Đối với học sinh cấp THCS giáo viên có thể dạy học trực tuyến thông qua

08:37, 16/03/2022 (GMT+7)

Việc dạy, học của giáo viên và học sinh đang gặp khó khăn do dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Để bảo đảm công tác giảng dạy, giáo viên nỗ lực gấp nhiều lần so với bình thường.

Học sinh học trực tiếp tại Trường THCS Trưng Vương. (Ảnh chụp ngày 14-2-2022). Ảnh: NGỌC HÀ

Đến thời điểm hiện tại, các trường học trên địa bàn thành phố liên tục chuyển đổi hình thức dạy học từ trực tiếp sang trực tuyến và ngược lại, gây áp lực cho giáo viên nhưng các thầy cô vẫn nỗ lực bám lớp, bảo đảm tiến độ chương trình năm học.

Gần một tháng nay, cô H.T.T.T, giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Liên Chiểu) ngày hai buổi đến trường dạy trực tiếp hai lớp 3/6 và 3/9. Mỗi buổi học, việc trước tiên của cô T. là rà soát danh sách, nắm bắt tình hình học sinh thuộc diện F0, F1 ở nhà học trực tuyến. Trên cơ sở đó, theo dõi, vận động phụ huynh cho con ra lớp khi hết thời gian cách ly và sức khỏe ổn định. Khi các em trở lại lớp, cô T. dành thời gian củng cố kiến thức…

Không riêng cô T., thời gian qua, nhiều giáo viên là F0, F1 cũng nỗ lực bám lớp thông qua dạy trực tuyến. Cô T.T.D.A, giáo viên Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Khê) có chồng và con là F0, trong giai đoạn cách ly, ngoài việc chăm lo cho gia đình, cô A. vừa đảm nhận bộ môn phụ trách vừa dạy thay cho đồng nghiệp là F0.

Theo cô Lê Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lai (quận Ngũ Hành Sơn), xác định dạy, học trong điều kiện bình thường mới, các trường bằng mọi cách thích nghi linh hoạt để tất cả học sinh đều có thể tham gia học tập. Hiện nay, hầu như giáo viên phải tăng ca, vừa dạy trực tiếp ở trường, vừa đảm nhận lớp trực tuyến ở nhà.

“Khác với cấp THCS, học sinh tiểu học rất khó tiếp thu khi dạy trực tuyến thông qua màn hình được lắp tại lớp học trực tiếp. Do đó, ngoài những lớp có số lượng F0, F1 nhiều chuyển hoàn toàn sang dạy trực tuyến, nhà trường cố gắng duy trì các lớp học trực tiếp. Bên cạnh đó, nhà trường hình thành mỗi khối lớp có 1-2 lớp học trực tuyến dành cho đối tượng F0, F1 rải rác ở các lớp. Điều này tăng thêm phần việc cho giáo viên nhưng giúp bảo đảm kiến thức học sinh trong bối cảnh hiện nay”, cô Yến cho hay.

Trong khi đó, Trường Tiểu học Nguyễn Phan Vinh (quận Sơn Trà) linh động trong dạy, học kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp như bố trí phòng học trực tuyến tại trường bảo đảm học sinh học tại lớp và trực tuyến tại nhà. Ngoài ra, mỗi khối lớp thành lập một lớp học online cho học sinh F0, F1 vào các buổi chiều trong tuần. Riêng đối với môn Tin học và môn Tiếng Anh, học sinh F0, F1 được học bổ trợ kiến thức vào ngày thứ Bảy và Chủ nhật.

“Nhờ sử dụng linh hoạt các hình thức nên dù tình hình dịch bệnh phức tạp nhưng việc dạy học vẫn bảo đảm tiến độ, học sinh nắm được kiến thức để chuẩn bị cho kỳ kiểm tra cuối năm sắp tới đạt chất lượng. Điều đáng quý là nhiều giáo viên của trường tuy F0, F1 nhưng vẫn kiên trì với lớp dạy trực tuyến”, thầy Tạ Văn Cương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Phan Vinh thông tin.

Tương tự, cô Nguyễn Trần Lê Hồng Trinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Liên Chiểu) chia sẻ, việc liên tục thay đổi hình thức dạy học gây khó khăn cho giáo viên trong truyền đạt kiến thức, khó nắm chất lượng học sinh. Đồng thời, giáo viên phải soạn giảng giáo án hai hình thức vừa trực tiếp, vừa trực tuyến, dạy tăng tiết ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng giờ dạy.

“Lúc này, sự chia sẻ của giáo viên với nhà trường là rất lớn. Ngược lại, ban giám hiệu cũng thường xuyên động viên các trường hợp giáo viên F0, F1. Nếu lớp học có giáo viên F0, F1 chuyển sang học trực tuyến, trong điều kiện giáo viên sức khỏe không bảo đảm đứng lớp có thể cho lớp nghỉ và dạy bù vào thời điểm thích hợp”, cô Trinh cho hay.

Thầy Nguyễn Thanh Ký, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Liên Chiểu) cho biết, chưa khi nào việc dạy và học khó khăn như hiện nay. Nhà trường luôn để mắt đến học sinh trong suốt thời gian các em ở trường với phương châm cố gắng tạo môi trường an toàn để học sinh học trực tiếp. Song dịch bệnh diễn biến phức tạp, học sinh lớp nào cũng vắng, rồi giáo viên rơi vào trường hợp F0, F1. Để bảo đảm nền nếp, an toàn trong điều kiện phòng dịch, khi giáo viên F0, F1 dạy trực tuyến tại nhà, kết nối với lớp học trực tiếp, nhà trường vẫn bố trí giáo viên quản lý lớp trong các tiết học nên việc sắp xếp giáo viên dạy thay, quản lý lớp ngày càng gặp khó khăn. Khẳng định việc học sinh trở lại trường học là yêu cầu cấp thiết, cần triển khai, nhưng thầy Ký cho rằng, để làm tốt điều này cần giải pháp đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Trong khi nhà trường nỗ lực giữ cho học sinh an toàn, giáo viên tích cực bám lớp, phụ huynh cần tăng cường hướng dẫn và rèn luyện con kỹ năng phòng, chống dịch, tuân thủ 5K, cho con tham gia đầy đủ buổi học trực tiếp để việc học đạt chất lượng.

NGỌC HÀ

Việc dạy học trực tuyến tuy chỉ là giải pháp tình thế nhưng được thực hiện trong một thời gian dài đã gây ra những hệ lụy không tốt trong giáo dục.

Chất lượng dạy, học còn hạn chế

Cô giáo Nguyễn Thị Hải Vân, giáo viên Trường THPT Phan Đình Phùng (Quảng Bình) cho biết, việc dạy học chỉ xoay quanh màn hình máy tính nên giáo viên không thể “áp” giáo án dạy trực tiếp mà phải đầu tư công sức, thời gian để chuẩn bị bài giảng gấp nhiều lần so với giờ học trực tiếp. Chưa kể, việc soạn giáo án điện tử với những thầy, cô giáo đã có tuổi rất vất vả do chưa tinh thông về công nghệ thông tin và máy tính, phải tự tìm hiểu nhiều phần mềm, ứng dụng. 

Thầy giáo Lê Cường, Trường THCS Thanh Chăn (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) chia sẻ, khi dạy học trực tuyến, giáo viên không thể bao quát lớp như dạy học trực tiếp, trong khi tương tác giữa giáo viên với học sinh, học sinh với học sinh cũng như làm việc nhóm bị hạn chế bởi yếu tố không gian và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của học sinh không đồng đều.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên Cù Huy Hoàn, chất lượng học tập còn hạn chế do cơ sở vật chất, thiết bị dạy học trực tuyến của các trường, giáo viên, học sinh đều thiếu thốn; đường truyền internet ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa chưa bảo đảm. 

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên, trong tổng số hơn 141 nghìn học sinh phổ thông, chỉ 36.092 em có thiết bị để học trực tuyến (chiếm hơn 25%). Ở cấp học tiểu học, THCS, nhiều học sinh chưa được tiếp cận, làm quen với máy tính, thiết bị di động thông minh, mạng internet... nên việc triển khai trong giai đoạn ban đầu gặp rất nhiều khó khăn. 

Trong khi đó, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang đánh giá, môi trường trực tuyến đã làm cho học sinh ít có không gian vận động, không có điều kiện để hình thành những thói quen sinh hoạt chung hằng ngày như: nói chuyện, giao tiếp với bạn bè, hoạt động giáo dục ngoài trời... Trong khi giáo viên chỉ có thể theo dõi, quan sát trực tuyến dẫn đến một bộ phận học sinh thiếu ý thức đã lợi dụng thời gian học tập để chơi game, tham gia các trang mạng xã hội,... ảnh hưởng không tốt đến kết quả học tập và lâu dài sẽ hình thành nên những thói quen xấu ở các em học sinh.

Theo kết quả khảo sát ở một số địa phương về tình hình tổ chức dạy học trong bối cảnh Covid-19 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, hơn hai năm qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới ngành giáo dục. 

Cả nước có gần 20 triệu trẻ em, học sinh, sinh viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến, qua truyền hình trong nhiều tháng liên tiếp; hơn 70 nghìn sinh viên không thể ra trường đúng hạn. Dạy học trực tuyến chỉ là giải pháp tình thế, trong khi nhiều địa phương chưa bảo đảm các điều kiện đáp ứng yêu cầu phương pháp này, nhất là còn thiếu thiết bị; tình trạng quá tải đường truyền internet và cước phí internet cao còn phổ biến. 

Trong khi đó, phần mềm thiếu đồng bộ ở các nhà trường; một số phần mềm có bản quyền, tính phí gây khó khăn cho người dạy và người học. Ngành giáo dục chưa cung cấp đầy đủ bài giảng điện tử cho tất cả các môn học; còn tình trạng giáo viên phải tự soạn học liệu để sử dụng, trong khi học liệu được tổ chức lưu trữ từ nhiều nguồn, khó kiểm soát chất lượng và khó khăn trong tra cứu, sử dụng. Công tác tập huấn giáo viên dạy học trực tuyến hiệu quả chưa cao. 

Triển khai dạy học trong bối cảnh dịch Covid-19 mới chỉ bảo đảm thực hiện kế hoạch năm học, không bị gián đoạn, tuy nhiên, chất lượng giáo dục còn nhiều vấn đề đặt ra như chương trình giản lược; tính công bằng và chính xác trong thi, kiểm tra, đánh giá... Việc kéo dài hình thức dạy học trực tuyến đã tác động tiêu cực tới sức khỏe thể chất, tinh thần của cả người dạy, người học.

Cần kế hoạch cụ thể của ngành giáo dục

Khắc phục những bất cập sau thời gian dài dạy học trực tuyến rõ ràng cần có sự nỗ lực hơn nữa của toàn ngành giáo dục. 

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Cạn Đào Thị Mai Sen, để hỗ trợ, bù đắp kiến thức cho học sinh khi trở lại trường học tập trực tiếp, các cơ sở giáo dục cần xây dựng kế hoạch ôn tập, phụ đạo, củng cố bổ sung kiến thức cho học sinh khi trở lại trường, nhất là những nội dung, chương trình đã dạy trực tuyến. 

Ngoài ra, các cơ sở giáo dục sử dụng hiệu quả thời gian học sinh được đến trường để tổ chức dạy học trực tiếp các nội dung cơ bản, cốt lõi theo các văn bản hướng dẫn hiện hành, phù hợp điều kiện của nhà trường và đối tượng học sinh, tránh gây áp lực, quá tải đối với học sinh. Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa, Lê Đình Thuần đề xuất khi học sinh trở lại trường học trực tiếp, cần có khoảng thời gian để tổ chức ôn tập bổ sung lại kiến thức cho học sinh. 

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu cho biết: Thời gian tới, ngành giáo dục tiếp tục xây dựng kho học liệu điện tử mở, hỗ trợ người học mọi lúc mọi nơi, làm nền tảng xây dựng xã hội học tập. Đồng thời, ngành giáo dục sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để tạo môi trường giáo dục tốt nhất, duy trì giảng dạy trực tuyến như một kênh phụ trợ tăng thêm kiến thức cho học sinh, ngay cả khi kiểm soát được dịch Covid-19.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục đặc biệt quan tâm tới học sinh lớp 1 chưa từng tới trường; tổ chức các hoạt động tạo hứng thú và trạng thái thoải mái cho học sinh tới trường. 

Các cơ sở giáo dục tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh; tăng cường sự tương tác, gắn kết giữa các học sinh trong lớp học; tổ chức dạy học tại trường các nội dung cơ bản, cốt lõi theo các văn bản hướng dẫn, không gây áp lực, quá tải đối với học sinh. 

Việc tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức cần phù hợp các nhóm đối tượng học sinh có điều kiện học trực tuyến khác nhau ngay trong nội dung dạy học chính khóa, nhất là đối với các học sinh không được học qua truyền hình, học sinh chuyển trường do phải di chuyển nơi cư trú để phòng, tránh dịch bệnh...

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa, qua kết quả khảo sát cho thấy ngành giáo dục cần chủ động hơn trong việc đánh giá toàn diện, đầy đủ tác động trước mắt và lâu dài của dịch Covid-19 tới hoạt động giáo dục ở tất cả cấp học và trình độ đào tạo, từ đó xây dựng kế hoạch tổng thể và cụ thể dạy, học trong bối cảnh thích ứng an toàn với dịch bệnh. 

Để mở cửa lại trường học an toàn còn có nhiều vấn đề đặt ra như: bảo đảm an toàn, sức khỏe cho đội ngũ nhà giáo và người học cũng như bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục và việc bổ sung kiến thức cho học sinh để bảo đảm chất lượng giáo dục...

 Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Mường Toong số 1 (Mường Nhé, Điện Biên) bảo đảm quy định phòng dịch trong lớp học trực tiếp. (Ảnh: LÊ LAN)

Đến trường an toàn trong đại dịch

Video liên quan

Chủ đề