Các vị la hán chùa tây phương ngữ văn lớp năm 2024

Giữa cơn lốc thời gian, vạn vật đều phải hướng về phía trước, cùng tiến theo chiều gió thời gian, nếu không muốn bị đào thải lại phía sau. Thời gian là chất liệu nhẹ nhàng êm ái làm xoa dịu bao vết đau, làm thắm đượm bao tình nghĩa và làm khởi sắc bao tình cảm cao đẹp, để hướng về một ngày mai tươi sáng. Vì thế, suốt chặng đường dài của lịch sử, dân tộc Việt Nam đã trải qua bao cuộc thăng trầm biến chuyển, dòng văn học Việt Nam cũng theo từng thời kỳ ấy mà vươn lên khởi sắc. Biết bao văn nhân, thi nhân đã bày tỏ niềm suy cảm, nỗi ước mơ của mình qua những vần thơ văn mộc mạc, góp phần làm cho kho tàng văn học ngày càng thêm phong phú. Huy Cận là một nhà thơ trong thời giao thoa giữa hai nền văn học cũ và mới. Ông xuất thân trong một gia đình Nho giáo, nên ít nhiều cũng hấp thụ được dòng tư tưởng của Nho gia; rồi lại được hấp thụ nền giáo dục tân thời, nên trong thơ ông có những nét độc đáo và phong thái riêng biệt. Đối với ông, từng mảnh đất được hồi sinh “Đất nở hoa”, từng tấm lòng nhân hậu của “Những bà mẹ và người vợ”, từng mái lá đơn sơ của “Ngôi nhà giữa nắng” v.v… đều đã trở thành những tác phẩm thi ca mang tính hồn nhiên trong sáng. Và với cái nhìn hoàn toàn mới, ông đã “dạo bước” đến chùa Tây Phương, một công trình kiến trúc cổ độc đáo được dựng ở trên núi Câu Lâu, để rồi qua những bức tượng La Hán, ông đã thấy nó mang một nét gì đó rất riêng của nhà Phật, nhưng cũng rất chung của dân tộc Việt Nam, trong buổi giao thời loạn lạc đau thương. Bài thơ “Các vị La Hán chùa Tây Phương” của ông được ra đời trong bối cảnh như vậy, làm cho hậu học chúng ta ai đã từng đọc qua đều mang nhiều cảm xúc khác nhau.

Trong cuộc sống muôn màu muôn vẻ, những gì đã đi qua đều trở thành kỷ niệm quá khứ. Có những kỷ niệm thoáng đến rồi đi chẳng có gì sâu lắng, nhưng cũng có những kỷ niệm đau lòng mà suốt đời không làm sao quên được. Vì thế tiếng súng đầu tiên nơi cửa biển Đà Nẵng, đã đánh thức bao giấc ngủ bình yên của người dân đất Việt. Đó là điểm mở màn cho cuộc xâm lăng của đoàn quân viễn chinh Pháp, là một dấu chấm để kết thúc một triều đại suy vong, là một thí trường để tuyển chọn bậc anh hùng trong thời loạn, và đây cũng là một bước ngoặt lịch sử đưa dân tộc Việt Nam đến chỗ lầm than nô lệ. Bấy giờ, dù cho suy nghĩ, nói năng cũng không ai dám bộc lộ hết tâm ý của mình, bao nhiêu cuộc nổi dậy của nghĩa quân dưới sự lãnh đạo của Đề Thám, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Hoa Thám v.v… vẫn chỉ vang bóng một thời, rồi cũng bị lịm tắt. Muôn dân sống trong tâm trạng hoang mang lo sợ, chờ đợi bậc anh tài cứu nước cứu dân. Và có đau đớn nào hơn khi phải làm nô lệ cho ngoại bang, bấy giờ lại không có người lèo lái vận mạng quốc gia, người dân chẳng làm gì khác hơn là phải chịu làm tôi cho giặc. Phật giáo đã bao phen chịu đựng sự thăng trầm vinh nhục cùng với dân tộc. Nếu như đã có những vinh quang rạng rỡ ở hai triều đại Lý - Trần, Phật giáo được xem là quốc giáo, thì sao lại không có những lúc phải chịu đựng nỗi tủi nhục của kiếp đọa đày nô lệ; tôn giáo cũng bị hạn chế bởi ngoại giáo từ nước ngoài du nhập. Có lẽ vì vậy, Huy Cận đã bắt gặp những pho tượng ở chùa Tây Phương mang nỗi buồn sâu lắng của dân tộc, và mối u hoài của Phật giáo thời xưa:

“Há chẳng phải đây là xứ Phật,

Mà sao ai nấy mặt đau thương”.

Để rồi mỗi người mỗi vẻ, mỗi một pho tượng đều có những phong thái, tư chất riêng được những nhà họa sĩ tài danh khắc họa thật sống động. Với nét bút của Huy Cận chúng ta như nhìn thấy được tận tâm hồn của mỗi pho tượng:

“Đây vị xương trần chân với tay,

Có chi thiêu đốt tấm thân gầy.

Trầm ngâm đau khổ sâu vòm mắt,

Tự bấy ngồi yên cho đến nay.”

Và làm sao bình yên được trong khi cuộc sống bên ngoài luôn xáo trộn, mọi sự tha hóa tội lỗi đang diễn bày ra trước mắt. Vua quan triều đình tham ô, dâm loạn, bọn lính lê dương (lính Pháp) thì ngạo mạn hoành hành, còn con dân đất Việt thì cúi đầu cam chịu bao đau khổ và tủi nhục, cho nên “Cả cuộc đời nghe đủ chuyện buồn”.

Cả khổ thơ dài 12 câu đã diễn tả được những nét riêng biệt đặc thù, làm nổi bật từng nét cụ thể của những pho tượng, qua đó bộc lộ được nội tâm sâu lắng, dằn vặt như thế nào.

Tác giả đã rất tài tình trong lối miêu tả ngoại hình nhân vật, bởi vì qua mô tả ngoại hình khắc khổ, khô gầy còn trơ lại mảnh xương tàn, với dáng ngồi yên bất động, nhưng tự nó đã làm cho người đọc như thể nhìn thấy được chiều sâu tâm hồn của từng pho tượng, qua những từ “thiêu đốt”, “trầm ngâm”… những hình ảnh “sâu vòm mắt”, “Tự bấy ngồi yên cho đến nay”.

Huy Cận đã sử dụng nghệ thuật tạo hình tới mức tối đa, làm cho chúng ta tưởng chừng như đang nhìn ngắm những pho tượng như những con người sống thật. Cái tài của ông đã phản ảnh chân thực, phản ánh được cái thiên tài của những nhà điêu khắc. Cái tài của nhà điêu khắc là tạo được những bức tượng nghệ thuật sống động, đầy ấn tượng. Nhà thơ chẳng phải “chụp” được hình ảnh một cách chân thật, mà còn “chụp” được cái thần của tác phẩm nghệ thuật ấy. Nghĩa là qua bút lực của Huy Cận, chúng ta thấy được cái tài của những nhà điêu khắc Việt Nam vào thế kỷ XVIII. Qua 4 câu thơ:

“Có vị mắt giương mày nhíu xệch

Trán như nổi sóng biển luân hồi

Môi cong chua chát tâm hồn héo

Gân vặn bàn tay mặt máu sôi.”

Chúng ta sẽ thấy được từng hình khối, từng đường nét, hằn lên một cách mạnh mẽ tính cách của nhân vật. Những chữ “giương”, “nhíu xệch”, “chua chát ”, những hình ảnh “nổi sóng biển luân hồi”, “Gân vặn bàn tay mặt máu sôi”… như muốn phóng ra ngoài những suy tư, trăn trở, những dày vò khắc khổ ở tận cùng nội tâm sâu thẳm.

Trong vị trí tiếp cận pho tượng, tác giả đã dẫn dắt chúng ta cùng đi tham quan, xem xét từng nét đặc thù riêng biệt của mỗi pho tượng. Giờ đây với quần thể chung 18 pho tượng ấy, tác giả đứng xa hơn để ngắm nhìn được những nét đẹp bàn bạc, mênh mông; đồng thời cùng chìm đắm trong những suy tư, trăn trở, vật vã và bất lực toát lên từ những nét đau khổ chung của mỗi pho tượng.

“Các vị ngồi đây trong lặng yên

Mà nghe giông bão nổ trăm miền

Như từ vực thẳm đời nhân loại

Bóng tối đùn ra trận gió đen”.

Phải chăng Huy Cận đã muốn nhắc nhở chúng ta nỗi đau chung của kiếp con người trong cuộc sống. Trong buổi giao thời cuộc sống luôn trăn trở, con người là nạn nhân cũng là nhân tố chính tạo gây bao điều đau khổ. Vậy nên bao nhiêu miền đất nước là bấy nhiêu niềm đau được hằn sâu vào lòng nhân loại. Để rồi niềm đau ấy lan rộng ra, mang theo những khổ đau, đối với chúng chẳng ai cầu mong mà vẫn đến, chẳng khác nào cơn dịch ác tính luôn đe dọa loài người. Và chúng ta sẽ thấy được gì khi:

“Mỗi người mỗi vẻ mặt con người

Cuồn cuộn đau thương chảy dưới trời

Cuộc họp lạ lùng trăm vật vã

Tượng không khóc cũng đổ mồ hôi.”

Dưới lăng kính nhìn của nhà thơ, những pho tượng như được nhân cách hóa lên thành những con người thật, sống động tinh tế, hay nói khác đi, những pho tượng ấy đã toát lên chất người tự hữu, cùng đau nỗi đau chung của nhân loại. Huy Cận đã biến những pho tượng lặng yên kia thành những sinh hoạt thể dụng, có một tâm trạng sục sôi căng thẳng. Nói như trong nhà Phật, toàn thể chúng sanh chỉ vì vô minh tham vọng mà đang bị nung nấu trong nhà lửa tam giới, nên “Cuồn cuộn đau thương chảy dưới trời”.

Như chúng ta biết, Đạo Phật hiện hữu nơi cuộc đời bằng chính con người và không phải vì Đạo Phật, mà vì mục đích phục vụ con người. Huy Cận đã dùng bút pháp tài tình để đúc kết thành một bài thơ hay từ nội dung lẫn hình thức, qua những hình ảnh các pho tượng La Hán, lột tả được tận tâm hồn của những con người sống thực trong xã hội; đánh dấu sự tìm kiếm của nhà thơ trước muôn vàn cuộc sống, thể hiện đầy chất trí tuệ của thơ ca. Bằng ngôn ngữ tinh lọc, cảm xúc sâu sắc, những từ ngữ tượng hình “trầm ngâm”, “thiêu đốt”, “gân vặn bàn tay”, “nửa như khói ám, nửa sương tàn”… và từ tượng thanh “máu sôi”, “bão nổ”, “cuồn cuộn”… tác giả đã giúp chúng ta nhận thức được những thành tựu rực rỡ của nền nghệ thuật, của những nghệ nhân điêu khắc vào thế kỷ XVIII; đồng thời sáng ngời niềm tin vào một thời đại mới. Nói về thơ của Huy Cận, Xuân Diệu đã viết: “Những suy tưởng của Huy Cận không phải là trí tuệ, mà là tổng hợp suy nghĩ và xúc cảm từ cá biệt cụ thể, mà mở rộng ra đến toàn bộ sự sống, đến toàn bộ vũ trụ”. Đồng thời, chúng ta có thể đánh giá được những tài năng lỗi lạc của những nghệ nhân tạc tượng vào thế kỷ XVIII. Qua bút pháp tuyệt vời của Huy Cận, chúng ta đã nhìn thấy được tận tâm hồn của những pho tượng, tiêu biểu cho hình ảnh người dân Việt Nam đau thương, tủi nhục của kiếp người nô lệ, đang khát khao tìm được cho mình và người một con đường giải thoát, một chân lý giác ngộ.

Chủ đề