Chương trình phụ nữ khởi nghiệp

(PLO)- Chương trình Phụ Nữ Khởi Nghiệp Future For Women 2022 nhằm xây dựng cộng đồng phụ nữ khởi nghiệp trẻ năng động, sẵn sàng hỗ trợ nhau trên con đường lập nghiệp.

ForGood Vietnam chính thức khởi động chương trình Phụ Nữ Khởi Nghiệp Future For Women 2022, đồng thời ra mắt Cộng đồng Phụ nữ Khởi nghiệp Việt Nam (WECV) tại Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Sài Gòn, Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM.

Chương trình là một sáng kiến của nhóm cựu sinh Bộ ngoại giao Hoa Kỳ được bảo trợ bởi Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ vào năm 2020-2021 và tiếp tục được bảo trợ bởi Quỹ Echidna Giving vào năm 2022-2023. ForGood Vietnam là đơn vị triển khai chương trình từ năm 2022 trở đi.

Dự án khởi nghiệp của thành viên tham gia chương trình. ẢNH: THU HÀ

Đây là chuỗi hoạt động nhằm hướng đến cộng đồng phụ nữ khởi nghiệp, giúp nâng cao vai trò cùng hình ảnh của phụ nữ khi tham gia kinh tế, thông qua việc đào tạo, cố vấn, xây dựng cộng đồng và nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp và bản thân họ.

Chương trình hoàn toàn miễn phí cho phụ nữ từ 18 tuổi trở lên, là công dân Việt Nam. Ngoài ra chương trình còn miễn phí cho phụ nữ là chủ doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dưới 42 tháng ở thời điểm ứng tuyển, hoặc những phụ nữ có ý tưởng kinh doanh và dự định khởi nghiệp tại Việt Nam vào năm 2023. Khi tham gia, các hội viên phải sẵn sàng đầu tư ít nhất 8 giờ mỗi tháng cho các hoạt động của chương trình.

Những phụ nữ khởi nghiệp hoặc có ý tưởng khởi nghiệp khi tham gia chương trình sẽ được tăng cường kiến thức và kỹ năng lãnh đạo, kinh doanh, xây dựng bộ công cụ phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội và khởi nghiệp. Đồng thời, chương trình cũng giúp phụ nữ vượt qua những định kiến giới gây tác động tiêu cực đến việc kinh doanh của họ, tham gia vào mạng lưới các nữ doanh nhân và tiếp cận các thông tin thực tiễn về những hỗ trợ dành cho phụ nữ khởi nghiệp.

Chia sẻ tại sự kiện, bà Trần Thị Ngọc Trân, Người sáng lập tổ chức ForGood Vietnam cho biết: "Chương trình Phụ nữ Khởi nghiệp 2021 đã gặt hái được một số thành công nhất định trong việc hỗ trợ cộng đồng phụ nữ Việt Nam xây dựng và hoàn thiện mô hình kinh doanh. Đây là nền tảng và động lực giúp chúng tôi tiếp tục triển khai Chương trình Phụ nữ Khởi nghiệp 2022 với nhiều mục tiêu cao hơn, mang lại nhiều lợi ích hơn cho cộng đồng phụ nữ tại Việt Nam”.

THU HÀ

      Theo thống kê, tại Việt Nam, tỷ lệ phụ nữ tham gia khởi nghiệp là 15,5%, cao hơn nam giới (11,6%). Tuy nhiên, các hoạt động khởi sự kinh doanh của nữ giới vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức trong những bước đầu chập chững vào con đường khởi nghiệp, phát triển kinh doanh.

      Thấu hiểu được những khó khăn ấy cũng như mong muốn tạo điều kiện hỗ trợ cho các hoạt động đổi mới sáng tạo, hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh và công cuộc khởi nghiệp của phụ nữ, Ủy ban nhân dân thành phố vừa ban hành và chỉ đạo triển khai thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh” thông qua Quyết định số 1381/QĐ-UBND ngày 09/04/2018.

      Các đối tượng được hướng đến hỗ trợ là phụ nữ có ý tưởng, có nhu cầu khởi nghiệp, các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp mới thành lập do phụ nữ làm chủ. Đặc biệt, ưu tiên phụ nữ thuộc hộ nghèo khó khăn, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ sống tại địa bàn khó khăn, chuyển đổi đất nông nghiệp.

      Như vậy, chương trình sẽ hỗ trợ các phụ nữ khởi nghiệp trong quá trình hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo, trong việc nâng cao năng lực kinh doanh, cũng như việc tiếp cận tín dụng. Ngoài ra, đề án còn hỗ trợ tư vấn pháp lý, xây dựng thương hiệu, sở hữu trí tuệ cho phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp có sự đổi mới sáng tạo.

      Bên cạnh đó, các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp cũng được tăng cường năng lực nhằm tăng thêm quyền năng kinh tế cho phụ nữ.

      Toàn bộ chương trình đề án này sẽ do Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, các sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố, các tổ chức thành viên và Ủy ban nhân dân 24 quận, huyện trên địa bàn thành phố cùng phối hợp tổ chức thực hiện.

      Thời hạn thực hiện chương trình sẽ được kéo dài trong vòng 8 năm (từ 2017-2025).

Trương Thị Kim Ngân

PhuthoPortal - Khởi nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh là giải pháp để phụ nữ hiện đại tự tạo việc làm, phát triển kinh tế. Với phẩm chất cần cù, tinh thần vượt khó cùng sự hỗ trợ từ nhiều chương trình, đề án, nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp, biến những thử thách thành cơ hội và khẳng định được vị trí của mình trong gia đình, xã hội.

Chị Duyên giới thiệu về mô hình trồng nấm rơm sạch của gia đình

Tháng 9/2017, mô hình sản xuất nấm rơm sạch do chị Nghiêm Thị Thu Duyên (hội viên Chi hội phụ nữ thôn 9, xã Chân Mộng, huyện Đoan Hùng) bắt đầu đi vào hoạt động. Từ đó đến nay, nhờ sự cần cù, ham học hỏi và sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, đặc biệt là Hội phụ nữ xã, mô hình trồng nấm của chị không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình mà còn góp phần tạo việc làm cho 5 - 7 lao động tại địa phương.

Chị Duyên chia sẻ: Sau khi tham quan nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, tôi thấy kỹ thuật trồng, chăm sóc nấm rơm không quá cầu kỳ; thị trường tiêu thụ lại có nhiều thuận lợi nên đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư trại nấm theo công nghệ, kỹ thuật của Đài Loan. Thông qua tổ chức Hội phụ nữ, tôi được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật,phát triển năng lực kinh doanh, quảng bá sản phẩm, từ đó đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cho mô hình.

Mô hình trồng nấm rơm sạch của chị Duyên là một trong số những mô hình khởi nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Trung bình trại nấm của gia đình chị cho sản lượng trên 10 tấn/năm; doanh thu mỗi năm trừ chi phí đạt 300 triệu đồng.

Không chỉ riêng trường hợp chị Nghiêm Thị Thu Duyên, thời gian qua, nhờ sự quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện của các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể, nhất là các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh, ngày càng có nhiều chị em phụ nữ tham gia khởi nghiệp, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Đặc biệt sau khi Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh với mục tiêu thay đổi nhận thức, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ. Đồng thời thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh của phụ nữ thông qua chuỗi các dịch vụ hỗ trợ, góp phần thực hiện thành công mục tiêu chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.

Bà Vũ Thị Thu Huyền - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, Hội LHPN tỉnh đã thí điểm mô hình tại 3 huyện Đoan Hùng, Thanh Sơn và Thanh Ba. Qua đó tổ chức hướng dẫn phụ nữ cách xây dựng ý tưởng kinh doanh và tìm kiếm nhà đầu tư; nâng cao năng lực kinh doanh, khởi nghiệp cho phụ nữ có ý tưởng kinh doanh khả thi; hỗ trợ pháp lý, xây dựng thương hiệu, sở hữu trí tuệ. Tổ chức các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm; phát hiện, giới thiệu các phụ nữ có dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới để được hỗ trợ từ Đề án. Bên cạnh đó, Hội đã chỉ đạo các cấp Hội phụ nữ khảo sát, đánh giá thực trạng phụ nữ khởi nghiệp, có ý tưởng khởi nghiệp tại địa phương; lựa chọn nội dung hoạt động và xây dựng mô hình thí điểm phù hợp với điều kiện và đặc thù của từng đơn vị.

Để vận động, tạo điều kiện cho phụ nữ khởi nghiệp, tham gia phát triển kinh tế, các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên bám sát địa bàn, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của hội viên phụ nữ, nhất là hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang có ý tưởng khởi nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các hội viên phụ nữ nắm được những kiến thức cơ bản về kinh tế tập thể; nguyên tắc, điều kiện tham gia hợp tác xã, quy trình thành lập, nhiệm vụ, quyền hạn khi tham gia hợp tác xã. Trong năm 2018, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức về kinh tế tập thể cho 1.120 cán bộ, hội viên phụ nữ.

Có thể khẳng định, thông qua hoạt động vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, nhiều hội viên phụ nữ đã vượt khó vươn lên, tự tin, mạnh dạn phát triển kinh tế, kinh doanh, khởi nghiệp, làm giàu cho gia đình và xã hội. Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế do phụ nữ tham gia khởi nghiệp đã đạt được hiệu quả như: Mô hình sản xuất dầu lạc, vừng của phụ nữ huyện Cẩm Khê; mô hình trồng rau thủy canh của phụ nữ xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh; mô hình liên kết trồng lúa chất lượng cao của phụ nữ xã Thanh Hà, huyện Thanh Ba…

Hiện toàn tỉnh có khoảng 1.700 doanh nghiệp do nữ làm chủ. Nhằm phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của đội ngũ nữ doanh nhân trên địa bàn tỉnh, năm 2018, Hội Nữ doanh nhân tỉnh đã được thành lập với 110 hội viên. Qua đó đã tạo cơ hội, trao sức mạnh cho phụ nữ phát triển, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Để tiếp tục khơi nguồn sáng tạo cho phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh, thời gian tới, các cấp Hội phụ nữ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của phụ nữ về khởi nghiệp; thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh. Đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động nhằm huy động nội lực của các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh giúp nhau khởi nghiệp. Đặc biệt, phối hợp tổ chức tốt các hoạt động kết nối, tiếp cận, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay, nguồn Quỹ hỗ trợ. Đặc biệt, mỗi chị em phụ nữ cần chủ động tích cực học hỏi, mạnh dạn để có thể tự mình thay đổi cuộc sống, trở thành tấm gương phụ nữ “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Video liên quan

Chủ đề