngay lúc Đức Mẹ nói những lời đó, Đức Giêsu Kitô trở thành con người trong cung lòng Đức Mẹ, thế là sự nhập thể hoàn tất.

Mầu nhiệm Nhập thể được kính nhớ hàng ngày khi chúng ta đọc kinh Truyền tin (Angelus) – chúng ta quen gọi là “sai Thiên thần” (Đức Chúa Trời sai Thánh Thiên thần truyền tin cho Đức Bà Maria… Chốc ấy Ngôi thứ Hai xuống thế làm người…). Lời cầu nguyện này được Giáo hội đọc mỗi buổi sáng, buổi trưa, buổi tối, và khi kéo chuông Truyền tin. Trong mùa Phục sinh, kinh Nữ vương Thiên đàng (Regina Coeli – Lạy Nữ vương Thiên đàng hãy vui mừng, Alleluia…) được thay thế kinh Truyền tin. Xin “mở ngoặc”: Ai không thuộc kinh Truyền tin và kinh Nữ vương Thiên đàng thì có thể đọc thay bằng 5 kinh Kính mừng. Chúa Giêsu có cha mẹ là con người? Ngài có một hiền mẫu nhân loại là Đức Maria, nhưng không có một người cha nhân loại. Đức Thánh Giuse chỉ là dưỡng phụ[1]. Đức Maria là Mẹ thật của Đức Giêsu Kitô, nhưng Đức Maria không là Thiên Chúa. Nhân tính và thiên tính của Chúa Con không thể tách biệt. Cũng vậy, chúng ta vẫn gọi song thân là cha và mẹ dù cha mẹ không là người cho chúng ta thể xác, cũng chẳng cho chúng ta linh hồn. Đức Mẹ sinh Chúa Giêsu nhưng Đức Mẹ vẫn hoàn toàn đồng trinh. Việc sinh Chúa Giêsu là một mầu nhiệm mà chúng ta không thể hiểu thấu. Chúng ta chỉ có thể dùng đức tin để chấp nhận đó là sự thật dựa vào Lời Chúa, vì Thiên Chúa là Đấng toàn năng. Đức Thánh Giuse là hôn phu hợp pháp của Đức Maria, nhưng cả hai đều khấn giữ mình đồng trinh. Các ngài chung sống với nhau nhưng luôn coi nhau như anh em. Đức Thánh Giuse là “vệ sĩ” hoặc dưỡng phụ của Chúa Giêsu. Chúng ta phải kính trọng và yêu mến Đức Thánh Giuse vì chính Chúa Giêsu đã kính trọng và yêu mến Đức Thánh Giuse. Kinh thánh đã tôn xưng Đức Thánh Giuse là Người Công Chính, là người khiết tịnh, đó là lý do Thiên Chúa tuyển chọn Đức Thánh Giuse làm Thánh phu trinh khiết của Đức Maria, để chăm sóc Thánh thê Maria và Thánh tử Giêsu. Chúa Giêsu cũng đã luôn tuân phục ý muốn của Đức Thánh Giuse, dù Đức Thánh Giuse chỉ là một bác thợ mộc. Mầu nhiệm Nhập thể hoàn toàn vượt ngoài tầm hiểu biết của chúng ta – vì nhân loại bất túc, bất trác, bất toàn. Mầu nhiệm Nhập thể là sự siêu việt của Thiên Chúa. Những người không có niềm tin tôn giáo luôn thắc mắc về “sự đồng trinh của một phụ nữ đã sinh con” như Đức Maria. Khái niệm về Thiên Chúa trở thành phép ẩn dụ đối với sự sống thấm nhập vào vũ trụ và khả năng hiểu biết của nhân loại. Chúng ta đã và đang tạo ra nhiều vị thần để “giám sát” cuộc đời chúng ta, thậm chí chúng ta còn “tôn thờ” nhiều thụ tạo mà chúng ta không biết gì về nguồn gốc của họ. Hàng ngày chúng ta vẫn tôn thờ nhiều loại ngẫu tượng, nhưng chúng ta cứ cho đó là điều tất nhiên của cuộc sống.

Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể hơn 2.000 năm qua. Đó là một mầu nhiệm mà cứ ngỡ là một nghịch lý. Nhưng chính Thiên Chúa đã tỏ mình cho nhân loại biết tỏ tường, Ngài không hề mơ hồ hoặc giấu giếm: “Ai thấy Tôi là thấy Cha”. Qua Đức Giêsu Kitô, chúng ta có thể quan hệ mật thiết với Thiên Chúa tới mức riêng tư, Ngài không câu nệ điều gì. Đó là thách đố đối với luận lý học và lý lẽ của nhân loại.

Nhập thể là mầu nhiệm và là tín lý về Ngôi-Lời-Làm-Người. Các Giáo phụ từ thế kỷ IV đã phổ biến dùng từ Ngôi Lời. Thánh Giêrônimô, Ambrôsiô, Hilariô,… cũng sử dụng từ đó. Từ “Ngôi Lời” dựa vào Phúc âm của thánh sử Gioan: “Ngôi Lời hóa thành nhục thể” (Ga 1, 14). Theo cách hoán dụ của ngôn ngữ Kinh thánh, nhục thể nghĩa là bản chất con người hoặc nhân loại. Con người là xác thịt, điều này nhấn mạnh đến bản chất yếu đuối của con người. Khi Ngôi Lời trở thành xác phàm, hóa thành nhục thể, bản chất tốt lành của Thiên Chúa được diễn tả tốt hơn khi Ngài tự biến mình thành “không” như thánh Phaolô diễn tả: “Ngài hoàn toàn trút bỏ vinh quang để mặc lấy thân phận nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2:7). Đó là bản chất và hiệu quả của Mầu nhiệm Nhập thể. Ngài tự nhận bản tính nhân loại – nghĩa là Ngài cũng chịu đau khổ, bệnh tật và chết như một người bình thường. Ngài trở nên phàm nhân để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và cứu độ chúng ta, những tử-tội-đáng-nguyền-rủa. Mầu nhiệm Nhập thể còn được diễn tả bằng những cách khác: Epiklepsis,[2] vì “những kẻ được Người giúp đỡ không phải là các thiên thần, mà là con cháu của Ápraham” (Dt 2:16).

Chúng ta tin rằng “tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính” (1 Tm 3:16).

Tất nhiên vẫn có cách khác, nhưng có thể nói rằng nếu Đức Mẹ không “xin vâng” thì chúng ta không được hưởng Ơn Cứu Độ. Đức Mẹ và Mầu nhiệp Nhập thể được coi là mối quan hệ gần gũi.

Thom. Aq. Kha Đông Anh
Saigòn, Mùa Vọng 2011

nguồn: Đaminh VN

[1] Chúng ta quen xưng hô là Thánh Giuse, riêng tôi muốn gọi là Đức Thánh Giuse. Chúng ta gọi là Đức Maria, tại sao lại không thể xưng hô Đức Thánh Giuse? Trong Việt ngữ, tiếng “đức” để tỏ lòng tôn kính một người: Đức giáo hoàng, Đức khâm sứ, Đức hồng y, Đức giám mục, Đức viện phụ, Đức ông, Đức thượng phụ, Đức vua, Đức Khổng Tử, Đức Dalai Latma,… Người đời bình thường còn được thêm từ “đức” phía trước thì huống chi đối với Ngài Giuse, một người cũng có công lớn trong Mầu nhiệm Nhập thể.

[2] Epiklesis: Phần kinh khẩn cầu Thánh Linh, tức là kinh khẩn cầu Chúa Thánh Linh do chủ tế đọc sau lời nguyện Truyền phép. Kinh này được đọc trong mọi phụng vụ của Giáo hội Đông phương và được xem là cốt yếu trong Giáo hội Chính thống đối với hiệu lực của Hy tế Tạ ơn. Kể từ Công đồng Vatican II, mọi Lễ Quy mới của Thánh lễ đều có Kinh khẩn cầu Thánh Linh.

//conggiao.info/mau-nhiem-nhap-the-va-duc-maria-d-4385

Video liên quan

Chủ đề