Cách đọc sách giáo khoa hiệu quả

Mời bạn tham khảo video hướng dẫn phương pháp đọc 3 cuốn sách giáo khoa 15 phút mỗi ngày. Giảng viên hướng dẫn: thầy Lê Đăng Khương – Giảng viên Khoa Hóa- Trường ĐHSP Hà Nội.

Giáo trình và tài liệu tham khảo là những công cụ cơ bản giúp sinh viên trang bị kiến thức cho trong quá trình học tập. Đây không chỉ là yêu cầu bắt buộc của các môn học mà còn là cửa ngõ đầu tiên để người học tiến xa hơn trong việc tìm kiếm và mở rộng tri kiến cho mình.

Tuy nhiên, làm thế nào để đọc giáo trình đúng cách và tìm kiếm tài liệu hiệu quả? Hãy lắng nghe ý kiến của các chuyên gia ĐHQG-HCM.

* PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh Tế - Luật:

Đọc giáo trình từ sự khao khát tri thức

Đối với sinh viên bậc cử nhân, việc đọc giáo trình và tài liệu tham là việc bổ trợ cần thiết cho việc học tập ở trên giảng đường và cả làm việc nhóm. Trong lĩnh vực khoa học luật, kiến thức thông thường được xây dựng, tích hợp dựa trên quan  điểm cá nhân của người thầy trở thành một cái gì đó rất đặc thù. Tất nhiên, sinh viên phải tôn trọng quan điểm của người thầy. Nhưng chỉ có vậy thôi thì sinh viên dễ rơi vào cái nhìn phiến diện. Bởi vậy, ngoài việc nghe giảng ở giảng đường, sinh viên còn cần phải nghiên cứu giáo trình và tài liệu tham khảo để có được cái nhìn từ nhiều đối tượng. Đây là một trong những cách giúp cho sinh viên đánh giá toàn diện sự vật hiện tượng.

Đọc giáo trình và tài liệu tham khảo là một quá trình thường xuyên. Nó cần phải xuất phát từ yếu tố bên trong chính là cảm xúc hứng thú, tò mò muốn biết của bạn. Cách tốt nhất để đọc giáo trình và tài liệu tham khảo hiệu quả nhất là sinh viên phải xác định được mục đích tìm kiếm tài liệu của mình. Bạn tới với nguồn tài liệu đó tựa như bạn khao khát chạm đến chiếc khóa tri thức dẫn lối đến những thông tin bạn cần.

Tuy nhiên, không giống thư viện theo nghĩa truyền thống với nguồn kiến thức được sàng lọc và mang tính ổn định, sự đa dạng của nguồn thông tin điện tử sẽ mang nhiều nguy cơ hơn. Bởi tài liệu điện tử  thường biến động và chịu sự can thiệp từ bên ngoài. Nếu sinh viên không biết tự thẩm định, khi tiếp xúc với những nguồn tài liệu ấy rất dễ bị chi phối, lầm lạc.

Ngoài ra, để phục vụ việc học tốt hơn, sinh viên cần phải biết quan sát, học hỏi. Đối với sinh viên ngành luật, họ sẽ bị vướng mắc vào những bản án. Đó là một điểm yếu. Bản án chỉ là một nguồn để kiểm chứng hiệu quả của các quy tắc được thiết lập trong luật. Ngoài bản án, nó còn nhiều thực tiễn đa dạng của áp dụng pháp luật, công chứng, luật sư tư vấn, và các cơ quan hành chính. Các bạn phải đi tìm hiểu, quan sát toàn diện chứ không nên căn cứ vào án lệ. Những điều thú vị có thể nằm ngoài tòa án cần bạn kiếm tìm.

* PGS.TS Đoàn Lê Giang, Trưởng Khoa Việt Nam học, Trường ĐH KHXH&NV:

Không dừng lại ở việc đọc một quan điểm

Đọc giáo trình không phải dừng lại ở chỗ  “thầy cô chỉ đâu, trò đọc đó” mà tự bản thân mỗi người phải chủ động chiếm lĩnh tri thức riêng cho mình. Những sinh viên thành công thường là những người đọc rất nhiều.

Về kỹ thuật đọc có nhiều cách khác nhau như: Đọc lướt để nắm bắt được nội dung chính, đọc sâu những chỗ cần thiết, cũng có những loại đọc rất sâu chúng ta phải hiểu từng từ từng chữ, nhất là những văn bản. Loại sách liên quan đến những ngành khoa học xã hội thì yêu cầu chúng ta cần phải đọc rất sâu.Ví dụ khi tôi dạy về Tư tưởng phương Đông sẽ có nhiều loại sách liên quan đến triết học Đông phương căn bản như: Luận ngữ, Lão tử, Trang tử thì chúng ta phải đọc thật kỹ và ngẫm nghĩ vì sách ngày xưa người ta viết rất cô đọng nhưng lại chứa đựng hàm nghĩa sâu xa.

Theo đúng quy trình thì học trò phải đọc trước khi lên lớp. Thậm chí các thầy cô phải yêu cầu học trò soạn những câu hỏi trước khi lên lớp. Nếu làm được như thế thì có nghĩa là các bạn đang học một cách chủ động. Còn việc lên lớp của thầy cô chỉ là hướng dẫn cho sinh viên hiểu giáo trình thôi. Nếu các bạn có tham vọng trở thành những người thật sự có hiểu biết rộng lớn, những trí thức tài giỏi thì nên chủ động đọc tài liệu tham khảo và giáo trình. Còn nếu chỉ học theo sự bắt buộc của các thầy cô thì chỉ đạt yêu cầu trung bình khá mà thôi.

Giáo trình không phải tiểu thuyết cho nên không phải đọc xong rồi bỏ qua. Phải tự mình ghi chép lại chứ không thể dùng những gì chép của người khác. Trên mạng có nhiều người lập sẵn tóm tắt, học sinh lười chép lấy tóm tắt đó nên dễ trở thành hiện tượng “đạo văn” dẫn đến các bạn không nhớ được các thao tác thực hành.Vì vậy khi đọc sách cần phải đánh dấu ghi chép và nhớ trong đầu chứ nếu chỉ đọc lướt qua rồi bỏ đi thì kiến thức sẽ trôi đi mất.

Đọc giáo trình và tài liệu tham khảo đều quan trọng như nhau. Giáo trình được xem như là hiểu biết tri thức căn bản của môn học, có tính chất hiện thời, cập nhật. Tuy nhiên, các bạn có thể tham khảo thêm giáo trình khác để mình hiểu các quan điểm theo nhiều cách. Việc học không thể dừng lại ở việc đọc và hiểu một quan điểm duy nhất, mình phải hiểu và biết thêm nhiều quan điểm khác nhau để mình có sự lựa chọn tự do của mình.

Đọc và tìm hiểu giáo trình không chỉ là tri thức mà còn là thái độ đối với một ngành khoa học. Song song đó, sinh viên cũng phải rèn luyện kỹ năng. Tức, từ những tri thức mình đã có để rèn luyện, để xem mình có thể làm được gì chứ không chỉ là vấn đề hiểu biết về cái gì. Chúng ta phải ứng dụng được kiến thức của mình vào thực tế. Chính thực tế sẽ là câu trả lời cho tri thức của mình.

* TS Trịnh Thanh Đèo - Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng, Trường ĐH KHTN:

Muốn hiểu tốt, phải đọc thường

Để lựa chọn giáo trình và tài liệu tham khảo phù hợp, trước tiên, sinh viên cần tìm những quyển liên quan giáo trình mà thầy cô giới thiệu để học hỏi cách tiếp cận. Thứ hai, sinh viên nên dựa vào tên của từng môn học để chọn. Chẳng hạn, chúng ta đang học về toán cao cấp thì sẽ có những tên gọi khác gắn với môn học hơn như môn đại số tuyến tính, vi tích phân hay môn giải tích cơ sở. Những cái tên đó rất quen thuộc nên chúng ta sẽ tìm trong thư viện những tác giả khác xem họ viết thế nào. Sinh viên nên làm quen với tài liệu tiếng Việt. Tuy nhiên, khi chúng ta đi sâu hơn thì nên tiếp cận dần với tài liệu quốc tế. Bởi lẽ, theo cộng đồng toán học, ngôn ngữ toán là thứ tiếng của quốc tế nên viết bằng tiếng nước nào mình cũng có thể cảm nhận được nội dung của nó.

Cách đọc tài liệu toán học chia thành ba giai đoạn. Thứ nhất, xác định nguồn tài liệu có phù hơp với mục đích làm toán của mình không. Thứ hai phải tìm kiếm tác giả tin cậy. Thứ ba, đọc mục lục và lời nói đầu. Vì lời nói đầu sẽ toát lên được nội dung của tài liệu muốn truyền tải. Đọc lướt qua những cái đó, rồi cuối cùng bạn mới bắt đầu đi sâu tìm hiểu nội dung. Sinh viên học toán phải đọc từng trang và có một quyển tập để ghi chú lại những ý quan trọng, chủ yếu là những thuật ngữ chuyên ngành, những định nghĩa, các ý quan trọng của định lý... dần dà sẽ tích lũy kiến thức vững chắc.

Thông thường, những bài nâng cao sẽ giúp bạn hiểu được quy luật của toán học. Những bài tập nâng cao trong thi học kỳ trình bày rất ngắn nhưng sinh viên thường bỏ câu đó vì nó khó ở ý tưởng làm bài. Nghĩa là câu hỏi đó chỉ cần nhìn vào ý tưởng là làm được nhưng mà để làm được thì sinh viên cần rèn luyện cảm giác toán của mình. Trong thành công của việc học, thường thông minh chỉ chiếm 5%, còn lại 95% là nhờ luyện tập. Nếu không luyện tập sẽ không có phản xạ, dù lý thuyết của bạn tốt.

Cách nắm vững kiến thức nhanh nhất là chia sẻ kiến thức của mình. Kiến thức không nên giấu đi, kiến thức càng giấu thì mình càng bị tụt hậu. Khi giảng dạy cho sinh viên, tôi hay khuyên các bạn đừng nên học một mình mà nên thành lập nhóm học tập khoảng 3-4 người là hợp lý. Chúng ta nhận ra rằng: Đối với những công trình toán học làm một mình thì đó là những nghiên cứu khoa học bình thường, còn những công trình có giá trị cao thì thường gắn với một tập thể.

KIM QUYÊN (Bản tin ĐHQG-HCM số 193)

Thành quả học tập của học sinh (HS) phụ thuộc vào sự kết hợp hài hòa giữa việc cần cù học tập với lĩnh hội tri thức từ sách vở, tài liệu. Nếu đọc sách thường xuyên và có phương pháp khoa học thì kiến thức của HS sẽ luôn được bổ sung, nâng cao, bồi dưỡng năng lực tư duy logic.

Sách giáo khoa (SGK) cùng với các tài liệu học tập khác là sự cụ thể hóa nội dung dạy học trong nhà trường, là nguồn tri thức quan trọng và phong phú đối với HS. SGK được HS sử dụng để phục vụ ôn tập và củng cố kiến thức. Các em có thể học thuộc hay tra cứu chính xác những số liệu, công thức, định nghĩa, định lý... trong quá trình học tập, tự học theo một chủ đề nhất định. Để việc lĩnh hội những kiến thức từ tài liệu, SGK hiệu quả, các em cần trang bị một số kỹ năng đọc sách cơ bản sau:

Kỹ năng đọc lướt

Đọc lướtnhằm tìm hiểu một cách khái quát nội dung, các kiến thức từng phần sắp xếp theo từng đề mục của quyển sách. Mục đích của kỹ năng này giúp HStìm được ý chính, bố cục, nắm vững vấn đề, luận điểm chính. Các em cần nắm, ghi nhớ những thông tin nhanh khi đọc lướt các mục lục, các chương cụ thể để hiểu tổng quát nội dung quyển sách. Với phương pháp đọc lướt, HS có thể thay đổi tốc độ đọc ở từng thời điểm khác nhau. Việc điều chỉnh tốc độ đọc rất quan trọng vì có đoạn chỉ cần đọc lướt qua, song có trang thì nên đọc chậm lại để hiểu được bản chất vấn đề: Phần giới thiệu, mở đầu các em có thể đọc nhanh hơn nhưng những phần chứa kiến thức khoa học, trừu tượng, khó hiểu thì cần giảm tốc độ đọc để tiếp thu nội dung dễ dàng hơn. Rèn luyện những kỹ năng đọc lướt giúp các em có thể nắm được nội dung khái quát của bài đọc nhưng lại không mất nhiều thời gian và công sức.

Kỹ năng tóm tắt

Tóm tắt là ghi lại những ý cơ bản, những dẫn chứng minh họa đã được chứng minh trong bài đọc. Trong SGK mỗi câu, mỗi đoạn đều có một hoặc nhiều từ khóa quan trọng quyết định đến tư tưởng, nội dung của toàn bài. Do đó, HS phải phát hiện, nhận dạng nhanh và ghi nhớ thật chi tiết những từ khóa. Chính vì vậy, các em không cần phải đọc hết câu hay đoạn mà vẫn có thể tóm tắt được ý chính. Để có khả năng tóm tắt được những từ khóa quan trọng, HS phải đọc thường xuyên và tạo cho mình thói quen nhận diện từ khóa để khu biệt các nhóm ý, tổng hợp các ý trong mỗi nhóm. Việc tóm tắt tài liệu có nhiều mức độ khác nhau tùy thuộc vào tính chất đầy đủ của nội dung. Dạng tóm tắt đầy đủ là phải ghi lại một cách ngắn gọn toàn bộ các thông tin, sự kiện. Dạng tóm tắt đơn giản là các em chỉ ghi tóm tắt những điểm nhấn trọng tâm, trọng điểm và quan trọng nhất, những nội dung còn lại chỉ ghi dưới dạng đề cương, nêu tên các vấn đề… Với phương pháp này, HS có thể gạch dưới hay ghi chú những ý cần thiết, quan trọng và có thể tóm ý mỗi chương, mỗi đoạn hoặc mỗi trang sau khi đọc.

Kỹ năng phân chia nội dung

Kỹ năng này đòi hỏi HS cần phải biết xác định được vấn đề cốt lõi của quyển sách, những khía cạnh mang tính bản chất xung quanh nội dung chính. Các em phải định dạng được những ý cơ bản của vấn đề đã đọc, muốn vậy khi đọc phải luôn hình dung những ý tưởng trong sách thành những biểu tượng để đối chiếu, so sánh. Để làm tốt phân đoạn này HS cần lĩnh hội có phê phán những kiến thức, những tư tưởng... biết phân tích, xem xét những thông tin quyển sách truyền tải nhằm đánh giá, phân loại, tách nội dung, thiết lập mối quan hệ giữa chúng. Sau đó, các em sắp xếp, đặt tên tiêu đề cho từng phần, đoạn đã đọc sao cho tên các đề mục phản ánh được ý chính. Phương pháp này tạo nền tảng thuận lợi cho kỹ năng phân loại tài liệu vì phân loại tài liệu được dựa trên cơ sở tiến hành phân chia nội dung, cấu trúc logic của bài đọc. Trong bài đọc có những luận điểm, ý tưởng cơ bản và những dẫn chứng chứng minh cho các vấn đề đó. Cho nên, HS phải biết phân biệt những thành phần, nội dung để phân loại, trích ghi tài liệu cho chính xác để khi cần có thể lục tìm nhanh chóng trong danh mục đã phân chia.

Kỹ năng trích ghi

HS không phải lúc nào cũng có thể nhớ hết những thông tin, tri thức đã đọc. Vì vậy ghi chép là thao tác quan trọng khi đọc sách, giúp các em ghi nhớ sâu hơn những nội dung, kiến thức đã đọc. Trích ghi là ghi lại nguyên văn những từ, những câu văn, câu thơ, ý tưởng, những đoạn trong tài liệu, trong đóng mở ngoặc kép hoặc ghi tóm tắt chương, mục... để khi cần HS có thể dẫn chứng làm tăng thêm tính thuyết phục của những luận điểm trình bày, chứng minh. Kỹ năng này đòi hỏi HS phải ghi chép một cách cụ thể, khoa học như: Nội dung, tên tác phẩm, tác giả, nhà xuất bản, năm xuất bản, trang… Các em nên tạo thói quen đánh dấu, gạch dưới những phần, từ ngữ, những điểm nhấn cần thiết trong quyển sách. Các em có thể ghi lại nội dung, những tư tưởng, những ý hay, các sự kiện, công thức, số liệu… vào một cuốn sổ tay để khi cần thiết có thể xem lại. Ghi chép trong khi đọc là việc làm cần thiết bởi vì dù học sinh có tập trung suy nghĩ thận trọng và sâu sắc nhưng nếu không ghi chép tỉ mỉ, kết quả đọc sẽ không cao và những thông tin không thể lưu giữ lâu trong trí nhớ.

Kỹ năng lập dàn bài

Dàn bài là tổ hợp các đề mục chứa đựng những ý cơ bản có trong bài đọc. Các phần của dàn bài HS phải chi tiết hóa, phân nhỏ ra thành từng phần. Để lập dàn bài HS cần tách ra các ý chính, thiết lập giữa chúng mối quan hệ, nối kết các yếu tố để sắp xếp lại thành một trật tự có hệ thống trên cơ sở chia nhỏ bài đọc, lựa chọn đề mục cho từng phần nhỏ. Khi lập dàn bài HS phải làm nổi bật các yếu tố, các luận điểm chính đồng thời không bỏ qua các yếu tố như cấu trúc, nội dung chính, lời mở đầu, thân bài, kết luận của bài đọc. Làm tốt kỹ năng xây dựng dàn bài giúp các em phát triển tư duy trong đọc sách, có cơ sở vững chắc để khái quát, kiến lập hệ thống tri thức một cách khoa học, ngắn gọn, súc tích từ nội dung một chương hay nhiều chương.

Kỹ năng lập đề cương

Đề cương là những ý cơ bản của bài đọc được HS tóm tắt lại, đề cương là sự chi tiết hơn của dàn bài có kèm theo những câu, những đoạn trích dẫn. Những ý, quan điểm chính của đề cương được sàng lọc từ nội dung chi tiết của bài đọc dựa trên các chương mục, tiểu mục. HS thiết kế kết cấu của đề cương phải đáp ứng mục tiêu xây dựng vừa mang tính khái quát cao nhưng lại cô đọng cụ thể trong từng nội dung chính. Việc lập đề cương phải được thực hiện theo một hệ thống thông tin logic để khi cần các em có thể tư duy, hình dung, tưởng tượng kiến thức theo chiều ngang hoặc chiều dọc. Làm tốt công việc xây dựng đề cương giúp HS tiếp cận kiến thức có thể hệ thống và nắm nội dung bài đọc một cách nhanh chóng, chi tiết đồng thời phát huy được tính chủ động, tích cực, sáng tạo trong quá trình học tập.

ThS. Nguyễn Minh Trung (ĐH Nguyễn Huệ)

Trong thời đại bùng nổ công nghệ tri thức như hiện nay, SGK cùng với các tài liệu tham khảo khác là nguồn tri thức bổ sung quan trọng cho HS. Việc sử dụng sách đúng phương pháp, khoa học sẽ giúp các em mở rộng, đào sâu hệ thống kiến thức, rèn luyện thói quen đọc sách, tăng thêm vốn từ vựng, ngữ pháp và tinh thần hứng thú trong học tập…

www.ojo.vn - Sưu tầm

Video liên quan

Chủ đề